Những thách thức trong quan hệ Mỹ – Hàn dưới thời Tổng thống Moon Jae-in

Hơn 70 năm qua, quân đội Hoa Kỳ vẫn luôn hiện diện tại Hàn Quốc trong một liên minh song phương chặt chẽ hàng đầu thế giới. Tầm quan trọng của lực lượng Mỹ tại Seoul thể hiện rõ ràng nhất khi nước này vừa mới tiến hành rút quân khỏi bản đảo Triều Tiên năm 1949, ngay lập tức miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam. Đến thời điểm hiện tại, Bắc Triều Tiên vẫn duy trì mối đe dọa với cả Hàn Quốc và lợi ích của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Chừng nào vẫn còn tồn tại chế độ nhà Kim có vũ khí hạt nhân và hiếu chiến, liên minh Mỹ – Hàn vẫn còn nguyên giá trị để tồn tại. Tuy nhiên, những thách thức trong mối quan hệ đồng minh này là không nhỏ khi Hàn Quốc vừa có tân Tổng thống theo đường lối ôn hòa, tồn tại nhiều khác biệt trong giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn với chính quyền Trump.

Liên minh lịch sử

Ngay sau khi kết thúc Thế chiến II, Hoa Kỳ đã thiết lập liên minh song phương với Hàn Quốc thay vì thành lập một liên minh đa phương với nước này và các quốc gia Đông Á khác.

Liên minh Mỹ – Hàn có ba chức năng chính sau:

Thứ nhất, đóng vai trò là một phần trong mạng lưới liên minh của Mỹ và duy trì các cơ sở quân sự được thiết kế để ngăn chặn mối đe dọa Liên Xô ở Thái Bình Dương.

Thứ hai, với sự đồn trú thường xuyên của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ giúp ngăn chặn Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc xâm lược lần 2.

Thứ ba, liên minh sẽ kiềm chế Hàn Quốc, duy trì và bảo vệ lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Liên minh này được “viết bằng máu” khi chiến tranh Triều Tiên bùng phát năm 1950. Trong suốt cuộc chiến tranh đó, có tới 36.516 người Mỹ đã hi sinh để đẩy lui quân Bắc Triều Tiên ra khỏi miền Nam. Kể từ sau đó, Hoa Kỳ đã duy trì đồn trú khoảng 29.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc.

Trong bốn thập kỷ tiếp theo, Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và quân sự, nên cũng giảm đáng kể sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Từ thời Tổng thống Roh Tae-woo tới chính quyền của Tổng thống Roh Moo-hyun, Hàn Quốc đã tìm cách thiết lập một quan hệ đối tác bình đẳng hơn với Mỹ, điều này đã làm cho mối quan hệ giữa Seoul và Washington chịu một số căng thẳng, đặc biệt là từ cảm xúc chống Mỹ/Hàn từ người dân.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã tăng cường mạnh mẽ dưới chính quyền của ông Lee Myung-bak, người theo đường lối bảo thủ và thân Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại London năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi Hàn Quốc là “một trong những đồng minh thân cận nhất và một trong những người bạn thân nhất của Hoa Kỳ”.

Cũng trong năm 2009, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã cam kết phát triển tầm nhìn của liên minh cho hợp tác quốc phòng tương lai. Hiện tại, nếu chiến tranh nổ ra, quyền điều kiển các lực lượng quân sự của Hàn Quốc sẽ nằm trong tay Hoa Kỳ. Theo kế hoạch, đến năm 2020, quyền này sẽ trao trả về tay Hàn Quốc.

Các số liệu thăm dò dư luận phản ánh một cái nhìn khá tích cực của người dân hai nước về khối liên minh Mỹ – Hàn. Theo thăm dò của BBC năm 2014, 58% người Hàn Quốc đánh giá tích cực về ảnh hưởng của Hoa Kỳ, 28% có cái nhìn tiêu cực; 55% người Mỹ nhìn nhận tích cực về ảnh hưởng của Hàn Quốc, 34% tỏ thái độ tiêu cực. Hàn Quốc là một trong những quốc gia thân Mỹ nhất thế giới.

Thách thức từ tân Tổng thống Hàn Quốc

Thứ Tư 10/5, Hàn Quốc chính thức có tổng thổng mới – ông Moon Jae-in, con của một người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông Moon theo đường lối cánh tả và từng là chánh văn phòng dưới thời tổng thống cánh tả gần nhất ông Roh Moo-hyun.

Với sự xuất hiện của ông Moon, mối quan hệ Hàn Quốc – Hoa Kỳ sẽ có nhiều thay đổi và nổi bật những thách thức nhiều hơn cơ hội.

Thứ nhất, giữa ông Trump và ông Moon có sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.

Mặc dù cả hai vị Tổng thống đều có tuyên bố sẵn sàng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong những điều kiện phù hợp, nhưng cách thức mà chính quyền hai bên mong muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là khác nhau.

Chính quyền Trump tuyên bố tăng áp lực tối đa lên miền Bắc. Điều này có nghĩa là tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa chiến tranh. Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán nhưng trước hết Bắc Hàn phải tuân thủ các điều kiện nhất định (điều này có lẽ không xảy ra khi Bình Nhưỡng vừa phản ứng bằng vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung hôm Chủ Nhật 14/5).

Trong khi đó, ngay từ trong chiến dịch tranh cử và cho đến thời điểm hiện tại (sau khi Bình Nhưỡng vừa thử tên lửa), ông Moon Jae-in vẫn kiên định lập trường hòa dịu với miền Bắc và cam kết tái khởi động lại chính sách “Ánh Dương” do Tổng thống Kim Dae-jung khởi xướng từ năm 1998 và được thực hiện tiếp nối trong chính quyền tổng thống Roh Moo-hyun đến năm 2008.

Ánh Dương là chính sách an ninh mềm mỏng với Bắc Hàn, dựa trên nguyên tắc không khiêu khích quân sự, không gây sự chú ý, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác và viện trợ hào phóng đối với miền Bắc để đổi lấy hòa bình.

Trước khi đắc cử, ông Moon chủ trương tái khởi động lại khu công nghiệp chung Kaesong và thậm chí còn nói về việc sẽ tạo ra một “cộng đồng kinh tế” với miền Bắc.

Ông Moon cũng ủng hộ việc đàm phán và thúc giục nối lại ‘Cuộc đàm phán 6 bên’ về vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, với sự tham gia của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Mỹ và hai miền Triều Tiên. Ông đã đề xuất đàm phán song phương với Bắc Triều Tiên và từng tuyên bố rằng ông muốn đích đến của chuyển công du nước ngoài đầu tiên của mình là Bình Nhưỡng, cũng như có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 giữa lãnh đạo tối cao hai nước.

Thật khó để chính quyền Trump chấp nhận cách tiếp cận như vậy của ông Moon với chế độ Kim Jong Un đang liên tiếp đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa. Hoa Kỳ và ngay cả các chính quyền Hàn Quốc gần đây đều cho rằng chính sách “Ánh Dương” đã thất bại. Minh chứng là dưới chính sách này, miền Nam đã chuyển tổng cộng khoảng 10 tỷ USD cho Bình Nhưỡng dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí ngay cả khi chính quyền Bắc Hàn vẫn phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Khu công nghiệp Kaesong khi đó đã mang lại cho Bắc Hàn 100 triệu USD tiền lương của công nhân hàng năm.

Thứ hai, cũng như các đời tổng thống cánh tả trước, ông Moon Jae-in muốn Hàn Quốc độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ và có tiếng nói chủ động trong giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc.

Ông Moon ủng hộ việc có thể “nói không với người Mỹ”, tăng cường khả năng phòng thủ độc lập của Hàn Quốc, giành lại quyền kiểm soát hoạt động chiến tranh của quân đội Hàn Quốc từ Hoa Kỳ trước thời hạn năm 2020.

Tổng thống tân cử Hàn Quốc kêu gọi Seoul cần giữ vai trò đầu tàu trong các vấn đề Triều Tiên hơn là chỉ ‘ngồi ghế sau’ khi Washington và Bắc Kinh thảo luận chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Ông Moon ban đầu cũng đã phản đối gay gắt việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên  lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng sau đó, vị luật sư nhân quyền này đã mềm mỏng hơn trong vấn đề này để hy vọng nhận được sự đồng thuận của chính quyền Trump trong  việc xúc tiến đàm phán với miền Bắc.

Thứ ba, Ông Moon đang xây dựng một chính quyền ‘chống’ Mỹ với nhiều lãnh đạo theo đường lối cực tả. Điển hình trong số này là chánh văn phòng tổng thống vừa được bổ nhiệm, ông Im Jong-seok. Ông Im, 39 tuổi, đã từng tổ chức một cuộc biểu tình của sinh viên phong tỏa Đại sứ quán Mỹ và thậm chí ông này đã phải ngồi tù vì thúc đẩy liên hệ với Bình Nhưỡng.

Bản thân Tổng thống Moon cũng đã thực hiện sự nghiệp chính trị của mình bằng cách chống lại chế độ độc tài quân sự thời gian dài tại Hàn Quốc và chính phủ Mỹ đã gián tiếp ủng hộ chế độ đó. Ông Roh Moo-hyun, được hỗ trợ bởi ông Moon, đã đắc cử Tổng thống Hàn Quốc một phần là do một làn sóng chống Mỹ xuất phát từ cái chết của hai thiếu niên trong một tai nạn giao thông liên quan đến lính Mỹ.

Trong bối cảnh đe dọa an ninh từ Bình Nhưỡng ngày một tăng cao. Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc không nghi ngờ gì, sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua những rạn nứt. Nhưng Tổng thống Moon tin tưởng mạnh mẽ vào một con đường khác, dường như không tương thích với kế hoạch rõ ràng của chính quyền Trump. Đồng thời, Tổng thống Trump có thể phản ứng rất tồi tệ với bất kỳ sự phản kháng nào đối với các ưu tiên của ông. Các hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên vẫn có thể khiến hai đồng minh Mỹ – Hàn sít lại với nhau, nhưng nếu điều đó không xảy ra, Hàn Quốc có thể phải trả một cái giá đắt cho việc thách thức nền tảng bảo vệ an ninh hàng chục năm qua của Washington.

Xuân Thành

Xem thêm:

Xuân Thành

Published by
Xuân Thành

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

29 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

54 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago