Hôm thứ Tư (22/11), Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người bị ông Mugabe sa thải, đã trở về Zimbabwe và dự kiến sẽ chính thức được bổ nhiệm vai trò Tổng thống vào thứ Sáu (24/11). Những người ủng hộ ông Mnangagwa đang rất kỳ vọng vị cựu tướng lĩnh quân đội sẽ đem lại làn gió mới cho Zimbabwe, giúp đất nước này thịnh vượng trở lại. Nhưng cũng không ít người hoài nghi, nhân vật có biệt danh “cá sấu” sẽ không khác gì nhà độc tài Robert Mugabe.
Ông Mnangagwa (phải) là đồng minh thân cận nhất, cánh tay phải của ông Mugabe trong suốt gần 40 năm qua.
Ngay sau khi từ Nam Phi trở về nước hôm thứ Tư (22/11), ông Emmerson Mnangagwa đã có bài phát biểu dài 20 phút trước đông đảo người ủng hộ tập trung bên ngoài trụ sở Đảng ZANU-PF cầm quyền. Vị Tổng thống tương lai đã hứa hẹn sẽ đem lại nhiều việc làm cho người dân Zimbabwe trong một “nền dân chủ mới”.
>>Người kế nhiệm Mugabe về nước, hứa hẹn ‘nền dân chủ mới’
“Chúng tôi muốn phát triển nền kinh tế, chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn việc làm, việc làm, việc làm”, ông Mnangagwa phát biểu trong sự phấn khích của đám đông vây quanh.
Cũng giống như cựu Tổng thống Mugabe, ông Mnangagwa cũng là một nhân vật chính trị thân Trung Quốc. Ngay cả khi ông Mugabe có xu hướng xa lánh Bắc Kinh từ năm 2015, Phó Tổng thống Mnangagwa vẫn công khai ủng hộ các chính sách có lợi cho Trung Quốc.
Vào năm 2015, để khắc phục tình trạng siêu lạm phát, ông Mnangagwa đã đề xuất sử dụng thêm đồng Nhân Dân Tệ Trung Quốc như một phương tiện trao đổi chính.
Ông Mnangagwa cũng là người phản đối mạnh mẽ nhất việc Tổng thống Mugabe áp dụng “luật bản địa hóa” – quy định các công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải để người bản địa da đen chiếm giữ 51% cổ phần, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Zimbabwe, đặc biệt là từ Trung Quốc, giảm dần.
Trong một phát biểu với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV tại chuyến thăm Bắc Kinh 2015, ông Mnangagwa đã nói rằng ông mong muốn “một môi trường kinh doanh mà các nhà đầu tư sẵn lòng bỏ tiền ra vì họ sẽ có thể thu được lợi nhuận”.
Các chuyên gia nghiên cứu cố vấn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã đánh giá rằng ông Mnangagwa có tư tưởng cởi mở với các nhà đầu tư Trung Quốc hơn ông Mugabe.
Ông Shen Xiaolei, một chuyên gia về Châu Phi tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho hay: “Ông Mnangagwa có cách tiếp cận cởi mở và ôn hòa trong các chính sách kinh tế và cũng là một người bạn của Trung Quốc”.
“Ông Mnangagwa sẽ giới hạn hoặc thậm chí là xóa bỏ luật bản địa”, ông Wang Hongyi – chuyên gia về mối quan hệ Trung Quốc – Châu Phi tại CASS có cái nhìn tích cực về chính sách điều hành đất nước tới đây của ông Mnangagwa.
Tờ Independent năm 2016 thông tin rằng Tổng thống Mugabe đã rất tức giận khi Phó Tổng thống Mnangagwa trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2015 đã có nhiều cuộc họp với các quan chức cao cấp Trung Quốc và chấp nhận những đề xuất cải cách kinh tế Zimbabwe theo định hướng và mô hình của Bắc Kinh dưới thời cựu Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình.
Thực tế, ông Mnangagwa chính là người do chính quyền cộng sản Trung Quốc đào tạo từ những năm 1960.
Tờ VOA cho hay vào năm 1963, một thời gian ngắn sau khi Đảng ZANU-PF được thành lập, ông Mnangagwa là một trong số những lãnh đạo trẻ đầu tiên của đảng này được gửi sang Trung Quốc huấn luyện về quân sự.
Trong các thông tin ngoại giao chính thức, ông Mnangagwa tới thăm Trung Quốc vào năm 2001 với vai trò Chủ tịch Quốc hội và năm 2015 ở vị trí Phó Tổng thống.
Trong gần 40 năm dưới trướng nhà độc tài Robert Mugabe, ông Mnangagwa kinh qua rất nhiều các chức vụ khác nhau từ Bộ trưởng An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Tư pháp & Các vấn đề Bán quân sự, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng, tới Phó Tổng thống. Tựu chung lại ông Mnangagwa chính là đồng minh thân cận nhất, cách tay phải của Thủ tướng, Tổng thống Mugabe.
Ngoài các ý tưởng về cải cách kinh tế, vị sĩ quan có biệt danh “cá sấu” còn nổi tiếng là bàn tay sắt trong trấn áp dân chủ và nhân quyền.
Từ đầu năm 1983 tới cuối năm 1984, ông Mnangagwa đã chỉ đạo quân đội Zimbabwe thẳng tay thực hiện chiến dịch Gukurahundi, thảm sát nhiều người thiểu số Ndebele, theo VOA.
Vào năm 2008, ông Mnangagwa có công chính trong việc giúp Tổng thống Mugabe tái cử. Khi đó, lãnh đạo đối lập Morgan Tsvangirai đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử thứ nhất. Nhưng sau đó, ông Mnangagwa đã chỉ huy lực lượng an ninh và quân đội trấn áp lực lượng đối lập, giết hại hàng trăm người ủng hộ ông Tsvangirai. Cuối cùng lãnh đạo đối lập đã phải rút lui khỏi vòng bầu cử thứ hai, mở đường cho ông Mugabe tái đắc cử và sau đó ông Mnangagwa được bổ nhiệm vai trò Bộ trưởng Quốc phòng.
Với những gì ông Mnangagwa thể hiện trong những năm tham gia chính trường Zimbabwe từ chàng thanh niên du kích tới vị Phó Tổng thống ngoài 70 tuổi, có thể thấy đây là nhân vật khá thức thời. Ông đã đúc rút được các kinh nghiệm xương máu của người tiền nhiệm Mugabe trong tất cả các chính sách từ kinh tế tới an ninh và đối ngoại.
Tương lai gần của Zimbabwe dưới thời Mnangagwa có thể sẽ có khởi sắc về kinh tế với chính sách mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng về chính trị, Đảng ZANU-PF vẫn sẽ giữ vai trò độc tôn trong các quyết sách điều hành đất nước, phe đối lập sẽ tiếp tục yếu thế giống như dưới thời Mugabe. Thậm chí có ít khả năng ông Mnangagwa không tìm cách tiến đến một vị trí độc tài giống như người tiền nhiệm Robert Mugabe.
Tân Bình
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…