Hôm thứ Sáu (27/9) nhiều tổ chức truyền thông Mỹ đã đưa tin cho biết, chính phủ của TT Trump đang thảo luận về việc ngăn chặn dòng vốn từ Mỹ chảy vào Trung Quốc, bao gồm các hạn chế đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc, loại bỏ những doanh nghiệp Trung Quốc có hành vi xấu khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và hạn chế quỹ hưu trí của chính phủ Mỹ thâm nhập vào thị trường này.
Có quan điểm cho rằng các biện pháp hạn chế dòng vốn này sẽ đưa đến những áp lực mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tác động của biện pháp này vượt xa tác động của các đòn trừng phạt thuế quan đã áp dụng.
Nguồn tin chỉ ra, động thái này nhằm bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ và tránh rủi ro quá mức trong môi trường nhiều sơ hở về nguyên tắc.
Sau khi có thông tin này, chỉ số S&P 500 lần đầu lâm cảnh bán tháo, đã sụt giảm khoảng 0,3%. Đồng thời trong cùng ngày thông tin đưa ra, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất. Giá cổ phiếu của Alibaba, Yahoo và các công ty Trung Quốc khác đều giảm mạnh. Tỷ giá RMB (Nhân dân tệ) so với USD (Đô la Mỹ) giảm xuống mức 7,15 RMB đổi 1 USD, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/9.
Thông tin này xuất hiện lần đầu từ hãng tin tài chính Bloomberg, theo đó nội dung thảo luận nội bộ của Chính phủ Trump còn bao gồm những vấn đề: tăng tính minh bạch trong việc thực hiện pháp luật, việc xây dựng quy chế công bố thông tin đối xứng, bổ sung những quy định về an ninh quốc gia nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc trong đầu tư vào Quỹ hưu trí của Mỹ…
Thông tin từ người nắm được nội dung buổi thảo luận cho biết, Nhà Trắng chưa đề ra biện pháp hành động cụ thể, bất kỳ kế hoạch nào cũng phải được TT Trump chấp thuận, nhưng vấn đề là TT Trump hiện đang bật đèn xanh cho cuộc thảo luận này.
Thông tin cũng tiết lộ, lý do khiến Nhà Trắng triển khai những hành động này, thứ nhất là do giới nghị sĩ Quốc hội yêu cầu “hành động tương xứng” với Bắc Kinh, và thứ hai là vì nguồn vốn từ Mỹ trong các công ty Trung Quốc, Quỹ hưu trí quan trọng của chính phủ Mỹ (do Ủy ban đầu tư Tiết kiệm Hưu trí liên bang, tức FRTIB, quản lý) bơm hàng tỷ đô la đầu tư vào các công ty Trung Quốc.
Bloomberg chia sẻ thông tin cho biết, các quan chức Nhà Trắng đang nghiên cứu biện pháp giúp Mỹ hạn chế thị phần của Trung Quốc trong thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng hiện chưa rõ sẽ thực hiện như thế nào.
Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đi vào một số chỉ số quốc tế hàng đầu, có nghĩa là hàng năm sẽ có hàng chục tỷ USD liên quan từ các dòng đầu tư này đi vào Trung Quốc.
Năm ngoái, chỉ số MSCI của Goldman Sachs đã chính thức đưa vào hơn 200 công ty Trung Quốc. Cũng trong tháng 6 năm nay, FTSE Russell thuộc Sở giao dịch chứng khoán London thừa nhận cổ phiếu Trung Quốc đạt chuẩn tham gia. Ngoài ra, vào tháng Tư năm nay ngân hàng Bloomberg Barclays cũng cho trái phiếu Trung Quốc vào chỉ số tổng hợp trái phiếu toàn cầu của họ, quyết định tương tự cũng được JP Morgan Chase đưa ra vào đầu tháng 9 vừa qua. Chỉ có gần đây FTSE Russell cho biết vì các nhà đầu tư quốc tế đang còn nhiều lo ngại đối với trái phiếu Trung Quốc nên tạm hoãn việc cho trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào chỉ số then chốt của họ.
Việc các chỉ số chứng khoán lớn nước ngoài này cho các công ty Trung Quốc tham gia đã từng khiến Quốc hội Mỹ chú ý. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã cảnh báo, động thái này sẽ gây rủi ro cho thị trường tài chính Mỹ, phải áp đặt các hạn chế đầu tư chặt chẽ hơn, cần đánh giá nghiêm ngặt hơn việc các chỉ số chứng khoán và quỹ lương hưu của chính phủ Mỹ cho phép các công ty Trung Quốc gia nhập.
Nhà Trắng đã rất chú ý vấn đề ông Marco Rubio đưa ra. Theo Bloomberg, Nhà Trắng đang xem xét liệu có nên ủng hộ “Luật đối ứng” mà mùa hè năm ngoái ông Rubio đề xuất hay không, luật này nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Mỹ khi tham gia các công ty Trung Quốc thiếu minh bạch.
Trong một tuyên bố Rubio cũng cho biết, Nhà Trắng đang nỗ lực trong vấn đề này. “Để đối phó với mối đe dọa về an ninh kinh tế và quốc gia đối với Mỹ từ chính phủ Trung Quốc, động thái này của Chính phủ Tổng thống Trump là rất đáng khen ngợi, bao gồm (ngăn chặn) Bắc Kinh mượn cơ hội thâm nhập thị trường vốn của Mỹ để chiếm đoạt về kinh tế.”
Trong danh sách liệt kê của chính phủ Mỹ liên quan đến các vấn đề kinh tế của Bắc Kinh, điều quan trọng nhất là để giải quyết sự can thiệp bất thường của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực tư nhân.
Theo báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (the US-China Commission), tính đến cuối tháng Hai, 156 công ty Trung Quốc (bao gồm ít nhất 11 công ty nhà nước) lên ba sàn giao dịch lớn tại Mỹ (NASDAQ, Sở Giao dịch Chứng khoán New York và Sở Giao dịch Chứng khoán New York Mỹ) với tổng vốn hóa thị trường khoảng 1,2 nghìn tỷ USD.
Nhưng sau khi doanh nghiệp Trung Quốc được cho vào trong chỉ số chỉ số chứng khoán Mỹ do doanh nghiệp Mỹ quản lý, có nghĩa là quỹ tiết kiệm hưu trí chính của chính phủ Mỹ (do FRTIB quản lý) sẽ tự động bơm hàng tỷ USD cho các công ty Trung Quốc.
Roger Robinson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tư vấn RWR tại Washington cho biết, áp lực của Nhà Trắng đối với giới doanh nghiệp lần này có thể đạt kết quả tích cực.
Ông đã công khai chỉ trích dùng quỹ lương hưu của giới giảng dạy tại California mua cổ phần của Hikvision, một nhà sản xuất thiết bị giám sát của Trung Quốc.
Robinson đã lên án vấn đề quỹ hưu trí thuộc các bang của Mỹ cũng như chỉ số MSCI và nhiều nhà đầu tư quỹ quản lý khác đã không tích cực tham gia vào các vấn đề như thẩm định nhân quyền hoặc an ninh quốc gia; còn giá trị cổ phiếu của nhiều công ty Trung Quốc rất không tương xứng với mức rủi ro gây ra.
“Khi bạn nhận ra rằng trong hệ thống hưu trí của bạn có từ 17% đến 22% là chứng khoán Trung Quốc, bạn sẽ bàng hoàng kéo dài vài năm. Cần biết rằng, không đáng để tháng ngày nghỉ hưu phải nằm hành lang, (công ty Trung Quốc) hành động xấu xa sẽ khiến quỹ đầu tư hoặc hưu trí sụt giảm”, Robinson đã cảnh báo trong một bài phát biểu công khai vào tháng Tư năm nay.
Ông cho biết hiện nay Nhà Trắng đang xúc tiến ứng phó trước rủi ro đe dọa từ các công ty Trung Quốc trong thị trường vốn của Mỹ, nhiều khả năng đây là vấn đề chủ chốt của quan hệ kinh tế Trung – Mỹ trong giai đoạn tiếp theo.
Robinson từng là người phụ trách vấn đề kinh tế quốc tế của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống Reagan, và từng là Chủ tịch Ủy ban đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ.
Những người nắm rõ tình hình đối sách này của Chính phủ Trump chỉ ra, Ủy ban Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng đã nhiều lần tổ chức họp bàn vấn đề này, cả Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh Quốc gia cũng tham gia. Mặc dù chưa áp dụng hành động nào, nhưng các chuyên gia tư vấn của TT Trump đã bắt đầu thảo luận về các biện pháp hành động cũng như tác động dự kiến.
Tuần trước, trong buổi tiệc do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Cố vấn Washington (CSIS) tổ chức, một số chuyên gia tài chính và Trung Quốc đã thảo luận về lợi ích và rủi ro của việc chia tách tài chính giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như vấn đề phương thức tránh tác động tiêu cực đối với giới đầu tư Mỹ.
Người tham gia bữa tiệc tiết lộ, trong những người phát biểu có Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matt Pottinger.
TT Trump vừa bổ nhiệm Robert O’Brien, cựu đặc phái viên về vấn đề con tin của Mỹ, làm cố vấn an ninh quốc gia mới, kế nhiệm Bolton mới từ chức. Tiếp đó, ông lại bổ nhiệm nhân vật phái diều hâu Matt Pottinger làm Phó cố vấn an ninh quốc gia.
Những người phái diều hâu như Peter Navarro và các quan chức của Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ là những người tích cực nhất thúc đẩy vấn đề ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập vào thị trường vốn của Mỹ, hiện ngày càng nhiều chuyên gia phái diều hâu tham gia ban tư vấn nhằm thúc đẩy chủ trương này.
Nhưng Bộ Tài chính Mỹ và nhiều quan chức Ủy ban Kinh tế Quốc gia Mỹ vẫn lo ngại những động thái kiểu này có thể tác động đến tâm lý giới nhà đầu tư, phe này hy mọi động thái cần thận trọng tiến hành từng bước để vỗ yên giới đầu tư.
Nhưng người chia sẻ tình hình cho biết, vì các công ty Trung Quốc mà Chính phủ nhắm vào này là những công ty mà từ lâu đã không tuân thủ luật pháp Mỹ, họ đã bị chính phủ Mỹ xác định là tác nhân xấu hoặc đã bị Mỹ xử phạt; cho dù để cho giới đầu tư Mỹ lựa chọn thì cũng không có nhiều khả năng họ muốn đầu tư vào các công ty này.
Vì Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại tại Washington vào ngày 10/10 nên vấn đề thông tin này sẽ ảnh hưởng đến xu hướng của vòng đàm phán thương mại mới này ra sao là vấn đề đáng để theo dõi.
Một nguồn tin thân cận với chính quyền TT Trump tiết lộ, Nhà Trắng chưa có bất cứ tín hiệu gì với chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề này. Nhà Trắng không muốn đưa những hành động “bên lề” kiểu này dính vào những nội dung vĩ mô của đàm phán thương mại hiện đang triển khai.
Mặc dù một số quan chức chính phủ Mỹ cho rằng động thái trên là để đội ngũ của TT Trump có thêm nước cờ trong đàm phán thương mại, nhưng cũng có quan điểm cho rằng nên tách vấn đề quy định giám sát này ra khỏi vấn đề đàm phán thương mại.
Nathan Sheets, cựu Thứ trưởng về vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chuyện tẩy chay các công ty Trung Quốc này là “chuyện lớn” đối với thị trường và quan hệ Mỹ-Trung.
Huệ Anh
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…