Hơn chục ngàn người hôm thứ Bảy (28/7) đã xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình trên các thành phố khắp nước Nga từ thủ đô Moscow tới vùng Siberi để bày tỏ sự tức giận với đề xuất của chính phủ Putin về tăng tuổi nghỉ hưu, theo BBC.
Phóng viên BBC tại Moscow cho biết, người biểu tình tại thủ đô mang theo các hiệu ngữ như: “Chúng tôi muốn sống bằng lương hưu, không muốn chết tại công sở” hay “Chúng tôi không sống lâu như thế” và “Chính phủ phải ra đi”.
Nhiều nhà hoạt động thậm chí đã hóa trang thành thần chết, mặc áo choàng đen và mang theo đầu lâu và lưỡi hái. Họ muốn gửi đi thông điệp rằng những cải cái về tuổi nghỉ hưu của Điện Kremlin là án tử đối với người dân Nga.
Được biết, chính phủ Putin đã công khai kế hoạch sẽ tăng tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 tuổi đối với nam giới và từ 55 tới 63 tuổi đối với nữ giới. Chính phủ lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu này sẽ giúp đối phó với tình trạng lực lượng lao động đang thu hẹp do dân số già hóa.
Tuy nhiên, phía công đoàn – tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, cảnh báo rằng nhiều người Nga không sống đủ lâu để được hưởng trợ cấp lương hưu nếu kế hoạch cải cách nêu trên được thực thi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 66 tuổi, trong khi trung bình phụ nữ Nga thọ 77 tuổi.
Theo ghi nhận của BBC, tại thủ đô Moscow có khoảng 12.000 người tham gia biểu tình. Đây không phải là con số lớn so với thành phố lớn như Moscow, nhưng đó là cuộc tập trung lớn nhất từ trước tới nay của người dân thủ đô chống lại cải cách lương hưu.
Những cuộc biểu tình hợp pháp khác cũng diễn ra ở hàng chục thị trấn, thành phố khác ở miền đông nước Nga và vùng Siberi.
Theo BBC, cuộc biểu tình trên khắp nước Nga lần này do Đảng Cộng sản Nga (CPRF) tổ chức, nhưng cũng thu hút sự tham gia của các nhà hoạt động nghiệp đoàn và những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Hãng tin AFP, dẫn lời ông Gennady Zyuganov – lãnh đạo CPRF nói với những người tham gia biểu tình tại Moscow hôm thứ Bảy (28/7) rằng kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ là “cú đánh vào mọi người dân khắp cả nước”.
Những người biểu tình cho rằng chính phủ nên lấy tiền của người giàu và không được “ăn cướp” tiền của nhân dân lao động bình thường.
Theo BBC, cho tới nay đã có khoảng 3 triệu người Nga ký vào một lá thư thỉnh nguyện chống lại các đề xuất cải cách tiền lương của Đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền của Tổng thống Putin.
Động thái thay đổi chính sách hưu trí lần này của chính phủ Putin được xem là bước cải cách rủi ro và nguy hiểm nhất trong 20 năm cầm quyền của ông Putin.
Tổng thống Putin cho tới trước khi tái cử nhiệm kỳ thứ tư hồi tháng Ba vừa qua luôn công khai chủ trương không nâng tuổi hưu trí. Sau khi các thành viên chính phủ Putin đưa ra kế hoạch cải cách hưu trí, uy tín của Tổng thống đã giảm đáng kể. Theo cuộc khảo sát của VTsIOM hồi tháng Năm, tỷ lệ tín nhiệm của người dân đối với ông Putin đã giảm từ 80% xuống 64%.
Yên Sơn
Xem thêm:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…