Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/9, cựu Tổng thống Trump, người đang tích cực tham gia cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden về lệnh thúc đẩy dùng xe điện là hà khắc và không thể chấp nhận được, sẽ phá hủy ngành công nghiệp ô tô của Mỹ và khiến vô số công nhân ô tô mất việc làm.
Tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak, người giống ông Trump cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm sau, đã thay đổi kế hoạch nước Anh loại bỏ dần ô tô chạy xăng và dầu diesel từ nay đến năm 2030, qua đó bỏ một loạt chính sách về biến đổi khí hậu như đã hứa.
Giống như Mỹ, nhiều nước châu Âu, từ Ba Lan ở Đông Âu đến Bỉ ở Tây Âu, vào năm tới sẽ tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc. Đặc biệt vào tháng 6 năm tới, hàng triệu công dân châu Âu cũng sẽ bầu thành viên Nghị viện châu Âu. Với một loạt cuộc bầu cử đang diễn ra, câu hỏi xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là vấn đề ô tô nên chạy bằng điện hay chạy khí đốt, đang là vấn đề chính trị và bầu cử được tranh luận sôi nổi ở các nước châu Âu.
Khi Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (UAW) liên tục đình công ở Detroit, cựu Tổng thống Trump đã tới Detroit ngày 27/9 (thứ Tư tuần trước) để hy vọng có thêm ủng hộ của công nhân ô tô Michigan cho chiến dịch tranh cử năm 2024. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đã thắng tại Michigan, nhưng trong cuộc bầu cử năm 2022 lại thua ông Biden ở bang này.
Khi ông Trump phát biểu ở Clinton ngoại ô Detroit, ông đã chỉ trích ngành công nghiệp ô tô dưới thời chính quyền Tổng thống Biden là thiếu sót và thất bại. “Một cuộc bỏ phiếu cho Joe đạo đức giả có nghĩa là tương lai của ngành ô tô sẽ là ‘sản xuất tại Trung Quốc’”, ông Trump nói với những người ủng hộ đang cổ vũ.
Michigan là một bang chiến trường quan trọng, việc giành chiến thắng ở bang này có ý nghĩa quyết định đối với chiến thắng cuối cùng của ứng cử viên tổng thống.
Ông Trump cũng nói: “Ngành công nghiệp ô tô đang bị ám sát. Họ sẽ đóng cửa (ở Mỹ), sau đó chế tạo những chiếc ô tô này ở Trung Quốc và những nơi khác. Trong khi ở Michigan đây đang là một công việc hấp dẫn”.
Hồi tháng 4, Cục Bảo vệ Môi sinh (EPA) của chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất một quy định yêu cầu các nhà sản xuất ô tô hạn chế lượng khí nhà kính do phương tiện của họ thải ra. Mặc dù EPA không yêu cầu chuyển đổi toàn diện sang xe điện, nhưng việc chuyển sang xe điện có thể là một cách mà các nhà sản xuất ô tô phải tuân thủ quy định. Động thái này đã bị ông Trump chế giễu là “lệnh cưỡng chế dùng xe điện của Biden”.
“Đối với công nhân ô tô, việc ông Biden chuyển sang dùng [xe] điện là một bước chuyển xuống địa ngục,” ông Trump nói, “một sự chuyển đổi sang tình trạng thất nghiệp.”
Ông Trump cũng nói: “Điều duy nhất mà hôm nay ông Biden có thể nói để giúp ích cho các công nhân ô tô đang đình công là tuyên bố chấm dứt ngay lập tức những lệnh lố bịch của ông ta. Bất cứ điều gì khác chỉ là một nỗ lực yếu ớt và mang tính xúc phạm nhằm đánh lạc hướng người lao động Mỹ khỏi chú ý vào sự phản bội xấu xa này của Biden”.
UAW chưa công bố ủng hộ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của Tổng thống Biden. Nhằm lấy lòng các thành viên công đoàn UAW, vào tuần trước ông Biden đã có động thái bất thường khi tham gia vào giữ trật tự đình công.
