Sau lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Trump ban hành tháng 11 năm ngoái, Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã thông báo bắt đầu thủ tục hủy niêm yết đối với ba hãng viễn thông của Trung Quốc. Có phân tích chỉ ra điều này đã chặn một kênh huy động vốn giúp các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc xây dựng mạng 5G.
Trong một tuyên bố ngày 31/12/2020, NYSE cho biết rằng họ đang trong quá trình hủy niêm yết ba công ty viễn thông Trung Quốc là China Telecom, China Mobile và China Unicom (Hồng Kông), giao dịch sẽ bị tạm dừng vào ngày 7/1 hoặc ngày 11/1. Người ra quyết định có quyền yêu cầu xem xét lại quyết định.
NYSE tuyên bố rằng họ đã đưa ra quyết định về việc ba công ty viễn thông Trung Quốc này không còn phù hợp để niêm yết, vì lệnh hành chính của chính quyền TT Trump nghiêm cấm giới đầu tư Mỹ cung cấp trợ giúp cho các công ty có nền tảng quân sự Trung Quốc.
Trước đó vào tháng 11/2020, Tổng thống Mỹ Trump đã ban hành lệnh hành pháp liên quan đến trừng phạt nhiều công ty lớn của Trung Quốc như China Mobile, China Telecom và Huawei. Lệnh này cấm giới đầu tư Mỹ đầu tư vào các công ty do quân đội Trung Quốc nắm giữ hoặc kiểm soát, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư đã nắm giữ cổ phần phải rút cổ phần có liên quan trước ngày 13/11/2021. Lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 11/1/2021.
Tuyên bố của Nhà Trắng chỉ ra rằng Trung Quốc đang làm xói mòn nguồn vốn của Mỹ thông qua hút tiền trên thị trường Mỹ để hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, giúp cho các cơ quan tình báo, quân sự và an ninh quốc gia của Trung Quốc tăng cường khả năng đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Trung Quốc đã phát triển thêm nhiều vũ khí tiên tiến khả năng sát thương lớn, đồng thời triển khai các hoạt động mạng độc hại để tấn công vào Mỹ.
TT Trump tuyên bố rằng các công ty Trung Quốc đã tận dụng thị trường chứng khoán Mỹ để bán chứng khoán và vận động các tổ chức đầu tư của Mỹ phát hành chứng khoán để gây quỹ nhằm thu được nguồn vốn khổng lồ giúp Trung Quốc phát triển vũ khí.
Giới chuyên gia tài chính Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc luôn tận dụng lợi thế của đầu tư nước ngoài, mục đích lớn nhất của các công ty Trung Quốc khi niêm yết cổ phiếu tại Mỹ là huy động nguồn lực của Mỹ. Trong một năm rưỡi, ba nhà khai thác chính của Trung Quốc đã xây dựng được hơn 700.000 trạm gốc 5G, tiêu tốn khoảng 350 tỷ nhân dân tệ, ước tính năm 2021 sẽ xây dựng 1 triệu trạm gốc 5G, và khoản đầu tư sẽ cần khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 76,6 tỷ Đô la Mỹ).
Trước thực trạng cần nguồn tài chính lớn như vậy, nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết và huy động vốn trên thị trường vốn Mỹ, trong đó có ba nhà khai thác viễn thông lớn nêu trên. Vì Mỹ có thị trường vốn mạnh mẽ để cung cấp cho các công ty niêm yết khả năng thanh khoản dồi dào và định vị giá trị chính xác nhất. Tính thanh khoản cao đồng nghĩa với việc giao dịch suôn sẻ, công ty không phải lo lắng cho đợt phát hành tiếp theo. Nếu các trạm gốc 5G được xây dựng trên quy mô lớn ở Trung Quốc, ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc sẽ thêm nhiều nền tảng để phát triển hơn, các công nghệ mạng như AI sẽ trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế, đe dọa trực tiếp đến phát triển của các công ty công nghệ Mỹ.
Không chỉ ba nhà khai thác lớn nêu trên, dữ liệu của Dealogic cho thấy số lượng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty Trung Quốc trên NYSE và Nasdaq đã lên tới 29 kể từ đầu năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019 chỉ có 9 doanh nghiệp. Các công ty niêm yết của Trung Quốc đã thu về được nguồn vốn 2,9 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, vào ngày 10/12 năm ngoái, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã hoàn toàn thông qua vấn đề “loại bỏ khỏi danh sách thiết bị Huawei và ZTE”, cũng khởi xướng quá trình loại bỏ hoạt động của China Telecom tại Mỹ.
FCC cũng đã khởi động một chương trình trợ cấp cung cấp ít nhất 1,6 tỷ đô la tài trợ để bồi thường cho các nhà cung cấp nhỏ hơn đủ điều kiện về thiết bị thay thế. Có thông tin cho rằng sau khi đã có nguồn tài chính hỗ trợ thì các nhà khai thác viễn thông phải thực thi ngay vấn đề loại bỏ các thiết bị nằm trong danh sách xử lý liên quan của Chính phủ Mỹ.
Chủ tịch FCC Ajit Pai bày tỏ rất lo lắng China Telecom sẽ bị buộc phải tuân thủ các yêu cầu về việc cung cấp thông tin của chính phủ Cộng sản Trung Quốc.
Thượng viện Mỹ công bố báo cáo cho biết suốt 20 năm qua họ đã không giám sát đúng mức các công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Dân biểu Đảng Cộng hòa Rob Portman, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra Thường trực của Thượng viện Mỹ (PSI), cho biết rằng “các cơ quan liên bang chưa hoàn thành trọng trách để bảo vệ tính toàn vẹn của mạng viễn thông Mỹ và đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc”.
Tom Carper, một thành viên Đảng Dân chủ trong ủy ban, cho biết: “Chúng tôi đã cho phép các công ty quốc doanh Trung Quốc có được chỗ đứng trong ngành viễn thông của chúng tôi, trong khi các công ty Mỹ gặp trở ngại lớn khi vào Trung Quốc.”
Văn Long
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…