Trong phỏng vấn với UnHerd, công bố hôm 1/11, giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế của Đại học Chicago Mỹ quốc John Mearsheimer đưa ra các nhận định của mình về tình hình quốc tế, phân tích từ góc nhìn chính trị hiện thực của ông. Câu chuyện gồm các vấn đề từ quan hệ với Trung Quốc, Trung Đông, cho đến Nga, hay sự khác biệt sẽ có hay không sau bầu cử tổng thống Mỹ.
Giáo sư John Mearsheimer (77 tuổi) vốn vẫn được biết đến trong giới học giả như người phát triển “hiện thực tấn công” (offensive realism), một tư tưởng, một mô hình nhận thức sự vận động của xã hội. Trong phỏng vấn lần này, người dẫn chương trình Freddie Sayers của UnHerd (Anh quốc) chú trọng hỏi giáo sư không chỉ về quan điểm và nhận định của ông, mà còn hỏi cách ông phân tích tình hình theo góc nhìn của tư tưởng chính trị hiện thực đó như thế nào.
Giáo sư nói rằng, hiện thực tấn công này được ông trình bày một cách khá đầy đủ trong cuốn sách “Bi kịch của chính trị cường quốc” (The Tragedy of Great Power Politics, 2001). Trong phạm vi một cuộc phỏng vấn, thì ông là dùng ngôn từ và cách diễn đạt đơn giản hóa để trình bày vấn đề mang tính học thuật này, và ông gọi nó là chính trị hiện thực (realism).
Mở đầu buổi phỏng vấn, phóng viên Sayers giới thiệu rằng tên tuổi giáo sư John Mearsheimer trong gần 3 năm trở lại đây, chợt vượt ra khỏi giới học giả nhỏ hẹp, và được biết đến bởi lượng khán giả đông đảo. Chủ yếu là vì những nhận định về chiến tranh Ukraine của ông, và một số nhận định khác, như về Israel và Trung Quốc. Mà những nhận định đó là mới lạ.
Sự mới lạ đó là vì giáo sư nhìn nhận theo cái nhìn hiện thực, khác với những gì mà chúng ta thường được nghe và thấy ở các kênh truyền thông.
Giáo sư nói rằng, những điều mà dân Mỹ tiếp xúc trên phương tiện truyền thông chủ yếu là theo tư tưởng tự do (liberal). Kỳ thực, chính trị hiện thực đã có từ lâu, chứ không phải là mới. Chẳng qua là bây giờ nó “trở lại” cho nên người ta cảm thấy như vậy.
Giáo sư Mearsheimer nói rằng thuyết hiện thực về chính trị quốc tế nhìn nhận các quốc gia lấy quan hệ cân bằng quyền lực làm trọng. Quốc gia (state) là cấp cao nhất rồi, trên đó không còn cơ cấu nào cao hơn nữa. Ví dụ một quốc gia A bị quốc gia B tấn công, thì A không thể tìm đến một cơ cấu nào khác cao hơn để bảo đảm an ninh cho mình được.
Xã hội vậy là theo cơ chế anarchy, tức là không có tổ chức điều hành giữa các quốc gia (anarchy thường được dịch là “vô chính phủ”, “vô tổ chức”). Do đó, để bảo đảm sinh tồn, an ninh của mình, thì việc phát triển hùng mạnh của tự thân là được coi trọng bậc nhất. Mạnh về kinh tế, và từ kinh tế mà có được sức mạnh về quân sự. Đó là nhận thức chung.
Giáo sư nói rằng ông không phủ nhận rằng một quốc gia cụ thể là có thể có các theo đuổi khác, chứ không phải chỉ giàu mạnh. Nhưng mà, trong thế giới mà nước nào đều phải tự lo cho mình, thì giàu mạnh là điều quan trọng nhất cần phải theo đuổi. Nếu không, nước khác tới gây hấn thì làm sao bây giờ.
Phát triển sức mạnh về quân sự, đến lượt nó, sẽ tạo ra uy hiếp đến các quốc gia khác. Cho nên, như trong cuốn sách “Bi kịch của chính trị cường quốc” đã chỉ ra, sự phát triển thành các cường quốc, sẽ dẫn tới đụng độ tất yếu.
Sự vận hành của quốc tế, theo giáo sư, là theo mô hình hiện thực như vậy. Quan điểm này đã có từ lâu.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh được coi là kết thúc và Liên Xô tan rã, thì thế giới chuyển từ hình thế lưỡng cực sang hình thế đơn cực, với Mỹ là siêu cường quốc duy nhất.
Là quốc gia tự do dân chủ, Mỹ cổ xúy tư tưởng tự do (liberal). Miêu tả sự vận động của thế giới là tiến tới hình thức xã hội tự do dân chủ, thoát khỏi hình thức độc tài chuyên chính.
Tự do dân chủ vì thế được hiểu là đại biểu cho sự tiến bộ, cho cái tốt đẹp. Và chính trị tự do (liberal) là như vậy, nhìn nhận thế giới như sự vận hành giữa tự do dân chủ và độc tài toàn trị.
Giáo sư nói rằng, thế hệ trẻ như anh phóng viên Sayers là lớn lên vào thời đơn cực, cho nên tự nhiên sẽ cảm thấy tư tưởng tự do (liberal) này là đúng, là chân lý.
Kỳ thực thế giới này là vận động theo mô hình liberal (tự do) hay realism (hiện thực)? Thế thì đến lúc xảy ra sự việc nào đó thì mới dễ dàng có thể phân biệt được.
Giáo sư ví dụ như Đại Thế chiến II, phe Đồng minh đấu với phe Phát xít.