Ngày 26/9/2023 tại Michigan, trên đường dây bên ngoài nhà máy vận hành phụ tùng của General Motors ở Belleville, Tổng thống Mỹ Biden đã phát biểu trước các thành viên đình công của UAW. (Ảnh: Jim Watson/Getty)
Trong bài phát biểu ngày 27/9, ông Trump còn chỉ trích trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đã hủy hoại việc làm của người Mỹ và toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Mỹ. “Họ đang đánh mất lối sống của chính mình”, ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump cũng hứa sẽ chấm dứt các chính sách cực tả đang giết chết nước Mỹ trong nhiệm tổng thống kỳ thứ hai của mình: “Hãy cho tôi 4 năm nữa và tôi sẽ chấm dứt chủ nghĩa toàn cầu hóa khủng khiếp này đang giết chết đất nước chúng ta”.
Ông nói với các công nhân ô tô ở Michigan: “Tôi sẽ tung ra thứ gọi là Năng lượng Mỹ, tôi sẽ là người bảo vệ và ủng hộ các bạn. Ngay từ ngày đầu tiên, tôi sẽ chấm dứt lệnh cưỡng chế dùng ô tô điện của Joe Biden”, ông Trump cũng cho biết ông sẽ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump còn chế nhạo những khuyết điểm của xe điện như giá thành cao, không thể di chuyển đường dài và sạc pin bất tiện. Ông cho biết ô tô điện “được thiết kế dành cho những người muốn thực hiện những chuyến đi ngắn”, sẽ khiến các tài xế “lo lắng” khi cố gắng tìm nơi sạc điện, “Người ta nói rằng ngày hạnh phúc nhất khi mua một chiếc ô tô điện là 10 phút trước khi lái nó”.
Các ứng cử viên tổng thống khác của Đảng Cộng hòa chưa đả kích xe điện gay gắt như ông Trump, nhưng thông điệp cốt lõi của họ giống nhau: Họ cho rằng bằng cách thúc đẩy người Mỹ chuyển sang sử dụng xe điện, Tổng thống Biden đang gây vấn đề an ninh quốc gia khi đẩy việc làm từ Mỹ qua Trung Quốc – nơi kiểm soát phần lớn ngành sản xuất pin và khoáng sản pin trên thế giới.
Thống đốc Ron DeSantis bang Florida, người đứng thứ hai sau ông Trump trong các cuộc thăm dò với tư cách là ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, đã vặn hỏi khi công bố kế hoạch kinh tế của mình: “Tại sao ông ấy (Tổng thống Biden) lại cố tình khiến đất nước này phụ thuộc nhiều hơn vào những gì đang xảy ra với Trung Quốc?” Ông Ron DeSantis còn hứa sẽ đảo ngược chính sách thúc đẩy người Mỹ mua ô tô điện.
Ngày 27/9, cựu Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu trong cuộc tranh luận lần thứ hai của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa: “Chương trình nghị sự về Thỏa thuận Xanh mới của Joe Biden là tốt cho Bắc Kinh, nhưng lại không tốt cho Detroit”.
Trong cuộc trò chuyện tại tòa thị chính cuối tuần trước Ngày lễ Lao động (4/9) ở New Hampshire, ông trùm công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy công khai hơn khi chế giễu “giáo phái xe điện” của chính quyền Tổng thống Biden. Ông cho biết chính sách về xe điện của Tổng thống Biden là “sử dụng tiền đóng thuế của chúng tôi để trợ cấp cho một số người khác nhằm khiến họ cảm thấy ngầu, vì họ không có lòng tự trọng nên muốn sở hữu một chiếc ô tô điện”.
Đội tranh cử của ông Biden cho biết các chính sách của ông, bao gồm các khoản tín dụng thuế đối với ô tô và xe tải do Bắc Mỹ sản xuất, được thiết kế để đảm bảo rằng Mỹ chứ không phải Trung Quốc làm chủ tương lai của ngành giao thông vận tải. Trong một tuyên bố sau bài phát biểu của ông Trump ở Detroit hôm thứ Tư tuần trước, người phát ngôn Kevin Munoz cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden phản bác: “Không có cái gọi là ‘lệnh cưỡng chế dùng xe điện’”.
Ngoài chiến dịch tranh cử tổng thống, một số đảng viên Cộng hòa ở cấp tiểu bang và liên bang đã đề xuất áp dụng các loại thuế, phí bổ sung và các hạn chế pháp lý đối với xe điện nhằm kiềm chế. Ví dụ ở Texas, chủ sở hữu xe điện phải trả thêm 200 USD mỗi năm cho chính quyền tiểu bang – một động thái mà những người ủng hộ cho rằng sẽ bù đắp cho khoản thuế xăng bị thất thoát.
