Myanmar: Bé gái 7 tuổi bị bắn chết; người dân đình công trong im lặng
- Xuân Lan
- •
Chính quyền Myanmar đã trả tự do cho hàng trăm người biểu tình bị bắt trong cuộc đàn áp tàn bạo người biểu tình hôm thứ Tư. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp ở Yangon vẫn đóng cửa, đường phố vắng tanh sau khi các nhà hoạt động chống đảo chính kêu gọi một cuộc đình công im lặng.
Prayers for 7 year-old Khin Myo Chit, who was shot dead at her home as she was with her father in Mandalay, Myanmar – the youngest of some 275 civilians reported killed since the Feb. 1 coup #WhatsHappeningInMyanmar pic.twitter.com/jE3zJE7rNv
— Matthew Tostevin (@TostevinM) March 24, 2021
Các nhân chứng, bao gồm cả luật sư cho một số tù nhân, cho biết có nhiều xe buýt chở đầy tù nhân đã chạy khỏi nhà tù Insein ở Yangon vào buổi sáng.
Không có thông báo từ nhà chức trách về việc con số cụ thể các tù nhân được trả tự do.
“Tất cả những người được thả đều là những người bị bắt từ các cuộc biểu tình, cũng như bị bắt vào ban đêm hoặc những người ra ngoài mua thứ gì đó [khi giới nghiêm],” một thành viên của nhóm cố vấn pháp lý cho biết anh ta đã thấy khoảng 15 xe buýt rời đi.
Nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết ít nhất 2.000 người đã bị bắt trong cuộc đàn áp của quân đội nhằm vào các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.
Nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa ở Yangon, trên đường xe cô thưa thớt. Thành phố lớn nhất của đất nước trở nên vắng lặng sau lời kêu gọi của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cho một cuộc đình công im lặng.
“Không đi chơi, không mua sắm, không làm việc. Tất cả đã đóng cửa. Chỉ trong một ngày,” Nobel Aung, một nhà hoạt động nói với Reuters.
Một người dân ở quận Mayangone của thành phố cho biết: “Những người bán thịt và rau trên đường phố không xuất hiện. “Không có tiếng động xe hơi, chỉ có tiếng chim.”
Một giáo viên ở quận Kyauktada cho biết đường xá vắng tanh. “Không có nhiều người trên đường, chỉ có những người giao nước”.
Cuộc đình công diễn ra một ngày sau khi nhân viên phục vụ tang lễ ở Mandalay nói với Reuters rằng một bé gái 7 tuổi đã bị bắn chết trong thành phố. Đây là nạn nhân trẻ nhất trong số khoảng 275 người đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội, theo AAPP.
Quân lính được cho là nhắm bắn vào cha cô bé Khin Myo Chit, nhưng viên đạn lại trúng bé khi bé đang ngồi trên đùi ông trong nhà của họ, chị gái bé nói với hãng truyền thông Myanmar Now. Hai người đàn ông cũng bị giết trong cùng quận.
@save_children @SaveChildrenUN @Save_GlobalNews @UNICEF @UNICEFData
Today this 7-year-old girl was shot dead by military junta while she was staying inside the house in Mandalay, Myanmar.#WhatsHappeningInMyanmar #Mar23Coup pic.twitter.com/rqEZu9M7sU— Ariellibra6 (@ariellibra6) March 24, 2021
Chính quyền quân sự đã phải đối mặt với sự lên án dữ dội của quốc tế vì cuộc đảo chính và vì các cuộc đàn áp đẫm máu đối với người biểu tình sau đó.
Quân đội đã biện minh cho việc tiếp quản, nói rằng cuộc bầu cử ngày 8/11 mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng là gian lận. Cáo buộc đã bị ủy ban bầu cử đất nước bác bỏ. Các nhà lãnh đạo quân sự đã hứa hẹn về một cuộc bầu cử mới nhưng chưa ấn định ngày và đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Phát ngôn viên của quân đội, Zaw Min Tun, hôm thứ Ba (23/3) cho biết 164 người biểu tình đã bị giết và bày tỏ nỗi buồn trước những cái chết này, một ngày sau khi Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các nhóm hoặc cá nhân có liên quan đến cuộc đảo chính.
Ông đổ lỗi cho những người biểu tình và cho biết 9 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã thiệt mạng.
Ông cho biết các cuộc đình công và các bệnh viện không hoạt động đã góp phần gây ra những cái chết, bao gồm cả các trường hợp vì COVID-19, gọi sự việc là “phi đạo đức”.
Người phát ngôn của quân đội cũng cáo buộc phương tiện truyền thông là “tin giả” đã kích động tình trạng bất ổn, và cho biết các phóng viên có thể bị truy tố nếu họ có liên hệ với Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), tức những người còn sót lại trong chính phủ của bà Suu Kyi. Quân đội đã tuyên bố CRPH là một tổ chức bất hợp pháp và cho biết tư cách thành viên có thể bị trừng trị bằng hình phạt tử hình.
Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 cho chiến dịch vận động mang lại chế độ dân sự dân chủ cho Myanmar, đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính và phải đối mặt với những cáo buộc mà luật sư của bà cho rằng đã được dựng lên để làm mất uy tín của bà.
Nhà lãnh đạo bị lật đổ sẽ phải ra hầu tòa thông qua hội nghị truyền hình vào thứ Tư sau khi một phiên điều trần trước đó đã phải hoãn lại do các vấn đề về internet.
Xuân Lan (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa đình công ở Myanmar