Luật sư David Matas chia sẻ về quá trình vạch trần tội ác thu hoạch tạng

Tốt nghiệp Đại học Oxford, Anh quốc, và là một chuyên gia pháp lý về luật tị nạn, nhập cư, nhân quyền, chuyên gia nghiên cứu về diệt chủng Do Thái, ông David Matas được biết đến như một luật sư uy tín, từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010, và nhận được nhiều giải thưởng nhân quyền quốc tế. Ông cùng cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương David Kilgour là hai người đi đầu trong việc nghiên cứu và nâng cao nhận thức về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Chia sẻ dưới đây được ông đọc trong sự kiện của Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo Scarborough của Đại học Toronto vào ngày 28 tháng 2 năm 2021. Mời xem bản gốc tại đây.

Luật sư nhân quyền David Matas. (Ảnh: Minghui)

Việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị vạch trần như thế nào? Câu chuyện bắt đầu từ một người tố giác, đó là một phụ nữ có biệt danh Annie, người đã tuyên bố công khai vào tháng 3 năm 2006 rằng chồng cũ của cô đã thu hoạch giác mạc của người tập Pháp Luân Công từ năm 2003 đến năm 2005 tại bệnh viện Tô Gia Đồn ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Theo đó, các bác sĩ trong bệnh viện cũng chịu trách nhiệm thu hoạch các cơ quan nội tạng khác. Người tập Pháp Luân Công bị giết bằng cách mổ lấy nội tạng. Sau khi bị lấy nội tạng, thi thể của họ bị hỏa táng.

Phản ứng chính thức của chính quyền Trung Quốc: những điều Annie nói là tin đồn vô căn cứ, là hành động ngu xuẩn, đáng khinh bỉ, một lời nói dối xấu xa, một hoạt động bôi nhọ và một sự bịa đặt tuyệt đối của nhóm Pháp Luân Công ở nước ngoài [1]. Theo cách nói hoa mỹ của Shakespeare, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phản đối “quá lố” (“doth protest too much methinks”).

Bất chấp sự phản đối kịch liệt của Đảng, một vài sự thật đã có ngay từ đầu. Annie không phải là một người tập Pháp Luân Công. Cô đến từ Thẩm Dương. Cô cùng chồng cũ đã làm việc tại bệnh viện Tô Gia Đồn.

Tuyên bố công khai của Annie đã làm các chính phủ và tổ chức nhân quyền phi chính phủ nước ngoài cũng như cộng đồng Pháp Luân Công dấy lên mối quan ngại. Tuy nhiên, rất khó tìm ra bằng chứng để xác nhận những gì Annie đã nói.

Vậy là, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington DC, Liên minh Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã đến gặp David Kilgour và tôi, yêu cầu chúng tôi điều tra. Họ không trả chúng tôi tiền, không đưa ra dữ liệu và không có lấy một lời hướng dẫn. Tất cả những gì họ đưa cho chúng tôi là một câu hỏi: Các ông sẽ làm điều này chứ?

Dù là hiện tại hay quá khứ thì tôi vẫn là một luật sư ở Winnipeg làm việc chủ yếu trong lĩnh vực luật nhân quyền quốc tế và cụ thể là luật tị nạn. Từ công việc pháp lý của mình, tôi biết rằng Pháp Luân Công đã bị đàn áp ở Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi biết họ bị bức hại theo cách này – bị giết để lấy nội tạng.

Tôi cũng biết rằng việc xác định xem điều Annie nói là đúng hay sai sẽ không dễ dàng. Vấn đề ở đây không phải là những gì Annie mô tả đã xảy ra hay đã thỉnh thoảng xảy ra, mà là liệu nó có đang diễn ra một cách có hệ thống hay không.

Bản chất của những gì được mô tả cho thấy rất ít khả năng có nhân chứng. Nó không diễn ra ở nơi công cộng. Mọi nhân chứng đều là nạn nhân hoặc thủ phạm. Các nạn nhân không có cơ hội sống sót để kể lại.

Không có khả năng có được bằng chứng vô tội do nghi can cung cấp. Ngay cả khi có, nó cũng không nhất thiết đáng tin cậy, vì thủ phạm thường xuyên bóp méo sự thật để minh oan cho bản thân.

Việc hỏa táng thi thể các nạn nhân đồng nghĩa với việc không có bằng chứng pháp y nào. Hiện trường vụ án, nếu có, là một phòng mổ, được dọn dẹp sạch sẽ sau mỗi ca mổ. Hồ sơ về bệnh viện và về chính quyền Trung Quốc không được công khai.

Bằng chứng từ Annie hầu hết là bằng chứng về những gì chồng cô đã nói với cô. Bản thân cô không tuyên bố có mặt trong các ca mổ lấy nội tạng. Hơn nữa, cho dù là có mặt, làm sao cô ấy hay bất cứ ai biết được tín ngưỡng của một cơ thể đang nằm mê man trên bàn mổ [có phải là Pháp Luân Công hay không]?

Chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bác bỏ những gì Annie nói bằng cách trưng ra một bức ảnh của bệnh viện và cũng bằng cách thực hiện một chuyến tham quan bệnh viện. Tuy nhiên, không biện pháp nào, về mặt khách quan, đủ để bác bỏ cáo buộc đó.

Khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này lại chính là lý do tại sao tôi tiếp tục theo đuổi nó. Bởi vì tôi đã tham gia nhiều và trường kỳ vào công cuộc bảo vệ nhân quyền, tôi biết những hạn chế trong việc nghiên cứu về nó. Các tổ chức chính phủ và liên chính phủ có xu hướng dựa vào các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ có xu hướng chọn những việc dễ và nhanh gọn. Các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực nhân quyền về cơ bản là các tổ chức vận động kết hợp với các nhóm nghiên cứu để chứng minh công việc của họ. Những việc khó thực hiện sẽ không có nhiều giá trị đối với họ, bởi vì ngay cả khi họ chứng thực được, thì cũng rất khó để trình bày kết quả đó.

Tôi cảm thấy rằng, bằng cách nhận vụ này cùng David Kilgour, tôi và David Kilgour có thể làm điều cần phải làm mà không ai khác muốn làm. Vì vậy, chúng tôi đã tiếp nhận vụ việc.

Nhưng làm thế nào để thực hiện nó? Như tôi thấy, nhiệm vụ của chúng tôi không phải là cố gắng chứng minh Annie đúng, mà là chứng thực Annie đã đúng hoặc đã sai, không để vấn đề trong tình trạng mơ hồ.

Để chuẩn bị cho việc này, tôi đã xây dựng chuỗi dấu vết cho cả hai phía, chứng minh và bác bỏ. Nếu điều Annie nói là sự thật, thì bằng chứng nào cho thấy điều đó là đúng? Nếu điều Annie nói là sai, thì bằng chứng nào cho thấy điều đó là sai?

Như đã nói về bản chất của vụ việc, chỉ một bằng chứng là không thể đủ để trả lời câu hỏi. Sẽ không có loại bằng chứng hiển nhiên nào, như David Kilgour nói, sẽ không thể tìm được con dao mổ dính máu của người bị hại. Tuy nhiên sẽ có các bằng chứng nhỏ, chỉ về hướng này hoặc hướng kia. Kết luận sẽ được đưa ra dựa trên việc nhìn nhận các bằng chứng một cách tổng thể chứ không phải là đơn lẻ.

Đây là một phương pháp nghiên cứu, và nó sẽ không gây tranh cãi về mặt phương pháp luận. Tuy nhiên, việc trình bày kết quả nghiên cứu sẽ trở nên khó khăn. Chúng tôi có thể cho mọi người biết một cách ngắn gọn kết luận của mình. Chúng tôi cũng có thể cho mọi người biết mình đã đi đến kết luận đó như thế nào, thông qua hàng trăm trang và hàng nghìn chú thích cuối trang. Nhưng chúng tôi không thể cho bạn biết ngắn gọn làm thế nào mà chúng tôi đi đến những kết luận đó.

Về cơ bản, chúng tôi phát hiện ra rằng người tập Pháp Luân Công đã bị giết để lấy nội tạng ở quy mô công nghiệp. Việc giết người bằng cách mổ cướp nội tạng không chỉ xảy ra ở bệnh viện Tô Gia Đồn, không chỉ ở thành phố Thẩm Dương, không chỉ ở tỉnh Liêu Ninh. Nó đã xảy ra trên khắp Trung Quốc. Nó không chỉ xảy ra vào những năm Annie nói rằng chồng cô đã làm điều đó; nó bắt đầu với Pháp Luân Công vào đầu những năm 2000 và tiếp tục cho đến ngày nay.

Hơn nữa, không chỉ Pháp Luân Công là nạn nhân. Còn có các nạn nhân là người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, các Kitô hữu tại gia, đặc biệt là phái Kitô Đông phương thiểm điện, và những người bị kết án tử hình vì những tội ác thông thường. Mặc dù vào thời điểm chúng tôi đưa ra báo cáo của mình, một lượng lớn nhạn nhân là Pháp Luân Công, nhưng các tù nhân lương tâm đầu tiên trở thành nạn nhân là người Duy Ngô Nhĩ.

Có những lý do thực tế cho việc họ lựa chọn người tập Pháp Luân Công. Một trong số đó, là vì vào năm 2006, Trung Quốc không có hệ thống phân phối nội tạng quốc gia và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc ghép tạng, bởi vì hầu hết các cơ quan nội tạng chỉ có thể tồn tại bên ngoài cơ thể trong một thời gian rất ngắn do việc thiếu máu cục bộ. Các cơ quan nội tạng để cấy ghép đều có nguồn gốc từ địa phương. Trong khi đó, số lượng người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tùy tiện là khổng lồ và ở khắp mọi nơi.

Tình hình hiện đã thay đổi. Trung Quốc hiện đã có một hệ thống phân phối nội tạng quốc gia. Khoa học về cấy ghép tạng đã cho phép thời gian thiếu máu cục bộ kéo dài hơn. Dần dần, ngân hàng nội tạng cưỡng bức từ người tập Pháp Luân Công đã cạn kiệt bởi vì thời gian dài thảm sát thông qua việc mổ cướp tạng. Và một cuộc đàn áp mới tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ đã xuất hiện, dẫn tới việc giam giữ họ tùy tiện trong thời gian dài. Điều này đã dẫn đến một sự chuyển dịch, dù không hoàn toàn. Nguồn nội tạng chính đang chuyển dịch từ Pháp Luân Công sang Duy Ngô Nhĩ.

Đó là những kết luận của chúng tôi. Nhưng làm thế nào mà chúng tôi đi đến những kết luận đó? Vì tôi là một luật sư, thời gian ít ỏi trong buổi nói chuyện này chỉ đủ để tôi nói về một loại chuỗi bằng chứng, đó là chuỗi bằng chứng ở phương diện luật pháp.

Sự tồn tại của một điều luật là để cấm một hành vi, nhưng điều này không có nghĩa là hành vi đó sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, hành vi sẽ ít có khả năng xảy ra nếu điều luật đó tồn tại và được thực thi. Trong khi đó nó sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn trong trường hợp không có luật hoặc nếu luật tồn tại nhưng không được thực thi, đặc biệt là khi có những động cơ đáng kể để thực hiện hành vi này, ví dụ như đối với việc cấy ghép nội tạng.

Chúng tôi thấy, ngay từ khi chúng tôi bắt đầu công việc của mình, là việc giết hại người tập Pháp Luân Công để lấy nội tạng không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc hay nước ngoài. Nếu một người ở Canada cần nội tạng và một người khác ở Canada bị giết hại để lấy tạng phục vụ người đó, thì việc này là một tội ác. Tuy nhiên, nếu một người ở Canada đến Trung Quốc để ghép tạng và một tù nhân bị giết để lấy tạng phục vụ cho cấy ghép, thì việc giết người, vào thời điểm chúng tôi viết báo cáo đầu tiên của mình, không phải là tội ác ở Canada cũng như ở Trung Quốc.

Luật pháp ở Canada, trải qua 15 năm kể từ khi báo cáo đầu tiên của chúng tôi được công bố, vẫn giống nhau. Đã có một loạt các dự luật được các cá nhân trong chính phủ đưa ra để cố gắng khắc phục tình hình này. Có một dự luật được đưa ra trước Nghị viện hiện tại, mang tên dự luật S-204. Nhưng luật thì vẫn như cũ. Một người Canada có thể ra nước ngoài, nhận nội tạng từ một tù nhân lương tâm bị giết hại và trở về nhà mà không phải sợ rằng bất kỳ ai liên quan đến hành vi này sẽ bị truy tố.

Luật hình sự Canada về cơ bản là mang tính lãnh thổ. Việc phạm tội bên ngoài lãnh thổ rất ít bị truy tố trong luật hình sự Canada. Vì vậy, những gì chúng ta thấy trong luật hình sự Canada là đáng thất vọng, nhưng không đáng ngạc nhiên.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là bản thân Trung Quốc không có lệnh cấm. Trung Quốc năm 2006 không có luật cấm việc sử dụng nội tạng từ tù nhân mà không có sự đồng ý của họ hoặc sự đồng ý của gia đình họ sau khi họ chết. Thay vào đó, Trung Quốc có hai đạo luật, một đạo luật ban hành năm 1979 về giải phẫu tử thi và một đạo luật khác ban hành năm 1984 về việc sử dụng nội tạng của những tội phạm bị kết án. Đạo luật năm 1984 rõ ràng cho phép thực hiện hành vi này – tìm nguồn nội tạng từ tù nhân để cấy ghép và nghiên cứu mà không cần sự đồng ý của họ trước khi họ chết hoặc sự đồng ý từ gia đình của họ sau khi họ chết – miễn là thi thể không có người nhận.

Một luật khác của Trung Quốc được đưa ra vào tháng 3 năm 2007, sau khi báo cáo của chúng tôi được công bố, đã coi việc sử dụng nguồn nội tạng mà không có sự đồng ý là một tội ác. Tuy nhiên, cần chú ý rằng các luật năm 1979 và 1984 quy định rằng hành vi đối với tù nhân là không phạm tội, và chúng vẫn có hiệu lực cho đến ngày nay.

Nếu sử dụng nguyên tắc diễn giải luật pháp, thì các điều luật phải được thông qua mà không tạo ra sự mâu thuẫn trong luật pháp, và nếu có mâu thuẫn, thì điều luật hướng tới quy mô nhỏ hơn sẽ được coi như một ngoại lệ đối với điều luật mang tính tổng thể. Việc diễn giải luật pháp cho chúng ta biết rằng luật pháp Trung Quốc cấm sử dụng nguồn nội tạng từ những người không phải tù nhân mà không có sự đồng thuận của họ. Tuy nhiên đối với tù nhân, việc sử dụng tạng mà không có sự đồng ý vẫn hợp pháp. Và tất nhiên, tù nhân lương tâm [những người bị bắt giữ chỉ vì đức tin của họ] cũng là một loại tù nhân.

Tất nhiên, ngoài việc ở Trung Quốc thì hành vi sử dụng nguồn nội tạng từ các tù nhân lương tâm mà không có sự đồng ý của họ hoặc sự đồng ý của gia đình họ là hợp pháp, còn có những yếu tố khác trong vấn đề tìm nguồn cung cấp nội tạng ở Trung Quốc. Nhưng trên đây, tôi muốn cung cấp cho mọi người dấu hiệu của một loại bằng chứng mà chúng tôi đã sử dụng để đi đến kết luận của mình. Tôi mời những ai quan tâm hãy tiếp tục, thông qua việc đọc các tài liệu [như bản báo cáo năm 2016 (bản tiếng Anh tại đây)], cùng tham gia vào hành trình thu thập bằng chứng của chúng tôi để đi đến kết luận của mình.

Chúng ta cần làm gì trước điều này? Một lần nữa, với thời gian ít ỏi, tôi sẽ chỉ đưa ra một đề xuất.

Đối với tất cả những người tham gia vào lĩnh vực cấy ghép ở Trung Quốc, trước tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm đang phổ biến ở Trung Quốc, chúng ta cần có một giả định. Cần phải giả định rằng tất cả mọi người liên quan đến lĩnh vực cấy ghép ở Trung Quốc đều đồng lõa với việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm, bởi chúng ta thiếu bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho điều ngược lại.

Điều đó có nghĩa là không nên có sự trao đổi học thuật giữa các tổ chức cấy ghép tạng thuộc các bệnh viện Trung Quốc với các bệnh viện ở nước ngoài. Không nên có các chức danh giáo sư thỉnh giảng tới và từ ngành cấy ghép tạng ở Trung Quốc. Chắc chắn không nên có bằng cấp danh dự cho những người làm việc trong lĩnh vực này ở Trung Quốc. Không nên để những nhà nghiên cứu cấy ghép tạng Trung Quốc trình bày hay công bố nghiên cứu của họ. Không nên tổ chức đào tạo cho những người hoạt động trong lĩnh vực này ở Trung Quốc. Không nên tham dự các hội nghị cấy ghép ở Trung Quốc và cũng không nên cho phép họ tham dự hội nghị cấy ghép tạng ở nước ngoài. Không nên để người nước ngoài tham gia vào các hiệp hội cấy ghép Trung Quốc. Và những điều tương tự, trừ khi giả định nói trên bị bác bỏ. Mục tiêu phải là tẩy chay hoàn toàn, trừ khi cá nhân đưa ra bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về việc họ không liên quan đến việc lạm dụng tù nhân lương tâm cho việc cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.

Cụ thể Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo của Đại học Toronto có thể làm gì để thúc đẩy mục tiêu này? Bước đầu tiên là tìm hiểu sự thật. Có những mối liên hệ nào, nếu có, giữa lĩnh vực cấy ghép của Trung Quốc và Đại học Toronto, dù là ở khoa y của trường hay Mạng lưới Y tế Đại học – tức là bao gồm các bệnh viện Đa khoa Toronto và Tây Toronto, Trung tâm Ung thư Princess Margaret, Viện Phục hồi chức năng Toronto và Viện Giáo dục Michener? Đang có hoặc đã từng có sự trao đổi học thuật trong lĩnh vực cấy ghép tạng với Trung Quốc chưa? Đang có hoặc đã từng có sự đào tạo chưa? Và những câu hỏi tương tự.

Trường Đại học và Mạng lưới Y tế của trường cần có các chính sách nhằm chống lại sự đồng lõa với việc lạm dụng cấy ghép nội tạng của Trung Quốc. Hiệp hội Sinh viên có thể giúp thực hiện các chính sách đó.

David Matas
Minh Nhật biên dịch

Tài liệu: [1] http://www.chinadaily.com.cn/china/2006‑04/12/content_566177.htm

Xem thêm: David Kilgour: Cần chấm dứt tội ác diệt chủng và thu hoạch nội tạng

Mời xem video:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Hungary sẽ triển khai hệ thống phòng không gần biên giới của Ukraine

Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…

38 phút ago

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

46 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

8 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

9 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago