Hôm thứ Tư (07/8) Chính phủ Trump đã chính thức ban hành quy định tạm thời cấm các cơ quan liên bang mua thiết bị cũng như dịch vụ viễn thông từ năm công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei. Từ tháng 8/2020, quy định này sẽ còn bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt hơn, có thể cấm các nhà thầu liên bang quan hệ nghiệp vụ với Huawei.
Theo Reuters, lệnh cấm này là một điều khoản nằm trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) được Quốc hội thông qua năm 2018, cũng là một phần trong chương trình trừng phạt rộng khắp của Mỹ đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei. Huawei là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới nhưng bị Washington cáo buộc là có hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng quy định, cấm các tổ chức được hỗ trợ tài chính từ liên bang sử dụng thiết bị viễn thông, thiết bị giám sát camera và các linh kiện mạng Internet khác của các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Hôm thứ Tư (07/8) quan chức chính phủ Trump cho biết, quy định tạm thời của Văn phòng Quản lý Hành chính và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) sẽ đảm bảo cho các cơ quan chính phủ Mỹ không hợp tác chuyên môn gì với Huawei và một số công ty Trung Quốc khác.
“Chính phủ Trump cam kết bảo vệ đất nước chúng ta không bị các thế lực bên ngoài gây thiệt hại, cần tuân thủ lệnh cấm của Quốc hội đối với các thiết bị giám sát viễn thông và video của Trung Quốc (bao gồm cả thiết bị Huawei),” phát ngôn viên Jacob Wood của OMB cho biết.
Quy định tạm thời này đã được công bố hôm thứ Tư (07/8) trên trang web của Tổng cục Quản lý Dịch vụ (GSA) và sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8. Chính phủ sẽ dành thời gian 60 ngày để tiếp thu ý kiến về quy định này, trước khi ban hành phiên bản cuối cùng của lệnh cấm.
Ngoài Huawei, quy định tạm thời này cũng cấm các cơ quan liên bang mua sản phẩm từ bốn công ty Trung Quốc gây lo ngại về an ninh đối với Mỹ, như ZTE, Hikvision, Hytera và Dahua Technology.
Đáng chú ý, lệnh cấm tạm thời còn đặt ra thời hạn, đến tháng 8/2020 Mỹ có thể sẽ tiến hành các quy định nghiêm ngặt hơn, theo đó cấm các nhà thầu liên bang quan hệ chuyên môn nghiệp vụ với Huawei hoặc các công ty Trung Quốc khác trong danh sách, đồng thời áp dụng đối với bất kỳ công ty nào của Mỹ sử dụng thiết bị từ các công ty Trung Quốc nói trên.
Tuy nhiên, nếu nhà thầu nào cho rằng quan hệ của họ với một công ty Trung Quốc trong danh sách không gây đe dọa cho an ninh của Mỹ thì có thể đề xuất ý kiến với cơ quan liên bang xin được miễn trừ.
Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Huawei cho biết sẽ “kiện lệnh cấm ra tòa án liên bang”.
Hồi giữa tháng Năm năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen kiểm soát xuất khẩu, nghiêm cấm các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa cho Huawei. Các công ty Mỹ chỉ được bán sản phẩm cho Huawei sau khi trình kế hoạch cho chính phủ và được chấp thuận.
Sau khi bị đưa vào danh sách đen, hoạt động kinh doanh của Huawei ở nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều công ty lớn tuyên bố ngừng cung cấp sản phẩm cho Huawei. Ngay sau động thái của Mỹ, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cho biết, doanh số điện thoại thông minh ở nước ngoài của Huawei lập tức giảm 40% sau lệnh cấm thương mại này. Sau đó, hồi tháng 6/2019 ông Nhậm Chính Phi cũng tiết lộ tác động từ lệnh cấm của Mỹ vượt quá sức tưởng tượng, doanh thu của Huawei trong hai năm tới sẽ mất khoảng 30 tỷ USD.
Mới đây, ngày 01/8, Tổng thống Mỹ Trump đã nhắc lại lập trường của Mỹ về Huawei, tại Nhà Trắng ông đã chia sẻ với các phóng viên rằng vẫn chưa thể cho phép Huawei vào thị trường Mỹ, quan điểm này không có gì thay đổi.
Huệ Anh
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…