Trong tình huống đó thì nhìn bằng góc nhìn hiện thực hay tự do thì đều ra kết luận giống nhau, do đó khó phân biệt. Phe đồng minh vì sự sinh tồn theo quan điểm chính trị hiện thực thì cũng phải đụng độ với Phát xít, ví như nói Mỹ không muốn Adolf Hitler làm bá chủ Châu Âu. Mà nếu dùng quan điểm tự do (liberal), cho rằng thế giới này nên là xã hội tự do dân chủ, thì cũng ra kết luận giống như thế. Cho nên không dễ nhìn ra sự khác biệt, không nhìn ra đâu mới là mô hình khớp với thực tiễn khách quan.
Đó cũng là vì sao những năm thế giới đơn cực, người ta cho rằng mô hình tự do là chân lý, mặc dù, theo giáo sư, kỳ thực thế giới vẫn là vận hành theo chính trị hiện thực thôi.
Giáo sư phân tích rằng khi một quốc gia phải đối mặt với thời khắc khó khăn, phải ra quyết định then chốt, thế thì họ sẽ tuân theo tư tưởng tự do (liberal) hoặc duy ý chí (idealism) hay là theo tư tưởng hiện thực (realism) đây? Theo giáo sư, họ sẽ theo cách tiếp cận hiện thực, vì đó là cách tốt nhất bảo đảm sự sống còn của họ.
Nghĩa là, kỳ thực thế giới này là vận hành theo mô hình hiện thực, chứ không phải mô hình tự do. Nhưng sự khác biệt đó chỉ có thể dễ nhận ra khi có xuất hiện thay đổi nào đó.
Quãng năm 2017, theo giáo sư Mearsheimer, là đánh dấu việc thế giới chuyển sang thế giới đa cực, với Trung Quốc nổi lên nhờ phát triển kinh tế, mà phát triển kinh tế sẽ kéo theo phát triển quân sự, và tiếp đó là sự hồi sinh từ cõi chết của Nga.
Thế thì lúc này sẽ thể hiện ra sự khác biệt.
Giáo sư nói, năm 2001, khi Mỹ tán thành cho Trung Quốc gia nhập WTO thì giáo sư Mearsheimer đã tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ phát triển kinh tế, nhưng sẽ không trở thành thế lực hòa hảo với Mỹ mà sẽ trở thành thế lực đối đầu với Mỹ. Bởi vì nếu nhận thức theo mô hình chính trị hiện thực thì sẽ là như vậy.
Nhưng mà, những nhà làm chính sách của Mỹ là theo tư tưởng tự do dân chủ, họ triển khai chính sách hợp tác khích lệ (engagement) trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, và cho rằng Trung Quốc cũng sẽ theo xu thế chung, trở thành quốc gia tự do dân chủ, hoặc tương tự như vậy, và sẽ hòa hợp với Mỹ.
Thực tế cho thấy là điều mà giáo sư nhận định năm 2001 về Trung Quốc, điều mà thời đó không ai tin, cuối cùng đã trở thành sự thật. Hiện nay Trung Quốc đã trở thành thế lực đối đầu với Mỹ.
Tiếp đó.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức chấm dứt chính sách hợp tác khích lệ (engagement) có từ thời Barack Obama đối với Trung Quốc, đổi thành chính sách kiềm chế (contain) Trung Quốc.
Kiềm chế là gì? Mỹ tìm mọi cách để hạn chế Trung Quốc phát triển về công nghệ, Mỹ phải luôn luôn đi trước, giữ một khoảng cách lớn so với Trung Quốc. Từ đó đảm bảo được Mỹ có thể áp chế Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự.
Nếu đứng từ góc độ kinh tế mà phân tích, thì đó là Mỹ chịu thiệt. Trung Quốc là một đối tác kinh tế lớn. Thay đổi sang chính sách kiềm chế Trung Quốc sẽ khiến Mỹ chịu thiệt, tức là mâu thuẫn với mô hình chính trị tự do.
Nhưng mà, nó lại hợp với mô hình chính trị hiện thực, tuy thiệt về kinh tế, nhưng đó là cái giá phải trả để bảo đảm được sự thống trị của Mỹ.
Khi ông Trump bắt đầu tiến hành sự thay đổi này, nhiều người Mỹ không hiểu, cho rằng ông Trump làm thế là không đúng. Nhưng đến nay thì người Mỹ đều hiểu.
Năm 2021, sau khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Joe Biden vẫn tiếp tục đường lối kiềm chế Trung Quốc giống thời ông Trump, chứ không quay trở lại đường lối của thời ông Obama.
Lúc này phóng viên Sayers đặt câu hỏi rằng việc theo đuổi tư tưởng chính trị hiện thực là việc có đạo đức hay là việc không có đạo đức?
Giáo sư Mearsheimer trả lời rằng, con người ta, ai cũng có thước đo trong lòng mình.
Dùng thước đo ấy để đo lường, thì tư tưởng chính trị hiện thực sẽ dẫn đến các chính sách vô cảm (ruthless), và theo đánh giá của giáo sư thì nó không phải là có đạo đức (moral), nhưng cũng không phải là vô đạo đức (immoral), mà nên gọi là ngoài đạo đức (amoral).
Nếu cường quốc mạnh rồi, sau đó vì để củng cố quyền lực của mình, bèn dùng sức mạnh đó đi chèn ép các nước khác, thế thì việc làm đó không thể nói là có đạo đức (moral). Còn một quốc gia khi phát triển bình thường, phải đầu tư cho bản thân trở nên giàu mạnh để bảo đảm cho khả năng sống còn của mình được tốt hơn, thì không thể nói đó là vô đạo đức (immoral).
Cho nên, giáo sư cho rằng chính sách vô cảm (ruthless), kết quả của tư tưởng hiện thực (realism), là nằm ngoài đạo đức, là phi đạo đức (amoral).
