Về việc Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Houston và bắt giữ nhà nghiên cứu Đường Quyên (Juan Tang) thuộc Đại học California (University of California, Davis), ẩn náu trong Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, hôm 30/7, cựu đại sứ Nikki Haley của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết Chính phủ Mỹ từ lâu đã biết vấn đề LSQ Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp. Năm ngoái cũng xảy ra chuyện hai nhà ngoại giao ĐCSTQ lẻn vào căn cứ quân sự của Mỹ và họ đã bị Mỹ bí mật trục xuất.
Bà Haley chia sẻ trên Twitter: “Mỹ từ lâu đã biết ĐCSTQ sử dụng đại sứ quán/lãnh sự quán của mình làm vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp. Mùa thu năm ngoái, hai nhà ngoại giao ĐCSTQ đã bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi lẻn vào một căn cứ quân sự. Các quan chức ĐCSTQ hay tùy tiện xuất hiện trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu và văn phòng Chính phủ của Mỹ mà không báo trước.”
Về sự kiện này, Thời báo New York (NYT) dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết ít nhất một quan chức của ĐCSTQ trong số bị trục xuất là sĩ quan tình báo dưới vỏ bọc nhà ngoại giao.
NYT cho biết cả Washington và Bắc Kinh đều không công bố vụ việc xảy ra vào tháng Chín năm ngoái, nhưng sự cố này đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại của chính quyền Trump: ĐCSTQ không ngừng mở rộng các hoạt động gián điệp tại Mỹ vì mục tiêu cạnh tranh kinh tế và chiến lược toàn cầu. Quan chức tình báo Mỹ mà NYT dẫn tin cho biết Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa từ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Quan chức Mỹ nói rằng các quan chức ĐCSTQ nhờ hộ chiếu ngoại giao đã xuất hiện mạnh dạn hơn trong các tổ chức nghiên cứu hoặc cơ quan chính phủ, ví dụ rõ ràng nhất là chuyện xâm nhập vào cả căn cứ quân sự Mỹ.
Nguồn tin chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên Mỹ trục xuất nhà ngoại giao Trung Quốc kể từ năm 1987. Điều này cho thấy Chính phủ Mỹ hiện đang có đường lối cứng rắn hơn trong việc chống lại các hoạt động gián điệp bị cáo buộc của ĐCSTQ.
Vài tuần sau khi xảy ra chuyện căn cứ quân sự của Mỹ bị nhà ngoại giao ĐCSTQ xâm nhập, ngày 16/10/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động của giới ngoại giao ĐCSTQ, yêu cầu họ phải có thông báo trước khi gặp các quan chức địa phương hoặc tổ chức giáo dục cũng như nghiên cứu.
Thời điểm đó có quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng quy định này áp dụng cho tất cả các nhiệm vụ của Trung Quốc tại Mỹ và các lãnh thổ của Mỹ. Đây là một phản ứng đáp trả những động thái của ĐCSTQ trước đó vài năm, theo đó phía Trung Quốc yêu cầu quan chức ngoại giao Mỹ trước khi đi du lịch hoặc đến thăm một số tổ chức bên ngoài thành phố họ đang cư trú thì phải xin phép trước.
Thông tin cho biết rằng vụ việc nhà ngoại giao ĐCSTQ xâm nhập căn cứ quân sự Mỹ xảy ra vào cuối tháng 9/2019, địa điểm là cơ sở nhạy cảm gần Norfolk ở Virginia là nơi có các lực lượng hoạt động đặc biệt, trong đó có trụ sở của Đội thứ 6 Lực lượng Xung kích SEAL, là đội tinh nhuệ của Hải quân Mỹ.
Khi đó, vợ chồng quan chức ngoại giao Trung Quốc đã lái xe đến trạm kiểm soát và đi vào căn cứ, nhưng bị bảo vệ nhận ra họ không được phép vào nên đã yêu cầu họ đi qua cổng và rẽ ra khỏi căn cứ. Nhưng quan chức phía Trung Quốc vẫn tiếp tục đi vào khiến phía Mỹ phải dùng xe cứu hỏa để chặn lại. Khi được hỏi thì quan chức ĐCSTQ nói rằng họ không hiểu lời giải thích bằng tiếng Anh của người bảo vệ, họ chỉ đi lạc đường mà thôi.
Quan chức Mỹ cho biết họ nghi ngờ lý do mà quan chức ngoại giao Trung Quốc xâm nhập đưa ra. Nguồn tin chỉ ra vẫn chưa rõ họ dự định làm gì trên căn cứ của Mỹ, nhưng quan chức mà NYT dẫn tin cho rằng quan chức ĐCSTQ muốn thăm dò tình hình an ninh của cơ sở quân sự Mỹ.
Y Bình / Epoch Times
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…