Hôm 13/4 vừa qua, Nam Phi đã đình chỉ việc tiêm vắc-xin của hãng Johnson & Johnson (J&J) như một “biện pháp phòng ngừa”, đồng thời công ty đã trì hoãn việc triển khai vắc-xin ở châu Âu sau khi FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) quyết định tạm dừng tiêm loại vắc-xin này trong khi kiểm tra đánh giá các trường hợp máu đông rất hiếm gặp.
Nam Phi đã tiêm hơn 289.000 liều vắc-xin J&J cho các nhân viên y tế của nước này mà không có bất kỳ báo cáo nào về tình trạng máu đông hiếm gặp, theo Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Zweli Mkhize.
Ông cho biết Nam Phi đã ngừng sử dụng vắc-xin J&J và hy vọng rằng những nghi vấn liên quan loại vắc-xin này sẽ “được giải đáp trong vòng vài ngày”.
Mkhize cho hay trong trường hợp vắc-xin J&J bị tạm dừng vĩnh viễn, Nam Phi sẽ tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vào tháng 5/2021 bằng cách sử dụng vắc-xin Pfizer/BioNTech.
Trước đó, J&J cho biết họ đang trì hoãn việc triển khai vắc-xin COVID-19 trên khắp châu Âu trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra về loại vắc-xin của mình.
Thông báo trên được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý ở Mỹ tuyên bố rằng họ khuyến nghị “ngừng” việc dùng loại vắc-xin 1 liều duy nhất của J&J để điều tra các báo cáo liên quan đến tình trạng máu đông hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
J&J chia sẻ: “Chúng tôi đã quyết định chủ động trì hoãn việc triển khai vắc-xin của mình ở châu Âu”.
Việc trì hoãn này là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực tiêm chủng ở Liên minh châu Âu (EU), vốn đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung, các vấn đề về hậu cần và lo ngại trước tình trạng máu đông bất thường ở một số ít những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Các báo cáo về tình trạng máu đông đã khiến một số quốc gia thuộc EU (27 nước) hạn chế việc tiêm vắc-xin AstraZeneca cho người lớn tuổi. Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cho phép tiêm vắc-xin AstraZeneca cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên.
Cả hai loại vắc-xin J&J và AstraZeneca đều sử dụng một loại virus cảm lạnh có tên là adenovirus, để đưa loại gen đột biến của virus corona vào cơ thể, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch. J&J dùng adenovirus ở người để tạo ra vắc-xin, trong khi AstraZeneca sử dụng adenovirus ở tinh tinh để tạo vắc-xin.
Trong một tuyên bố hôm 13/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và FDA cho biết họ đang điều tra 6 trường hợp đông máu bất thường, trong đó có một ca tử vong, xảy ra từ 6 đến 13 ngày sau khi tiêm vắc-xin J&J. Ủy viên FDA cho hay bà mong rằng việc tạm dừng sẽ kéo dài trong vài ngày.
EMA cho biết rằng “hiện tại vẫn chưa rõ” liệu vắc-xin J&J có gây ra chứng rối loạn máu đông hiếm gặp hay không.
Tuần trước, EMA cho hay họ đã tìm thấy “mối liên hệ có thể có” giữa vắc-xin AstraZeneca và các cục máu đông hiếm gặp nhưng vẫn nói rằng lợi ích của việc tiêm chủng vượt xa nguy cơ mắc COVID-19. Ngày 11/3 vừa qua, các cơ quan quản lý châu Âu đã phê chuẩn vắc-xin J&J để sử dụng ở EU.
EU đã đặt hàng 200 triệu liều vắc-xin J&J vào năm 2021. Anh đã đặt hàng 30 triệu liều vắc-xin J&J, nhưng vẫn chưa cho phép sử dụng.
Pháp dự kiến nhận được 200.000 liều vắc-xin trong tuần này và đang có kế hoạch bắt đầu tiêm vào tuần tới cho những người từ 55 tuổi trở lên.
Tại Croatia, nơi cứ 4 người thì có 1 người từ chối tiêm vắc-xin AstraZeneca. Lô đầu tiên gồm 900.000 vắc-xin J&J sẽ đến tay khách hàng vào ngày 14/4.
Người đứng đầu Viện Y tế Quốc gia Ý, Silvio Brusaferro, cho biết còn quá sớm để nói rằng việc trì hoãn triển khải vắc-xin J&J sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng, bởi đợt giao hàng đầu tiên gồm 180.000 liều đã đến vào hôm 13/4.
Các quan chức ở Đức, vốn sẽ nhận được 232.800 liều vắc-xin J&J trong tuần này và 10,1 triệu liều vào cuối tháng 6/2021, cho biết hôm 13/4 rằng không có sự thay đổi nào liên quan đến kế hoạch này.
Người phát ngôn của Bộ Y tế, Hanno Kautz, nói với các phóng viên ở Berlin rằng: “Về nguyên tắc, chúng tôi luôn xem xét những cảnh báo như vậy trong bối cảnh quốc tế một cách nghiêm túc và điều tra chúng”.
Tây Ban Nha mong đợi 300.000 liều vắc-xin J&J sẽ đến vào ngày 14/4. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết lợi ích của việc dùng vắc-xin vẫn lớn hơn rủi ro nhưng vẫn cần có thêm thông tin.
Vào tháng 2/2021, Nam Phi đã bắt đầu tiêm vắc-xin J&J cho các nhân viên y tế trong một cuộc thử nghiệm nghiên cứu sau khi từ bỏ kế hoạch sử dụng vắc-xin AstraZeneca khi một nghiên cứu sơ bộ cho thấy vắc-xin AstraZeneca chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với biến thể COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở nước này.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…