Tòa án đặc biệt Campuchia ngày 16/11/2018 đã đưa ra phán quyết lịch sử, trong đó hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ bị kết án tù chung thân vì tội “diệt chủng”. Đây là phán quyết lịch sử đầu tiên đối với một cựu lãnh đạo Khmer Đỏ sau hơn 40 năm kể từ khi chính quyền Khmer Đỏ sụp đổ.
Năm 1976 là cao trào của cuộc đàn áp người Hoa của Khmer Đỏ. Nhiều người Hoa đã liều mạng bỏ chạy. Ở phía tây Campuchia, người Hoa chạy sang biên giới Thái Lan qua những ngọn núi cằn cỗi và những khu rừng nguyên sinh, có thể nói là ‘thập tử nhất sinh’. Người Hoa ở vùng đồng bằng phía đông may mắn hơn, họ có thể trốn sang Việt Nam xuyên qua rừng rậm, trong rừng có thú dữ, nhưng cũng có nhiều trái cây dại để ăn.
Khi Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh năm 1975, có khoảng 500.000 người Hoa ở Campuchia. Theo một số dữ liệu, sau khi Khmer Đỏ cai trị hơn 3 năm, tổng số người Hoa ở Campuchia chỉ còn khoảng 240.000 người. Thông tin chính thức của Campuchia cho biết: “Vào những năm 1960, có 420.000 người Hoa sống ở Campuchia. Theo thống kê năm 1984, do cuộc nội chiến Campuchia, cuộc đàn áp của Khmer Đỏ và người dân tị nạn ở các nước khác, chỉ còn lại 61.400 người Hoa ở Campuchia.”
Trong thời kỳ này, chính quyền ĐCSTQ đã cử 15.000 người “viện trợ Campuchia” để xây dựng chính quyền Khmer Đỏ. Để giao tiếp ngôn ngữ, Khmer Đỏ đã tuyển dụng một số thanh niên Campuchia gốc Hoa làm phiên dịch tiếng Campuchia cho các chuyên gia Trung Quốc. Nhưng “Khmer Đỏ cấm những dịch giả này tiếp xúc quá nhiều với các chuyên gia Trung Quốc, càng không được nói đến những chuyện khác ngoài công việc, và sát hại sau khi họ hoàn thành công việc phiên dịch của mình. Ví dụ, 8 phiên dịch viên bao gồm Hoàng Tích Long (Huang Xilong), một thanh niên Trung Quốc đến từ quận Chhloung, bị giết hại tập thể trong đồn điền cao su; trong 40 phiên dịch viên tiếng Trung được Bộ Quốc phòng tuyển dụng để dịch sách hướng dẫn sử dụng vũ khí ‘viện trợ Campuchia’, 2 người đã bị sát hại và hơn 20 người được ‘điều động’ sau khi hoàn thành nhiệm vụ phiên dịch và biến mất vĩnh viễn; Khmer Đỏ cử một nhóm đến thành phố Khai Phong, Trung Quốc để học tập về kiến thức không quân, đã tuyển hàng chục thanh niên Trung Quốc làm phiên dịch tháp tùng họ, và sau đó những phiên dịch viên này được gọi đến Phnom Penh và bị giết chết; một người Hoa tên Ngô Trực Tuấn (Wu Zhijun) từng đảm nhận vai trò phiên dịch viên trong cuộc trò chuyện giữa Pol Pot và Mao Trạch Đông khi Pol Pot thăm Trung Quốc Đại Lục vào năm 1975, cũng bị sát hại.”
Một số người Hoa lợi dụng cơ hội tiếp xúc với những người Trung Quốc viện trợ Campuchia để khóc và cầu cứu những người “viện trợ Campuchia” do “tổ quốc” cử đến, và những người Trung Quốc “viện trợ Campuchia” cũng đều nhìn thấy người Hoa tại Campuchia đang lâm vào kiếp nạn. Nhưng chính quyền ĐCSTQ chỉ thị cho những người viện trợ Campuchia phải phớt lờ những lời kêu cứu của Hoa kiều Campuchia. Sự thờ ơ của chính quyền ĐCSTQ một lần nữa minh họa giá trị thực sự của người Hoa ở nước ngoài trong mắt “tổ quốc”.
Một báo cáo điều tra cho biết: “ĐCSTQ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảm sát của Khmer Đỏ. Vào thời điểm đó, hàng trăm ngàn Hoa kiều đã bị Khmer Đỏ sát hại. Đại sứ quán của ĐCSTQ biết rõ nhất tình hình thực tế, nhưng phía Trung Quốc lại không tiết lộ bất kỳ thông tin nào trong và ngoài nước. Vào thời điểm đó, nhân viên của ĐCSTQ ở khắp các cơ quan của Campuchia, tuy nhiên mọi lời kêu cứu của người Hoa đều bị chặn, và những lời kêu cứu của người Hoa đều bị phía Trung Quốc giao cho Khmer Đỏ. Do đó, kết cục của những người cầu cứu này có thể lường trước được.”
Một người Hoa khác ở Campuchia kêu gọi: “ĐCSTQ xúi giục người Campuchia gốc Hoa và Hoa kiều đi theo một cách mù quáng, dẫn đến phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật, hoặc trốn vào rừng tham gia cách mạng vũ trang, và cuối cùng bị Khmer Đỏ thảm sát hàng loạt. Đây có có thể được cho là lỗi của chính người Campuchia gốc Hoa. Tuy nhiên, Đông Nam Á đã nhiều lần ‘bài Hoa’, chính quyền ĐCSTQ đã bao giờ nói gì chưa? Có từng viện trợ người Hoa chưa? Ngay cả viện trợ bằng cách lên tiếng cũng không. Người gốc Hoa, Hoa kiều không còn đường nào và bị giết hàng loạt. Họ trung thành với Trung Quốc, nhưng họ bị đối xử thế nào? Trung Quốc (ĐCSTQ) với thái độ đối đãi với ‘làn sóng bài Hoa’ ở hải ngoại, về cơ bản không có tư cách yêu cầu người Hoa, Hoa kiều trung thành hoặc không trung thành với ai.”
Nhiều người nghĩ rằng hành động tàn bạo ‘bài Hoa’ nghiêm trọng nhất thế giới xảy ra trong thời kỳ ‘thanh trừng đảng cộng sản’ ở Indonesia vào những năm 1960. Trên thực tế, số người Campuchia gốc Hoa chết trong vụ thảm sát của Khmer Đỏ chiếm hơn 60% tổng số người Hoa ở đó, trong khi tỷ lệ người Indonesia gốc Hoa chết trong cuộc “thanh trừng đảng cộng sản” của Indonesia là khoảng 5%. “Xuất khẩu cách mạng” của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thất bại thảm hại ở Indonesia và giành được thắng lợi ở Campuchia, nhưng người Hoa ở Campuchia không được lợi gì, ngược lại còn bị tra tấn và sát hại. Lý do không phải là “chủng tộc” hay tôn giáo, mà là sự thể hiện các nguyên tắc thông dụng của ĐCSTQ.
“Một kg gạo nấu thành nồi cháo loãng lớn, mỗi người được phát một bát cháo nước chỉ được vài chục hạt gạo. Có một số người phải đi đào sắn dại về ăn. Do ăn phải loại cây mà bề ngoài giống như sắn nhưng lại có độc, chúng tôi nghe nói kết quả có hơn 100 người chết vì ngộ độc trong trại lao động mà chúng tôi đang ở. Chúng tôi không được phép sống trong làng mà buộc phải sống trong rừng rậm nguyên sinh, trong rừng rậm nguyên sinh có ‘chướng khí’ (khí độc), nhiều người bị nhiễm bệnh, bệnh nặng thì tử vong. Có 20 người được phân công trồng rau, mỗi người phải gánh hơn 100 gánh nước mỗi ngày, rau họ trồng phải đáp ứng đủ cho hàng ngàn người dân ở 4 khu của 1 thị trấn lúc bấy giờ, lấy đâu ra mà đủ được? Không có gạo, mỗi ngày mỗi người được 2 quả chuối, còn có hoa chuối hoặc thân cây bị chặt xuống để phân phát cho người dân ăn.”
“Khi đó, tôi là một cô gái 16 tuổi, vì ăn uống không đủ chất nên tôi gầy gò, thấp bé, trông tôi chỉ khoảng 10 tuổi. Dù gầy và thấp bé như thế nhưng tôi cũng không thoát khỏi số đen đủi. Khmer Đỏ đã lừa tôi vào đội thanh niên, đó là lực lượng lao động hạng nhất. Mỗi ngày đều phải dậy trước khi trời sáng và đi bộ vài km để cấy lúa. Giống như những người lớn khác, tôi (được giao) trồng lúa Sanpulong, cấy không xong thì sẽ bị phạt giảm cơm. Thực ra cơm tập thể chỉ là 2 hộp gạo, thêm một rổ rau dại để nấu thành 1 nồi cháo, mỗi bữa chỉ cho chúng tôi một muôi lớn. Tôi ăn không no, nếu cấy lúa không hoàn thành số lượng quy định, thì cháo sẽ giảm xuống còn một nửa muôi, đây chẳng phải là chỉ chờ chết đói sao? Tuy nhiên, đào đất, đắp bờ thì còn khổ hơn cả cấy lúa. Những ngày không cấy lúa, chúng tôi (nữ giới) được phân công mỗi ngày đào hai mét khối đất, bờ đê càng cao thì vác lên càng khó. Dáng người tôi gầy bé, khi vác đất, gầu đất sẽ chạm vào mặt đất, chân cũng trở nên yếu ớt, và tôi thường xuyên bị cả người và gầu đều ngã xuống đất.”
“Trần Lôi (Chen Lei) là một thanh niên Trung Quốc cao lớn, nhưng thời đó, cao to cũng là một chuyện phiền phức vì sẽ phải ăn nhiều. Trong hoàn cảnh như thế, cơ bản không có gì để ăn. Trần Lôi bị đói đến nỗi mắc bệnh phù thũng không thể làm việc. Mỗi lần đến nhà ăn tập thể, anh ta đều bị đuổi ra ngoài, Khmer Đỏ nói rằng anh không làm việc và không được phép ăn. Hai ngày sau, Trần Lôi bị đói quá, không còn cách nào, anh cầm rìu nhỏ đi vào căng tin khóc lóc kể lể với mọi người về tình trạng đáng thương khi anh không được cho ăn, anh dùng rìu nhỏ đập từng nhát vào đầu mình, máu chảy ròng ròng. Mọi người đều sợ hãi đơ người, nhưng ngoài sự thương cảm và sợ hãi, ai dám lên tiếng? Lúc này, một cán bộ thôn Khmer Đỏ lẻn đến phía sau lưng Trần Lôi, đoạt lấy chiếc rìu, rồi ôm chầm lấy anh, vài tên Khmer Đỏ chạy đến trói Trần Lôi lại và lôi anh như lôi một con chó chết đến một cái cây bên ngoài làng, tại đây anh đã bị chôn sống.”
Một nhân chứng ở làng Kanongze, tỉnh Pursat cho biết: “Một ngày nọ, con trai tôi bị ốm và tiêu chảy mấy ngày liên tiếp. Sau khi nhận được tin báo, thật không dễ gì tôi mới được chấp thuận đi thăm con, đưa con đến trạm y tế, nhưng ở trạm y tế thô sơ thiếu thốn thuốc men vật tư, con tôi uống những viên thuốc đen như phân chuột mấy ngày mà không có cải thiện gì, đến khi con tắt thở trong lòng tôi, tôi không có chút cảm giác gì. Thời Khmer Đỏ, ngày nào tôi cũng chứng kiến quá nhiều người chết, ai cũng tê dại, không khóc cũng không cười. Cho đến một ngày khi chồng tôi từ công trường trở về, tôi nói với anh rằng con đã chết, cả hai chúng tôi ôm nhau khóc. Không lâu sau, mẹ chồng tôi cũng mất, rồi chồng tôi và hai người chú cũng lần lượt chết vì bệnh tật hoặc đói khát. Gia đình 7 người chỉ còn lại mình tôi. Tôi chết lặng, như một người câm suốt ngày, không nói một lời, tôi chỉ biết cúi gằm mặt im lặng làm việc, những trận đòn tra tấn về thể xác và tinh thần đã khiến tôi trở thành một người chỉ có thể xác mà không có linh hồn. Tôi là người duy nhất còn lại trong túp lều cỏ rách nát, người thân của tôi đã chết và ra đi mãi mãi. Tôi đã khóc suốt đêm trong túp lều cỏ dột nát này, ngày hôm sau tôi phải lê tấm thân yếu ớt ra đồng. Mấy ngày sau tôi chân tôi sưng tấy đến mức đi lại khó khăn, lại bị quáng gà nên không nhìn thấy ban đêm, nhưng ông đội trưởng vẫn bắt tôi đi làm đồng vào ban đêm, tôi không còn cách nào khác là phải mò mẫm trong bóng tối với đôi chân sưng phù nặng nề, đi được vài bước, tôi đã va phải một cái cây lớn, đầu bị vỡ, không bò dậy nổi, tôi nằm trên mặt đất thở hổn hển.”
Do bị cấm yêu và kết hôn, phụ nữ Campuchia phải chịu đựng các mối quan hệ tình dục bị ép buộc và nhiều hình thức bạo lực tình dục. Cho dù ở các đơn vị quân đội hay ở các thôn làng địa phương, nhiều vụ cưỡng hiếp tập thể đã xảy ra trong thời gian giam cầm và trước khi hành quyết đối với phụ nữ. Một lời khai nói: “Có nhân chứng, cách làng tôi không xa, Khmer Đỏ bắt 20 đến 30 dân làng mỗi ngày để giết, và chúng bắt phụ nữ hãm hiếp rồi giết chết.” Nhiều nhân chứng đã nhìn thấy những người phụ nữ mang thai bị trói vào thân cây, Khmer Đỏ mổ sống bụng của họ ra, bào thai động đậy bị lôi ra khỏi tử cung bằng dao, máu chảy đầm đìa. Cảnh tượng đó thật sự kinh hoàng không thể nói thành lời. Họ còn đánh tím cả má những người phụ nữ có thai đang sắp chết.
Ông Sihanouk đặc biệt chú ý đến việc Khmer Đỏ sử dụng “lao động chính trị trẻ em”, vì trẻ em dễ bị truyền bá những ý tưởng cách mạng xấu xa. Ông Sihanouk viết: “Những người lính vị thành niên này được huấn luyện để cạnh tranh xem ai giết người tàn nhẫn hơn”; “Trong 3 năm tôi bị giam ở Phnom Penh, tôi thấy rằng những người lính vị thành niên làm nhiệm vụ canh gác thường tra tấn động vật (chó, mèo, khỉ, tắc kè) để vui đùa.”
Khmer Đỏ cũng rất ác độc với trẻ em. Cô bé 10 tuổi “Ying”, người bị ám ảnh bởi việc cần “sống sót để tìm mẹ”, đã bị đưa vào “trại lao động vị thành niên”. Ở đó, chiếc giỏ nhỏ yêu quý mà cô coi như mẹ của mình đã bị Khmer Đỏ cố tình giẫm nát, nhưng không vì lý do gì. Cô bé chỉ đành nức nở suốt đêm. Một hôm khi đang cấy lúa, tận mắt chứng kiến một bé gái thấp và gầy cấy lúa hơi chậm, một tên quản giáo Khmer Đỏ đi ủng lốp cứng đã đá bé gái lên cao 1m và ngã xuống bùn cách đó 3 – 4 mét, cơn đau khiến bé gái lăn lộn trong dòng nước đục ngầu. “Ying” cho biết: “Bé gái đó bị nội thương nghiêm trọng, nôn ra máu. Tôi không biết cô bé đó có sống sót hay không.”
Các ghi chép lịch sử của Campuchia cho thấy người Khmer không có truyền thống ăn thịt đồng loại. Khmer Đỏ ăn thịt người không phải vì thiếu thức ăn, mà là thể hiện sự hung bạo. Một nhân chứng cho biết: “Một người Việt tại Campuchia tên là Liên bị đánh chết tại chỗ. Các cán bộ Khmer Đỏ đã dùng dao mổ bụng và xào gan của Liên để ăn. Khi nghe điều này, tôi bất giác hoảng sợ đến nỗi tè ra quần. Mọi người nhìn thấy cán bộ thôn động thủ mổ bụng, sợ quá lập tức vứt bỏ ngay thìa canh, leo vào trong phòng, tôi tò mò thò đầu ra khỏi phòng nhìn trộm, tôi chứng kiến cảnh cán bộ đổ cả gan của Liên vào chảo để xào. Gan người thái lát trong chảo được đảo liên tục và phát ra tiếng kêu. Cán bộ hỏi chúng tôi: ‘Các đồng chí, ai muốn ăn gan người?’ Mọi người co lại thành nhóm, không dám lên tiếng. Họ ăn nhiều và còn khen ‘ngon’, họ kéo xác Liên đến nơi nổ súng khi nãy và chôn xuống dưới một gốc cây để làm phân bón.”
Cán bộ Khmer Đỏ Sukha làm chứng rằng khi đang ở khu vực Svay Chreah thuộc huyện Snuol của tỉnh Kratie, cô đã tận mắt chứng kiến cảnh một cán bộ Khmer Đỏ trói và cởi quần áo một phụ nữ trẻ, khoét hai bầu ngực của cô ấy ra, chiên giòn rồi ăn. Tên cán bộ đó là Ski, và anh ta là giám thị của trại lao động thiếu niên. Năm 2000, Sukha cũng đã làm chứng: Người cán bộ này vẫn còn sống, nhưng không biết địa chỉ của anh ta.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng…
Kiev đang nỗ lực phát triển các loại phòng không mới để chống lại "những…
Bài phát biểu công khai hôm thứ Năm (21/11) của Tổng thống Nga Vladimir Putin…
Công ty Cổ phần Tổ hợp y tế kỹ thuật cao An An Hòa đề…
TP.HCM dự kiến chi 2.226 tỷ đồng/năm trợ giá cho doanh nghiệp hoạt động vận…
Đầu tháng này, Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng các tin tặc có liên hệ…