Vào ngày 20/10, ngôi sao Kanter của Hiệp hội bóng rổ chuyên nghiệp Hoa Kỳ NBA đã công khai lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề Tây Tạng. Đây có thể được gọi là “Morey Version 2.0“. Liệu sự việc xảy ra sẽ lại gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung hay không là điều đáng để theo dõi.
Vào ngày 20/10, cầu thủ trung tâm của Boston Celtics là Enes Kanter đã đăng trên Twitter, Facebook, Instagram và các phương tiện truyền thông xã hội khác rằng ông Tập Cận Bình là một “nhà độc tài tàn bạo”. Trong một đoạn video dài gần 3 phút thể hiện sự ủng hộ đối với Tây Tạng, Kanter đã mặc một chiếc áo phông có in hình Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của nước này.
ĐCSTQ trước đây từng tuyên bố rằng Tây Tạng đã được “giải phóng hòa bình” vào năm 1951 và đã xây dựng cơ sở hạ tầng cùng hệ thống giáo dục ở đây. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế và những người Tây Tạng lưu vong cáo buộc ĐCSTQ đàn áp tôn giáo ở vùng đất này, cấm người dân treo ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại nhà, hơn nữa còn đàn áp họ, bao gồm tra tấn, kiểm soát sinh sản và cố gắng tiêu diệt văn hóa truyền thống Tây Tạng thông qua việc cưỡng bức tẩy não và cải tạo.
Kanter nói rằng có hơn 5.000 tù nhân chính trị ở Tây Tạng, người dân ở đó không thể tự do học ngôn ngữ và văn hóa của họ, cũng như không có quyền tự do đi lại và quyền tự do thông tin. “Bạn có biết không? Chỉ cần có một bức ảnh của Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng là đủ để bị bắt.” Anh nói trong một tweet khác: “Tôi ở đây để nói lên tiếng nói của mình và kể những gì đã xảy ra ở Tây Tạng. Dưới sự cai trị tàn bạo của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân Tây Tạng đã bị tước đoạt các quyền và tự do cơ bản của họ.”
Nội dung tweet: “Thưa nhà độc tài tàn bạo TẬP CẬN BÌNH và Chính phủ Trung Quốc. Tây Tạng thuộc về người dân Tây Tạng!”
Enes Kanter, 29 tuổi, sinh ra ở Thụy Sĩ và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo. Theo tờ Washington Times, Kanter đã thu hút sự chú ý trong quá khứ vì phát ngôn thẳng thắn về các vấn đề quốc tế. Năm 2018, những lời chỉ trích của anh đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gây xôn xao toàn cầu. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã thu hồi hộ chiếu của Kanter, cáo buộc anh thuộc một tổ chức khủng bố và cố gắng dẫn độ Kanter. Tuy nhiên, Kanter bác bỏ những cáo buộc này.
Vào thứ Tư, trong trận đấu với New York Knicks, Kanter đã đi đôi giày có biểu tượng Tây Tạng, tác phẩm của nghệ sĩ người Úc gốc Hoa Baidiucao, thể hiện rõ ràng sự ủng hộ của Kanter đối với phong trào tự do của người Tây Tạng.
Nội dung tweet: “Hơn 150 người Tây Tạng đã tự thiêu!! – hy vọng rằng một hành động như vậy sẽ nâng cao nhận thức nhiều hơn về Tây Tạng. Tôi sát cánh cùng các anh chị em Tây Tạng của mình và tôi ủng hộ những lời kêu gọi Tự do của họ.”
Sau khi lên tiếng, Kanter đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công trên mạng xã hội Trung Quốc, tên của anh đã bị chặn bởi Weibo và các nền tảng khác. Tờ New York Times đưa tin, trận đấu của Celtics bất ngờ bị đánh dấu là không thể phát lại thông qua Tencent. Trang web Tencent Sports cũng cho biết trận đấu sắp tới của Celtics sẽ không được phát sóng trực tiếp. Ngoài ra, Weibo thông báo rằng họ sẽ ngay lập tức ngừng đăng các bài đăng về Celtics và yêu cầu 615.000 người hâm mộ Celtics “kiên quyết chống lại bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến sự hòa hợp của đất nước và phẩm giá của quê hương.”
Theo báo cáo của Reuters, vào trưa ngày thứ Năm, tìm kiếm tên tiếng Trung đầy đủ của Kanter trên mạng xã hội Trung Quốc chỉ nhận được một kết quả so với nhiều kết quả trước đó. Một số người hâm mộ Celtics phàn nàn rằng phát biểu của Kanter đã khiến Trung Quốc phải dừng phát sóng trận đấu khép lại giữa New York Knicks và Boston Celtics.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng những lời nói và hành động của Kanter “chỉ để thu hút sự chú ý” và không đáng để đáp lại. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những cuộc tấn công làm mất uy tín về sự phát triển và tiến bộ của Tây Tạng.”
Mặc dù truyền thông ĐCSTQ chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này nhưng các nhà quan sát lo ngại rằng những nỗ lực quốc gia của Trung Quốc nhằm vùi dập tổng giám đốc Houston Rockets lúc bấy giờ là Daryl Morey vào năm 2019 sẽ lặp lại.
Vào ngày 5/10/2019, để bày tỏ sự xúc động về phong trào dân chủ ở Hồng Kông, ông Daryl Morey đã một bài đăng trên Twitter có các dòng chữ “Chiến đấu cho tự do”, “ủng hộ Hồng Kông”. Điều này đã làm dấy lên sự tức giận của cư dân mạng Trung Quốc. Ông Morey đã bị lên án và xúc phạm trên Internet và các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Các nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc cũng tuyên bố từ chối ủng hộ NBA, đồng thời kêu gọi toàn dân tẩy chay các hoạt động thương mại liên quan đến NBA. Các công ty Trung Quốc đã từng tài trợ cho một số hoạt động của NBA cũng đã lên tiếng tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với giải đấu này.
NBA đã bị thiệt hại hàng trăm triệu USD, không chỉ việc phát sóng các trận đấu của NBA tại Trung Quốc gần như bị gián đoạn hoàn toàn mà các dự án hợp tác song phương cũng bị đình chỉ.
Trong vụ việc của ông Morey, Trung Quốc đã dùng lập trường cứng rắn và lợi ích thương mại để buộc các nhà lãnh đạo NBA phải thỏa hiệp với Trung Quốc. Vì vậy, sự việc này đã để cho người dân Mỹ thấy rằng mặc dù Trung Quốc trên miệng nói rằng họ không can thiệp vào các vấn đề đối ngoại nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc đã tranh giành từng vấn đề nhỏ nhặt. Ngay cả như việc một công dân Mỹ bình thường đăng một bài đăng lên mạng xã hội, phía Trung Quốc cũng không chịu buông tha, còn hô hào cả nước đi chèn ép, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận mà người Mỹ coi trọng.
Do đó, một số nhà phân tích cho rằng đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với sự việc của Kanter dường như đã được kiềm chế hơn so với vụ việc của ông Morey.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.