Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã ban hành các biện pháp nhằm trấn áp những gì mà họ mô tả là các lực lượng khủng bố, cực đoan và chủ nghĩa ly khai ở tỉnh Tân Cương. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã tìm cách “kết thân” với Taliban, nhóm chiến binh Hồi giáo hiện đã chiếm quyền cai trị ở Afghanistan vào tháng trước. Nỗ lực ngoại giao này được cho là nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở Trung Á, đồng thời cho thấy tư duy chiến lược và chủ nghĩa thực dụng chính trị của Bắc Kinh.
David R. Stroup, giảng viên chính trị Trung Quốc từ Đại học Manchester, vào tháng 7 đã thử kiểm tra xem truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về Hồi giáo như thế nào. Công bố của ông được đăng trên tạp chí Nations and Nationalism.
Dựa trên một mẫu gồm 70 bài báo được xuất bản từ năm 2014 đến năm 2018 trên tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Stroup nhận thấy rằng các nội dung đưa tin nhấn mạnh bản sắc dân tộc của các nhóm Hồi giáo, chẳng hạn như người Hồi và người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời hạ thấp tôn giáo của họ.
Các bài báo tại Trung Quốc cũng nêu bật bản sắc của các cộng đồng Hồi giáo ở nước ngoài, và gợi ý rằng nó có mối liên hệ với các phong trào cực đoan, ông Stroup viết.
Ông Stroup nói việc truyền thông mô tả những người Hồi giáo quốc tế và bản thân Hồi giáo là nguy hiểm dường như muốn dẫn dắt người đọc đến chứng sợ Hồi giáo và làm dấy lên niềm tin rằng các sự cố tôn giáo cực đoan trong các cộng đồng Trung Quốc là do các tác nhân nước ngoài truyền cảm hứng.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc vào năm 2009 trong cuộc bạo động sắc tộc giữa người Duy Ngô Nhĩ và người Hán ở tỉnh Tân Cương.
Các cuộc tấn công năm 2014 tại nhà ga Côn Minh khiến 31 người chết và 141 người bị thương đã bị nhà nước Trung Quốc đổ lỗi cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Bắc Kinh bắt đầu đáp trả bằng cách đàn áp cái mà họ coi là “lực lượng ly khai cực đoan”.
Để đối phó với những thành phần yếu thế người Duy Ngô Nhĩ vốn đang duy trì một bản sắc chính trị và tôn giáo riêng biệt, Bắc Kinh đã mở các “trung tâm cải tạo”.
Theo các nhóm nhân quyền và một ủy ban của Liên Hợp Quốc, khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã bị tẩy não, tra tấn và lao động cưỡng bức.
Bắc Kinh đã bảo vệ việc thành lập và vận hành các trung tâm này, nói rằng chúng cần thiết để xóa bỏ các quan điểm cực đoan và ly khai, và rằng việc cung cấp đào tạo nghề sẽ giúp chống lại đói nghèo và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Colin Clarke, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Soufan có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương đã ảnh hưởng đến cách phần còn lại của dân số Trung Quốc nhìn nhận người Hồi giáo.
Clarke nói: “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự thống nhất xã hội. Họ đang gửi các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo đến các trại tập trung và lạm dụng nhân quyền họ.”
Ngoài Tân Cương, các cộng đồng Hồi giáo khác cũng phải đối mặt với những hạn chế. Ví dụ, dân tộc Hui và Dongxiang, và những người Hồi giáo ở những nơi khác trong những năm gần đây đã bị cấm học tiếng Ả Rập.
James Millward, giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Georgetown và là một chuyên gia về chính sách Tân Cương, cho biết: “Các nhà thờ Hồi giáo đã bị đóng cửa, kiến trúc bị phá hủy hoặc sửa đổi, tất cả đều nhân danh ‘sự thống nhất của tôn giáo’, nhưng thực ra là đồng hóa sắc tộc và bài trừ Hồi giáo Ả Rập”.
