Tập đoàn của tỷ phú Lý Gia Thành chưa ký thỏa thuận cảng Panama vào tuần tới
- Trí Đạt
- •
Theo thông tin từ South China Morning Post, Tập đoàn CK Hutchison Holdings (gọi tắt là CK Hutchison) thuộc sở hữu của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành sẽ không ký kết thỏa thuận bán hai cảng chiến lược tại Kênh đào Panama vào tuần tới như dự kiến. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ tiến hành xem xét chống độc quyền đối với thương vụ này.
- Thương vụ bán cảng Panama của Lý Gia Thành liên quan đến tranh chấp ở cao tầng ĐCSTQ
- Vì sao ông Tập Cận Bình bất hòa với tỷ phú Lý Gia Thành?

Theo báo cáo, Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia Trung Quốc cho biết vào thứ Sáu (28/3) rằng họ đang xem xét thương vụ CK Hutchison bán 45 cảng tại 23 quốc gia với giá 23 tỷ USD cho một liên danh do công ty đầu tư Mỹ BlackRock dẫn đầu.
Sau khi hai tờ báo thân Bắc Kinh là Văn Hối Báo (Wen Wei Po) và Đại Công Báo (Ta Kung Pao) đặt câu hỏi liệu thương vụ này có cần sự phê duyệt về chống độc quyền của Trung Quốc hay không, Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia đã thông báo về cuộc điều tra này.
Người phát ngôn của Cục Chống độc quyền, trực thuộc Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một phản hồi bằng văn bản: “Chúng tôi đã chú ý đến thương vụ này và sẽ tiến hành xem xét theo pháp luật nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng trên thị trường, duy trì và bảo vệ lợi ích công chúng.” Cơ quan này không tiết lộ thời điểm bắt đầu cuộc điều tra.
Theo Văn Hối Báo, các phóng viên truyền thông Văn Hối Báo, Đại Công Báo của Hồng Kông đã hỏi Cơ quan quản lý nhà nước về quản lý thị trường vào thứ Sáu (28/3) về “đề xuất bán cảng Panama của CK Hutchison” và đã nhận được phản hồi từ của cơ quan này. Sau đây là toàn văn phần Hỏi đáp:
Câu hỏi: Có thông tin cho rằng CK Hutchison sẽ ký thỏa thuận giao dịch tại cảng Panama với BlackRock vào ngày 2/4. Giao dịch có cần được cơ quan rà soát chống độc quyền của Trung Quốc chấp thuận không?
Người phụ trách Vụ Chống độc quyền số 2 thuộc Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia Trung Quốc trả lời: “Chúng tôi đã chú ý đến thương vụ này và sẽ tiến hành xem xét theo pháp luật nhằm bảo vệ cạnh tranh công bằng trên thị trường, duy trì và bảo vệ lợi ích công chúng.”
Theo báo cáo, trang web chính thức của Tổng cục Giám sát Thị trường Quốc gia Trung Quốc cho thấy Vụ Chống độc quyền số 2 chịu trách nhiệm thực hiện việc xem xét và điều tra các vụ tập trung kinh tế theo pháp luật. Cụ thể, cơ quan này: Kiểm tra các thương vụ tập trung kinh tế có thể gây hạn chế hoặc loại bỏ cạnh tranh; Điều tra các vụ tập trung kinh tế chưa đạt ngưỡng báo cáo nhưng vẫn có khả năng ảnh hưởng đến cạnh tranh; Thực hiện giám sát và kiểm soát các điều kiện hạn chế đi kèm trong các vụ tập trung kinh tế; Tiến hành rà soát chống độc quyền trong lĩnh vực kinh tế số; Hướng dẫn doanh nghiệp Trung Quốc trong các vụ kiện chống độc quyền ở nước ngoài và hỗ trợ họ tuân thủ quy định pháp luật quốc tế.
Ngoài ra vào sáng thứ Sáu, một nguồn tin thân cận với CK Hutchison cho biết tập đoàn này sẽ không ký kết thỏa thuận như kế hoạch vào thứ Tư tới (ngày 2/4). Theo thông tin được biết, ngày 2/4 không phải là “hạn chót thực sự”, mà chỉ là thời điểm sớm nhất có thể ký kết thỏa thuận. Một nguồn tin thân cận với CK Hutchison nói với South China Morning Post rằng “Thỏa thuận bán hai cảng ở Panama sẽ không được ký kết chính thức vào tuần tới.”