Khi có xung đột kịch liệt, khi đối mặt với sự tồn vong của mình, giáo sư nói rằng như đã nói bên trên, thì cái thước đo đạo đức thông thường sẽ phải nhường chỗ cho thước đo hiện thực. Cho nên, thuyết chính trị hiện thực nên được xếp loại là nằm ngoài đạo đức, phi đạo đức (amoral).
Trong các thuyết trình khác của mình, giáo sư Mearsheimer thường nói rằng trên thực tế thì các chính sách của các quốc gia là vô cảm (ruthless, không thương xót). Trong lần này, giáo sư nói ý tứ rằng không thể trách các nhà làm chính sách của các quốc gia lớn đó được. Họ không có lựa chọn khác. Bên trên cơ cấu quốc gia là không tồn tại cơ cấu khác nữa để bảo đảm an ninh cho họ, cho nên họ phải làm vậy thôi.
Ông gọi đó là “bi kịch” (tragedy), một bi kịch không tránh được.
Đến lúc này phóng viên Sayers nói rằng phải chăng là do không nhận thức chính xác xã hội này mà dẫn đến hụt hẫng và bất mãn.
Anh nói về tình huống phương Tây tiến hành chiến tranh Iraq, rồi chiến tranh Afghanistan, cứ như là muốn áp đặt tự do dân chủ lên khắp thế giới. Nhưng mà, kết quả đều không thành công. Và người ta bất mãn, oán trách điều này, oán trách điều khác, oán tránh Liên Hợp Quốc đã không làm tròn chức trách, thậm chí tiêu cực cho rằng thế giới này trở nên xấu tệ rồi, v.v.
Như vậy có phải là nếu như mọi người đều không tư duy theo cách tự do (liberal) nữa, mà tư duy theo cách hiện thực (realism) thì phải chăng sẽ tránh được tình huống như vậy, anh Sayers hỏi.
Giáo sư tán đồng quan điểm đó.
Ông kể rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, thì Mỹ đã cổ xúy đường lối tự do dân chủ của mình.
Là một siêu cường quá mạnh, vấn đề an ninh của tự thân không còn là vấn đề cần ưu tiên số 1 nữa. Giáo sư bình luận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử xảy ra điều ấy, lần đầu tiên trong một quốc gia mà vấn đề an ninh của bản thân không cần phải được coi trọng như Mỹ.
Tình huống đó, khi mà chủ thuyết tự do trở nên thịnh hành, đã dẫn tới tất nhiều quyết sách của chính phủ là sai lầm, theo ông Mearsheimer, sai lầm hết lần này đến lần khác.
Phóng viên Sayers hỏi rằng theo giáo sư thì Mỹ theo đuổi chính sách kiềm chế (contain) Trung Quốc như hiện nay có phải là hợp lý không? Bởi vì hiện nay có các quan điểm cho rằng đó là Mỹ quá hiếu chiến, quá đầu tư vào súng đạn.
Giáo sư trả lời rằng Mỹ làm như vậy là hợp lý, vì để duy trì quyền lợi của mình thì nên làm như vậy.
Giáo sư Mearsheimer nói rằng ông đã từng nhiều lần tới Trung Quốc, mà lần gần đây nhất chỉ vài tuần trước đó. Giáo sư chia sẻ rằng về phương diện học thuật thì ông cảm thấy tới Trung Quốc giống như là về nhà vậy. Tại sao? Tại vì người ở Trung Quốc rất cảm thấy hứng thú với tư tưởng chính trị hiện thực của ông, và họ rất dễ tán đồng quan điểm với ông.
Điều đó khác với Mỹ. Ở Mỹ ông cảm thấy cô đơn về học thuật, khi không có mấy người cùng quan điểm với mình. Để tránh hiểu lầm giáo sư nói rõ là “về phương diện học thuật” thôi. Giáo sư không biết tiếng Trung, nên tới Trung Quốc thì không cảm thấy hòa hợp với xã hội ở đó. Chỉ có mỗi đặc thù là người Trung Quốc rất tán đồng tư tưởng chính trị thực dụng của ông.
Có lẽ điều này liên quan tới văn hóa truyền thống của người Hoa. Trong văn hóa của nước này có câu “thắng giả vi vương, binh tranh thiên hạ, cường giả vi anh hùng” (kẻ thắng làm vua, dùng binh mà tranh đoạt thiên hạ, kẻ mạnh làm anh hùng). Văn hóa truyền thống Trung Hoa không có khái niệm tự do dân chủ.
Phóng viên bèn hỏi, thế nhưng mà ông ủng hộ chính sách Mỹ kiềm chế Trung Quốc kia mà? Ông sang Trung Quốc thì ông có nói với họ điều đó hay không?
Giáo sư trả lời rằng có chứ. Sang đó giáo sư có nói vậy. Nhưng mà giáo sư cũng nói với người Trung Quốc rằng, nếu ông ở Bắc Kinh thì ông sẽ ủng hộ việc Trung Quốc trở thành bá chủ Châu Á, đẩy bật Mỹ ra khỏi vành đai các đảo ở Biển Hoa Đông và Hoa Nam, đẩy bật Mỹ ra khỏi Châu Á. Và ông cũng sẽ nói rằng Trung Quốc phải tìm cách kiềm chế Nhật Bản, Ấn Độ, v.v.
Phóng viên tỏ ra rất ngạc nhiên và hỏi rằng ông nói chuyện kiểu như vậy, ông chỉ bảo Trung Quốc cách trở nên giàu mạnh như thế, vậy thì có khiến ai đó khó chịu hay không?
Giáo sư Mearsheimer trả lời rằng có không ít người Mỹ không hài lòng với ông rồi. Cách làm việc của ông vẫn là nhất quán nhiều năm như thế, và có những người không thích ông lâu rồi. Không sao. Còn về Trung Quốc, thì ông nói thẳng rằng họ không cần ông cố vấn. Họ đã tự hiểu được phải làm thế nào.
