Ngày 26/1, Bộ trưởng Kinh Tế Malaysia xác nhận dự án đường sắt ven biển do Trung Quốc đầu tư trị giá 20 tỉ đô la đã bị hủy vì lý do kinh phí quá cao.
Bộ trưởng Kinh Tế Malaysia, Azmin Ali cho biết chính phủ đã ra quyết định ngừng dự án xây hệ thống đường sắt dài 688 km nối vùng duyên hải phía đông với phía tây của bán đảo Malaysia. Đây là dự án vay vốn của Bắc Kinh và do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.
Theo bộ trưởng Azmin Ali, chi phí dự án này là quá lớn, nếu tiếp tục dự án này, mỗi năm Malaysia phải chi trả khoảng 500 triệu ringgit (hơn 120 triệu USD) tiền lãi suất, số tiền vượt quá khả năng của chính phủ trong điều kiện tài chính hiện tại.
Khoản bồi thường mà Malaysia phải trả cho Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) vì hủy dự án, sẽ được bộ Tài Chính tính toán.
Hồi đầu tuần, Chính phủ Malaysia đã đưa ra mức đầu tư mới cho dự án này là 40 tỷ ringgit (gần 10 tỷ USD) thay vì con số 20 tỷ USD như trước đây. Malaysia cũng đồng thời yêu cầu sử dụng thêm các sản phẩm và dịch vụ trong nước vào dự án. Tuy nhiên, tập đoàn CCCC không nhất trí, dẫn đến việc thương thảo chấm dứt.
Năm 2017, Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) – một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã trúng thầu thi công dự án Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) dài 620 km. 85% chi phí xây dựng tuyến đường sắt này được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay. Đây là dự án kết nối khu vực bờ biển phía đông kém phát triển của Malaysia với thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan.
Tới tháng 8/2017, dự án ECRL chính thức được khởi công. Đây được xem là một trong những dự án chính trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, nhằm thiết lập “Con đường tơ lụa” hiện đại, kết nối hành lang trên bộ tại Đông Nam Á, Pakistan và Trung Á.
Chính phủ tiền nhiệm Najib Razak có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, đã ký hàng loạt các dự án do Trung Quốc tài trợ vốn. Dư luận trong nước tố cáo nhiều thỏa thuận không minh bạch và có dấu hiệu tham nhũng.
Sau khi chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền đã tiến hành kiểm tra một loạt dự án lớn đã ký dưới chính phủ tiền nhiệm, đồng đàm phán lại các điều kiện tài chính trong các thỏa thuận đã ký, đặc biệt với Trung Quốc.
Đến tháng 7/2018, Công ty Đường sắt Malaysia đã yêu cầu công ty Trung Quốc dừng thi công dự án.
Trước đó, hai dự án đường ống khí đốt khác ký với nhà thầu Trung Quốc cũng bị hủy, sau khi chính phủ Malaysia nhận thấy dự án mới chỉ hoàn thiện 13%.
Việc Malaysia quyết định huỷ dự án đường sắt với nhà thầu Trung Quốc được xem là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Mahathir đã thực hiện đúng cam kết do ông đưa ra trước đó về việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các dự án cảng biển, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác ở châu Á, châu Phi và một số khu vực ở châu Âu. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể đẩy các nước nhỏ vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, tạo điều kiện để Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới các quyết định chiến lược, thậm chí nắm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước.
Trước đó, chính phủ Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc khai thác cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm. Số tiền này sẽ được dùng để trang trải khoản nợ 6 tỷ USD Sri Lanka vay Bắc Kinh trước đó.
Theo nhà nghiên cứu Johan Saravanamuttu tại Đại học Quốc gia Singapore, việc dừng dự án đường sắt với Trung Quốc có thể giúp Malaysia tránh được “số phận” như của Sri Lanka.
Thanh Thuỷ (t/h)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…