Nhiều giờ sau khi mừng chiến thắng bầu cử với hàng ngàn người ủng hộ trên các đường phố Seoul, Tổng thống tân cử Hàn Quốc Moon Jae-in hôm thứ Tư 10/5 sẽ phải bắt tay ngay vào công việc điều hành một quốc gia chia rẽ sâu sắc, đối mặt với những mối đe doạ ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên và một lập trường khác lạ sẽ khiến liên minh với Hoa Kỳ trở nên không thoải mái.
Chiến thắng của ông Moon đã kết thúc một trong những khủng hoảng chính trị hỗn loạn nhất trong lịch sử gần đây của Hàn Quốc và thiết lập chính quyền cánh tả đầu tiên trong một thập kỷ qua. Người đàn ông 64 tuổi này sẽ chính thức nhận nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia chính thức tuyên bố ông là người thắng cử trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào sáng thứ Tư 10/5. Cơ quan bầu cử kết thúc nhận phiếu bầu vào 6 giờ sáng 10/5 và thống kê sơ bộ cho thấy ông Moon giành được 41% phiếu bầu, vượt xa hai ứng viên ông Hong Joon-pyo (theo đường lối bảo thủ) và ông Ahn Cheol-soo (theo đường lối ôn hòa), lần lượt chỉ giành được 24% và 21% phiếu bầu.
Ông Moon sẽ có nhiệm kỳ tổng thống 5 năm và không được tái cử.
Sau khi có kết quả thăm dò sau bầu cử ngay tối thứ Ba 9/5, ông Moon đã cùng tham gia vào đám đông người ủng hộ chúc mừng ông đắc cử tại quảng trường Gwanghwamun, trung tâm thủ đô Seoul, nơi bắt đầu từ cuối năm ngoái hàng triệu người Hàn Quốc hàng tháng vẫn tụ tập biểu tình ôn hòa để yêu cầu bà Park Geun-hye từ chức.
Mỉm cười và vẫy tay chào người ủng hộ đang hô vang tên mình, ông Moon nói: “Đây là chiến thắng vĩ đại của những người dân vĩ đại. Tôi sẽ dốc hết năng lượng của mình để xây dựng một quốc gia mới”.
Ông Moon, con của người tị nạn chạy trốn khỏi miền Bắc trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, sẽ phải dẫn dắt một đất nước vừa bị rung chuyển bởi bê bối chính trị hủy hoại tiền đồ của người tiền nhiệm theo đường lối bảo thủ, bà Park Geun-hye, hiện đang bị tạm giam chờ xét xử tội tham nhũng vào cuối tháng này.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon sẽ bỏ qua quá trình chuyển đổi thông thường hai tháng vì đây là cuộc bầu cử bổ sung để chọn người kế nhiệm bà Park – nhiệm kỳ chính thức kết thúc vào tháng Hai năm 2018. Mặc dù điều này có nghĩa là ông Moon phải phụ thuộc vào các bộ trưởng và trợ lý hiện tại của bà Park, nhưng có thể ông sẽ công bố đề cử của mình cho vị trí Thủ tướng. Nhân vật quyền lực số 2 của đất nước này và cũng là chánh văn phòng nội các của Tổng thống cần được sự đồng ý của các nhà lập pháp vào sáng thứ Tư 10/5.
Ông Moon từng là chánh văn phòng của tổng thống cánh tả gần nhất, ông Roh Moo-hyun. Ông Roh khi tại nhiệm đã tìm kiếm mối quan hệ gần gũi với Bắc Triều Tiên bằng cách thiết lập các chuyến hàng cứu trợ quy mô lớn lên phía Bắc và khởi động các dự án kinh tế chung hiện đang bị đình trệ.
Ông Moon cũng thường xuyên xuất hiện tại các cuộc biểu tình chống lại bà Park và vụ bê bối tham nhũng, đẩy mạnh nỗ lực để tái thiết quyền lực của cánh tả. Ông kêu gọi cải cách để giảm bất bình đẳng xã hội, giảm quyền lực của tổng thống quá nhiều và mối quan hệ tham nhũng giữa các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Rất nhiều trong số những di sản đó có từ thời cha bà Park, ông Park Chung-hee, người có 18 năm cầm quyền ghi dấu ấn bởi kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng quyền dân sự bị xâm phạm nghiêm trọng.
Từng là nhà hoạt động sinh viên vì dân chủ, ông Moon đã bị bắt giam trong nhiều tháng trong những năm 1970 do tham gia biểu tình phản đối ông Park Chung-hee.
Như vậy, dưới thời ông Moon, có thể chính sách đối nội và đối ngoại của Hàn Quốc sẽ có nhiều thay đổi so với hiện tại. Ông Moon, ủng hộ quan hệ gần gũi với Bắc Triều Tiên, từng nói rằng các chính phủ bảo thủ cứng rắn không làm được gì để ngăn chặn sự phát triển tên lửa hạt nhân của miền Bắc và chỉ làm giảm tiếng nói của Hàn Quốc trong nỗ lực quốc tế phản đối Bắc Triều Tiên.
Cách tiếp cận mềm mỏng với Bắc Triều Tiên có thể đẩy ông Moon vào mâu thuẫn với Hoa Kỳ – đồng minh lớn nhất của Hàn Quốc trong khi chính quyền Trump đang thực hiện chính sách “vừa đấm vừa xoa” với lãnh đạo Bắc Hàn.
Mối quan hệ với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ là thách thức lớn đối với ông Moon. Ông Trump gần đây đã chứng tỏ mình là một người độc đáo trong cách tiếp cận Bắc Triều Tiên, xoay quanh áp lực, đe dọa và đề nghị nói chuyện.
Bà Duyeon Kim, một thành viên tại Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên Tại Seoul, gần đây đã viết trên tạp chí ‘Các vấn đề Ngoại giao’ rằng: “Người Hàn Quốc quan ngại về ông Trump hơn lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Họ sợ rằng ông Trump sẽ phát động một cuộc tấn công quân sự khốc liệt vì những lời tweet táo bạo của ông, những đe dọa vũ lực và tính cách khó lường”.
“Điều quan trọng là ông Trump và vị tổng thống Hàn Quốc tiếp theo sẽ đạt được kết quả tích cực ngay trong cuộc họp đầu tiên của họ để giúp vượt qua bất kỳ sự khác biệt song phương nào và cùng nhau giải quyết thách thức Bắc Triều Tiên”, bà Kim nhấn mạnh.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Moon có thể sẽ không theo đuổi các chính sách nối lại mối quan hệ quá mềm mỏng với miền Bắc bởi vì chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã tiến triển đáng kể so với khi ông này còn làm việc trong chính phủ của cựu tổng thống Roh Moo-hyun một thập kỷ trước.
Ông Hong Joon Pyo, theo đường lối bảo thủ, là cựu thống đốc tỉnh, tự nhận mình là “người mạnh mẽ”, đã mô tả cuộc bầu cử vừa qua giống như một cuộc chiến giữa các hệ tư tưởng và đặt dấu hỏi về lòng ái quốc của ông Moon.
Chuyến công du đầu tiên của ông Moon với tư cách Tổng thống Hàn Quốc được dự đoán sẽ là chuyến viếng thăm vào sáng 10/5 tới Nghĩa trang Quốc gia tại thành phố Daejeon, nơi yên nghỉ của các chiến binh độc lập và anh hùng chiến tranh của đất nước. Sau đó, Tổng thống tân cử sẽ trở lại Seoul để dự lễ nhậm chức tại Quốc hội.
Tân Bình
Xem thêm:
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…