Theo ông thì chính người Mỹ mới thật sự cần sự cố vấn của ông.
Phóng viên Sayers hỏi giáo sư Mearsheimer rằng, nếu ông đã dự đoán rằng đụng độ Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi, thế thì, theo giáo sư, kết quả sẽ là bên nào sẽ thắng.
Giáo sư trả lời rằng nếu thật sự đụng độ quân sự Mỹ-Trung thì Mỹ sẽ thắng. Thứ nhất là vì Mỹ mạnh hơn một cách đáng kể, vũ khí hạt nhân cũng nhiều hơn. Thứ hai là vì các đồng minh của Mỹ ở Đông Á sẽ có trợ giúp tốt.
Tuy nhiên, theo giáo sư, hai cường quốc hạt nhân sẽ không đụng độ trực diện, rồi dẫn tới cả hai cũng tổn thất thảm trọng. Chưa chắc sẽ xảy ra đụng độ đó, mà nếu có xảy ra thì còn rất lâu, và trước khi xảy ra thì phải trải qua một loạt các diễn biến.
Trong các bài thuyết khác, giáo sư nói rằng quá trình giao tranh Mỹ-Trung rất có thể sẽ kéo dài, thậm chí cho đến hết thế kỷ này.
Trong phần trả lời phóng viên Sayers, giáo sư đưa ra ví dụ về Chiến tranh Lạnh. Nó diễn ra theo các giai đoạn. Trong đó có các giao tranh, các cuộc khủng hoảng. Điển hình là khủng hoảng Berlin, rồi sau đó là khủng hoảng Tên lửa Cuba.
May mắn thay, theo giáo sư, trong giai đoạn đó, có các nhà lãnh đạo đầu óc thanh tỉnh xuất hiện, và chúng ta không phải chứng kiến chiến tranh súng đạn.
Ông hy vọng rằng lần này cũng sẽ như vậy.
Theo ông, đã có những va chạm ở Biển Hoa Nam rồi. Tức là khả năng đụng độ đầu tiên sẽ không phải ở Đài Loan, mà là ở Philippines. Ông hy vọng rằng khi xuất hiện khủng hoảng thì sẽ có người đầu óc thanh tỉnh bước gia giải quyết vấn đề.
Phóng viên nói rằng theo như quan sát, thì khi giáo sư thuyết trình ở Trung Quốc trong đợt thăm Trung Quốc vài tuần trước, có thấy quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc tới ngồi nghe và rất hứng thú với bài thuyết trình của ông. Phóng viên hỏi nếu chiến tranh nổ ra ở Đài Loan thì giáo sư có ủng hộ Mỹ không?
Giáo sư trả lời là ông có ủng hộ Mỹ trong vấn đề bảo vệ Đài Loan, cũng ủng hộ các đồng minh của Mỹ ví như Nhật Bản nếu tham gia.
Phóng viên hỏi rằng khi đó liệu có diễn ra người Mỹ nhập ngũ tới đó chiến đấu không?
Giáo sư Mearsheimer cho rằng lượng quân hiện có của Mỹ đã đủ. Mà nếu phải nhập ngũ thì cũng không vấn đề, vì bộ máy tuyên truyền của Mỹ cực mạnh. Một khi thật sự chiến tranh thì bộ máy ấy sẽ hoạt động và dân Mỹ sẽ ủng hộ chính phủ.
Phóng viên Sayers hỏi rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tới đây sẽ có ảnh hưởng chính sách của Mỹ về Trung Quốc hay không?
Giáo sư trả lời sẽ không. Ông Trump chính là người khởi xướng việc kiềm chế Trung Quốc. Do đó ông Trump nếu đắc cử thì ông vẫn sẽ làm vậy. Ông Biden khi nắm quyền cũng tiếp tục chính sách này của ông Trump, và bà Kamala Harris nếu đắc cử thì cũng sẽ vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên theo giáo sư, ông Trump và bà Harris có thể sẽ khác nhau trong cách thức quan hệ với các đồng minh, cụ thể là cách làm của ông Trump thường cứng rắn hơn, xô đẩy các đồng minh.
Giáo sư Mearsheimer đã từng nói trong nhiều trường hợp khác rằng quan hệ Mỹ-Israel là được thúc đẩy bởi nhóm những người Do Thái ở Mỹ vận động hành lang thúc đẩy, do đó, không thể dùng mô hình chính trị hiện thực để nhận định. Ông bình luận rằng Israel là đồng minh có đặc thù duy nhất chưa từng có trong lịch sử của Mỹ.
Ông nói rằng mô hình hiện thực, hay mô hình nào cũng thế thôi, đều chỉ là mô hình đơn giản, cho nên chỉ phản ánh phần nào thực tế khách quan. Chúng không thể lúc nào cũng đúng. Các phán đoán của ông dựa vào nó, vì thế cho nên, cũng chỉ đúng với một sác xuất nào đó, mà ông tin rằng là quãng 70%–80%, chứ hiển nhiên không thể 100%.
Theo giáo sư cần lưu ý một điểm quan trọng, đó là chính quyền Israel của những người Zionist đang theo đuổi một điều ông gọi là Đại Israel (Greater Israel), một quốc gia gồm cái gọi “Israel” có được vào quãng những năm 1948, 1967, và gộp với tất cả những gì thuộc về người Palestine, gồm Dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan.
Ông Mearsheimer cho rằng đây là giải pháp không chấp nhận sự tồn tại một chính quyền thực thụ của người Palestine. Theo ông, Đại Israel là một nhà nước loại Apartheid, một chế độ phân biệt chủng tộc, hoàn toàn trái với khái niệm tự do dân chủ.