Tuần trước Thượng nghị sĩ Deb Fischer đã giới thiệu một dự luật, theo đó sẽ áp dụng mức phí đối với các nhà sản xuất xe điện là 1550 USD cho mỗi chiếc xe, số tiền này đưa vào quỹ liên bang để chi trả cho việc bảo trì đường cao tốc. Cô cho biết động thái này “ngăn chặn xe điện tận dụng lợi thế giá rẻ”.
Tại Quốc hội Mỹ, việc Đảng Cộng hòa phản đối vấn đề xe điện chủ yếu tập trung vào việc duy trì quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chứ không phải họ phản đối dùng xe điện.
Dân biểu Buddy Carter (phe Cộng hòa bang Georgia) cho hay tại một phiên điều trần gần đây về vấn đề Hyundai Motor của Hàn Quốc đầu tư 5,5 tỷ USD vào sản xuất xe điện tại nhà máy ở quận bầu cử của ông, ca ngợi xe điện là “cỗ máy đáng kinh ngạc”. Nghị sĩ Carter nói: “Điều tôi phản đối là ý tưởng buộc người Mỹ chỉ đi những phương tiện (điện) này”.
Tương tự, nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa khác không phản đối xe điện, trái lại còn hoan nghênh việc làm cũng như tăng trưởng kinh tế mà việc sản xuất xe điện sẽ mang lại, đặc biệt là ở miền Nam nơi các nhà sản xuất ô tô và công ty pin đang đầu tư hàng tỷ USD để chế tạo xe điện. Thống đốc Brian Kemp bang Georgia đã cam kết biến bang của mình thành trung tâm sản xuất xe điện, bất chấp vấn đề hoài nghi của chính ông về phong trào biến đổi khí hậu.
Tình cảnh tương tự là tại châu Âu, trong bối cảnh áp lực vật giá leo thang thì vấn đề xe điện cũng đang bị cuốn vào làn sóng phản đối chính sách khí hậu. Không ít chính trị gia ở nhiều nước cũng đang lên tiếng về vấn đề này.
Nhà lập pháp Alexandr Vondra của Cộng hòa Séc cáo buộc những người ủng hộ việc tiếp tục thắt chặt hạn chế khí thải đối với ô tô là “những kẻ đào mộ cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu”.
Bộ trưởng Giao thông Ý Matteo Salvini đã tố cáo lệnh cấm động cơ đốt trong do EU đề xuất là “sự điên rồ” phá hủy việc làm, như vậy chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Xu thế phản đối ô tô điện ở Ý – quê hương của các thương hiệu ô tô nổi tiếng như Fiat và Ferrari – cũng đang trở thành một vấn đề chính trị. Chính phủ của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tuần trước đã cùng với Pháp, Ba Lan, Cộng hòa Séc và các nước khác chuộng ô tô xăng dầu phá bỏ đề xuất tiêu chuẩn khí thải Euro 7 của Ủy ban châu Âu – tiêu chuẩn nhằm chống ô nhiễm không khí do thế hệ động cơ đốt trong cuối cùng gây ra. Kết quả là, các bộ trưởng công nghiệp EU đã áp dụng một phiên bản yếu hơn đáng kể. Cuộc chiến này cũng sẽ tiếp tục diễn ra tại Nghị viện châu Âu.
Tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak đã thay đổi kế hoạch loại bỏ dần ô tô chạy xăng và dầu diesel cho tới năm 2030, kéo dài thời hạn đến năm 2035.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự thay đổi này là một loạt cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức vào tháng 7 năm nay. Thị trưởng Sadiq Khan của London (thành viên Công Đảng) đã quyết định mở rộng vùng phát thải cực thấp ở London, nơi yêu cầu các phương tiện đi lại đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phát thải ô nhiễm không khí.
Quyết định có tính bùng nổ này đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị điên cuồng trong mùa hè về các vấn đề liên quan đến khí hậu ở Anh, trong khi đó Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Sunak thúc giục mạnh mẽ thủ tướng xem xét lại mục tiêu khí hậu “phát thải bằng 0” của Vương quốc Anh.
Trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter cũ) hôm 30/7, ông Sunak đã đăng bức ảnh ông ngồi trong chiếc ô tô Rover cũ, động thái nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ và cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, qua đó nhấn mạnh thông điệp của ông trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph vào tháng 7 rằng ông đang xem xét “chương trình chống ô tô”.
Ông viết: “Ngồi trên chiếc Rover cũ của Margaret Thatcher để nói về tự do. Trước đó tôi đã nói chuyện với Telegraph về tầm quan trọng của ô tô đối với cuộc sống gia đình. Chống động cơ khiến những người Công Đảng (Đảng Lao động) sử dụng động cơ dường như không thể giải thích được. Đó là lý do tại sao tôi đang xem xét ‘kế hoạch chống ô tô’ trên toàn quốc”.
Thủ tướng Sunak tuyên bố lệnh cấm xe chạy bằng nhiên liệu của Anh sẽ được hoãn lại cho đến năm 2035, có nghĩa trong tương lai gần các hộ gia đình bình thường sẽ không cần mua một chiếc ô tô điện đắt tiền. (Ảnh: Getty)
Ông Sunak tuyên bố vào tháng 9 rằng Chính phủ Anh đang từ bỏ một loạt cam kết về khí hậu, bao gồm cam kết loại bỏ dần ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel đến năm 2030.
Một số nhà phân tích cho rằng quyết định chuyển sang cánh hữu của ông Sunak trong vấn đề này phản ánh những tính toán chính trị của ông, vì ông Sunak cũng đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử có thể sẽ được tổ chức vào năm tới, theo đó những thay đổi trong quan điểm về xe điện và chính sách khí hậu có thể giúp ông đánh bại Công Đảng cánh tả.
Các thành viên Đảng Bảo thủ khác của Vương quốc Anh cũng đã lên tiếng chỉ trích rộng rãi hơn đối với xe điện, bao gồm cả Nghị sĩ Craig Mackinlay – người đã xem những rủi ro xe điện liên quan vấn đề như cháy pin và nạn khai thác khoáng sản gọi là “trò bịp từ xe điện” (electric car con).
Khi nói về ô tô điện, ông nói: “Tôi hoàn toàn phản đối ô tô điện. Tôi nghĩ ô tô điện có hại cho môi trường. Tôi đặc biệt không muốn trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo đào mỏ cobaltite (CoAsS) để chúng tôi có thể vui thú với chiếc ô tô điện của mình”. Cobaltite là nguyên tố kim loại quan trọng trong sản xuất pin ô tô điện.
Các cuộc thăm dò cho thấy khuynh hướng chính trị của nhiều nước châu Âu đang chuyển sang cánh hữu, điều này cũng được phản ánh trong xu thế ngày càng nhiều người phản đối chương trình nghị sự về khí hậu của EU.
Ngay cả Chính phủ Đức do một thủ tướng thiên tả lãnh đạo và liên minh với Đảng Xanh, cũng đang phải vật lộn với tham vọng về khí hậu của EU.
Mặc dù ngành công nghiệp ô tô khổng lồ của Đức cũng đang chuẩn bị chuyển sang sử dụng xe điện. Ví dụ, trong nỗ lực thâm nhập thị trường xe điện Trung Quốc, gần đây Volkswagen đã ký thỏa thuận với thương hiệu Trung Quốc Xpeng Motors. Nhưng đầu năm nay Chính phủ Đức đã đi đầu trong việc phản đối đề xuất của EU về việc loại bỏ dần các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (xe chạy nhiên liệu xăng dầu) đến năm 2035.
Cuối cùng, nhà chức trách Đức đã thắng, đã khiến Brussels nhượng bộ yêu cầu của Berlin và cho phép ô tô động cơ đốt trong vẫn được đăng ký sau năm 2035, điều kiện là họ sử dụng cái gọi là “nhiên liệu điện tử” (e-fuels) – loại nhiên liệu hỗn hợp được làm từ hydro và carbon dioxide có khả năng thay nhiên liệu hóa thạch.
Tiêu biểu trong vấn đề chống xe điện tại châu Âu còn phải kể nhà lãnh đạo Viktor Orbán của Hungary – người có quan điểm giống như Thống đốc Brian Kemp bang Georgia (Mỹ), dù ông Viktor Orbán cũng nói các nhà máy sản xuất pin xe điện là một biện pháp tạo việc làm.
Có thể thấy tương tự như ở Mỹ, quan điểm chống xe điện cũng được lan truyền sâu sắc và rộng rãi trong giới bảo thủ ở châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…