Là một phần của chiến dịch, các nhà thờ Hồi giáo phải treo cờ Trung Quốc, tuân luật của Trung Quốc về tôn giáo, “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và “văn hóa truyền thống” của Trung Quốc.
Ông Millward cho biết Bắc Kinh cũng đã cho phép lưu hành các nội dung có chủ đề Hồi giáo trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, nhưng bao gồm cả các tài liệu sai sự thật và phân biệt chủng tộc.
Sau khi Afghanistan rơi vào tay Taliban, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã nhân cơ hội này “dang rộng vòng tay” với Taliban và chế nhạo Washington như một đồng minh và đối tác không đáng tin cậy. Tuy nhiên, chiến lược tiếp cận của Bắc Kinh đối với Taliban đã bị chỉ trích ngay tại nước nhà.
Sau khi tờ Nhân dân Nhật báo đăng video dài 60 giây về lịch sử Taliban, nhưng không đề cập đến mối liên hệ của nó với chủ nghĩa khủng bố mà nhấn mạnh rằng lực lượng này đã chiến đấu trong cuộc chiến kéo dài 20 năm chống lại Mỹ, nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho rằng Taliban đã bị “tẩy trắng”. Một số người cũng trích dẫn quá khứ bạo lực của Taliban, bao gồm việc phá hủy các di tích lịch sử và áp bức phụ nữ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh hồi tháng trước cho biết Taliban đã thay đổi kể từ lần đầu tiên kiểm soát Afghanistan vào những năm 1990, tuyên bố nhóm này hiện “có đầu óc và lý trí hơn”.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Thời báo Hoàn cầu, cho rằng việc biến Taliban trở thành kẻ thù sẽ đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng thiện chí của nhóm này không nên bị từ chối. Hồ còn nói rằng Bắc Kinh đang nỗ lực “gây ảnh hưởng ở Afghanistan và duy trì ổn định ở Tân Cương”.
Theo giáo sư Millward từ Đại học Georgetown, việc Bắc Kinh sẵn sàng bắt tay với Taliban về mặt ngoại giao dường như mâu thuẫn với các chính sách quản lý các nhóm thiểu số Hồi giáo trong nước.
James Frankel, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Hồi giáo tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, cho biết Bắc Kinh sẵn sàng nhấn mạnh mối đe dọa do Taliban gây ra khi muốn tập hợp sự ủng hộ của công chúng đối với các chính sách của họ ở Tân Cương.
Ông Frankel nói: “Việc vẽ chân dung Taliban như một nhóm khủng bố nhằm biện minh cho thái độ và chính sách chống Hồi giáo trong nước.”
Công chúng Trung Quốc trong nhiều năm đã có xu hướng coi Taliban là một mối đe dọa, do có mối liên hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), một nhóm mà Bắc Kinh đổ lỗi cho các hành động bạo lực ở Tân Cương nhưng Hoa Kỳ lại nói rằng nhóm này không tồn tại thực chất.
Ông Millward cho biết Bắc Kinh đã “phóng đại quá mức” mối đe dọa mà nhóm này gây ra. “Đó là một cách tuyên truyền của Trung Quốc, phá hoại an ninh và sinh kế của những người Duy Ngô Nhĩ,” ông nói.
Ông Millward cho biết thêm Bắc Kinh sẽ hợp tác với Taliban với điều kiện những thỏa thuận như vậy “có lợi cho lợi ích của Trung Quốc”, trong khi các vấn đề nội bộ như đàn áp phụ nữ sẽ bị bỏ qua.
“Rõ ràng, thật là nghịch lý hoặc đơn giản là tự mâu thuẫn, khi miêu tả người Hồi giáo dưới góc nhìn tiêu cực trong khi cố gắng vun đắp quan hệ đối tác với người Hồi giáo ở nước ngoài,” ông Frankel nói.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…