“Khi khối Hiệp ước Warsaw không còn tồn tại, Liên Xô đã mở rộng vòng tay để đoàn kết với châu Âu, Mỹ và phương Tây nói chung trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, nhưng không ai giải tán NATO”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố trong cuộc gặp người đứng đầu đại sứ quán các nước để bàn về vấn đề Ukraine.
Dẫn lời các “sử gia, nhà khoa học chính trị phương Tây”, ông Lavrov cho rằng NATO nên giải tán sau khi Liên Xô tan rã và đối trọng của nó là khối Hiệp ước Warsaw cũng không còn. “Nhưng thực tế là không ai có kế hoạch làm như vậy”, ông cho hay.
Theo ông Lavrov, nhà kinh tế, khoa học chính trị người Mỹ Jeffrey Sachs cũng có chung quan điểm này trong cuộc phỏng vấn hôm 28/5, khi cho rằng việc không giải tán NATO vào thời điểm đó là một “sai lầm”.
“Bây giờ chúng tôi có thể chắc chắn lý do khiến NATO không bị giải tán chính là tham vọng không thể cưỡng lại của Mỹ nhằm duy trì quyền kiểm soát châu Âu thông qua liên minh quân sự này”, ông Lavrov cho biết.
NATO được thành lập theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký ngày 4/4/1949, gồm 12 quốc gia sáng lập là Mỹ, Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha.
Sau khi NATO ra đời, Liên Xô và 7 quốc gia Đông Âu cũng thành lập khối Hiệp ước Warsaw vào năm 1955 để đối trọng. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khối Warsaw giải tán, nhưng NATO vẫn tiếp tục đà mở rộng về phía đông.
Trong 20 năm sau, tất cả đồng minh cũ của Nga trong khối Hiệp ước Warsaw đều trở thành thành viên NATO. Liên minh hiện nay có tổng cộng 32 thành viên, trong đó một số có chung đường biên giới với Nga.
Nga nhiều lần phản đối mở rộng NATO, coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia. Moscow mô tả NATO là “công cụ đối đầu và răn đe nhằm vào Nga”, đặc biệt quan ngại về khả năng Ukraine gia nhập liên minh, nói mong muốn này của Kyiv là một trong những lý do chính khiến xung đột bùng phát.
Phan Anh