Đó là bế tắc không giải được. Khả năng 2 nhà nước, tức là người Palestine có được một chính quyền riêng theo đúng nghĩa của mình, theo ông, hiện nay dường như không khả thi được nữa. Theo ông, giải pháp 2 nhà nước mới là giải pháp tốt, tốt cả cho Israel, và ông cho rằng con đường Đại Israel là lựa chọn ngu ngốc (foolish) của giới chức Israel.
Bình luận về tình hình hiện tại, giáo sư cho rằng chính quyền Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không đạt được các mục tiêu chính trị, trái với những điều mà truyền thông báo cáo về các thắng lợi trên chiến trường của họ. Đây là nhận định mà dường như phóng viên Sayers có các biểu cảm không đồng ý, vì anh cho rằng Israel đang gặt hái các thắng lợi nhất định, nhưng anh không trực diện phản đối giáo sư ngay trong cuộc phỏng vấn.
Theo giáo sư, Israel đặt ra 3 mục tiêu khi tấn công Gaza: (1) diệt trừ Hamas, (2) giải phóng tất cả con tin, và (3) diệt chủng người Palestine; và tính đến nay thì cả 3 mục tiêu này vẫn không thực hiện được. Hamas là đánh không chết, việc tiêu diệt các thủ lĩnh như hiện nay là không đủ để diệt trừ Hamas. Theo giáo sư, việc tàn sát rất nhiều người dân Palestine, 42.000 người chết và hàng trăm ngàn người thương tật, đã khiến Israel bị quốc tế lên án, và vấn đề Gaza trở thành một bế tắc của chính phủ Israel.
Theo các phương tiện truyền thông báo cáo hiện nay thì quân đội Israel đã làm chủ Gaza, không có dự định thật sự buông dải đất này trả lại quyền điều khiển cho người Palestine. Có rất nhiều nhận định rằng Israel có thể sẽ thiết lập các cơ chế kiểm soát chặt chẽ dải đất này, tương tự như họ đã làm ở Bờ Tây, trước khi Israel rút quân khỏi Gaza.
Giáo sư Mearsheimer, cũng với lập luận tương tự, cho rằng việc tấn công Hezbollah cũng không thực sự diệt trừ được quân kháng chiến Hezbollah như mong muốn của Israel. Giao tranh với Iran, được tính là đã qua 3 đợt không kích lớn, cũng chỉ là giao tranh ăn miếng trả miếng giữa 2 phe và chưa đem lại thắng lợi nào về chính trị cho Israel.
Giáo sư chỉ ra rằng hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) không mạnh như truyền thông miêu tả. Trên thực tế nó bị không kích của Iran chọc thủng nhiều lần. Khả năng phòng thủ của Israel không phải chỉ nằm ở Vòm Sắt, theo giáo sư, mà còn nằm ở lượng lớn quân Mỹ đang đóng gần đó gây uy hiếp rất lớn cho khu vực.
Theo các thông tin mới nhất, pháo đài bay B-52 khét tiếng của Mỹ đã tới căn cứ quân sự của họ tại Qatar, chỉ cách Iran khoảng 200 km. Nếu cộng với quân Mỹ và tàu sân bay đã có ở khu vự đó, thì đây là uy hiếp rất lớn.
Về vấn đề ảnh hưởng của bầu cử tổng thống Mỹ, thì giáo sư cho rằng vấn đề bà Harris hay ông Trump ai đắc cử sẽ không khác nhau. Vấn đề này giáo sư đã nói trong nhiều trường hợp khác rồi, đó là vì diễn biến quan hệ Mỹ-Israel là chịu ảnh hưởng của nhóm người Do Thái ở Mỹ đang vận động.
Đến lúc này phóng viên Sayers bèn chỉ ra rằng cá nhân giáo sư bị đụng độ với cả cánh tả và cả cánh hữu, hai thế lực chủ đạo trong nền chính trị Mỹ. Anh Sayers nói rằng, quan điểm về Trung Quốc của giáo sư là ăn ý với cánh hữu, trong khi đó quan điểm về Israel của giáo sư là ăn ý với cánh tả. Kết cục là cả 2 cánh đều không cảm thấy giáo sư là cùng phe với họ.
Giáo sư John Mearsheimer đồng ý với nhận định đó. Mô hình chính trị hiện thực là mô hình lý giải xã hội theo một góc độ khác với cách nhìn dù là của cánh tả hay cánh hữu.
Nói theo một cách khác, nó không lý giải rằng sự vận động của xã hội là do cân bằng giữa hai hệ thống tư tưởng cánh tả hay cánh hữu.
Do đặc thù của chính trị Mỹ, chủ yếu là chính trị Washington, hoặc là do bối cảnh chính trị của một số quốc gia, cho nên người ta cảm thấy xã hội vận động theo cán cân giữa 2 cánh tả hữu này. Nhưng mà toàn thế giới thì không như vậy. Trong các quan hệ quốc tế, các quyết sách liên minh hay đối kháng là chủ yếu dựa theo lợi ích, chứ không phải dựa theo mô hình xã hội là cánh tả đối kháng cánh hữu hoặc mô hình dân chủ đối kháng độc tài.
Trong các dịp thuyết trình khác, giáo sư Mearsheimer chỉ ra rằng Mỹ đã có mặt ở Afghanistan trên 20 năm, đánh dấu sự tham gia lâu nhất (nhiều hơn khoảng nửa năm so với cả chiến tranh Việt Nam), nhưng mà thử coi xem, khi Mỹ rút khỏi nơi đó thì có để lại cái gì tự do dân chủ cho Afghanistan không? Không có. Cho nên tự do dân chủ là khẩu hiệu thôi. Mỹ tham chiến là vì lợi ích của mình, còn xây dựng chế độ tự do dân chủ không phải là mục đích chính.
