Thế Giới

Mỹ trừng phạt 6 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông liên quan đến nhân quyền

Hôm thứ Hai (ngày 31/3), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 6 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Hồng Kông. Bộ Ngoại giao cho biết 6 người này liên quan đến hoạt động đàn áp xuyên quốc gia và vi phạm nhân quyền đối với người Mỹ và các nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. (Nguồn: Gage Skidmore/ Wikimedia)

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rubio cho biết, các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông ở nước ngoài để đe dọa, đàn áp và sách nhiễu 19 nhà hoạt động dân chủ buộc phải chạy trốn ra nước ngoài, bao gồm một công dân Hoa Kỳ và 4 thường trú nhân Hoa Kỳ khác.

Nhằm đáp trả, hôm nay ngày 1/4, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 6 cá nhân có hành động hoặc chính sách làm xói mòn thêm quyền tự chủ của Hồng Kông, vi phạm các cam kết của Bắc Kinh và tham gia vào hoạt động đàn áp xuyên quốc gia. Trong đó, 5 quan chức chính quyền Hồng Kông đã tham gia vào các hành động hoặc chính sách làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông.

Ông Rubio cho biết, hành động hôm nay, cùng với việc công bố Báo cáo Đạo luật Chính sách Hồng Kông cho Quốc hội chứng tỏ quyết tâm của chính quyền Trump trong việc buộc những kẻ tước đoạt các quyền và tự do được bảo vệ của người dân Hồng Kông, hoặc những kẻ tham gia vào hoạt động đàn áp xuyên quốc gia đối với công dân Hoa Kỳ trên đất Mỹ phải chịu trách nhiệm.

ĐCSTQ đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ, làm suy yếu pháp quyền và quyền tự do của Hồng Kông

Ngày 31/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đệ trình báo cáo lên Quốc hội về tình hình Hồng Kông từ tháng 1/2024 – 12/2024 theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông năm 1992 và Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho năm tài chính 2019.

Báo cáo cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá rằng các hành động mới do Bắc Kinh thực hiện trong giai đoạn này đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ, không phù hợp với Luật cơ bản, cũng như nghĩa vụ của Trung Quốc trao quyền tự chủ cao cho Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.

Bắc Kinh cho phép Hồng Kông giữ lại một số khác biệt với Trung Quốc Đại Lục, gồm chính sách kinh doanh và thương mại, với điều kiện những chính sách này có đóng góp riêng cho lợi ích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, xu hướng chung là hướng tới tập trung quyền lực ở Bắc Kinh (kiểm soát Hồng Kông).

Chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục sử dụng “an ninh quốc gia” như một lý do biện minh chung chung và mơ hồ, nhằm phá hoại pháp quyền và các quyền và tự do được bảo vệ. Ngoại trưởng Mỹ chứng minh rằng Hồng Kông không xứng đáng được hưởng chế độ đối xử đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ như trước ngày 1/7/1997.

Báo cáo cho biết, ngày 23/3/2024, chính quyền Hồng Kông đã ban hành “Sắc lệnh bảo vệ an ninh quốc gia” (Điều 23 của Luật cơ bản), áp dụng định nghĩa quá rộng của Bắc Kinh về “an ninh quốc gia”.

Dưới sự giám sát của chính quyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền Hồng Kông đã sử dụng “Sắc lệnh bảo vệ an ninh quốc gia” và Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông năm 2020 do Bắc Kinh ban hành, tiếp tục làm xói mòn pháp quyền ở Hồng Kông, phá hoại các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân Hồng Kông, đồng thời quấy rối và đe dọa những người ở nước ngoài.

Chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông cho biết, luật này trừng phạt các hành vi lật đổ, xung đột với lực lượng nước ngoài và khủng bố với mức án lên tới chung thân.

Báo cáo trích dẫn, ví dụ vào ngày 24/12/2024, chính quyền Hồng Kông đã sử dụng Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và Điều 23 để ban hành treo thưởng và lệnh bắt giữ mới cho 6 nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài, đồng thời thu hồi hộ chiếu của 7 người khác. Một số người trong số họ sống tại Hoa Kỳ.

Chính quyền Hồng Kông tích cực truy tố những người ủng hộ dân chủ và tự do báo chí, gồm 47 người bị xét xử trong “Vụ án Luật An ninh Quốc gia số 47”, như ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) và cựu biên tập viên của “Stand News”.

Một số thẩm phán không thường trực người nước ngoài tại Tòa Phúc thẩm chung thẩm đã từ chức vì lo ngại về mặt chính trị liên quan đến pháp quyền. Khi số lượng thẩm phán nước ngoài giảm, số lượng tù nhân bị tạm giam đạt mức cao mới là 40,2% tổng số tù nhân.

6 người bị trừng phạt là những ai?

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố tên và chức vụ của 6 người bị trừng phạt. Bộ Ngoại giao cho biết, những cá nhân này đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc cưỡng ép, bắt giữ, giam giữ hoặc bỏ tù những cá nhân phải tuân theo Luật An ninh Quốc gia, hoặc chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào việc xây dựng, thông qua hoặc thi hành Luật An ninh Quốc gia, gồm:

Âu Chí Quang (Sonny Chi Kwong Au): Hiện là Tổng thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia của Đặc khu hành chính Hồng Kông.

Đổng Kinh Vĩ (Dong Jingwei): Giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia của ĐCSTQ tại Hồng Kông.

Vương Trung Tuần (Dick Chung Chun Wong): Trợ lý Ủy viên Cảnh sát hiện tại (Bộ An ninh Quốc gia), cựu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cảnh sát Hồng Kông.

Triệu Vịnh Lan (Margaret Wing Lan Chiu): Được thăng chức làm Trợ lý Ủy viên Cảnh sát vào năm 2021, phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia.

Tiêu Trạch Di (Raymond Chak Yee Siu): Ủy viên Cảnh sát hiện tại của Hồng Kông.

Lâm Định Quốc (Paul Ting Kwok Lam): Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông, chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.

Lệnh trừng phạt được công bố hôm 31/3 sẽ chặn mọi tài sản tại Hoa Kỳ có thể thuộc về những cá nhân này, bao gồm cả Đổng Kinh Vĩ, một cựu quan chức cấp cao tại cơ quan tình báo dân sự chính của Trung Quốc, hiện là giám đốc Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia của Bắc Kinh tại Hồng Kông.

Trước đây, Đổng Kinh Vĩ là người đứng đầu cơ quan bắt gián điệp của Trung Quốc, chịu trách nhiệm giám sát hoạt động phản gián. Ông cũng là thứ trưởng bộ an ninh quốc gia, một chức vụ cấp cao bao gồm truy lùng gián điệp nước ngoài ở Trung Quốc và những công dân thông đồng với nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, mọi tài sản và quyền lợi tài sản của những người bị trừng phạt nêu trên tại Hoa Kỳ hoặc do người Mỹ nắm giữ hoặc kiểm soát, đều bị đóng băng, và phải báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Ngoài ra, nếu một hoặc nhiều thực thể do cá nhân bị trừng phạt sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với quyền sở hữu từ 50% trở lên, thì thực thể đó cũng sẽ bị đóng băng.

Cô Frances Hui thuộc Quỹ Ủy ban Tự do tại Hồng Kông ở Washington, người được cấp tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ sau khi luật an ninh được áp dụng, gọi các lệnh trừng phạt là bước quan trọng trong việc giải quyết tình trạng đàn áp ngày càng tồi tệ ở Hồng Kông.

Cô hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu cho một nỗ lực bền vững và rộng rãi hơn, nhằm buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm, không chỉ bao gồm các quan chức cấp cao mà còn cả các thẩm phán và công tố viên ở mọi cấp đóng vai trò quan trọng trong việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến.

Trong một tuyên bố riêng, Ngoại trưởng Rubio cho biết, ông cũng sẽ lên án một số quan chức Trung Quốc giấu tên thực hiện lệnh hạn chế đi lại ở Tây Tạng bằng cách trừng phạt thị thực, không cho phép các quan chức và nhà báo Hoa Kỳ đến khu vực này điều tra.

Bình Minh (t/h)

Bình Minh

Published by
Bình Minh

Recent Posts

Bộ Nội vụ: Dự kiến, Việt Nam giảm còn 5.000 xã

Bộ Nội vụ cho biết dự kiến cả nước sẽ giảm từ 10.035 xã xuống…

2 giờ ago

Thuế suất chống bán phá giá đối với thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc dao động từ 0% đến 37,13%

Thuế chống bán phá giá tạm thời chỉ áp dụng cho thép mạ chứa hàm…

2 giờ ago

Ngoài sự lãng mạn: Yếu tố còn thiếu trong hôn nhân hiện đại

Gần một phần ba các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn. Chuyện gì…

5 giờ ago

Cử tri Wisconsin đã quyết định đưa luật về căn cước cử tri vào hiến pháp tiểu bang

Wisconsin sẽ đưa luật về căn cước cử tri (voter ID) của tiểu bang vào…

5 giờ ago

Cựu quan chức của ông DeSantis thắng ghế Hạ viện thay thế ông Matt Gaetz

Thành viên Đảng viên Cộng hòa Jimmy Patronis giành chiến thắng trong cuộc đua kế…

6 giờ ago

The Coffee House được sang nhượng với giá 270 tỷ đồng

The Coffee House được bán cho Golden Gate với giá 270 tỷ đồng, bằng 25%…

6 giờ ago