Tạp chí Tài chính Úc hôm Chủ Nhật (18/2) đã đăng bài viết cho biết Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang xem xét thành lập liên minh để đối phó với việc Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực và thế giới, đặc biệt thông qua siêu dự án “Vành đai và Con đường”.
Mỹ, Nhật, Ấn, Úc đang tích cực đẩy mạnh đàm phán để sớm thành lập nhóm bộ tứ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Được biết, với siêu dự án đầu tư thương mại và cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” hay còn được gọi là “Con đường Tơ lụa mới”, Trung Quốc muốn tái lập lại con đường thương mại huyền thoại dọc theo vùng Cận và Viễn Đông đã tồn tại cho đến thế kỷ 15. Dự án khổng lồ này là một nguồn lực gây ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc vì nó liên quan đến việc phân bổ một khoản tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng, cấp vốn vay cho các quốc gia nhỏ hơn dọc theo tuyến đường “Tơ lụa mới”, và hứa hẹn đạt được những lợi ích kinh tế to lớn.
>>Ngoại trưởng Đức: “Một vành đai, một con đường” là cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài
Hãng tin CNBC (Mỹ) mới đây đã đưa ra nhận định rằng quy mô của dự án “Vành đai và Con đường” là rất lớn, bao phủ tới 65 quốc gia, chiếm 1/3 GDP toàn thế giới và ảnh hưởng tới khoảng 60% dân số toàn cầu.
Trước khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ của siêu dự án của Trung Quốc, Mỹ và phương Tây đã có những phản ứng đầu tiên với việc Mỹ đang thiết lập mối quan hệ về an ninh và kinh tế gần gũi hơn với Ấn Độ và Washington cũng đưa ra các đề xuất để tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản và Úc. Bốn nước Mỹ – Nhật – Ấn – Úc đã có các cuộc tọa đàm cùng nhau tại các hội nghị ASEAN và Đông Á ở Philippines vào tháng 11 năm ngoái.
Theo các nguồn tin từ Tạp chí Tài chính Úc, các cuộc đàm phán giữa bốn nước nêu trên đã được tiến hành trong nhiều tháng qua, tuy nhiên Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để công bố chính thức về liên minh này khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tới thăm Washington trong tuần này.
Thời báo Nhật Bản lưu ý rằng Ngoại trưởng Úc Julie Bishop trong một cuộc trả lời phóng vấn hôm thứ Hai (19/2) đã xác nhận rằng bốn nước đang thảo luận một kế hoạch cơ sở hạ tầng chung và nhấn mạnh “khu vực [Ấn Độ – Thái Bình Dương] đang có nhu cầu rất lớn về cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Các quan chức cấp cao của Úc, Mỹ và Nhật tỏ ra khá thận trọng khi đề cập tới dự án cơ sở hạ tầng hợp tác giữa bốn nước. Cả Ngoại trưởng Bishop và một quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh trên Tạp chí Tài chính Úc rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng của bốn nước Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là “sự lựa chọn thay thế” cho dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, chứ không phải là “đối thủ” với sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm thứ Hai (19/2), cũng đã có phát ngôn tương tự, khẳng định rằng: “Dự án này không nhằm mục đích chống lại kế hoạch ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc”. Ông Suga nói thêm rằng Nhật Bản đã có bản dự thảo về các kế hoạch cho “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” và hoàn toàn có thể lấy đó làm chiến lược cho nhóm bộ tứ.
Trong nhóm bộ tứ đang dần hình thành, Ấn Độ có lẽ là quốc gia có tiếng nói phản đối dự án “Vành đai và Con đường” công khai nhất. New Delhi mới đây đã hoan nghênh việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tháng 10/2017 đã nói rằng Trung Quốc không có quyền áp đặt vành đai và con đường vào bất kỳ nước nào.
Tuy nhiên, trên bình diện chung của nhóm bộ tứ, các phát ngôn về dự án hợp tác tương lai đều nhấn mạnh về “lựa chọn thay thế” hơn là “đối thủ” của Trung Quốc. Một vị quan chức Mỹ giải thích rằng dự án của Mỹ-Úc-Nhật-Ấn không nhằm mục đích loại bỏ dự án của Trung Quốc và đối đầu với “Vành đai và Con đường”. Vị quan chức này mô tả dự án mới là cơ hội hợp tác tiềm năng với đề xướng của Trung Quốc và đưa ra ví dụ rằng các cảng biển do Trung Quốc xây dựng có thể không đem lại lợi nhuận cho tới khi có sự hợp tác của Mỹ.
Trong khi đó, trang tin Bloomberg (Mỹ) nhìn nhận kế hoạch của nhóm bộ tứ là cách để Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hài hòa với mong muốn đối phó với Trung Quốc và Nga được nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới, và cân bằng với việc Mỹ rút khỏi các hiệp định đa phương như Hiệp định Thương mại Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Giáo sư về nghiên cứu an ninh của Đại học Macquarie ở Sydney Bates Gill đã suy đoán rằng chương trình mà ông Trump và ông Turnbull sẽ thảo luận tại Washington tuần này là cố gắng để tái định hình liên minh an ninh bốn bên liên quan đến “các điều khoản về kinh tế và cơ sở hạ tầng” để nó nghe có vẻ “ít đối đầu với Trung Quốc“.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá rằng dự án hợp tác của nhóm bộ tứ, cũng như “Vành đại và Con đường” của Trung Quốc, sẽ cần ít nhất 5 năm mới có thể định hình trên thực tế. Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu nói về dự án “Vành đai và Con đường” vào năm 2013, nhưng thực tế nó đã được thai nghén nhiều năm trước đó. Và phải tới năm 2016, Trung Quốc mới thành lập được Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á để cấp vốn cho siêu dự án nêu trên. Cho tới nay, ngân hàng này đã cấp vốn cho 24 dự án cơ sở hạ tầng tại các nước trong “Vành đại và Con đường”.
Mặc dù dự án của Mỹ và các đồng minh có thể sẽ còn mất nhiều thời gian để triển khai, nhưng nó đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các học giả chính trị Trung Quốc.
Trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông), giáo sư Pang Zhongying của Đại học Đại Dương Trung Quốc mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng không thể đánh giá thấp sự hợp tác của Mỹ với các nước Úc – Ấn – Nhật.
“Năm năm đã trôi qua, đã đến lúc Trung Quốc kiểm tra và suy nghĩ lại những lợi ích và tổn thất của các dự án [Vành đai và Con đường]. Nên thay cách làm để thúc đẩy sáng kiến này, cần tuân thủ các quy tắc toàn cầu và lực lượng thị trường”, ông Zhongying đưa ra lời khuyên.
Giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Bắc Kinh Jia Qingguo nói thêm rằng: “Trung Quốc cần suy nghĩ lại về cách tiếp cận của ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’. [Sáng kiến] đó tập trung quá nhiều vào các cân nhắc chính trị hơn là các cân nhắc về kinh tế và nó không bền vững… Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để quản lý mối quan hệ với các nước trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Điều đáng chú ý là cả hai vị giáo sư Trung Quốc đều đề cập tới các mối quan hệ quốc tế, các quy tắc toàn cầu và lực lượng thị trường trong bình luận liên quan đến dự án “Vành đai và Con đường”. Đó là điểm yếu cố hữu của Trung Quốc trong hành xử quốc tế. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cũng nói về việc cần phải đảm bảo Trung Quốc tuân thủ các quy tắc quốc tế. Ông Russel cho rằng các nhà hoạch định chính sách cả ở trong và ngoài Trung Quốc đều nhìn thấy những lỗ hổng trong siêu dự án của Bắc Kinh và đó có thể là điểm mà Mỹ và đồng minh có thể khai thác nhằm chiếm lợi thế.
Tân Bình (T/h)
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…