Hôm 18/10, bộ phim tài liệu “Thợ săn công lý” (Justice Hunter) được ra mắt ở Toronto, Canada, nội dung tập trung vào cuộc điều tra chung của luật sư nhân quyền David Matas và cố Nghị sĩ Canada David Kilgour về tội ác Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống từ những người tập Pháp Luân Công. Nhân vật chính của phim, ông David Matas, đã đích thân đến rạp và nhận được sự tán thưởng của khán giả.
Bộ phim “Thợ săn công lý” kể câu chuyện về ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, người đã dốc sức vì sự nghiệp nhân quyền quốc tế, bao gồm tư pháp quốc tế, vấn đề người tị nạn, phong trào cổ động và nhân quyền quốc tế. Mối duyên với sự nghiệp luật sư nhân quyền của ông Matas là từ “vụ đại thảm sát “ (Nạn diệt chủng Holocaust) của Hitler đối với người Do Thái. Là một người Do Thái, ông luôn muốn làm điều gì đó cho các nạn nhân của Holocaust. Kể từ khi tốt nghiệp Trường Luật Đại học Oxford, ông Matas đã phân chia thời gian cho cộng đồng của mình và xã hội rộng lớn hơn về các vấn đề nhân quyền. Ông đã tình nguyện cống hiến khoảng một nửa sự nghiệp kéo dài 50 năm của mình cho các hoạt động nhân quyền.
Trong phim có chi tiết, một lần ông Matas nhận được điện thoại đe dọa tính mạng từ cảnh sát ĐCSTQ khi đang quảng cáo cho báo cáo điều tra “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvesting) của mình ở Úc. Dù vậy, ông bình tĩnh gác điện thoại, và vẫn không ngừng đi đến nhiều quốc gia khác nhau để ngăn chặn nạn thu hoạch sống mà theo ông là “sự tà ác lớn nhất hành tinh”.
Vision Times đã thực hiện cuộc phỏng vấn ông Matas tại buổi ra mắt bộ phim. Ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn rằng thu hoạch nội tạng từ cơ thể sống là một “loại tội ác mới”. Ông giải thích rằng cấy ghép nội tạng ban đầu nhằm mục đích cứu người và là một tiến bộ y học mang lại lợi ích cho nhân loại. Chính vì phẫu thuật cấy ghép nhằm mục đích mang lại lợi ích cho xã hội, nên nhiều người không muốn tin rằng nó có thể được sử dụng như một phương tiện để phạm tội, đặc biệt là tội ác được tiến hành quy mô lớn và mang tính hệ thống như vậy.
Ông nói: “Tội ác này thật khó tin, vì nó hoàn toàn trái ngược với những kỳ vọng tích cực của chúng ta về tiến bộ y tế. Mọi người không muốn tin rằng một công nghệ được phát minh để cứu người như vậy, lại được sử dụng để giết hàng loạt người vô tội.” Nó cũng khiến việc truyền rộng sự thật này trở nên khó khăn hơn.
Trong cuộc phỏng vấn, ông giải thích lý do tại sao người tập Pháp Luân Công trở thành mục tiêu chính trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ, đồng thời ông cũng nói thẳng rằng thách thức lớn nhất mà ông gặp phải là vấn đề này từng không thu hút được sự chú ý rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong một thời gian dài.
Ông Matas nói rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc đàn áp Pháp Luân Công là do ảnh hưởng xã hội rộng rãi của môn tu luyện này, và mối đe dọa to lớn mà ĐCSTQ cảm thấy. Kể từ khi Pháp Luân Công được giới thiệu vào năm 1992, môn này đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc. Đến năm 1999, số người tập Pháp Luân Công đã lên tới từ 70 triệu đến 100 triệu người. Con số khổng lồ này khiến ĐCSTQ lo ngại rằng ảnh hưởng của Pháp Luân Công có thể làm suy yếu sự thống trị về hệ tư tưởng của mình.
Mặc dù Pháp Luân Công hoàn toàn là một nhóm tu luyện ôn hòa, nhưng tính tổ chức và nền tảng xã hội rộng lớn của môn tập này khiến ĐCSTQ cảm thấy bị đe dọa. ĐCSTQ cho rằng nếu có nhiều người tin vào Pháp Luân Công, môn tu luyện dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” thì mức độ trung thành với ĐCSTQ có thể giảm sút. Vì vậy, Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu đàn áp của ĐCSTQ.
