Theo hãng tin Reuters, hôm 25/3, Mỹ và Anh đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát sau cuộc đảo chính ngày 1/2 và các cuộc đàn áp chết người.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào Myanmar Economic Holdings Public Company Ltd (MEHL) và Myanmar Economic Corporation Ltd (MEC). Đây là hai thực thể được cho là có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Myanmar.
Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với MEHL, với lý do quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Hồi giáo Rohingya.
Động thái trừng phạt hôm thứ Năm của Mỹ và Anh nhằm mục đích chống lại lợi ích kinh doanh của quân đội Myanmar, bao gồm từ bia và thuốc lá đến viễn thông, lốp xe, khai thác mỏ và bất động sản.
Ngay sau thông báo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án việc chính quyền Myanmar tiếp tục sử dụng vũ lực gây chết người vào cuối tuần qua, dẫn đến cái chết của ít nhất 27 người, trong đó có một số trẻ em.
“Những hành động ghê tởm và tàn bạo này đối với trẻ em, một đứa trẻ mới 7 tuổi bị bắn chết tại nhà khi đang ngồi trong lòng cha, càng chứng tỏ bản chất khủng khiếp của cuộc thảm sát của chế độ quân sự Miến Điện đối với chính người dân của mình,” phát ngôn viên Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Washington sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào của các thực thể trên ở Hoa Kỳ nắm giữ và là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngân hàng trung ương cũng như các tướng lĩnh hàng đầu của Myanmar.
Ngoài ra, các công ty hoặc công dân Mỹ cũng bị cấm giao dịch hoặc thực hiện các giao dịch tài chính với những công ty được liệt kê nói trên
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết quân đội Myanmar “đã có những hành động ngày càng đáng lo ngại nhằm vào chính công dân của họ kể từ ngày 1/2”.
Ông nói: “Những biện pháp [trừng phạt] này sẽ nhắm mục tiêu cụ thể đến những kẻ cầm đầu cuộc đảo chính, lợi ích kinh tế của quân đội và các nguồn tài trợ hỗ trợ cho cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Myanmar. “Biện pháp trừng phạt không nhắm vào người dân Miến Điện.”
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Ed Markey, Chủ tịch tiểu ban Châu Á của đảng Dân chủ, cho biết ông hoan nghênh các biện pháp trừng phạt mới nhất nhưng kêu gọi cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa.
“Cần phải làm nhiều hơn nữa để làm suy yếu huyết mạch kinh tế của quân đội và vũ khí chiến tranh của quân đội. Hoa Kỳ nên đóng vai trò hàng đầu trong việc thúc giục các đối tác và đồng minh của chúng ta, bao gồm cả các thành viên của ASEAN, thực hiện các bước để cắt nguồn tài trợ cho quân đội,” ông nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các lệnh trừng phạt sẽ tạo ra những khó khăn đáng kể cho các tập đoàn trong việc làm ăn với các công ty bên ngoài.
Giám đốc vận động khu vực châu Á của Theo dõi Nhân quyền, John Sifton cho biết: “Đây là một bước rất quan trọng nhưng nó không phải là biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất có thể được thực hiện,” và nói thêm rằng Washington cũng nên nhắm vào doanh thu của Myanmar từ các liên doanh khí đốt tự nhiên với các công ty quốc tế.
Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) thì kêu gọi Liên minh châu Âu cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lợi ích kinh doanh của quân đội và cho biết Anh nên theo sát Hoa Kỳ trong việc nhắm mục tiêu đến MEC.
Lê Xuân (theo Reuters)
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…