Năm 2014, đảo chính Maidan Kiev do Mỹ hậu thuẫn, thì đó là dựng lập những người mang tư tưởng chống Nga lên nắm chính quyền, mà nhóm đó chính là nhóm người Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nếu xét về ý thức hệ chính trị, thì nhóm đó hoàn toàn khác với cả tinh thần tự do dân chủ, và ý thức hệ của cả cánh tả và cánh hữu của Mỹ.
Giáo sư cũng nói nhiều lần rằng để đạt mục đích của mình, Mỹ từng hợp tác nhiều lần với các thế lực mang ý thức hệ độc tài khác nhau.
Đó là các ví dụ cho thấy thế giới vận hành là giống với mô hình chính trị hiện thực hơn là mô hình cánh tả cánh hữu, hay mô hình dân chủ đối lập độc tài.
Phóng viên Sayers bình luận một cách hình tượng rằng giáo sư không cảm thấy như ở nhà tại chính nước Mỹ của mình, do tình hình chính trị Mỹ là cánh tả cánh hữu.
Giáo sư bày tỏ sự cảm khái khi đồng ý với nhận định này, và nói rằng ở Mỹ có những chính khách mà ông gọi là “đầu óc sai lầm” (wrong headed) tỏ ra tức giận trước những bình luận của giáo sư, vì không hề ăn ý theo lối tư duy cánh tả cánh hữu của họ.
Phóng viên Sayers chỉ ra rằng kể từ 24/2/2022 khi chiến tranh Ukraine nổ ra cho đến nay, giới quan sát đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong các nhận định về cuộc chiến này. Khi chiến tranh bắt đầu, người ta không ai nhìn nhận cuộc chiến tranh này từ góc độ của giáo sư cả.
Chẳng hạn việc ma quỷ hóa Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời đầu chiến tranh được coi là hợp lý một cách đương nhiên. Anh Sayers thừa nhận rằng anh cũng đóng góp một chút vào trào lưu đó vào thời bấy giờ, anh đã có những phát biểu thể hiện sự tức giận của mình khi nghe những gì giáo sư bình luận về ông Putin và về chiến tranh Ukraine. Nhưng mà, hiện nay anh đã không còn lối suy nghĩ như thế nữa.
Theo anh Sayers, hiện nay, không chỉ cá nhân anh, mà người ta đều chuyển sang nói chuyện về các vấn đề Ukraine theo cách giống như giáo sư; dù là người của phe cánh chính trị nào cũng thế, đang nói rằng nên có giải pháp hòa bình cho Ukraine, và hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán, nói rằng Crimea (bán đảo Crưm) là sẽ vẫn thuộc về Nga, v.v. Anh Sayers nói rằng những điều mà giáo sư từng nói hơn 2 năm rưỡi trước đó, vốn bị coi là “điều cấm kỵ” (taboo) vào thời bấy giờ, thì hôm nay ai ai cũng đang nói cả.
Phóng viên hỏi rằng có phải là thế giới hiện đang “theo kịp” (catch up) giáo sư hay không?
Giáo sư trả lời rằng nên nói là phương Tây đang có chuyển biến về nhận thức liên quan đến chiến tranh Ukraine, bởi vì đây là vấn đề về nhận thức của phương Tây, chứ không phải vấn đề của thế giới.
Tuy nhiên, giáo sư Mearsheimer cho rằng sự thay đổi đó chỉ là sự biến đổi khi thừa nhận những kết luận hay phỏng đoán mà giáo sư đưa ra, chứ không nhất định là vì người ta chấp nhận tư tưởng chính trị hiện thực. Đa số người ta thấy rằng các diễn biến trên thực tế giống điều giáo sư từng nói, nên họ cũng nói thế, chỉ là vậy thôi.
Giáo sư ví dụ như về nguyên nhân chiến tranh, thì hiện nay phương Tây đã thừa nhận rằng nguyên nhân chiến tranh Ukraine chính là do chủ trương mở rộng NATO. Thậm chí Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO trong 10 năm (2014–2024) đã ít nhất 2 lần thừa nhận điều đó (trong video có chiếu tuyên bố của ông Stoltenberg làm dẫn chứng).
Tuy nhiên, giáo sư nói, rất nhiều người phương Tây vẫn cho rằng ông Putin là kẻ xấu, mặc dù họ đã tin rằng nguyên nhân chiến tranh là do NATO mở rộng.
Theo giáo sư, hậu quả gây ra bởi bộ máy tuyên truyền đó là nghiêm trọng. Ông chỉ ra rằng bây giờ muốn hòa bình cho Ukraine, thì phải đàm phán với ông Putin. Nhưng mà, người phương Tây mang sự thù địch với ông Putin, lên án “cuộc xâm lược” của Putin, thế thì điều đó sẽ ảnh hưởng cho các đàm phán.
Phóng viên Sayers nói rằng dù sao thì các chính khách phương Tây nhìn chung đều tin rằng cần đàm phán, và đó là khác hẳn so với thời đầu chiến tranh rồi, đã có sự chuyển biến rồi.
Giáo sư lập luận rằng mặc dù phương Tây đã đồng ý rằng NATO mở rộng về phía Đông là nguyên nhân chiến tranh. Nhưng mà, phần đông họ cho rằng NATO mở rộng là đúng. Họ nói về đàm phán là vì thua trận, chứ không phải vì họ nhìn nhận rằng chính sách mở rộng NATO là sai lầm.
Trong khi đó, giáo sư Mearsheimer tin rằng mở rộng NATO về phía Đông là một sai lầm tai hại bậc nhất của Mỹ và phương Tây. Một mặt, ông cho rằng trong thế cuộc đa cực Mỹ-Trung-Nga, thì giải pháp tốt nhất là hòa Nga đấu Trung, chứ không phải là Mỹ cùng một lúc đấu với cả hai.
Tiếp đó, ông lên án mạnh mẽ cách làm là tiến hành chiến tranh ở Ukraine, gây ra thù hận và chia rẽ, dẫn tới một cuộc chiến tranh thảm khốc, hoàn toàn không cần thiết.