Ông Matas cũng chỉ ra rằng hệ thống y tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tiền vào thời điểm đó, và Chính phủ đã giảm tài trợ cho khu vực công, đặc biệt là hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện. Điều này đã thúc đẩy một số bệnh viện bắt đầu tìm kiếm nguồn thu nhập mới, hơn nữa những bệnh viện này trước đó đã kiếm được lợi nhuận từ việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết. Cùng với việc một số lượng lớn người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ, các bệnh viện đã phát hiện được một “nguồn cung nội tạng” khổng lồ, đồng thời nhanh chóng xây dựng một thị trường giao dịch nội tạng phi pháp mang tính toàn cầu.
Đối với ông Matas, việc vạch trần hoạt động thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công của ĐCSTQ không phải là việc dễ dàng. Ông chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất là sự bất cân xứng thông tin. Bởi vì nạn nhân bị thu hoạch nội tạng đã bị giết ngay sau đó, họ không thể lên tiếng cho chính mình, và thi thể của họ bị hỏa táng ngay lập tức mà không cần khám nghiệm tử thi. Hơn nữa, tất cả bằng chứng, từ hồ sơ bệnh viện đến hồ sơ nhà tù của Chính phủ, đều được giữ bí mật nghiêm ngặt, khiến công chúng khó tiếp cận được thông tin. Điều tồi tệ hơn là hầu hết các nhân chứng đều là người thực thi bức hại và hiện trường vụ án đều được dọn dẹp sau mỗi lần phạm tội.
“Trong môi trường như vậy, để trình bày sự thật một cách hoàn chỉnh thì buộc phải dựa vào một lượng lớn bằng chứng gián tiếp”, ông Matas nói. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng thế giới bên ngoài gần như không thể hiểu hết những bằng chứng phức tạp này trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này khiến nhận thức của công chúng về vấn đề này rất hạn chế, đặc biệt trước sự phủ nhận và che đậy toàn diện của ĐCSTQ, khiến cho khó càng thêm khó.
Đồng thời, ảnh hưởng kinh tế và chính trị mạnh mẽ của ĐCSTQ cũng là trở ngại cho việc truyền bá sự thật này. Nhiều nước thường chọn cách phớt lờ vấn đề nhân quyền nghiêm trọng này để duy trì quan hệ ngoại giao tốt đẹp với ĐCSTQ. Ngay cả trong cộng đồng quốc tế, một số nước cũng thừa nhận vấn đề này và xây dựng luật liên quan nhưng thực tế triển khai vẫn còn khó khăn.
Đối mặt với thực tế gay go như vậy, ông Matas thừa nhận việc theo đuổi công lý là một chặng đường dài. Mặc dù ông và những người bạn đồng hành của mình đã đạt được một số tiến bộ nhưng vẫn chưa đủ. Kể từ khi ông Matas và ông David Kilgour (đã qua đời) công bố báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” vào năm 2006, đã có một hiệp ước quốc tế yêu cầu tất cả các quốc gia ngăn chặn việc tham gia tội ác cấy ghép nội tạng ở nước ngoài. Có 15 nước tham gia hiệp ước này. Ngoài ra, 5 quốc gia đã thông qua luật liên quan mặc dù họ chưa tham gia hiệp ước, bao gồm Israel và Canada. Điều này có nghĩa là trong số 192 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, chỉ có 20 quốc gia có luật tương ứng. Ngay cả ở những quốc gia này, việc thực thi các luật liên quan cũng gặp khó khăn do thiếu hệ thống báo cáo y tế bắt buộc, và sự giám sát hiệu quả của chính phủ.
Khi nói đến lý do tại sao việc theo đuổi công lý lại khó đến vậy, ông Matas chỉ ra, chính trị là một trong những trở ngại quan trọng nhất. Ở Trung Quốc, thủ phạm thu hoạch nội tạng vẫn nắm quyền, và trên bình diện quốc tế, sức mạnh kinh tế và chính trị của Chính phủ ĐCSTQ đã ngăn cản nhiều quốc gia hành động.
Ông cho rằng chính sự thiếu trách nhiệm đối với những thủ phạm sau vụ thảm sát người Do Thái của Đức Quốc xã đã dẫn đến một loạt tội ác tàn bạo hàng loạt sau đó.
Ông đặc biệt đề cập rằng nếu cộng đồng quốc tế có thể ngăn chặn một cách hiệu quả nạn thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công của ĐCSTQ cách đây 20 năm, thì cuộc bức hại đối với các nhóm khác như người Duy Ngô Nhĩ ngày nay có thể đã không xảy ra.
