David Kilgour: Cần chấm dứt tội ác diệt chủng và thu hoạch nội tạng
- Minh Nhật
- •
David Kilgour là cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một nhà hoạt động nhân quyền uy tín từng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Suốt 27 năm làm việc trong chính phủ Canada, ông từng là Công tố viên, rồi Nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế, Cố vấn chính phủ,… Ông là một trong những nghị sĩ phụng sự lâu đời nhất trong Quốc hội Canada. Dưới đây là bài bình luận của ông David Kilgour trên tờ Taipei Times, kêu gọi thế giới hành động để chấm dứt tội ác vô nhân tính tại Trung Quốc là tội diệt chủng và thu hoạch nội tạng.
Hạ viện Canada hôm thứ Hai (22/2) đã bỏ phiếu với tỷ lệ tuyệt đối 266-0 để tuyên bố cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo người Thổ ở Tân Cương, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, là tội diệt chủng trong khuôn khổ Công ước về Diệt chủng năm 1948. Tuyên bố cũng kêu gọi chính phủ Canada thúc đẩy việc chuyển Thế vận hội mùa Đông 2022 ra khỏi Bắc Kinh nếu tội ác chống lại loài người này không chấm dứt.
“Chủ tịch vĩnh viễn” của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang cố gắng lảng tránh bằng cách khẳng định rằng chính quyền của mình đã xóa nghèo thành công cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 lại nói rằng “có hơn 600 triệu người có thu nhập hàng tháng chỉ là 1.000 nhân dân tệ, không đủ để thuê một căn phòng”.
Quốc hội Hà Lan là hội đồng châu Âu đầu tiên tuyên bố cuộc đàn áp tại Tân Cương là diệt chủng, và các nền dân chủ khác cũng nên làm như vậy. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong việc tuyên bố những gì đang xảy ra ở Tân Cương là tội diệt chủng.
Việc thảm sát hàng loạt một cộng đồng thiểu số là đặc điểm chung nhất của một cuộc diệt chủng, chẳng hạn như Cuộc diệt chủng Rwanda vào năm 1994. Nhưng việc giết hại lượng lớn một số nhóm công dân cụ thể để bán nội tạng cũng nên được xét là diệt chủng. Trung Quốc là nước đặc biệt trong tổng số khoảng 200 quốc gia độc lập hiện nay, vì ngành thương mại cấy ghép nội tạng tại đây được nhà nước quản lý chứ không phải là được các bác sĩ phẫu thuật vô đạo đức phạm tội hình sự thực hiện.
Ông Enver Tohti, một người Duy Ngô Nhĩ, đã kể chi tiết về việc vào năm 1995, với tư cách là bác sĩ phẫu thuật tại một bệnh viện ở Ürümqi Tân Cương, ông đã bị đưa đến một bãi hành quyết để lấy thận và gan của một tù nhân còn sống. Vào năm 2019, ông Tohti đã công bố một bức ảnh về “Con đường xanh vận chuyển nội tạng người” tại sân bay Ürümqi, nơi xúc tiến việc vận chuyển nội tạng đến những người nhận toàn cầu.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin một bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm ở thành phố Aksu đã được chuyển đổi thành một trại tập trung với một lò hỏa táng lớn gần đó và một “hành lang xanh” để vận chuyển các cơ quan nội tạng ở sân bay Aksu gần đó.
Vào năm 2014, ông Ethan Gutmann, trong cuốn sách “Đại thảm sát” (The Slaughter – 2014) của mình, đã đặt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Kitô giáo tại gia vào bức tranh toàn cảnh [về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc]. “Ước tính hợp lý nhất” mà Gutmann đưa ra là nội tạng của 65.000 người tập Pháp Luân Công và “2 đến 4 nghìn” người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những Kitô hữu tại gia đã bị cướp đi trong giai đoạn từ 2000 đến 2008.
Năm 2017, Bắc Kinh bắt đầu dựng lên các trại tập trung “cải tạo” dành cho cộng đồng Hồi giáo, tương tự những gì chế độ đã làm đối với những người tập Pháp Luân Công từ khoảng giữa năm 1999. Cả hai mạng lưới này đều tiếp nhận các tù nhân bị cảnh sát bắt giữ mà không qua xét xử hoặc kháng cáo – một hành vi độc tài khởi phát trong thời Stalin nắm quyền ở Liên Xô. Bên trong hàng rào thép gai, camera giám sát và lính canh vũ trang là các trại lao động, nơi người Thổ thiểu số làm việc với mức lương rẻ mạt hoặc không lương.
