Nghị viện Liên minh Châu Âu (Nghị viện EU) hôm thứ Tư (12/2) đã chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA).
Theo thông cáo báo chí của Nghị viện EU, trong phiên bỏ phiếu hôm 12/2, cơ quan này đã thông qua EVFTA với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng.
EVFTA được Liên minh Châu Âu (EU) gọi là “thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển“. Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng được thông qua với 416 phiếu ủng hộ, 187 phiếu chống và 44 phiếu trắng.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện EU bỏ phiếu thông qua với 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng. Nghị quyết đi kèm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua với 406 phiếu ủng hộ, 184 phiếu chống và 58 phiếu trắng.
Đáng chú ý, Nghị viện EU tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam “có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền” trong tương lai.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/2, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố: “Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam.“
“Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị. Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là làm sao để thỏa thuận này được thực hiện,” ông Bernd Lange nói thêm.
Theo BBC, hồi tháng 2/2019, Nghị viện EU cũng đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do với Singapore với 425 phiếu thuận, 186 phiếu chống và 41 phiếu trắng.
Tiếp theo, để EVFTA có hiệu lực, Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ phải chuẩn thuận thỏa thuận thương mại này. Đối với EVIPA, để hiệp định này có hiệu lực, thì quốc hội của từng quốc gia trong EU phải bỏ phiếu thông qua.
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Trao đổi hàng hóa hai chiều Việt Nam – EU đạt 47,6 tỷ euro mỗi năm và trao đổi dịch vụ hai bên là 3,6 tỷ euro.
Tăng trưởng xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 5% đến 7% hàng năm, nhưng EU vẫn bị thâm hụt thương mại 27 tỷ euro với Việt Nam trong năm 2018.
EU nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng chính như thiết bị viễn thông, quần áo, giày dép và chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm như máy móc, thiết thị giao thông, hóa chất và nông sản.
Như Ngọc
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…