Văn Hóa

Ngẫm về hôn lễ truyền thống: “Tam thư lục lễ” có phải quá phiền hà?

“Tam thư lục lễ” chính là lễ nghi của người xưa trong việc cử hành hôn lễ truyền thống. Bất kể là hoàng gia hiển quý hay là người dân áo vải đều phải chiểu theo phép tắc ấy khi đối đãi với sự kiện trọng đại của cả đời người.

Đám cưới người Việt thời xưa. (Tranh trong Bộ Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương – Monographie dessinée de l’Indochine)

Hôn lễ là một trong “Ngũ lễ”, được coi là đại lễ. Trong “Lễ ký – Hôn nghĩa” có ghi chép: “Hôn lễ là việc tốt lành hợp với hai họ, đối với trên là thờ tông miếu, mà đối với dưới là để duy trì đời sau, do đó người quân tử coi trọng hôn lễ.” Người xưa cho rằng mục đích cuối cùng của kết hôn chính là nối tiếp tổ tông kế tiếp đời sau. Do đó nam nữ trước khi trở thành phu thê đôi khi không nhất thiết phải có sẵn tình cảm, điều quan trọng là ảnh hưởng của việc kết hôn đối với gia đình, gia tộc. Vì vậy người tuân thủ lễ nghi phải tuân theo mệnh của cha mẹ và sự sắp đặt của người mai mối.

Mệnh cha mẹ, lời người mai mối

Về mệnh của cha mẹ, “Kinh Thi” có viết: “Lấy vợ thì như thế nào? Phải nói với mẹ cha”. Trong sách “Mạnh Tử” cũng viết: “Chưa có mệnh lệnh của cha mẹ, lời của người mai mối mà khoét tường nhìn nhau, vượt tường theo nhau thì cha mẹ và người dân đều khinh bỉ.” Đôi nam nữ chưa được cha mẹ đồng ý và người mai tác hợp thì không được xã hội thừa nhận và coi trọng.

Trong “Lễ ký – Nội tắc” còn chép: “Tử thậm nghi kỳ thê, phụ mẫu bất duyệt, xuất”, con trai rất thích vợ mình, cha mẹ không tán thành thì con phải bỏ vợ. Đây là nói về việc người con dâu khi về gia đình chồng, làm những điều trái nghịch, bất hiếu, cha mẹ không tán thành, thì có thể lệnh cho con trai bỏ vợ. Người con trai dẫu thích cô vợ đó đến đâu, muốn làm tròn lễ nghĩa vẫn phải bỏ. Trái lại, một người con trai dẫu có ghét vợ đến đâu, cha mẹ đồng ý, tán thành con dâu như thế, thì vẫn phải cưới.

Về lời người mai mối, trong ngôn ngữ cổ, mai mối gọi là “mưu chước”, “Mưu là bàn việc tác hợp hai họ. Chước là cân nhắc việc của hai họ”. Mai mối chính là người khảo sát hai bên nam nữ có tương xứng để hôn phối không.

Trong “Sử ký” có một câu như vậy: “Nữ không có người mai mối mà tự lấy chồng thì không phải dòng giống của ta. Làm ô uế đời ta.” Câu nói này là của quan Thái sử Kiểu nước Cử thời Chiến Quốc. Con gái ông không qua mai mối, tự mình theo Pháp Chương, vốn là Thái tử nước Tề đang lưu vong. Mặc dù sau này Pháp Chương trở về nước Tề thành Tề Tương Vương, con gái của quan Thái sử nước Cử thuận theo đó mà thành vương hậu, nhưng Thái sử nước Cử trước sau cũng không chấp nhận việc hôn nhân của con gái. Ông thà cắt đứt quan hệ cha con chứ không vì con gái là vương hậu mà thấy vẻ vang.

Có thể thấy trong lý niệm của người xưa, tác dụng của người mai mối là có quan hệ đến lợi ích của hai dòng tộc, khiến sự việc được công khai hóa và hợp lý hóa. Hôn nhân thiếu lời nói người mai mối cũng tự nhiên thiếu đi tính hợp tình hợp lý. Đương nhiên lời nói của người mai mối còn có một tác dụng nữa, đó chính là làm thích nghi và giảm xung động, bởi vì người mai mối có thể bị khước từ, cho dù hai bên gia tộc không đạt được đồng thuận hôn nhân thì cũng không đến nỗi thành kẻ thù địch.

Bắt đầu từ thời Tây Chu, mai mối đã trở thành một cơ quan, chức năng chủ yếu là “Phán xét, tác hợp cho muôn dân, xử lý vấn đề hôn nhân trong dân”, vì vậy cơ quan này được gọi là “môi thị”. Đến thời Nam Tống, mai mối không chỉ phục vụ hôn nhân cho người dân mà còn nắm việc hôn nhân của hoàng thất. Người mai mối chuyên phục vụ cho hoàng thất gọi là “quan môi”.

Đến thời nhà Nguyên, người mai mối trở thành một bộ phận của việc lập pháp. Triều đình nhà Nguyên quy định “Lệnh cho quan ty các nơi sai người mai mối thông báo những trường hợp không nên thành hôn, còn lấy sổ sách viết cam kết không vi phạm để giải quyết tận gốc việc tố tụng”. Điều đó có nghĩa là những người mai mối các địa phương đều phải biết về pháp luật ở mức độ nhất định, hiểu lệnh cấm và khoan dung của triều đình về vấn đề hôn nhân. Hơn nữa người mai mối còn phải nộp cho triều đình một bản cam kết đảm bảo hôn nhân không vi phạm pháp luật, để tránh gây ra những tranh chấp pháp luật. Như vậy hôn nhân đã có pháp luật giám sát. So với trước kia chỉ là chế độ cử hành nghi lễ dân gian thì đã khác biệt hơn rất nhiều rồi.

Tam thư lục lễ

Được cha mẹ đôi bên đồng ý và sự nỗ lực của người mai mối, giai đoạn có tính cơ sở của hôn nhân thời xưa đã hoàn thành. Tiếp ngay sau đó là giai đoạn thực chất của việc kết hôn: “Tam thư lục lễ”.

Từ khi hình thành lễ nghi hôn lễ đời Tây Chu, “Tam thư lục lễ” đã trở thành điển thức dân gian có giá trị lịch sử.

Cái gọi là Tam thư là chỉ Sính thư, Lễ thư và Nghênh thân thư. Sính thư là giấy viết định thời gian việc thành hôn, được coi như bản khế ước đính hôn. Lễ thư là giấy viết các việc khi làm hôn lễ cho nhà gái, giấy có viết số lượng và tên gọi các lễ vật. Nghênh thân thư là giấy ghi thời gian đón dâu chính thức.

Cái gọi là Lục lễ là chỉ Nạp thái (lễ đặt vấn đề hôn nhân, dạm ngõ), Vấn danh (lễ hỏi tên tuổi, thân thế), Nạp cát (lễ tiếp nhận xem tuổi hai bên, đính hôn), Nạp chinh (lễ nhận lễ vật), Thỉnh kỳ (lễ định ngày cưới), Thân nghênh (lễ rước dâu).

Nạp thái tức là trên cơ sở sự đồng ý của cha mẹ và lời nói của người mai mối, nhà trai đặt vấn đề hôn nhân với nhà gái.

Sau khi nhà gái đồng ý, nhà trai tiến hành lễ Nạp thái với nhà gái. Thông thường lễ vật Nạp thái nhà trai tặng là một đôi chim nhạn sống. Chim nhạn khi trời lạnh thì bay về phương nam, khi ấm lại trở về phương bắc, được coi là thuận ứng với đạo âm dương giữa trời đất. Hơn nữa chim nhạn kết đôi trung trinh không đổi thay, một con chết thì con còn lại sẽ cô độc đến già. Nạp thái tặng chim nhạn chính là biểu đạt tâm nguyện tốt đẹp thuận ứng với âm dương tự nhiên, trung trinh đối với hôn nhân.

Vấn danh thực ra không phải là hỏi tên người nữ mà là ngày, giờ, tháng, năm sinh (sinh thần bát tự). Cần xem ngày giờ sinh của người nữ hợp với người nam thì mới có thể thành hôn.

Nạp cát là lễ tiếp sau Vấn danh. Lễ này tương đương với lễ đính hôn ngày nay. Nhà trai thông báo kết quả tốt lành cho nhà gái sau khi xem tuổi sau lễ Vấn danh, đồng thời nhà trai đích thân đem lễ vật đến cho nhà gái để ký kết hôn ước. Lễ phật lúc này đa phần là đồ trang sức, khí cụ, lụa, v.v.. Bày tỏ trong tương lai không xa sẽ chính thức nghênh đón cô gái.

Nạp chinh tiếp ngay sau đó. Nhà trai trong quá trình này cần phải đem tất cả những sính lễ đến tặng nhà gái, lễ tiết khá phức tạp. Sau đó nhà gái sẽ trả lại một phần sính lễ, hoặc là mua lễ vật mới tặng nhà trai, hoặc là tặng quần áo giày tất mà cô gái đích thân làm cho chàng trai. Số lượng sính lễ và hồi lễ thông thường là 8 loại, phần nhiều đều có tên gọi cát tường như ý.

Thỉnh kỳ là khâu thứ 5. Nhà trai tính ra ngày tốt kết hôn, mời nhà gái xem. Khâu này tuy không phức tạp nhưng lại rất thú vị. Mọi người xưa nay đều rất cầu kỳ coi trọng ngày tốt, việc hiếu hỉ cưới xin đều phải chọn ngày tốt lành thuận lợi. Nhưng kết quả bói toán từ xưa đến nay luôn luôn thay đổi theo phương pháp xem, 10 thầy bói có thể tính ra 10 ngày lành khác nhau. Sau này lưu hành phép tính theo âm dương ngũ hành, kết quả bói toán sai khác nhau ít. Tính toán ngày lành chủ yếu là tránh những ngày đại hung, tránh những năm không tốt lành.

Thân nghênh là khâu cuối sau Thỉnh kỳ. Chú rể đón cô dâu về nhà, làm lễ hợp cẩn, bách niên hảo hợp. Quá trình này rất phức tạp, chú rể phải ngồi xe ngựa đến nhà cô dâu, bái kiến cha mẹ cô dâu và tất cả họ hàng thân thích. Trước khi cô dâu lên xe, chú rể phải đi quanh xe ngựa 3 vòng, sau đó đi trước dẫn đường về nhà. Cô dâu được các phù dâu đi theo tháp tùng. Xe ngựa cô dâu là do nhà gái tự chuẩn bị, sau khi thành hôn 3 tháng thì nhà trai đích thân đem trở lại nhà gái, gọi là “phản mã” (xe ngựa trở về).

Nghi thức bái đường hình thành từ thời nhà Đường. Trong nghi lễ cổ thì người nữ bái trước, người nam bái đáp lễ, sau 4 lượt thì xong lễ, gọi là “đối bái”. Trong phòng cưới, vợ chồng phải uống rượu hợp cẩn. Cẩn là chỉ một trái bầu đắng cắt làm hai cái gáo, vợ chồng mỗi người một nửa dùng để chứa rượu. Vợ chồng cần đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau, tuy hai mà một, dẫu đắng cay vẫn cùng nhau chịu đựng, quyết không chia lìa.

*

Sau này, lục lễ dần dần thu nhỏ cắt giảm. Thời Bắc Tống trở thành tứ lễ, thời Nam Tống trở thành tam lễ, và được áp dụng đến thời Minh Thanh.

Trong xã hội hiện đại, những lễ nghi cổ xưa có rất nhiều trình tự đã bị vứt bỏ. Những thứ bị vứt bỏ không chỉ đơn giản là trình tự lễ nghi, mà theo đó hai vợ chồng cũng không được nhắc nhở về nội hàm thâm sâu đằng au nghi lễ. Lòng người cũng không như xưa, hôn nhân ngày nay cũng có đủ thứ đủ chuyện, sống thử, phá thai không bị coi là điều sỉ nhục, mà lại được cho là chuyện thường tình.

Hôn nhân của người hiện đại với người cổ đại thì cái nào văn minh và lý tính hơn đây?

Theo “Hôn lễ truyền thống: Tam thư lục lễ
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Vương Thắng

Xem thêm:

Mời xem video:

Vương Thắng

Published by
Vương Thắng

Recent Posts

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

13 phút ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

22 phút ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

31 phút ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

41 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

47 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

1 giờ ago