Sau khi cùng các đồng minh Anh và Pháp phóng hơn 100 quả tên lửa vào Syria, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã mạnh mẽ tuyên bố rằng: “Không thể có kết quả nào tốt hơn thế. Nhiệm vụ Đã hoàn thành!”. Vậy nhiệm vụ mà ông Trump đề cập tới là gì?
Mỹ và đồng minh đã phá hủy được một phần cơ sở vũ khí hóa học của chế độ Assad.
Ông Trump theo đuổi nghị trình “Nước Mỹ trên hết”, vận hành nền tảng đối ngoại chống can thiệp. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai trong chưa đầy một năm Tổng thống Mỹ đã hạ lệnh tấn công Syria.
Những người chỉ trích ông Trump thậm chí đã so sánh Tổng thống Mỹ đương nhiệm với cựu Tổng thống George W. Bush, người đã phát động chiến tranh Iraq mà trong chiến dịch tranh cử 2016 chính ông Trump cũng phản đối.
Giải thích cho việc Tổng thống Trump phát động tấn công Syria, ông Harry Kazianis – giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng của Trung tâm Lợi ích Quốc gia cho hay: “Một trong những lý do nhiều người bầu cho ông [Trump], nhiều người ủng hộ ông ý là vì ông không phải là ông Goerge W. Bush, hoặc Barack Obama, phát động chiến tranh để lật đổ chế độ”.
Ông Kazianis lập luận rằng điều ông Trump thực hiện đêm thứ Sáu 13/4 (giờ Mỹ) là khác với những người tiền nhiệm Bush và Obama, những người đã triển khai hàng trăm ngàn lính Mỹ tới Iraq và Afghanistan.
“Đó là rất khác biệt khi chúng ta ném bom từ trên bầu trời với việc hàng trăm ngàn lính đổ bộ dưới mặt đất. Chúng rất, rất khác nhau. Sẽ là một vấn đề nếu tổng thống Mỹ đang tiến hành các cuộc không kích ở khắp nơi và bắt chúng ta tham gia vào các cuộc xung đột, tôi không thực sự thấy điều đó ở chính quyền hiện nay”, ông Kazianis nói.
Trong thông báo quốc dân về cuộc tấn công Syria đêm thứ Sáu, ông Trump cũng đã nói rõ rằng: “Mục đích của hành động của chúng ta tối nay là để thiết lập một sự ngăn cản mạnh mẽ đối với việc sản xuất, lan tỏa và sử dụng vũ khí hóa học”, và nhấn mạnh: “Chiến dịch đáp trả phối hợp của Mỹ, Anh và Pháp đối với sự tàn ác này sẽ thống nhất tất cả các công cụ của sức mạnh quốc gia: quân sự, kinh tế và ngoại giao”.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc sáng thứ Bảy (14/4), Tướng Kenneth McKenzie cũng nói với báo giới rằng cuộc tấn công của liên quân không nhằm mục đích lật đổ chế độ Assad.
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các cuộc tấn công đã “làm cho chương trình vũ khí hóa học của Syria thụt lùi lại nhiều năm trước”.
Bộ Quốc phòng Nga cũng đã thừa nhận “các cơ sở vũ khí hóa học bị cáo buộc” gần Damascus và Homs đã “bị phá hủy một phần”.
Tổng thống Trump đã giải thích rõ đây là cuộc tấn công giới hạn để ngăn chặn chế độ Assad phát triển vũ khí hóa học.
Hơn 100 tên lửa các loại của Mỹ, Anh, Pháp đã bắn vào các cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Assad và không gây thương vong cho thường dân.
Lầu Năm Góc nói rằng họ không có thông tin về bất kỳ thương vong nào của thường dân.
Quân đội Nga qua các thông tin sơ bộ ban đầu cũng cho hay không có thương vong cho cả quân đội Syria và thường dân.
Không gây thiệt hại cho dân thường và kể cả lính Syria, nhưng cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh là một cảnh báo có sức nặng nhất định cho tham vọng phát triển chương trình vũ khí hóa học của chế độ Assad.
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy (14/4) do Nga triệu tập, Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã khẳng định rằng bà đã trao đổi với Tổng thống Trump và ông đã nói nước Mỹ đã “khóa súng và lên nòng” nếu Syria lại sử dụng vũ khí hóa học.
“Khi tổng thống của chúng tôi vạch ra lằn ranh đỏ, ông ấy sẽ thực thi lằn ranh đỏ đó”, bà Haley cảnh báo.
