Vai trò của Mỹ – Trung – Xô trong chiến tranh Triều Tiên 1950-53
- Tân Bình
- •
Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng cực kỳ tàn khốc, lấy đi sinh mạng của gần 5 triệu người. Theo history.com, hơn một nửa số này, tức khoảng 10% dân số Triều Tiên trước chiến tranh, là dân thường, tỷ lệ thương vong còn cao hơn Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam. Vượt qua giới hạn thông thường của một cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bằng con đường vũ trang, chiến tranh Triều Tiên hàm chứa những mâu thuẫn lớn của cuộc đối đầu Đông – Tây, tư bản – cộng sản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy cuộc chiến này mang đậm bóng dáng của các thế lực ngoại bang: Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc, nhưng cần hiểu rõ một điều, đây không phải là một cuộc chiến chống lại quân xâm lược.
Bối cảnh trước chiến tranh
Trước chiến tranh Triều Tiên, thế giới vừa trải qua Thế chiến II, về phân chia địa chính trị quốc tế giữa các cường quốc là chưa rõ ràng.
Sau khi trở thành “đồng minh bất đắc dĩ” để chống lại chủ nghĩa phát-xít, Hoa Kỳ và Liên Xô nhanh chóng cạnh tranh mạnh mẽ để giành các lợi thế địa chính trị quốc tế sau 1945.
Hoa Kỳ chú trọng nhiều đến việc gây ảnh hưởng ở Tây Âu và chủ trương ưu tiên không để làn sóng cộng sản Xô viết lan rộng tại đây.
Liên Xô một mặt củng cố khu vực Đông Âu, bắt đầu cùng Trung Quốc thực hiện sự lan tỏa làn sóng cộng sản tại Đông Á. Trọng điểm là ở bán đảo Triều Tiên và Đông Dương. Nhật Bản lúc này đang do lực lượng Hoa Kỳ kiểm soát.
Hoa Kỳ khi đó đối với châu Á, họ chủ yếu tính toán gây ảnh hưởng ở Nhật Bản và Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan). Đặc biệt, Đài Loan vào cuối những năm 1940 được công nhận là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ), thay vị trí của Trung Quốc. Liên Xô không đồng ý việc này và tẩy chay LHQ.
Trong năm 1949, Hoa Kỳ đã di chuyển quân lực khỏi Nam Triều Tiên và cho biết rằng từ đầu năm 1950, Triều Tiên nằm bên ngoài ảnh hưởng của lực lượng phòng thủ của Hoa Kỳ tại châu Á.
Về bán đảo Triều Tiên, từ năm 1910 bị Nhật Bản chiếm đóng và trở thành một phần đất do Nhật bảo hộ. Sau khi lực lượng Đồng Minh đánh thắng Nhật Bản trong Thế Chiến II, các lực lượng quân sự Hoa Kỳ và Liên Xô đã tiến vào bán đảo Triều Tiên và quân đội Nhật Bản đã đầu hàng, miền Bắc trước quân đội Liên Xô còn phía Nam trước quân đội Hoa Kỳ. Hai cường quốc Liên Xô và Hoa Kỳ đã thiết lập trên bán đảo này hai chế độ chính trị tương phản nhau, miền Bắc theo Cộng Sản còn miền Nam theo nền dân chủ Mỹ. Đất nước Triều Tiên từ đó bị chia đôi, dọc theo biên giới tạm thời gần vĩ tuyến 38.
Vào năm 1947, Đại Hội Đồng LHQ tuyên bố rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trên khắp đất nước Triều Tiên để chọn ra một chính quyền thống nhất cho cả nước. Liên Xô đã phản đối đề nghị này và không cho phép bầu cử tại miền Bắc. Vào ngày 10/5/1948, dân chúng Nam Triều Tiên đã bầu Quốc hội và thành lập chính phủ nước Cộng Hòa Triều Tiên (the Republic of Korea) do ông Syngman Rhee làm Tổng Thống, thành lập Quân đội Cộng hòa Triều Tiên (KORA) có khoảng 80.000 quân. Tới ngày 9/9/1948, miền Bắc cũng lập nên nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (the Democratic People’s Republic of Korea) đặt dưới sự lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA), có khoảng 100.000 quân. Cả chính phủ hai miền này đều coi là mình hợp pháp trên toàn lãnh thổ và quân đội của hai phía đã từng nhiều lần đụng độ với nhau dọc theo vùng biên giới trong thời gian từ 1948 tới 1950.
Nguyên nhân chiến tranh
Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ do 2 nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, bối cảnh quốc tế có chuyển biến có lợi cho phe cộng sản. Liên Xô thử bom hạt nhân thành công vào tháng 9/1949; Hoa Kỳ rút khỏi Nam Triều Tiên vào tháng 6/1949; Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ cả về kinh tế và quân sự cho Bắc Triều Tiên thông qua Liên minh hữu nghị Trung – Xô; Qua thông tin tình báo Liên Xô nhận định Hoa Kỳ không còn coi trọng Nam Triều Tiên nữa và ít sẵn sàng tham chiến ở đây.
Thứ hai, đến năm 1950, lãnh đạo Kim Nhật Thành đã xây dựng KPA thành một lực lượng tấn công đáng gờm theo mô hình quân đội cơ giới của Liên Xô. Trung Quốc đưa chiến binh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) gốc Triều Tiên trở về nhập vào KPA, trong khi Liên Xô cung cấp thêm vũ khí. Lúc này, Bắc Triều Tiên có những lợi thế đáng kể so với miền Nam trong mọi lĩnh vực thiết bị, khí tài quân sự.
Ngày 25/6/1950, do được cả Liên Xô và Trung Quốc “bật đèn xanh”, lãnh đạo miền Bắc Kim Nhật Thành tự tin chủ động phát động chiến tranh xâm lược miền Nam với mong muốn nhanh chóng thống nhất đất nước.
Vai trò của Mỹ-Trung-Xô trong diễn tiến chiến tranh Triều Tiên
Trung – Xô châm ngòi chiến tranh Triều Tiên
Từ tháng 1/1950, lãnh đạo miền Bắc, Kim Nhật Thành đã lên kế hoạch xóa đi vết cắt ngang bán đảo Triều Tiên mang tên vĩ tuyến 38 bằng “đòn tấn công bất ngờ, với hai cánh quân bộ binh bao gồm 9 sư đoàn, trên hai hướng Seoul và Hunchhon, kết hợp với các cuộc tấn công của lực lượng du kích và các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân”. Khi ông Kim Nhật Thành đem kế hoạch này bàn bạc với người đứng đầu Nhà nước Trung Hoa mới, ông Mao Trạch Đông không ủng hộ, nêu rõ quan điểm: “Không nên tấn công miền Nam, nhưng nếu Tổng thống miền Nam, Syngman Rhee khởi sự trước, cần kiên quyết đáp trả”; khuyên ông Kim Nhật Thành nên tham vấn ý kiến ông Stalin. Thông qua Đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng T.F.Shtyucov, ông Kim Nhật Thành tích cực tranh thủ sự ủng hộ của Stalin. Nhìn chung, lãnh đạo Liên Xô Stalin đón nhận thông tin và yêu cầu của Bắc Triều Tiên với thái độ dè dặt: “Một việc lớn như vậy phải được tính toán hết sức cẩn thận. Cần chuẩn bị để không xảy ra bất kỳ một sơ suất nào”. Ngày 8/4/1950, Đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên do ông Kim Nhật Thành dẫn đầu bí mật đến Moscow, mang theo kế hoạch sơ bộ tấn công Nam Triều Tiên. Tại cuộc gặp, ông Kim Nhật Thành dùng mọi lý lẽ thuyết phục ông Stalin đồng ý, nhưng Stalin chưa có câu trả lời dứt khoát, chỉ khẳng định, nếu chiến tranh nổ ra, Liên Xô sẽ không thể tham dự. Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/1950, ông Kim Nhật Thành liên tục hối thúc và chờ đợi tín hiệu từ Liên Xô. Ngày 14/5/1950, ông Stalin gửi điện tín cho T.F.Shtyucov, một lần nữa nói rõ quan điểm: “Vấn đề này phải được bàn bạc kỹ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc chưa đồng ý, kế hoạch được lùi lại, chờ bàn bạc tiếp”. Ngày 15/4/1950, Đại sứ T.F.Shtyucov thông báo về Moscow rằng, kế hoạch của Kim Nhật Thành đã được Mao Trạch Đông chấp thuận và hứa sẵn sàng can thiệp quân sự trong trường hợp cần thiết. Khi đã chắc chắn với cam kết về sự tham dự vào chiến tranh của Trung Quốc, cuối tháng 5/1950, Stalin mới đi đến quyết định cuối cùng: Bật đèn xanh cho Bắc Triều Tiên thực hiện kế hoạch thống nhất đất nước.
Như vậy, ý định phát động chiến tranh xuất phát từ Bắc Triều Tiên, song nó chỉ thành hiện thực sau cái gật đầu của Stalin – lãnh tụ “trung tâm cách mạng thế giới” và sự đồng ý của Stalin cũng chỉ có khi và chỉ khi ông Mao Trạch Đông lãnh trách nhiệm tham gia và chi viện cho người anh em Bắc Triều Tiên.
5 ngày sau khi miền Bắc phát động chiến tranh xâm lược miền Nam, Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ miền Bắc bằng việc cho các cố vấn quân sự của mình vào chiến trường Triều Tiên.
Sự vượt trội về sức mạnh giúp quân miền Bắc áp đảo quân miền Nam và chỉ chững lại khi có sự tham dự của quân LHQ do Hoa Kỳ đứng đầu.
Vào ngày 30 tháng 9, Chu Ân Lai đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng Trung Quốc đã chuẩn bị can thiệp vào Triều Tiên nếu Hoa Kỳ vượt qua ranh giới vĩ tuyến 38.
Vào tuần đầu tháng 10, quân miền Nam, cùng sự tham gia trực tiếp của quân LHQ đã phản công vượt vĩ tuyến 38, đánh chiếm lãnh thổ miền Bắc.
Sau các cuộc họp khẩn cấp của Bộ chính trị, Trung Quốc đã quyết định can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Triều Tiên.
Trung Quốc tuyên bố rằng các máy bay ném bom của Mỹ đã vi phạm không phận quốc gia của Trung Quốc ba lần và tấn công các mục tiêu của Trung Quốc trước khi họ can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên.
Vào ngày 8/10/1950, Mao Trạch Đông đã chỉ định lực lượng mặt trận Đông Bắc của PLA làm Đội quân Tình Nguyện Nhân dân (PVA) sang giúp đỡ Bắc Triều Tiên.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã đưa tổng cộng khoảng hai triệu quân PVA tham chiến. PVA là một đội quân bộ binh nhẹ chỉ có một số lượng hạn chế các vũ khí hạng nặng như pháo binh, rất ít súng phòng không, và không có xe bọc thép. So với các lực lượng LHQ mà họ phải đối mặt, quân đội Trung Quốc thô sơ hơn về thông tin liên lạc, hậu cần và cơ sở hạ tầng y tế.
Một sư đoàn bộ binh PVA có 10.000 lính. 35 sư đoàn đầu tiên của Trung Quốc vào chiến trường Triều Tiên đã được trang bị tốt nhưng sau đó các đơn vị vào sau quân lính chỉ được trang bị lựu đạn.
Nhưng xét tổng thể lính Trung Quốc chiến đấu rất ngoan cường, cứng rắn và quyết tâm vì lý tưởng “kháng Mỹ, viện Triều” của họ. Sĩ quan Trung Quốc có năng lực và kinh nghiệm. Chiến thuật của Trung Quốc dựa vào áp đảo đối phương bằng số lượng. Người Trung Quốc thường xuyên tung ra các cuộc tấn công bằng con người chống lại kẻ thù của họ, cho rằng những tổn thất là thứ yếu đối với thành công của chiến trường.
Quân Trung Quốc đã giúp Bắc Triều Tiên chống lại các đợt phản công mạnh mẽ của quân miền Nam dưới sự yểm trợ và tham gia trực tiếp của quân LHQ do Mỹ đứng đầu, tạo sự cân bằng trong tương quan lực lượng 2 miền và thế chiến tranh giằng co quanh khu vực vĩ tuyến 38 cho đến khi các bên dừng chiến tranh bằng quyết định ngừng bắn.
Liên Xô không tham dự trực tiếp vào chiến tranh Triều Tiên và luôn tuyên bố phủ nhận đứng sau hậu thuẫn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nhưng, trong một chừng mực nào đó, sự đóng góp của Liên Xô là quan trọng. Họ cung cấp hỗ trợ ngoại giao, chiến lược và kế hoạch chiến thuật vĩ mô, bao gồm cả kế hoạch xâm lược của Bắc Triều Tiên, và hỗ trợ hậu cần thiết yếu. Họ cung cấp và huấn luyện các lực lượng không quân của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các phi công Liên Xô đã bay máy bay có dấu hiệu của Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên và sau chiến tranh tuyên bố đã bắn rơi hơn 400 máy bay của quân LHQ.
Thực tế, trước khi chính thức cho quân vào giúp Bắc Triều Tiên, Trung Quốc đã cử phái đoàn do Chu Ân Lai đứng đầu sang hội đàm với lãnh đạo Stalin của Liên Xô đề yêu cầu sự hỗ trợ.
Stalin ban đầu đã đồng ý gửi thiết bị quân sự và đạn dược, nhưng cảnh báo Chu Ân Lai rằng không quân Liên Xô cần hai hoặc ba tháng để chuẩn bị bất kỳ hoạt động nào. Trong một cuộc họp tiếp theo, Stalin nói với Chu Ân Lai rằng ông chỉ cung cấp cho Trung Quốc trang thiết bị trên cơ sở tín dụng, và không quân Liên Xô chỉ hoạt động trên không phận Trung Quốc, và chỉ sau một khoảng thời gian không định trước. Theo các số liệu không chính thức, sau chiến tranh Trung Quốc nợ Liên Xô 650 triệu USD tiền vũ khí, đạn dược.
Hoa Kỳ tăng sức mạnh cho Nam Hàn phản công mạnh mẽ và chủ động hòa đàm
72 giờ sau khi miền Bắc phát động tấn công Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ đã tham gia cuộc chiến.
Chính quyền Hoa Kỳ nhận định rằng đây không chỉ đơn giản là cuộc tranh chấp biên giới thông thường của hai chế độ độc tài ở hai miền Triều Tiên. Thực chất đó là bước đầu tiên trong một chiến dịch cộng sản hóa thế giới.
Do đó, Hoa Kỳ không đơn phương tham dự vào chiến tranh Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Truman đã thông qua LHQ để can thiệp vào bán đảo Triều Tiên.
Sau khi miền Bắc xâm chiếm Nam Triều Tiên, 21 quốc gia thành viên của LHQ đã cam kết ủng hộ Nam Triều Tiên dù nước này chưa phải là quốc gia thành viên chính thức.
16 quốc gia cung cấp các đơn vị chiến đấu trực tiếp gồm Anh, Canada, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Colombia, Ethiopia, Nam Phi, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Thái Lan, Philippines và Luxembourg và 5 nước khác đã gửi xe cứu thương và các thiết bị y tế quân đội là Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Ấn Độ và Ý. Đóng góp lớn nhất cho quân LHQ là Hoa Kỳ với khoảng 140.000 quân nhân được triển khai trực tiếp tại Triều Tiên.
Tổng thống Harry Truman (1884-1972) khi đó đã nói: “Nếu chúng ta buông Triều Tiên, Liên Xô sẽ tiếp tục tiến lên và nuốt chửng các nơi khác. Chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là biểu tượng của cuộc đấu tranh toàn cầu giữa đông và tây, tốt và xấu. Khi quân đội Bắc Hàn tiến vào Seoul, thủ đô của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ đã chuẩn bị quân đội của mình cho một cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa cộng sản”.
Lúc đầu, Hoa Kỳ tham chiến là để giúp Nam Triều Tiên tự vệ, một cuộc chiến tranh để đẩy lùi những người cộng sản ra khỏi Nam Hàn và nó đã trở nên tồi tệ đối với các nước Đồng Minh. Quân đội Bắc Triều Tiên có kỷ luật, được đào tạo bài bản và trang bị đầy đủ. Trái lại, lực lượng của Tổng thống Rhee đã rất sợ hãi, bối rối, và dường như có xu hướng chạy trốn khỏi chiến trường trước sức ép của đối phương.
Vào cuối mùa hè 1950, Tổng thống Truman và Tướng Douglas MacArthur (1880-1964), chỉ huy phụ trách quân lực châu Á của Hoa Kỳ, đã quyết định đưa ra một loạt các mục tiêu chiến tranh mới. Bây giờ, đối với Đồng Minh, chiến tranh Triều Tiên là một cuộc tấn công: Đó là một cuộc chiến tranh để giải phóng miền Bắc khỏi cộng sản.
Ban đầu, chiến lược mới này đã thành công. Một cuộc tấn công đổ bộ ở Inchon đã đẩy người Bắc Triều Tiên ra khỏi Seoul và quay về phía bên kia của vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, khi quân đội Mỹ vượt qua ranh giới và đi theo hướng bắc về phía sông Áp Lục, biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, người Trung Quốc bắt đầu lo lắng về việc tự bảo vệ mình khỏi cái mà họ gọi là “xâm chiếm vũ trang chống lại lãnh thổ Trung Quốc.” Mao Trạch Đông (1893 -1976) đã đưa quân đến Bắc Triều Tiên và cảnh báo Hoa Kỳ phải tránh xa ranh giới khu vực đồng bằng sông Áp Lục trừ phi muốn có chiến tranh toàn diện xảy ra.
Chiến tranh toàn diện với Trung Quốc là điều mà Tổng thống Truman và các cố vấn của ông nhất định không muốn. Họ chắc chắn rằng một cuộc chiến như vậy sẽ dẫn tới sự xâm lược của Liên Xô ở châu Âu, việc triển khai vũ khí nguyên tử và hàng triệu cái chết vô nghĩa. Tuy nhiên, Tướng MacArthur không đồng ý quan điểm đó và vẫn muốn tấn công thống nhất Triều Tiên.
Khi Tổng thống Truman tìm cách để ngăn ngừa chiến tranh toàn diện với Trung Quốc, Tướng MacArthur đã làm tất cả những gì ông có thể để phản bác lại. Cuối cùng, vào tháng 3/1951, ông ta đã gửi một lá thư tới Joseph Martin, một nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, người có cùng quan điểm với tướng MacArthur trong việc tuyên chiến toàn diện với Trung Quốc. Lá thư này đã bị lộ cho giới báo chí. Trong thư, Tướng MacArthur viết: “không thể thay thế cho chiến thắng” chống chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Sau khi biết thông tin này, Tổng thống Truman đã quyết định sa thải tổng tham mưu MacArthur. Đó là bước ngoặt dẫn tới việc Hoa Kỳ chủ động hòa đàm với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Tháng 7/1951, Tổng thống Truman và các chỉ huy quân đội bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với quân miền Bắc tại Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Tuy nhiên, các cuộc chiến vẫn tiếp tục dọc theo vĩ tuyến 38 khi đàm phán bị đình trệ. Cả hai bên đều sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn duy trì ranh giới vĩ tuyến 38, nhưng họ không thể đồng ý về việc các tù nhân chiến tranh nên bị cưỡng bức “hồi hương.” (Người Trung Quốc và Bắc Triều Tiên nói có, Hoa Kỳ nói không).
Cuối cùng, sau hơn hai năm đàm phán, hai bên đã ký một lệnh ngừng bắn vào ngày 27/7/1953. Hiệp định cho phép tù binh ở lại nơi họ thích; vẽ một ranh giới mới gần vĩ tuyến 38 đã cho Nam Triều Tiên thêm 2.400km vuông lãnh thổ so với trước chiến tranh; Và tạo ra một “vùng phi quân sự” rộng 3,2km vẫn còn tồn tại ngày nay.
Vào tháng 9/1953, phe Đồng Minh và Cộng Sản đã hoàn thành việc trao đổi 88.559 tù binh còn các tù binh không chịu hồi hương đều do Ủy Ban Hồi Hương của các nước trung lập cai quản và cuối cùng, đã có số tù binh từ chối về nước như sau: 14,227 người Trung Hoa, 7,582 người Bắc Triều Tiên, 325 người Nam Triều Tiên, 21 người Mỹ và 1 người Anh.
Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, chiến tranh Triều Tiên mang đi sinh mạng của 390.000 binh sĩ Trung Quốc; trong đó: 110.400 thiệt mạng trong chiến đấu, 21.600 chết vì thương vong, 13.000 chết vì bệnh tật, 25.600 mất tích. Ngoài ra, 260.000 người Trung Quốc mang thương tật vĩnh viễn, hơn 14.000 tù binh Trung Quốc thay vì quyết định trở về đã dời đến Đài Loan. Tuy nhiên, theo số liệu của các nhà nghiên cứu Phương Tây, con số thiệt hại của quân đội Trung Quốc lớn hơn nhiều, vào khoảng từ 500.000 đến 1 triệu người. Vào khoảng một triệu người dân thường của Nam Triều Tiên bị giết hại, nhiều triệu người trở thành không nhà cửa. Hơn 560,000 quân lính LHQ và Nam Triều Tiên hi sinh.
Hoa Kỳ đã chi phí 67 tỉ USD vào cuộc chiến này. Hầu như tất cả các miền của Nam Triều Tiên đều bị thiệt hại nặng nề, khoảng 1 tỉ USD. Các thống kê không ghi số thiệt hại về dân sự của Bắc Triều Tiên.
Chiến tranh Triều Tiên là phép thử đối với quan hệ Trung – Xô, làm cho quan hệ Xô –Trung vốn tiềm ẩn những bất ổn, chuyển hẳn sang trạng thái căng thẳng, mâu thuẫn, xấu đi nhanh chóng. Sau chiến tranh, Hoa Kỳ xem xét lại chiến lược trong khu vực, tuyên bố sẵn sàng và kiên quyết bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công và gắn kết một loạt các đồng minh tại Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chiến Tranh Triều Tiên đã không giải quyết được vấn đề thống nhất đất nước, là giấc mơ của dân tộc Triều Tiên. Sau chiến tranh, miền Nam Triều Tiên đã phục hồi và trở nên thịnh vượng, được coi là một trong “bốn con Hổ” của châu Á, trong khi miền Bắc vẫn sinh sống trong cảnh nghèo đói, lạc hậu, bị đàn áp khổ cực vì chính sách tàn bạo của chế độ độc tài, gia đình trị nhà họ Kim từ Kim Nhật Thành đến Kim Jong Il và hiện tại là Kim Jong Un.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Liên Xô Triều Tiên