Các tin tức gần đây về họ đã tạo ra ảnh hưởng lớn trong dư luận quốc tế. Những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ hiện đang sống tị nạn bên ngoài Trung Quốc mô tả về các vụ hãm hiếp và tra tấn vô nhân đạo mà họ và những nạn nhân khác phải trải qua trong các trại tập trung.
Những người tị nạn Tân Cương mô tả rằng họ bị xét nghiệm ADN và máu trong quá trình bị giam giữ.
Ông Gutmann cho biết các cuộc kiểm tra “hiển nhiên là để lấy mẫu mô phục vụ cấy ghép tạng”. Ông cũngs nói thêm rằng khách hàng cấy ghép tạng dưới hình thức du lịch ghép tạng thường trả giá cao hơn nhiều so với hầu hết công dân Trung Quốc. Do đó, mỗi tù nhân có thể trị giá khoảng 750.000 đô la Mỹ cho các cơ quan nội tạng quan trọng của họ.
Bà Maya Mitalipova, giám đốc Phòng thí nghiệm Tế bào gốc Người tại Viện Công nghệ Massachusetts cũng đồng tình với nhận định trên, nói rằng “toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và những người Hồi giáo khác … [đã] bị cưỡng ép kiểm tra sức khỏe và… mẫu máu… bị lấy đi… Các thủ tục này chỉ được thực hiện [trên] dân số Hồi giáo. “
Tất cả các chính phủ nên gia nhập vào việc cấm “du lịch ghép tạng” đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép tạng. Bất kỳ thỏa thuận song phương hoặc đa phương nào với Bắc Kinh đều phải kiên quyết yêu cầu [chế độ Trung Quốc] chấm dứt ngay lập tức hành vi man rợ này, đồng thời yêu cầu một cơ chế phù hợp để kiểm chứng việc chấm dứt đó.
Các chính phủ và doanh nghiệp có trách nhiệm trên toàn thế giới nên cùng Mỹ và Úc tẩy chay bất kỳ ai có công việc kinh doanh ở Tân Cương. Việc cưỡng bức lao động trong các trại giam đang đầu độc chuỗi cung ứng của nhiều công ty nổi tiếng tại các nền dân chủ.
Vào ngày 22 tháng 9 năm ngoái, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Lao động người Duy Ngô Nhĩ, trong đó quy định rằng không được phép nhập hàng hóa vào Mỹ trừ khi Cơ quan Tuần tra Biên giới và Hải quan Hoa Kỳ có thể xác minh rằng hàng hóa không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Tòa án Nhân dân Độc lập điều tra về Thu hoạch Nội tạng có trụ sở tại Anh quốc, dưới sự chủ tọa của Ngài Geoffrey Nice, đã kết luận rằng người tập Pháp Luân Công là nạn nhân chính của tội ác thu hoạch tạng, nhưng kể từ năm 2017, việc thu thập ADN toàn diện từ mọi công dân Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đã tạo ra một ngân hàng nội tạng tiềm năng, và bằng chứng về việc thu hoạch tạng từ ngân hàng này có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Tất cả các quốc gia đã thông qua đạo luật trừng phạt nhân quyền Magnitsky nên áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với bất kỳ quan chức chính quyền [Đảng Cộng sản] Trung Quốc nào được biết là có liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng. Nếu các nền dân chủ, bao gồm cả các nền dân chủ có đa số dân theo đạo Hồi, thể hiện sự cam kết nhiều hơn với các giá trị phổ quát của mình, thì ngành thương mại [mổ cướp và buôn bán tạng người] hèn hạ này có thể sẽ sớm kết thúc.
David Kilgour
Minh Nhật biên dịch
Xem bài gốc trên Taipei Times tại đây
Xem thêm: Hơn 100 tổ chức người Việt ở hải ngoại kêu gọi quan tâm tới tội ác thu hoạch tạng
Mời xem video:
Từ khóa David Kilgour Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện