Một ca khúc trong Quốc khánh Đài Loan khiến người dân Hồng Kông rơi lệ
- Hà Giai Tuệ
- •
Vào dịp lễ Quốc khánh Đài Loan ngày 10/10, theo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, các quan chức đã cảnh báo người dân không được tổ chức ăn mừng cũng như các hành động “chia rẽ đất nước” khác. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông đã vô cùng ngạc nhiên và rơi nước mắt khi biết rằng một trong những tiết mục của màn trình diễn pháo hoa mừng Quốc khánh Đài Loan chính là một ca khúc kinh điển của Hồng Kông.
Ca khúc “Raise the Umbrella” của Hồng Kông được phát trong buổi lễ trọng đại của Đài Loan
Vào lúc 20:00 ngày 10/10, màn bắn pháo hoa kéo dài 30 phút mừng “Song thập Quốc khánh” được tổ chức tại Cao Hùng, Đài Loan. Tại Hồng Kông cũng có thể xem truyền hình trực tiếp sự kiện này qua mạng internet. Tại diễn đàn LIHKG của Hồng Kông, cư dân mạng đã phát hiện ra rằng một trong những tiết mục của màn bắn pháo hoa này có cả là bài hát nói về cuộc biểu tình dân chủ Hồng Kông năm 2014 “Raise the Umbrella” (Giương dù lên). Ngày nay, nếu hát bài hát này ở Hồng Kông có thể sẽ bị buộc tội. Một số cư dân mạng đã không kìm được nước mắt khi xem chương trình truyền hình trực tiếp, họ muốn cảm ơn Đài Loan đã nhớ đến Hồng Kông trong ngày lễ trọng đại.
Màn trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Cao Hùng với những chùm pháo hoa đầy sắc màu rực sáng bầu trời đêm đã khiến nhiều người dân Hồng Kông kinh ngạc. Theo truyền thông Đài Loan, “Island’s Sunrise”, “Raise the Umbrella” v.v… là những tiết mục đặc sắc nhất trong màn pháo hoa, tượng trưng cho nền dân chủ của Đài Loan. Pháo hoa thay đổi màu sắc tượng trưng cho những thử thách và lột xác trong quá trình dân chủ hóa của Đài Loan, tạo nên một Đài Loan dân chủ, tự tin và đa dạng ngày nay.
Tháng 9/2014, Hồng Kông nổ ra “Phong trào Chiếm Trung Hoàn” yêu cầu bầu cử phổ thông và “Phong trào Dù vàng” đòi quyền dân chủ đã gây chấn động thế giới. “Raise the Umbrella” là ca khúc do giới âm nhạc Hồng Kông sáng tác, rất nổi tiếng ở Hương cảng và được hát rộng rãi trong phong trào biểu tình. Tuy nhiên, với việc phát ngôn bị định tội của “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” có hiệu lực, bài hát này và các bài hát như “Glory to Hong Kong” (Nguyện vinh quang quy Hương Cảng) đã trở thành “tuyệt xướng” (ca khúc tuyệt đỉnh) ở địa phương này.
Người dân Hồng Kông rơi nước mắt, “cảm ơn vì đã không rời đi”
Một bài hát không thể được nghe nơi công cộng tại Hồng Kông lại được phát tại sự kiện trọng đại “Song thập Quốc khánh” của Đài Loan. Điều này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Hồng Kông.
Nhiều người để lại lời nhắn rằng dàn nhạc biểu diễn khiến họ bồi hồi nhớ lại lời bài hát “Dù mưa to đến đâu, hoài bão vẫn không gục ngã, những cây dù là những đóa hoa nở, không héo cũng không rơi rụng… Đứng ở phía trước, dũng khí không thể bị xua tan, càng sợ hãi số phận sẽ càng cảm thấy ảm đạm, nhưng ai muốn nhìn thấu cái vô lý, sẽ phải mở đôi mắt trong những giọt lệ”…
Nhiều người cảm thán rằng họ đã rơi nước mắt, cảm thấy xúc động vì “ngay tại thời thế hiện nay, vẫn còn có thể được nghe thấy những thanh âm này” và bày tỏ rằng “Đài Loan là nơi đẹp nhất”, “Cảm ơn vì đã không rời đi”…
Một cư dân mạng đã để lại bình luận: “Phải dựa vào Đài Loan là cách duy nhất để được công khai nghe bài hát này (ở Hồng Kông). Chỉ mong Đài Loan có thể chống đỡ được và không phải đi theo con đường cũ của Hồng Kông”.
Nhiều cư dân mạng đã chúc mừng Quốc khánh Đài Loan:“Cảm ơn vì ngày Quốc khánh Đài Loan thực sự, hôm nay là một ngày đáng vui mừng”; “Cảm ơn Đài Loan đã không quên chúng tôi, chúc các bạn sinh nhật vui vẻ, đất nước hòa bình”; “Chúc mừng nhân ngày Quốc khánh và sự phồn vinh của đất nước.”
Về mối đe dọa quân sự hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Đài Loan, người dân Hồng Kông cũng để lại lời chúc phúc: “Chúc Đài Loan phòng thủ vững chắc”; “Đài Loan và Hồng Kông vĩnh viễn hữu hảo”.
Hành động của chính quyền Hồng Kông bị coi là hèn nhát và nhỏ mọn
Trước lễ Quốc khánh Đài Loan, Giám đốc Cục An ninh Hồng Kông Đặng Bỉnh Cường (Deng Bingqiang) đã đe dọa rằng nếu bất kỳ ai có hành động cố gắng chia rẽ Đài Loan khỏi Trung Quốc hoặc khuyến khích và xúi giục người khác thực hiện các hành động liên quan, cảnh sát chắc chắn sẽ thi hành luật pháp.
Rất đông cảnh sát đã phong tỏa ngôi nhà Hồng Lâu tại Pak Kok, Tuen Mun, Hồng Kông, một căn cứ địa cách mạng của Quốc phụ Đài Loan Tôn Trung Sơn.
Những hành động này cho thấy sự hẹp hòi và hèn nhát của chế độ.
Trước tình hình đó, Ủy ban Các vấn đề Đại lục (MAC), cơ quan phụ trách các vấn đề chính sách liên quan đến chính quyền Bắc Kinh của Đài Loan, đã dời Lễ Song Thập của Hồng Kông và Ma Cao vốn được tổ chức hàng năm tại Hồng Kông sang tổ chức tại Đài Bắc.
Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề Đại lục Khâu Thái Tam (Qiu Taisan) cho biết tại một sự kiện vào ngày 9/10 rằng Trung Hoa Dân Quốc bắt đầu với cuộc Cách mạng năm 1911 với tinh thần chính là xây dựng một xã hội dân tộc tự do và dân chủ. Đài Loan đã thừa hưởng tính chính thống của cuộc Cách mạng năm 1911, cho phép các giá trị phổ quát bén rễ, phát triển và đứng vững trên mảnh đất này.
Đài Loan dân chủ, tự do cũng đã trở thành “quê hương thứ hai” của nhiều người bạn Hồng Kông và Macao. Đặc biệt trong những năm gần đây, số lượng cư dân Hồng Kông sang Đài Loan lưu trú và định cư đã tăng lên đáng kể. Trước xu thế này, các cơ quan chính phủ đã tích cực nghiên cứu cũng như thảo luận các chính sách và biện pháp thúc đẩy tuyển dụng và giữ chân nhân tài cho Đài Loan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh chung của đất nước.
Hà Giai Tuệ/ Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dù vàng Dòng sự kiện Dân chủ Hồng Kông Quốc khánh Đài Loan