Cuối tháng 9/2020, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi cộng đồng thế giới sử dụng các đạo luật tương tự Magnitsky để trừng phạt các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện việc “diệt chủng văn hóa” tại Tây Tạng. Tuyên bố này dựa trên những phát hiện mới về cách thức ĐCSTQ đàn áp tín ngưỡng tại Tây Tạng, theo báo cáo của tiến sĩ Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu độc lập người Đức, tạp chí nhân quyền Bitter Winter của Ý đưa tin.

diệt chủng văn hóa Tây Tạng
Một người phụ nữ Tây Tạng đang cầu nguyện tại Lhasa. (Ảnh: Luca Galuzzi – www.galuzzi.it, CC BY-SA 2.5)

Tiến sĩ Adrian Zenz là học giả đầu tiên đã đưa ra những kết luận thực tế và chính xác về các trại tập trung tại Tân Cương, đồng thời tính toán và đưa ra số lượng người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại đây là khoảng 1 triệu người. Kết luận này sau đó đã được nhiều tổ chức nhân quyền sử dụng lại, và trở thành một con số được chính phủ các nước sử dụng nhiều nhất trong các tuyên bố phản đối tình trạng đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Trong nghiên cứu mới nhất của mình, tiến sĩ Adrian Zenz đã kết luận rằng ĐCSTQ đang điều hành một hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Tây Tạng theo cùng một mô hình các trại cải tạo giáo dục ở Tân Cương.

Cụm từ “đào tạo nghề” từng được ĐCSTQ sử dụng ở Tân Cương để biện minh cho chính sách đàn áp khắc nghiệt đối với người Duy Ngô Nhĩ một lần nữa lại được sử dụng ở Tây Tạng. ĐCSTQ tuyên bố rằng mục đích của việc “đào tạo nghề” là nhằm cải cách suy nghĩ được cho là “lạc hậu” của người Tây Tạng và nâng cao tinh thần của họ khỏi “thói lười biếng truyền thống”. Ngoài ra, ĐCSTQ còn thực thi tại Tây Tạng một chiến dịch mang tên “quân lữ thức” (军旅式 – kiểu quân đội), bao gồm việc cưỡng chế tuyên truyền và giám sát cường độ cao đối với người dân tại đây.

Chủ đề “diệt chủng văn hóa” là trọng tâm của các nghiên cứu của tiến sĩ Adrian Zenz, cũng là lý do ông tập trung vào vấn đề nhân quyền và đàn áp tín ngưỡng tại các khu vực như Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Cũng vì những nghiên cứu này, tiến sĩ Zenz đã bị bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ tấn công, cáo buộc ông là một kẻ “cuồng giáo” và “cực đoan” do Hoa Kỳ trả tiền tài trợ.

Ngày 22/9/2020, cùng ngày tiến sĩ Zenz công bố báo cáo, Liên minh 63 nghị sĩ IPAC cũng đưa ra một tuyên bố, hứa hẹn hành động chính trị tại từng quốc gia trong số 18 quốc gia do IPAC đại diện. Tuyên bố của IPAC viết: “Đây là báo cáo mới nhất trong số vô cùng nhiều bằng chứng về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tây Tạng, nơi mà các vấn đề xoay quanh tự do tôn giáo, đàn áp chính trị có hệ thống và sự cưỡng bức đồng hóa văn hóa đã xấu đi trong nhiều thập kỷ.”

Tuyên bố của IPAC đặc biệt kêu gọi các biện pháp trừng phạt cấm vận “kiểu Magnitsky” đối với các quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm và yêu cầu các chính phủ xem xét lại những tư vấn về rủi ro vi phạm nhân quyền đối với các doanh nghiệp hiện đang tìm nguồn cung ứng từ Tây Tạng và các khu vực bị ảnh hưởng khác.

“Đạo luật về trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu” là một đạo luật được Hoa Kỳ đưa ra vào năm 2017 để xử phạt các cá nhân nước ngoài chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã sử dụng đạo luật này để cấm vận 4 quan chức hàng đầu của ĐCSTQ ở Tân Cương chịu trách nhiệm chính cho việc đàn áp người dân tại đây. Nhiều nước phương Tây khác cũng đã thông qua các đạo luật tương tự và có sẵn nền tảng pháp lý để thi hành cấm vận đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nhân quyền.

Liên minh Nghị viện về Trung Quốc IPAC được thành lập vào 6/2020, bao gồm một nhóm 63 nhà lập pháp cấp cao từ 18 quốc gia, đáng chú ý bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức… với mục đích là nhằm chống lại “thách thức lớn nhất đối với thế giới tự do”, chính là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Theo Bitter Winter
Minh Nhật biên tập

Xem thêm: