Trong khi mọi người đang tập trung vào cuộc chiến Nga – Ukraine, quốc gia Bắc Phi Libya mới đây lại hứng chịu cơn bão Daniel, lũ lụt chết người đã khiến ít nhất hơn 11.300 người thiệt mạng. Thành phố Derna bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có nhiều xác chết đến nỗi chỉ trong hai giờ, 200 thi thể dạt vào bờ biển, và cả thành phố bị bao phủ trong bầu không khí chết chóc.
Bão Daniel đã đổ bộ vào Libya và gây ra lũ lụt dữ dội, 25% diện tích thành phố Derna phía đông Libya đã biến mất. Truyền thông Mỹ hôm 15/9 đưa tin, Derna, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giống như một vùng chiến sự. Cùng ngày, truyền thông đưa tin, thi thể các nạn nhân đã bị lũ cuốn trôi xa hơn 100 km.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 16/9, gần 4.000 thi thể của nạn nhân đã được tìm thấy và được xác nhận danh tính, còn hơn 9.000 người vẫn mất tích. WHO đang hợp tác với Bộ Y tế Libya để tìm kiếm các nạn nhân và người mất tích.
Ngày 15/9, Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết, lũ lụt đã khiến ít nhất 11.300 người thiệt mạng, ngoài ra có khoảng 10.100 người mất tích, rất khó thống kê chính xác số người chết.
Ahmed Al-Hadl, người phụ trách công tác cứu trợ của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tại thành phố cảng Derna, cho biết các thi thể liên tục trôi dạt vào bờ biển và bãi biển xa nhất cách thành phố 150 km.
Ngày 16/9, WHO cho biết, 29 tấn vật tư y tế được Trung tâm Hậu cần Toàn cầu của WHO (WHO Global Logistics Hub) ở Dubai phân phối đến các khu vực thảm họa đã đến Benghazi (Libya), bao gồm thuốc men, đồ dùng băng bó vết thương và phẫu thuật khẩn cấp, thiết bị y tế và cả túi đựng thi thể.
Ngoài ra, nhiều nước cũng bày tỏ ý định hỗ trợ Libya. Tuy nhiên, do nhiều con đường bị phong tỏa và nhiều cây cầu bị phá hủy nên việc vận chuyển hàng cứu trợ đến vùng thiên tai gặp nhiều khó khăn. Tình hình chia rẽ chính trị ở Libya cũng đang gây cản trở công tác cứu hộ, đồng thời ảnh hưởng đến hệ thống cảnh báo thời tiết và ứng phó khẩn cấp của nước này.
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (World Meteorological Organization) đã chỉ ra vào ngày 14/9 rằng nếu cơ quan khí tượng của Libya hoạt động bình thường và các cơ quan khác nhau có thể phối hợp công việc tốt hơn thì phần lớn số người chết và bị thương do trận lũ lụt này có thể tránh được.
Thành phố Derna phía đông Libya là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt, hai con đập địa phương bị vỡ, 1/4 khu vực bị lũ cuốn trôi và nhiều người bị nước cuốn xuống biển. Cả thành phố tràn ngập mùi chết chóc, thi thể của các nạn nhân ở khắp mọi nơi, chỉ trong vòng 2 giờ, 200 thi thể đã dạt vào bờ biển.
Truyền thông Mỹ ngày 15/9 đưa tin, thành phố Derna giống như vùng chiến sự vừa hứng chịu một quả bom khổng lồ phát nổ. Các quan chức cho biết, sau khi hai con đập bị vỡ, trong khoảng 90 phút đã gây ra sức phá hoại và thiệt hại về nhân mạng, lũ lụt quét qua thành phố, phá hủy toàn bộ khu dân cư, nhà cửa và cơ sở hạ tầng, cuốn trôi mọi thứ ra biển.
Ngày 15/9, Đài BBC của Anh cho biết, thi thể của một số nạn nhân đã bị cuốn ra biển rồi dạt vào bờ biển cách thành phố Derna hơn 100 km.
Truyền thông phương Tây đưa tin, chính quyền miền đông Libya bị cáo buộc yêu cầu người dân ở nhà trong thời gian lũ lụt khiến nhiều người thiệt mạng.
Ông Othman Abdul Jalil, phát ngôn viên của chính quyền miền đông Libya, đã phủ nhận cáo buộc và cho biết binh lính đã đưa ra cảnh báo cho người dân vào thời điểm đó, kêu gọi họ chạy trốn khỏi thành phố Derna. Ông thừa nhận rằng một số người vào thời điểm đó có thể đã nghĩ rằng những lời đe dọa lũ lụt đã bị phóng đại.
Các quan chức địa phương trước đó cho biết, điện và thông tin liên lạc địa phương đã bị cắt. Ông Osama Hamad, lãnh đạo quốc hội miền đông Libya, nói với các phóng viên vào ngày 15/9 rằng do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, trong đó có thể bao gồm việc phong tỏa thành phố Derna. Nhìn quanh thành phố Derna phía đông Libya, tất cả những gì bạn có thể thấy là sự tàn phá, cây cối bị đổ, các tòa nhà bị phá hủy và ô tô bị chôn vùi dưới lớp bùn dày.
CNN dẫn lời một thành viên đội tìm kiếm cứu nạn cho biết: “450 thi thể đã được trục vớt trên biển trong 3 ngày qua, vẫn còn nhiều thi thể dưới nước. Hoạt động tìm kiếm cứu nạn rất phức tạp.”
Thành viên đội tìm kiếm cứu nạn cho biết: “Đại dương đã nhuộm đỏ, không còn màu xanh nữa và chứa đầy xác chết, máu và [mảnh vụn] công trình nhà cửa”.
Hiện các đội tìm kiếm cứu nạn từ khắp nơi trên thế giới lần lượt vào khu vực thiên tai để cứu trợ, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm vật tư, trong đó có 5.000 túi đựng thi thể để chôn cất các nạn nhân.
Nhìn từ trực thăng, hai con đập ban đầu đã bị san bằng, nguyên nhân khiến hai con đập bị vỡ có thể liên quan đến việc không được bảo trì sau năm 2002.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết: “Đây là một thảm họa chưa từng có”. Tuy nhiên, WHO chỉ phân bổ 2 triệu USD để cứu trợ thảm họa.
Truyền thông phương Tây đưa tin, đằng sau thảm họa này không chỉ là khí hậu khắc nghiệt hoành hành, mà còn là những thảm họa do con người gây ra, chính quyền Libya đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ vỡ 2 con đập.
Ngoại giới suy đoán rằng số người chết thực sự vì lũ lụt ở Libya có thể vượt quá 20.000 người.
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…