Ông Faysal Itani, học giả cao cấp của Hội đồng Atlantic nhận định rằng: “Tôi nghĩ, nếu có bất kỳ thông điệp nào với Assad, cuộc tấn công này nói với ông ta rằng: ‘Hãy nhìn đi, đây là những điều ông không thể làm… Đó là bài học đúng cho tình huống này’”. Ông Itani muốn nói rằng Mỹ và đồng minh coi việc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” và sẽ phải trả giá.
Cuộc tấn công cũng cho thấy chế độ Assad không thể dựa vào ô bảo trợ của Nga. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ cuộc tấn công đó – Syria không thể ngăn chặn bất kỳ tên lửa nào của liên quân – đại diện cho một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng mặc dù Syria có sự bảo vệ của hệ thống phòng không Nga, nhưng Mỹ và các đồng minh NATO vẫn có thể tấn công Syria theo ý chí của mình.
Nếu thực sự ông Trump muốn dùng Syria để thử thái độ của Nga, thì Tổng thống Mỹ đã có đáp số tương đối rõ ràng.
Trước khi Mỹ và đồng minh thực hiện không kích, Nga đã lớn tiếng đe dọa sẽ đánh chặn tên lửa, thậm chí đáp trả vào nơi khởi nguồn tên lửa nhắm vào Syria.
Phát biểu trên truyền hình Li Băng hôm 10/4, Đại sứ Nga Alexander Zasypkin nói rằng: “Nếu có một cuộc tấn công [vào Syria] do Mỹ thực hiện, sau đó… các tên lửa này sẽ bị bắn hạ và thậm chí nơi khởi phát các tên lửa đó cũng sẽ bị bắn phá”.
Trước đó, theo tờ Independent, vào ngày 13/3, quân đội Nga cũng đã phát đi cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ nhắm vào Syria, tiêu diệt bất kỳ tên lửa và máy phóng nào liên quan tới một cuộc tấn công như vậy.
Kết quả cuối cùng ra sao? Nga đã án binh bất động khi Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria đêm 13/4. Sau đó, Moscow tuyên bố chỉ có hệ thống phòng thủ tên lửa của chế độ Assad đáp trả liên quân và bắn rơi được 71 trong tổng số 103 tên lửa nhắm vào 3 cơ sở vũ khí hóa học của chính phủ Syria.
Chưa có kiểm chứng độc lập, nhưng phía Mỹ bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Nga và khẳng định chẳng có tên lửa nào bị bắn hạ hết.
Vụ tấn công Syria lần này cũng giúp tổng thống Mỹ tập hợp được sức mạnh đoàn kết của các đồng minh. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Theresa May đã sẵn sàng cùng ông Trump thảo luận kỹ và nhanh chóng quyết định cùng nhau tham chiến, tiến tới kết quả “hoàn hảo”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã từ chối tham gia vào liên quân tấn công Syria, đã nói rằng bà ủng hộ cuộc tấn công và coi đó là “cần thiết và phù hợp”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh NATO hoàn toàn ủng hộ hành động quân sự của Mỹ, Anh và Pháp.
Một đồng minh thân cận khác của Mỹ là Israel cũng hoàn toàn đứng về phía Washington. Thủ tướng Benjamin Netanyahu bày tỏ “hoàn toàn ủng hộ” cuộc không kích của liên minh vào Syria.
Ngoài Nga, và chính quyền Assad, dường như chỉ có Trung Quốc là công khai lên án hành động không kích vào Syria của Mỹ và đồng minh. Trung Quốc nói rằng họ phản đối việc sử dụng vũ lực và nhấn mạnh rằng chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng giải pháp chính trị.
Bắc Hàn, nước đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc vào cuối tháng Tư và cũng sắp gặp ông Trump vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu, chưa có phát ngôn chính thức về hành động của Mỹ tại Syria.
Nhiều người cho rằng ông Trump có thể vượt mặt Nga, Trung, Liên Hiệp Quốc để tấn công Syria thì cũng hoàn toàn có thể làm điều tương tự với Bắc Hàn và thậm chí cả Iran.
Có thể lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un đã hiểu được điều này và từ đầu năm 2018, Bình Nhưỡng đã bắt đầu xuống thang trong quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc để mưu cầu sự tồn vong cho chế độ nhà họ Kim.
Tân Bình
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…