Trong các dịp khác, giáo sư nói ví von rằng Trung Quốc đang coi chiến tranh Ukraine và chiến tranh ở Trung Đông là 2 món quà cực kỳ giá trị mà phương Tây biếu không cho họ.
Tóm lại, theo giáo sư thì phương Tây vẫn là đang theo bộ tư tưởng tự do dân chủ thôi, chứ không phải tư tưởng chính trị hiện thực. Cho nên những thay đổi mà anh Sayers chứng kiến chỉ là thay đổi mang tính nông cạn bề ngoài.
Sau đó anh Sayers hỏi về khác biệt nào giữa việc ông Trump đắc cử tổng thống trong vài ngày tới và việc bà Harris đắc cử, đối với vấn đề Ukraine.
Giáo sư cho rằng nếu xét về mong muốn của hai ứng viên tổng thống này, thì đó là sự khác biệt một trời một vực (day and night). Ông Trump muốn chiến tranh kết thúc sớm nhất có thể, bằng cách nào đó, còn bà Harris muốn tiếp tục chiến tranh, tiếp tục chủ trương của chính phủ Biden hiện thời.
Tuy rằng mong muốn là khác nhau, nhưng ông cho rằng kết quả sẽ không khác nhau nhiều. Nói cách khác, cả 2 sẽ không đạt được mong muốn của mình.
Giáo sư không tin rằng ông Trump bằng vào tài đàm phán của bản thân có thể đem lại một sự chấm dứt chiến tranh một cách tốt đẹp như ông ấy muốn, nếu ông ấy đắc cử. Bà Harris nếu đắc cử cũng sẽ phát hiện rằng Ukraine không còn khả năng thật sự tiếp tục một cách lâu dài cuộc chiến mà họ đang thiệt hại hàng ngày như thế này.
Phóng viên hỏi lại rằng phải chăng tức là tình hình sẽ rất không đẹp.
Giáo sư cho rằng chính là như vậy. Giáo sư tin rằng cuối cùng thì giải pháp tốt nhất sẽ là đóng băng xung đột. Giáo sư Mearsheimer bình luận rằng đóng băng xung đột là giải pháp rất nguy hiểm cho người Ukraine, nhưng mà, đó có lẽ là giải pháp tốt nhất mà cuối cùng phương Tây có thể đạt được.
Quan hệ Nga-Ukraine đã bị đầu độc nghiêm trọng bởi tuyên truyền với mục đích phục vụ chiến tranh trong nhiều năm, cho nên, và chất độc ấy sẽ cực kỳ có hại cho cả người Nga và người Ukraine, đặc biệt là có hại cho phe thua trận. Dù ông Trump có tài đàm phán giỏi cỡ nào thì cũng không sao thay đổi được sự thật khách quan này. Do đó dù kết thúc chiến tranh theo cách nào thì cũng không phải là bức tranh đẹp như thế giới mong mỏi.
Giáo sư cho rằng các nỗ lực như đưa thêm các vũ khí hiện đại như vũ khí tầm xa cũng sẽ không đem lại lợi thế đàm phán cuối cùng cho phương Tây.
Theo giáo sư, hiện nay ông Putin có cơ hội để đàm phán cứng rắn (very hard), đưa ra các điều khoản khiến ông Trump hoặc bà Harris rất khó chấp nhận. Vì vậy, diễn biến đàm phán sẽ không dễ dàng trôi chảy.
Giáo sư nhắc lại nhận định rằng quyết định 2008 đưa Ukraine vào NATO là một trong những quyết định thảm họa nhất (the most catastrophic decisions) của phương Tây.
Giáo sư kể rằng năm đó cả Đức và Pháp đều không đồng ý với Mỹ về quyết định này. Nhưng cuối cùng vì Mỹ khăng khăng làm vậy, cho nên các đồng minh cũng thuận theo mà làm. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 4/2008 khi Mỹ đưa ra đề nghị này, Thủ tướng Đức bấy giờ, bà Angela Merkel đã nói rằng mở rộng NATO sẽ dẫn tới xung đột với Nga bởi vì ông Putin sẽ coi đó là uy hiếp. Đây là điều mà NATO đã biết trước.
Tới lúc này, phóng viên Sayers phải hỏi lại lần nữa, rằng ông Trump hơn 1 năm qua nói về năng lực đàm phán vô song của mình rồi, ông ấy nói với những người ủng hộ ông, hứa hẹn với cử tri Mỹ, nhưng mà giáo sư nói vậy thì chẳng phải có ý rằng ông Trump sẽ không thực hiện được lời hứa ấy?
Anh Sayers nhắc lại tên cuốn sách khá nổi tiếng “Nghệ thuật Đàm phán” mà ông Trump từng viết, để nhắc nhở về tài đàm phán của Donald Trump. Anh cũng nhắc lại rằng ông Trump tự tin rằng ông có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời, sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ có năng lực ép chính quyền Kiev phải theo ý mình.
Giáo sư Mearsheimer nói rằng thứ nhất là kỳ thực Mỹ đã không còn có thể làm được gì nhiều để giúp Kiev, ý là nói rằng không còn nhiều khả năng thay đổi kết quả cuộc chiến này.
Giáo sư nói rằng truyền thông ủng hộ Ukraine thường nói rằng Mỹ không thật lòng giúp Kiev trong chiến tranh, không đưa vũ khí tối tân để họ chiến thắng. Nhưng mà, giáo sư nói, thực tế không phải vậy, Mỹ và các đồng minh phương Tây, nói một cách hình tượng, đã vét kho vũ khí để đưa vào chiến trường Ukraine rồi. Điều đó có nghĩa là đã rất nhiều vũ khí được đưa đi rồi, cho nên, dù bây giờ Mỹ có đưa thêm vũ khí nữa, mặc dù họ có thể làm, thì cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến. Làm vậy chỉ có thể gây thêm tổn thất mà thôi.
Giáo sư nhận định rằng năng lực cung cấp xe tăng và đạn pháo của phương Tây, qua thực tế, đã chứng tỏ là không đủ giúp Ukraine đấu với Nga.
Thứ hai, cứ giả thuyết rằng ông Trump có quan hệ tốt với ông Putin, nhưng mà ông Putin đã mất niềm tin vào phương Tây rồi. Dù là ông Trump làm tổng thống, thì 4 năm nữa ông ấy sẽ rời nhiệm sở. Cho nên ông Putin làm sao có thể đặt vận mệnh đất nước ông ấy và niềm tin vào cá nhân ông Trump được. Ngoài ra giáo sư cho rằng quan hệ Trump-Putin không tốt như ông Trump miêu tả đâu. Năm 2017 ông Trump đã vũ khí hóa Ukraine, là tổng thống Mỹ đầu tiên làm điều này. Trên thực tế, mong muốn để Ukraine trở thành điểm giao tranh với Nga là đã có từ đời tổng thống trước, ông Trump chỉ là thuận theo diễn biến đó là làm vậy. Nhưng bất kể thế nào, giáo sư không tin rằng quan hệ Trump-Putin là tốt như ông Trump thường nói.
Tóm lại, giáo sư cho rằng Nga sẽ đàm phán rắn, sẽ muốn giữ lại tất cả các phần đất đã chiếm được, sẽ muốn đảm bảo chắc chắn rằng Ukraine không thể gia nhập NATO. Theo giáo sư, kỳ thực Nga muốn đánh cho Ukraine trở thành quốc gia nhược tiểu què quặt (dysfunctional state) chứ không phải chỉ dừng lại là một quốc gia trung lập.
Tới lúc này phóng viên Sayers hỏi rằng đây có phải là “bi kịch” tất yếu mà giáo sư nói đến trong cuốn sách “Bi kịch của chính trị cường quốc” hay không? Trong cuốn sách đó, theo mô hình chính trị hiện thực, thì khi trở thành các cường quốc, họ sẽ không thể tránh khỏi đụng độ, và đó là “bi kịch” (tragedy) không tránh khỏi.
Giáo sư trả lời rằng trường hợp Ukraine không phải là “bi kịch” được nói trong cuốn sách. Nó hoàn toàn có thể tránh khỏi, nó không phải là tất yếu. Nó là “bi kịch” của quyết định sai lầm khủng khiếp (colossal error) của Mỹ vào năm 2008, muốn mở rộng NATO.
Theo giáo sư, khi khủng hoảng Euromaidan 2014 xảy ra, thì giáo sư và một số người khác đã lên tiếng và mong muốn có những nỗ lực hòa bình để hữu hảo quan hệ Nga-Ukraine, hoặc ít nhất làm quan hệ hòa hoãn (quasi good, tạm tốt). Nhưng mà, giáo sư nói, những ngày đó đã qua lâu rồi (those days long gone), ý tứ rằng cơ hội đã qua rồi.
Phóng viên Sayers hỏi rằng giáo sư có phán đoán gì cho chính quyền mới? Liệu sẽ đem lại những điều tốt đẹp hay không, điều mà chính anh dường như biểu hiện kỳ vọng như vậy?
Đây hiển nhiên là câu hỏi cho tình huống ông Trump đắc cử, vì mọi người đều tự hiểu rằng bà Harris nếu đắc cử sẽ không tiến hành thay đổi.
Giáo sư Mearsheimer cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể. Giáo sư nhìn nhận rằng ông Trump có thể có những mong muốn và quyết định táo bạo (bold) nhưng mà Nhà nước Ngầm (Deep State) rất mạnh và ông Trump sẽ không thể thật sự thay đổi được gì. Trước đây, trong các bình luận khác, giáo sư Mearsheimer cũng có nhận định tương tự, thậm chí ông đánh giá rằng trong nhiệm kỳ trước (2016–2020) kỳ thực là Tổng thống Donald Trump đã thua Nhà nước Ngầm.
Phóng viên trẻ cảm khái và hỏi rằng cái nhìn về xã hội của ông u ám thế, nhưng làm thế nào ông vẫn duy trì được tinh thần lạc quan như anh có thể cảm nhận được trong cuộc nói chuyện?
Giáo sư trả lời rằng “về phương diện quan hệ cá nhân thì tôi vẫn là có cái nhìn rất sáng sủa (very bright view) về thế giới này,” và ông cảm thấy rất vui khi nói chuyện như thế này với những người trẻ như anh Sayers.
Nhưng giáo sư cũng thừa nhận rằng thực tế chính trị xã hội là u ám. Đó là thực tế khách quan. Giáo sư ví những ngày của năm 1992, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là những ngày như mặt trời mới mọc và tỏa sáng, những ngày đẹp trời. Nhưng mà chúng ta hiện nay đang sống trong tình hình chính trị căng thẳng, những ngày u ám.
Giáo sư Đại học Chicago John Mearsheimer và phóng viên Freddie Sayers của UnHerd kết thúc chương trình bằng lời hẹn sẽ gặp lại trong một cuộc phỏng vấn sau đợt bầu cử Mỹ.
Nhật Tân
Ông Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast Joe Rogan, đã chính thức lên tiếng…
Đây là thời điểm các điểm bầu cử cuối cùng sẽ đóng cửa ở các…
Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền gần…
Việc ngăn chặn chương trình tặng thưởng 1 triệu USD của ông Elon Musk và…
Trong những năm gần đây, TikTok đã khiến số lượng trẻ vị thành niên thương…
Hôm thứ Hai (4/11), Tòa án Tối cao Georgia đã ra phán quyết rằng hàng…