Nga có thể đáp trả bằng “quân sự và các biện pháp kỹ thuật” để đảm bảo an ninh cho mình sau khi Mỹ và NATO phớt lờ các điểm quan trọng trong đề xuất mà Nga đưa ra về cấu trúc an ninh châu Âu dài hạn, Moscow tuyên bố hôm thứ Năm (17/2).
Trong tuyên bố dày 10 trang do Bộ Ngoại giao Nga (MFA) công bố hôm 17/2, Moscow cho biết Mỹ và đồng minh đã từ chối giải quyết “lằn ranh đỏ” và các lợi ích an ninh quan trọng của Nga. MFA cũng nêu ra quan điểm về các vấn đề cụ thể như Ukraine, Crimea, sự hiện diện của quân sự và vũ khí Mỹ ở các khu vực giáp ranh với Nga, cũng như vấn đề kiểm soát vũ khí.
Dưới đây là một số điểm trong tuyên bố hôm 17/2 của Moscow:
Nga khẳng định rằng không có chuyện “Nga xâm lược Ukraine” và Moscow cũng không có bất kỳ kế hoạch nào cho việc đó. Nga cho rằng những cáo buộc của Mỹ và đồng minh về việc Nga phải chịu trách nhiệm cho “leo thang” căng thẳng tại Ukraine có thể chỉ là nỗ lực nhằm gây áp lực lên Nga và để bác bỏ các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh xung đột tại Ukraine “hoàn toàn là vấn đề nội bộ”.
Nga lập luận rằng xung đột tại Đông Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua việc thực thi các Thỏa thuận Minsk và áp dụng các biện pháp đã được đưa ra trong đó. Nghị quyết 2022 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nêu tên Kiev và các khu vực Donetsk và Lugansk (phía Đông của Ukraine) là các bên liên quan, trong khi nêu tên Nga cùng với Pháp và Đức là trung gian hòa giải.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng để giảm leo thang tình hình tại Ukraine, thì phương Tây cần phải khuyến khích Kiev thực thi các biện pháp đã được các bên đồng thuận tại Minsk, phải dừng chuyển vũ khí tới Ukraine, phải rút tất cả cố vấn và chuyên gia hướng dẫn, dừng các cuộc diễn tập quân sự với quân đội Ukraine, và rút tất cả vũ khí trước đây đã chuyển cho Kiev ra khỏi lãnh thổ Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow không “chiếm đóng” lãnh thổ Ukraine trong năm 2014. Bộ này lập luận rằng “việc chính quyền Ukraine để mất toàn vẹn lãnh thổ là do các tiến trình nội bộ trong nước”, đặc biệt là cuộc đảo chính do Mỹ và đồng minh hậu thuẫn. Phía Nga cho rằng: “Những thủ phạm [đảo chính tại Ukraine] đã bám cứng vào việc xây dựng một nhà nước dân tộc chủ nghĩa, vi phạm quyền của người Nga và những người nói tiếng Nga, cũng như các dân tộc khác”.
Moscow nói rằng trong bối cảnh đó, khu vực Crimea và thành phố Sevastopol đã tổ chức trưng cầu dân ý để tái sáp nhập vào Nga, phù hợp với quyền tự quyết được Liên Hiệp Quốc đảm bảo. “Không có sử dụng vũ lực hay bắt nạt. Vấn đề Crimea thuộc về bên nào đã khép lại”, Bộ Ngoại giao Nga nói.
Kiev hiện vẫn coi bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine và nước này sẽ “tái sáp nhập” Crimea bằng mọi biện pháp, kể cả dùng vũ lực. Cũng vậy, Mỹ và NATO đều không công nhận việc Nga tái sáp nhập Crimea và gọi đó là “sáp nhập” phi pháp.
Trong tài liệu 10 trang công bố hôm 17/2, Bộ Ngoại giao Nga nói Moscow “không có lực lượng trong lãnh thổ Ukraine” và nói thêm rằng việc Nga triển khai quân đội bên trong lãnh thổ của mình “không và không thể liên quan đến các lợi ích cơ bản của Mỹ”.