Bất chấp những thách thức, ông Matas vẫn giữ sự lạc quan nhất định về tương lai. Trong cuộc trò chuyện với khán giả sau khi xem phim, ông nói: “Mặc dù quá trình này kéo dài, nhưng lịch sử cho chúng ta biết rằng những cuộc đàn áp này cuối cùng sẽ biến mất. Dù là Đức Quốc xã hay những kẻ độc tài ở Mỹ Latinh, đều không thoát khỏi sự xét xử của công lý.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện công lý đòi hỏi sự kiên trì liên tục. Trong nhiều trường hợp, tiến trình công lý có thể nhìn không thấy, hoặc thậm chí không có tiến triển trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng những đột phá thường xảy ra theo những cách không ngờ tới. Ông đưa ra ví dụ, đôi khi quá trình xét xử giống như gõ vào một tấm kính cứng lúc đầu không có chuyển động, nhưng nếu tiếp tục cố gắng, tấm kính sẽ lộ ra vô số vết nứt và đột ngột vỡ ra.
Ông Matas kêu gọi các nhóm nạn nhân và mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội tiếp tục lên tiếng, giữ vững và duy trì niềm tin cũng như theo đuổi công lý. Ông tin rằng dù công việc của cá nhân ông chỉ là một bước nhỏ trên con đường dài đi đến công lý, nhưng nỗ lực của mọi người có thể góp phần thực hiện công lý.
Cuối cùng, ông Matas một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bỏ qua những hành động tàn bạo đang diễn ra. Ông cảnh báo: “Mỗi khi chúng ta phủ nhận trách nhiệm đối với thủ phạm của hành vi tàn bạo trên quy mô lớn, đều sẽ là mở ra cánh cửa cho hành vi tàn bạo tiếp theo.”
Vợ góa của ông David Kilgour – bà Laura Kilgour, xem bộ phim khi ngồi cạnh ông Matas, ông Matas là bạn cũ của ông David Kilgour. Sau đó, bà lên sân khấu để nhắc lại sự hợp tác và đóng góp của chồng bà cùng ông Matas trong việc thúc đẩy sự nghiệp nhân quyền toàn cầu. Bà đề cập rằng vào đầu năm 2006, ông Kilgour được mời điều tra vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc và đã không ngần ngại chọn ông Matas làm đối tác. “Các kỹ năng khác nhau của họ bổ sung cho nhau và đạt được những kết quả đáng chú ý.” Ông Kilgour, một nhà chính trị có sức ảnh hưởng lớn, và ông Matas, một luật sư và nhà nghiên cứu xuất sắc, đã thành lập một nhóm mạnh để thúc đẩy dự án nghiên cứu đầy thử thách này.
Bà Laura cũng kể lại rằng cả hai đã đến thăm ít nhất 55 quốc gia để tiết lộ sự thật về hành vi vi phạm nhân quyền này với thế giới, mặc dù lúc đầu nhiều người không muốn tin hay thảo luận về những “sự thật khủng khiếp” này. Bà chia sẻ khi phát biểu tại buổi ra mắt: “Tôi đã chứng kiến cả hai người đều nỗ lực một cách kiên định như thế nào để thúc đẩy vấn đề này.”
Bà Laura cũng đặc biệt đề cập rằng sau cái chết của ông Kilgour, bà đã nhận được email chia buồn từ những người tập Pháp Luân Công trên khắp thế giới, bao gồm các email từ Phần Lan, Israel, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ba Lan và Romania, điều này khiến bà vô cùng cảm động. Bà nói: “Những email này nêu chi tiết các cuộc phỏng vấn và công việc của hai ông David, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và kính phục của họ.”
Bà Laura cũng nói thêm rằng sự hợp tác giữa ông Kilgour và ông Matas không chỉ thúc đẩy việc phơi bày vấn đề thu hoạch nội tạng, mà còn ủng hộ rộng rãi các hoạt động nhân quyền và dân chủ toàn cầu, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người Hồng Kông.
Trong cuộc phỏng vấn với Vision Times, nhà văn và nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ Thịnh Tuyết đã nhớ lại những năm tiếp xúc với ông Matas, đồng thời chia sẻ cảm xúc của mình sau khi xem bộ phim tài liệu “Thợ săn công lý”. Bà đề cập rằng mặc dù đã biết ông Matas được 23 năm, nhưng thông qua bộ phim tài liệu, bà đã hiểu sâu hơn về những đóng góp sâu rộng của ông Matas trong lĩnh vực nhân quyền. Bà xúc động nói:
“Ông ấy là một anh hùng thực sự, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những người yếu thế, những nạn nhân và những người không thể nhận được sự công bằng chính nghĩa.”
Ông Matas luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nhân quyền, dù ở sân bay, nhà ga hay trong phòng họp, ông ấy luôn dành thời gian để nỗ lực làm việc vì nhân quyền. “Đây là một con đường vô tận, và ông ấy vẫn tiếp tục đi.” Bà Thịnh Tuyết cảm thán, mặc dù ông Matas không giỏi thể hiện bản thân, nhưng hành động của ông ấy đã âm thầm giải thích cho sự cam kết kiên định của ông ấy đối với công lý.
