Ông chủ của tập đoàn IKEA, Ingvar Kamprad lớn lên trong một thị trấn nhỏ nghèo nàn ở Thụy Điển. Người dân nơi đây phải xếp hàng dài để có thức ăn và việc làm. Nhờ bộ óc sáng tạo xuất chúng, ông đã giúp gia đình kiếm được nhiều tiền hơn và trở thành một doanh nhân thành đạt, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Giống như hầu hết mọi người trong thị trấn, ban đầu, cha mẹ của ông chỉ kiếm được số tiền ít ỏi nhờ công việc làm nông, nhưng số tiền kiếm được không bao giờ đủ đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống. Đa số người dân xung quanh khu vực ông sống hối hả kiếm tiền bằng cách bán đồ tự làm hoặc thực phẩm bảo quản. Mẹ ông đã mở một nhà nghỉ để kiếm thêm thu nhập.
Sinh năm 1926, từ năm 5 tuổi, Ingvar Kamprad đã biết làm công việc bán diêm để phụ giúp gia đình. Sau 2 năm đầu tiên bán hàng, ông nhận ra rằng thu nhập của mình “chỉ có vài đồng xu”. Đây là lúc ông tự tìm ra cơ hội cho mình, ông nhờ dì mua hộ diêm với số lượng lớn từ Stockholm gửi cho ông, sau đó ông chia chúng vào các gói nhỏ hơn để bán lại.
Ingvar thành lập IKEA năm 1943 khi mới 17 tuổi. Về cơ bản, đó là sự mở rộng công việc kinh doanh thời thơ ấu của ông. Ban đầu, ông bán đồng hồ, bút, tất nylon và khung tranh qua mail đặt hàng. Ông quảng cáo sản phẩm trên báo chí và sử dụng xe bán sữa địa phương để vận chuyển đơn đặt hàng đến ga tàu gần nhất.
Cửa hàng bán đồ nội thất đầu tiên của IKEA được mở vào năm 1950 như một mảng bán hàng của công ty. Các nhà sản xuất địa phương chịu trách nhiệm về tất cả các đồ nội thất và đạt được thành công lớn. Chúng nổi tiếng đến mức ông Ingvar quyết định ngừng bán mọi mặt hàng khác để tập trung vào đồ nội thất.
Là một người giàu có nhưng Ingvar rất ghét lãng phí thời gian và tiền bạc. Ông lái chiếc Volvo 240 GL đời 1993 trong gần 2 thập kỷ cho đến khi loại xe đó không còn an toàn nữa. Ông đi xe buýt khá thường xuyên. Có một lần ông được nhận giải “Doanh nhân của năm” nhưng đến trễ vì đi xe buýt và bị từ chối cho vào hội trường.
Ông dùng vé máy bay hạng Economy (phổ thông) và ở trong khách sạn khá rẻ tiền. Ông thích cắt tóc ở các nước “đang phát triển” vì chi phí rẻ, không vượt quá ngân sách cắt tóc của mình. Trong một cuốn sách năm 1998, ông nói rằng mình có thói quen ghé các chợ rau trên phố vào khoảng thời gian đóng cửa với hy vọng tìm được món hàng giá rẻ. Năm 2014, ông còn nói rằng những thứ ông đang mặc trên người đều mua ở chợ trời.
Ông sẽ nhắc nhở nhân viên nghiêm khắc nếu họ quên tắt đèn khi rời khỏi phòng. Có thông tin rằng nhân viên của IKEA không được vứt giấy nếu chưa dùng cả hai mặt. Có một lần, ông đã chỉ trích ai đó vì tội vứt bỏ đoạn thừa cuối cùng của một sợi dây. Theo ông, công ty có thể nối chúng lại với nhau để dùng vào việc khác.
Ông không cho phép các giám đốc bay hạng thương gia và họ được khuyến khích dùng những chiếc xe khiêm tốn. Ông luôn mua thứ rẻ nhất và từng xích mích với vợ vì bà đã chọn mua món đồ đắt hơn một chút. Ông thậm chí đã yêu cầu giảm giá cho món đồ này ở quầy thanh toán.
Sau cả cuộc đời hy sinh, ông Ingvar đã tạo ra khối tài sản cá nhân trị giá hơn 100 triệu USD. Trên thực tế thì tài sản thực của ông còn giá trị hơn nhiều. Ông đã để lại cho các con trai của mình một công ty thành công rực rỡ và cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn người trên toàn thế giới.
Ngoài ra, ông Ingvar là một người rất yêu quý quê hương. Ông đảm bảo rằng sau khi ông qua đời, một nửa số tiền của ông sẽ được đầu tư vào việc kích thích các hoạt động kinh doanh ở miền bắc Thụy Điển. Ông có tấm lòng quan tâm sâu sắc đến những người sống trong cộng đồng nhỏ. Họ không có nhiều cơ hội để thành công trong cuộc sống nên ông rất muốn góp phần giúp đỡ họ.
Minh Minh (Theo Bright Side)
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…