Nga nói rằng trái lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khối NATO đã đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía Đông, vi phạm Hiệp ước 1990 về Lực lượng Thông thường tại châu Âu (CFE) và Hiệp định Nền tảng 1997về Quan hệ, Hợp tác và An ninh Song phương giữa Nga và NATO.
Moscow kiên quyết yêu cầu Mỹ phải rút tất cả lực lượng vũ trang và vũ khí mà họ đã triển khai tại Trung, Đông và Nam Âu, cũng như khu vực Baltic”.
Mỹ cam kết duy trì chính sách “cánh cửa mở” của NATO, không loại trừ việc kết nạp thêm bất kỳ nước nào nộp đơn xin gia nhập khối liên minh quân sự này.
Nga nhấn mạnh chính sách đó của NATO là vi phạm các cam kết của khối này đã đưa ra vào năm 1991, trong đó hứa hẹn không gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác và không tạo ra những đường chia cắt mới tại châu Âu.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng chính sách “cánh cửa mở” của NATO cũng xung đột với quy tắc về tính không thể chia cắt của an ninh mà Mỹ đã cam kết theo các hiệp định thành lập Tổ chức Hợp tác An ninh châu Âu (OSCE), cụ thể là “không thúc đẩy an ninh [của NATO] trên cơ sở vi phạm an ninh của các bên khác”.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và NATO hãy quay lại những bộn phận quốc tế của họ trong việc hỗ trợ hòa bình và an ninh”, Bộ Ngoại giao Nga nói.
Moscow lập luận rằng Washington cần phải thể hiện họ thực sự tin vào quy tắc an ninh không thể tách rời. Nga cáo buộc Mỹ từ chối từ bỏ “lộ trình phản tác dụng và gây bất ổn” khi theo đuổi lợi ích cho mình và đồng minh nhưng gây hại tới lợi ích an ninh và đe dọa biên giới Nga.
Moscow cho rằng quyền của các quốc gia được “tự do lựa chọn hoặc thay đổi các thỏa thuận an ninh, trong đó có việc tham gia vào các liên minh” là không tuyệt đối, và đó chỉ là một nửa của mô hình hiện có trong các hiệp ước an ninh châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga chỉ ra rằng Mỹ đã bỏ qua nửa còn lại của mô hình an ninh châu Âu, đó là không được thúc đẩy an ninh của mình trên cơ sở gây tổn hại đến các bên khác.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tại các quốc gia đồng minh thuộc NATO là vi phạm hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Moscow nói những vũ khí như vậy hiện đã được triển khai tại lãnh thổ của nhiều thành viên NATO và có khả năng nhắm vào Nga.
Moscow khẳng định vũ khí hạt nhân phải được rút đi và cơ sở hạ tầng cho việc tái triển khai nhanh chóng loại vũ khí hủy diệt này phải được phá bỏ. Moscow cũng nói NATO phải dừng huấn luyện các quốc gia thành viên không có vũ khí hạt nhân vận hành các loại vũ khí như vậy. “Nếu không loại bỏ tác nhân gây khó chịu này, thì cuộc thảo luận về chủ đề vũ khí hạt nhân phi chiến lược là bất khả thi”, Nga nói.
Bộ Ngoại giao Nga nói Mỹ và NATO đang tăng cường hoạt động quân sự tại biên giới Nga, trong khi lờ đi “lằn ranh đỏ” và những lợi ích an ninh cơ bản của Nga. MFA gọi tình huống này là “gây ra tình trạng đáng báo động”.
Nga cho rằng những tối hậu thư và các đe dọa về chế tài từ Mỹ và NATO là “không thể chấp nhận được” và khẳng định động thái đó làm xói mòn cơ hội đạt được các thỏa thuận ngoại giao thực sự.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết bởi vì Mỹ không sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh cho Nga theo cách vững chắc và có tính ràng buộc pháp lý, nên Nga sẽ buộc phải đáp trả, kể cả “thông qua việc thực thi các biện pháp mang bản chất quân sự và kỹ thuật”.
Hải Đăng (Theo RT)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…