Các kịch bản xảy ra cuộc chiến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
- Xuân Thành
- •
Bắc Triều Tiên tuy là quốc gia nghèo khó, nhưng lại có kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) rất đáng sợ. Bình Nhưỡng hiện có cả vũ khí hạt nhân và hóa học; và nhờ kiên trì với chương trình đạn đạo, hiện tại chế độ Kim Jong Un hoàn toàn có thể phóng tên lửa sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ ngay lập tức phản công và khi đó toàn Đông Á sẽ chứng kiến sự tàn phá không thể tưởng tượng được.
Cho tới nay, WMD nguy hiểm nhất trong chiến tranh Triều Tiên lần 2 sẽ là vũ khí hạt nhân. Bắc Triều Tiên đã thử hạt nhân 5 lần từ năm 2006, và các chuyên gia ước tính Bình Nhưỡng đang sở hữu không dưới 10 quả bom hạt nhân. Trong khi đó, Hoa Kỳ hiện đã triển khai 1411 quả bom hủy diệt này và chúng đều đang trong tình trạng sẵn sàng sử dụng. Hàn Quốc tin rằng miền Bắc đã có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa Rodong. Hiện tại, Bắc Triều Tiên có khoảng từ 150 đến 200 tên lửa Rodong với tầm bắn ước tính lên tới khoảng 900km (đã tới bờ Tây của Nhật Bản).
Nhờ có ưu thế vượt trội trong các loại vũ khí thông thường, không chắc Hoa Kỳ sẽ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân khi có chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên. Mặc dù chúng ta không biết liệu Bắc Triều Tiên có kế hoạch sử dụng hạt nhân trong chiến tranh hay không, nhưng chúng ta biết nước này vẫn đang thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để sớm sử dụng chúng khi có xung đột. Với mục đích làm tê liệt chính quyền Hàn Quốc, nên Seoul sẽ là mục tiêu công phá đầu tiên của miền Bắc. Trong cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân gần nhất của Bắc Triều Tiên (tháng 9/2016), sức công phá của quả bom này tương đương 20.000 tấn TNT và nếu vụ nổ như vậy xảy ra trên sông Hàn thì số người chết ước tính khoảng 50.000 người và thêm 136.000 người nữa bị thương. Trong trường hợp, Seoul có cảnh báo sớm, mạng lưới hầm trú ẩn tại thủ đô Hàn Quốc sẽ có thể giúp làm giảm đáng kể con số thiệt hại về người.
Thành phố cảng Busan, nơi Hàn Quốc có thể nhận chi viện từ hải quân Mỹ, sẽ là mục tiêu khác mà miền Bắc sẽ nhắm tới. Căn cứ Hải quân Sasebo ở Nhật Bản, trụ sở của lực lượng thủy quân lục chiến của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, cũng nằm trong phạm vi tên lửa Rodong. Một cuộc tấn công hạt nhân vào căn cứ này sẽ giết chết hàng ngàn lính Mỹ và làm tê liệt khả năng của hải quân Hoa Kỳ trong ngắn hạn, sau đó miền Bắc sẽ thực hiện một cuộc đột kích chiếm giữ thành phố cảng Inchon – vị trí chiến lược trong chiến tranh Triều Tiên. Cuộc tấn công vào căn cứ Sasebo ước tính sẽ giết chết 20.000 công dân Nhật Bản và làm bị thương gần 38.000 người.
Bắc Triều Tiên có thể cũng sẽ sử dụng vũ khí hóa học để vô hiệu hóa các lợi thế của Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng được nhận định đang sở hữu 5 loại vũ khí hóa học chính, gồm: chất gây trụy tim, chất gây tắc thở, máu độc, chất bỏng da và chất độc thần kinh. Trong năm 2012, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính miền Bắc có kho dự trữ từ 2.500 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học. Cơ quan này cũng tính toán rằng Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất 4.500 tấn hóa chất độc hàng năm trong thời bình, và nâng lên 12.000 tấn trong thời chiến.
Hiệu quả của các loại vũ khí hóa học trong mỗi lần sử dụng có sự khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào các yếu tố như điều kiện môi trường và phương pháp phân tán, và rất khó để dự đoán loại vũ khí này có thể gây ra bao nhiêu thương vong. Do đó, chúng được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích quấy rối hơn là tiêu diệt đối phương. Bắc Hàn có thể sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào các đơn vị quân sự của Hoa Kỳ và Hàn Quốc như: căn cứ quân sự và không quân, quân cảng, các trận địa phòng không – chắc chắn là bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vừa được triển khai. Mặc dù các cuộc tấn công như vậy có thể không gây nhiều tổn thất về người, nhưng nó cũng sẽ góp phần làm tê liệt các lực lượng của liên minh Mỹ – Hàn cho đến khi môi trường tại nơi bị tấn công được làm sạch trở lại. Một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khác vào Osan, cũng sẽ làm mất đi lợi thế không quân của Mỹ. Các mục tiêu khác có thể Bắc Hàn sẽ nhắm tới là các vị trí đóng quân của Hàn Quốc nằm rải rác khắp đất nước, điều này sẽ làm nản lòng nỗ lực của Seoul trong việc vận động quân sự toàn diện.
Tấn công vũ khí hóa học vào dân thường cũng là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Bắc Triều Tiên dám tấn công vào dân thường không chút hối hận, minh chứng là việc nước này đã từng nã đạn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010. Việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân sẽ không chỉ khiến hàng nghìn người thương vong, mà còn gây ra sự hoảng hốt và rối loạn trên diện rộng, điều có có thể cản trở nỗ lực chiến tranh của Mỹ và đồng minh và tạo áp lực lên chính phủ Hàn Quốc phải chấm dứt xung đột.
Mối đe dọa của cuộc tấn công WMD từ Bắc Triều Tiên chỉ là một phần của kịch bản chiến tranh; phần còn lại là sự đáp trả của Hoa Kỳ. Tuy Hoa Kỳ có lẽ sẽ không trả đũa bằng một cuộc tấn công hóa học, nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến này có thể không cần thiết, nhưng Hoa Kỳ có lẽ vẫn lựa chọn hình thức này nhằm củng cố lại khái niệm ngăn chặn hạt nhân. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng làm tăng khả năng tiêu diệt được Kim Jong Un – người duy nhất ở Bắc Triều Tiên được quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Loại bom hạt nhân mà Washington có khả năng sử dụng cao nhất để chống lại Bình Nhưỡng là B61-12 do các máy bay ném bom B-2 chuyên chở. Mỗi quả bom hạt nhân B61-12 có sức công phá ở mức từ 300 tấn, 1500 tấn, 15.000 tấn hoặc lên tới 50.000 tấn TNT. Một quả bom 50.000 tấn nổ trên thủ đô Bắc Triều Tiên sẽ giết chết khoảng 264.000 người và làm bị thương thêm 783.000 người. Con số thương vong này chiếm 4% dân số miền Bắc. Một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá 100.000 tấn sẽ có thể khiến hơn 1,3 triệu người chết và bị thương. Hoa Kỳ có thể sẽ lựa chọn các vũ khí có mức sát thương thấp hơn để giảm thương vong cho dân thường khi tấn công vào các cơ sở chỉ huy của Bắc Triều Tiên ở trong và xung quanh thủ đô Bình Nhưỡng .
Hoa Kỳ cũng có thể tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân có quy mô nhỏ hơn và sức công phá thấp hơn nhắm vào các căn cứ tên lửa đạn đạo đã được xác nhận của Bình Nhưỡng. Những cuộc tấn công này nhằm đảm bảo rằng bất cứ lực lượng hạt nhân nào của Bắc Hàn còn sót lại cũng không thể thực hiện kế hoạch tấn công khẩn cấp lần thứ hai, chẳng hạn như các căn cứ này có thể sẽ được lệnh thực hiện phóng hết tất cả vũ khí hạt nhân còn lại trong kho khi họ nhận được tin thủ đô Bình Nhưỡng đã bị không kích.
Các tên lửa di động của Bắc Triều Tiên phải phụ thuộc vào mạng lưới đường bộ trải nhựa lên tới khoảng 800km, hầu hết tuyến đường này tập trung xung quanh các thành phố lớn. Do đó, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không kích hạt nhân vào tuyến đường này và khả năng sẽ gây thương vong cho dân thường là rất cao.
Một cuộc chiến tranh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ gần như chắc chắn sẽ gây hủy diệt trên diện rộng không khác gì Pandora trong thần thoại Hy Lạp mở chiếc hộp hủy diệt loài người. Việc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Seoul có thể làm tê liệt miền Nam, nhưng các cuộc phản công của Hoa Kỳ và đồng minh có thể khiến hàng triệu người Bắc Triều Tiên chết và bị thương, phá hủy chế độ nhà Kim, dẫn tới náo loạn xã hội. Một điều chắc chắn là: nếu như một cuộc chiến tranh bắt đầu, ông Kim Jong Un sẽ là một trong số những người bị giết đầu tiên. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện tại đang là người ở vị trí phù hợp nhất để ngăn chặn một cuộc chiến tranh như vậy xảy ra.
Tác giả: Kyle Mizokami
Kyle Mizokami là cây bút chuyên về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia. Ông đã viết cho các tờ Diplomat, Foreign Policy, War is Boring và Daily Beast. Năm 2009, ông đồng sáng lập blog “Quan sát an ninh Nhật Bản”.
Đăng lần đầu trên tờ National Interest
Xuân Thành dịch
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên