Trong bài phát biểu đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 76 hôm 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi sự tham gia sâu rộng trên toàn cầu để có một tương lai tốt đẹp.
Ông Biden nói với các nhà lãnh đạo rằng, thế giới đang ở thời điểm thay đổi trong lịch sử và các quốc gia phải “cùng nhau nỗ lực hơn bao giờ hết”. Ông gọi đây là một thập kỷ “quyết định” đối với thế giới của chúng ta, sẽ “xác định tương lai của chúng ta theo nghĩa đen”.
Cuối bài phát biểu khoảng 30 phút của mình, ông Biden khẳng định: “Chúng ta sẽ chọn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn – chúng ta, các bạn và tôi. Chúng ta có ý chí và năng lực để làm cho nó tốt hơn, nhưng thưa quý vị, chúng ta không thể để lãng phí thời gian nữa.”
Ông Biden đã đề cập đến một số vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sự lây lan của virus Trung Cộng, chủ nghĩa khủng bố và những tiến bộ trong công nghệ mới.
Vào buổi tối trước bài phát biểu, ông Biden đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp lần đầu tiên với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với AP hôm thứ 18/9, ông António đã đề nghị Hoa Kỳ và Trung Quốc khắc phục mối quan hệ “hoàn toàn bất thường” của họ.
Ông Guterres nói: “Bằng mọi giá, chúng ta cần phải tránh cuộc Chiến tranh Lạnh, vốn sẽ rất khác với quá khứ, có thể nguy hiểm hơn và khó quản lý hơn.”
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden không trực tiếp nêu tên chế độ Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh “Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh và cạnh tranh mạnh mẽ”. Ông nói thêm: “Nhưng chúng tôi không mong muốn, tôi nhắc lại, không mong muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, hay một thế giới được chia thành các khối cứng nhắc.”
Bài phát biểu được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh đáp trả một thỏa thuận quốc phòng ba bên mới được công bố giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc. Chính quyền ĐCSTQ cáo buộc Hoa Kỳ làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và duy trì “tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời”. Các quan chức Trung Quốc còn cáo buộc Úc là một “tay sai” của Hoa Kỳ và sẽ phải “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Trong khi chính quyền Biden khẳng định hiệp ước quốc phòng mới, được gọi là AUKUS, “không nhằm mục đích hay nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”, nhiều người coi đó là phản ứng trước những hành động ngày càng hung hăng của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông cũng như sự bành trướng các hầm chứa tên lửa hạt nhân Trung Quốc.
“Hoa Kỳ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình trước những thách thức chung, ngay cả khi chúng ta có những bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác,” ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu. “Bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ phải gánh chịu hậu quả do thất bại của mình nếu chúng ta không cùng nhau giải quyết các mối đe dọa cấp bách như COVID-19, biến đổi khí hậu, hoặc các mối đe dọa lâu dài như sự phổ biến vũ khí hạt nhân.”
Ông thúc giục các quốc gia đặt ra “tham vọng cao nhất của họ” trước Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) dự kiến diễn ra Glasgow, Scotland vào tháng 11 sắp tới. Ông cũng nhắc lại cam kết đã đưa ra hồi tháng 4 rằng đến năm 2030 sẽ giảm 50% – 52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ so với năm 2005.
Chương trình nghị sự về khí hậu trong nước của TT Biden đã được Quốc hội thông qua dưới hình thức kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la và kế hoạch điều chỉnh ngân sách 3,5 nghìn tỷ đô la. Trong bài phát biểu, ông cho biết các biện pháp đó, cùng với sự hỗ trợ của đầu tư tư nhân (bao gồm 100 tỷ USD) cũng sẽ có các hành động liên quan đến khí hậu ở các quốc gia đang phát triển.
Về vấn đề virus Trung Cộng, ông Biden bày tỏ sự thương tiếc đối với hơn 4,5 triệu người được báo cáo đã thiệt mạng vì virus trên toàn thế giới. Ông kêu gọi cộng đồng toàn cầu tiến hành các bước để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai thông qua việc tạo ra cả một cơ chế tài trợ mới cho an ninh y tế toàn cầu. Ông lưu ý, Mỹ đã chi 15 tỷ đô la cho phản ứng COVID-19 toàn cầu và đã gửi hơn 160 triệu liều vắc-xin cho khoảng 100 quốc gia khác.
Ông Biden tiết lộ sẽ công bố thêm các cam kết liên quan đến đại dịch tại Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu trực tuyến vào ngày 22/9. Đối với cuộc họp đó, Nhà Trắng nêu mục tiêu sản xuất và phân phối hàng tỷ liều vắc-xin nhằm đảm bảo nhu cầu chống lại đại dịch.
Bài phát biểu của ông Biden cũng tập trung vào chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, nhắc đến việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan gần đây sau 20 năm chiếm đóng, vụ đánh bom liều chết tháng trước cướp đi sinh mạng của 13 quân nhân Mỹ và hơn 160 thường dân Afghanistan trong quá trình sơ tán công dân Mỹ cùng đồng minh tại sân bay Kabul.
Ông nhận định, Hoa Kỳ hiện được trang bị tốt hơn để chống lại chủ nghĩa khủng bố so với thời điểm xảy ra vụ tấn công 11/9. “Chúng tôi biết cách xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả để triệt phá mạng lưới khủng bố bằng cách nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tài chính và hệ thống hỗ trợ của chúng, chống lại sự tuyên truyền của chúng, ngăn cản việc đi lại của chúng cũng như phá vỡ các cuộc tấn công sắp xảy ra.”
Đáng chú ý, trước đó ngày 29/8, Lầu Năm Góc thừa nhận cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được phát động nhằm đáp trả các cuộc tấn công ở Kabul là một “sai lầm bi thảm”, khi mà không có kẻ khủng bố nào bị chết, nhưng lại có tới 10 dân thường, trong đó có 7 trẻ em thiệt mạng.
Cuối cùng, ông Biden đảm bảo với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Hoa Kỳ đã trở lại các diễn đàn quốc tế, viện dẫn NATO, Liên minh châu Âu, Bộ tứ, ASEAN, Liên minh châu Phi và Hiệp định khí hậu Paris và đã bước vào một kỷ nguyên ngoại giao không ngừng.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…