Bà kể lại rằng sau khi có tin những người tập Pháp Luân Công bị thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, ông Matas và ông Kilgour đã đứng ra lên tiếng cho các nạn nhân. Bà chỉ ra rằng vào thời điểm đó, nhiều người tỏ ra hoài nghi về cáo buộc thu hoạch nội tạng, nhưng hai nhà đấu tranh nhân quyền vẫn kiên trì vạch trần sự thật và luôn dũng cảm đứng về phía công lý trước những nghi ngờ và đe dọa.
Cuối cùng bà nói rằng ông Matas và ông Kilgour “đóng góp nhiều nhất” vào việc nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề thu hoạch nội tạng sống. Những nỗ lực của họ đã dần dần khiến thế giới nhận thức được “tội ác lớn nhất hành tinh” này, truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa cùng phấn đấu vì nhân quyền.
Ông Lưu Sướng, một thành viên của Ủy ban Đảng Dân chủ Trung Quốc Canada, đã vô cùng xúc động sau khi xem bộ phim. Ông tin rằng ông Matas và ông Kilgour không chỉ là đối tác trong sự nghiệp nhân quyền, mà còn là bạn thân trong cuộc sống. “Bộ phim tài liệu này kể về câu chuyện của hai David, họ đã đấu tranh cho nhân quyền của nhiều dân tộc khác nhau trên khắp thế giới trong nửa thế kỷ. Kiểu hợp tác này bắt đầu từ thời đại học, và nó thực sự không hề dễ dàng,” ông nói với Vision Times. Ông Lưu Sướng kính phục sự bền bỉ và nghị lực của hai người đàn ông này. Mặc dù ban đầu không có nhiều người tin vào sự tồn tại của tội ác thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công, nhưng họ vẫn kiên trì vạch trần sự thật và cuối cùng đã khiến thế giới biết đến hiện thực tàn khốc này.
Ông cũng rất đồng tình với lời kêu gọi của ông Matas ở cuối phim: “Thực tế thì mọi người đều có thể gia nhập hàng ngũ của của họ (2 luật sư David), và đấu tranh cho công lý theo cách riêng của mình”.
Một đảng viên khác của Đảng Dân chủ Trung Quốc, bà Mạch Lị, đã cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng bộ phim khiến bà nhớ lại lần đầu tiên nghe một sĩ quan cảnh sát nói về việc thu hoạch sống trái tim của người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục. Lúc đó bà đã bị sốc. Người cảnh sát nói với bà rằng kể từ đó, hàng đêm anh đều gặp ác mộng và sau đó đã nghỉ việc. “Mỗi lần tôi nghe thấy cảnh tượng bi thảm về việc những người tập Pháp Luân Công bị mổ sống lấy nội tạng, tôi cảm thấy rất buồn. Một người còn sống bị đối xử theo cách này, thậm chí còn tàn nhẫn hơn cả thời Đức Quốc xã.” Bà nói rằng Trung Quốc đã bước vào thời khắc đen tối nhất và lật đổ sự chuyên chế của ĐCSTQ, xây dựng một đất nước dân chủ và tự do là con đường duy nhất để người dân Trung Quốc có được những quyền cơ bản của con người.
Ông Dịch Bá Dương, người đến Canada vào năm ngoái, bày tỏ sự khâm phục chân thành đối với tinh thần của ông Matas: “Ông ấy đã suốt đời đấu tranh cho nhân quyền trên toàn thế giới, những bằng chứng mà ông ấy tiết lộ đã gây sốc cho cả thế giới. Mặc dù ông ấy đã nhận được những lời đe dọa đến tính mạng, nhưng ông không hề chùn bước, dũng khí và nghị lực của ông Matas là tấm gương cho mọi người. Ông Matas 81 tuổi còn nghị lực hơn cả những người trẻ tuổi. Ông ấy thực sự là một anh hùng vĩ đại.” Dịch Bá Dương cũng nói rằng ông được truyền cảm hứng từ ông Matas, ông sẽ lên tiếng vì nhân quyền của tất cả các dân tộc trong nhiều trường hợp công khai hơn nữa.
Đại diện của học viên Pháp Luân Công cũng tặng một bản sao tác phẩm thư pháp “Thợ săn công lý” cho luật sư Matas, cảm ơn ông vì những nỗ lực không ngừng về các vấn đề nhân quyền cho cộng đồng Pháp Luân Công trong những năm qua.
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…