Theo thông báo bán tài sản được công bố vào ngày 4/3, ngày 2/4 là hạn chót để CK Hutchison và liên danh do BlackRock dẫn đầu ký kết thỏa thuận cuối cùng về thương vụ mua bán hai cảng. Sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết, điều đó có nghĩa là CK Hutchison và tập đoàn do BlackRock đứng đầu sẽ tiến hành các cuộc đàm phán độc quyền và thực hiện các thỏa thuận được giữ bí mật. Bên mua sẽ có 145 ngày để lấy thông tin và tài liệu để tiến hành thẩm định.
CK Hutchison bán hai cảng nằm ở hai đầu kênh đào Panama, cùng với các cảng khác ngoài Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục, là một phần của thương vụ trị giá 23 tỷ USD. Trong đó, CK Hutchison dự kiến thu về 19 tỷ USD tiền mặt. Theo báo cáo, không có dấu hiệu nào cho thấy thương vụ này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của giao dịch, một số chi tiết quan trọng vẫn chưa được thống nhất.
Thông tin về việc bán cảng Panama đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong những tuần gần đây, Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công khai gây áp lực lên CK Hutchison, chia sẻ các bài viết chỉ trích thương vụ này vì không xem xét đến lợi ích và an ninh quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Quách Gia Côn, khi được hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo thường kỳ hôm Thứ Năm (27/3), đã tuyên bố: “Về nguyên tắc, tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối các hành vi sử dụng cưỡng ép kinh tế, bắt nạt và bá quyền để xâm phạm hoặc gây tổn hại đến quyền lợi chính đáng của các quốc gia khác”.
Quốc hội Mỹ lo ngại ĐCSTQ đàn áp ông Lý Gia Thành
Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc đã đăng trên mạng xã hội X rằng: “Sau khi ông Lý Gia Thành cố gắng bán tài sản tại Panama cho một bên mua có liên minh với Mỹ, ông Tập Cận Bình đã đưa đế chế của ông ấy (Lý Gia Thành) vào danh sách đen. Đây rõ ràng là một chiến lược cai trị bằng cưỡng chế, trừng phạt kinh tế và kiểm soát chiến lược.”
Ủy ban viết: “Chiến lược cảng toàn cầu của Trung Quốc không phải về hậu cần mà là về đòn bẩy”.
The CCP’s global port strategy isn’t about logistics — it’s about leverage.
After Li Ka-shing sought to sell Panama assets to a U.S.-aligned buyer, Xi blacklisted his empire. This is coercive statecraft, economic punishment, and strategic control all in plain sight.
— Select Committee on the Chinese Communist Party (@committeeonccp) March 28, 2025
Thương vụ ông Lý Gia Thành bán quyền vận hành cảng cho BlackRock ban đầu được coi là một chiến thắng lớn. Thương vụ này không chỉ giúp ông Lý Gia Thành đạt được mức giá cao cho tài sản của mình và tránh được tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại đối với ngành vận tải biển, mà còn mang lại một thắng lợi mang tính biểu tượng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, lãnh đạo ĐCSTQ tỏ ra bất mãn với thương vụ này và đã ra lệnh tiến hành điều tra. Mặc dù Bắc Kinh không hài lòng, nhưng do các cảng được bán đều nằm ngoài Trung Quốc và Hồng Kông, nên ĐCSTQ gần như không có cách nào trực tiếp hạn chế hoặc ngăn chặn giao dịch này.
Trước đó Wall Street Journal dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, ông Tập Cận Bình không hài lòng vì ông Lý Gia Thành đã xúc tiến thương vụ này mà không xin phép Bắc Kinh trước. Ngoài ra, ông Tập cũng nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của kênh đào Panama và ban đầu dự định sử dụng các cảng tại Panama làm “quân bài” đàm phán với Tổng thống Mỹ Trump. Tuy nhiên, thương vụ này diễn ra bất ngờ, khiến Bắc Kinh trở tay không kịp.
Báo cáo cho biết, ông Tập Cận Bình không muốn bị coi là kẻ thua cuộc. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng bất kỳ động thái lớn nào nhằm cản trở thương vụ này đều có thể làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Trump.
Ông Tăng Nhuệ Sinh (Zeng Ruisheng) từ Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London (SOAS) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng các tỷ phú Hồng Kông khác đang theo dõi chặt chẽ phản ứng của Bắc Kinh đối với thương vụ cảng Panama.
Ông nhận định: Nếu ông Lý Gia Thành bị trừng phạt quá nặng nề vì thương vụ này, các doanh nhân giàu có khác có thể cân nhắc chuyển nhiều hoạt động kinh doanh ra khỏi Hồng Kông.
Ông tin rằng việc Bắc Kinh đàn áp ông Lý Gia Thành sẽ gây ra “phản tác dụng”.
Từ khóa Lý Gia Thành Dòng sự kiện Kênh đào Panama
