Ngày mai (17/11) ông Song Tao, Vụ trưởng vụ Quốc tế, Ủy ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được lệnh đến Bình Nhưỡng với tư cách là đặc sứ của Chủ tịch Tập Cận Bình, truyền đạt kết quả Đại hội 19 ĐCS TQ vừa diễn ra.
Tờ Tân Hoa Xã cho biết như trên, ngoài ra không nêu chi tiết về nội dung làm việc của ông Song.
Hàn Quốc nhân dịp này đã bày tỏ mong muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình gây sức ép lên Bắc Hàn.
Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc được báo Yonhap dẫn lời nói:
“Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ được dùng như một cơ hội để truyền đạt những quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn và Bắc Hàn sẽ hồi đáp lại”.
Chuyến thăm của đặc sứ cấp cao chính quyền Bắc Kinh tới Bình Nhưỡng được tổ chức ngay sau khi ông Trump có chuyến công du 12 ngày tới Châu Á, đặc biệt có chặng dừng tại Trung Quốc, nơi ông được tiếp đón long trọng. Trong tuyên bố sau khi trở về Washington D.C, Tổng thống Mỹ nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý rằng một Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa chung. Ông Trump cũng khẳng định rằng không chấp nhận phương án “cùng đóng băng” – Mỹ hạ vũ khí tại Hàn Quốc để thuyết phục Bắc Hàn đàm phán – mà Bắc Kinh từng đề xuất.
“Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề đó [Bắc Hàn] một cách dễ dàng và nhanh chóng”, ông Trump nói trong buổi họp báo chung với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tuần trước.
“Nếu ông ấy [Tập Cận Bình] làm mạnh tay, điều đó sẽ xảy ra. Không có nghi ngờ gì cả”.
Một điều đáng chú ý là chuyến đi của ông Song xảy ra sau khoảng 60 ngày Bắc Hàn im ắng, không bắn tên lửa hay thử một loại vũ khí nào kể từ vụ bắn tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản ngày 15/9.
Giáo sư John Delury, người chuyên nghiên cứu Trung Quốc và Triều Tiên tại Đại học Yonsei, Seoul nhận xét rằng việc ông Song Tao được gọi là “đặc phái viên của Chủ tịch Tập” cho thấy đích thân ông Tập đã thúc đẩy mở một kênh liên lạc cấp cao hơn để tiếp cận Kim Jong-un.
“Đây là một cơ hội để xem liệu ông ta có thể khai mở được cục diện hay không. Quan hệ hai bên gân đây khá lạnh nhạt, sẽ rất thú vị khi chứng kiến chút cải thiện trong quan hệ song phương [Trung-Triều]”, tờ USAtoday dẫn lời giáo sư Delury nói.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên, nhưng quan hệ giữa hai nước đã trở nên xấu đi trong thời gian gần đây do Bắc Kinh phản đối chương trình hạt nhân và đứng cùng Liên Hiệp Quốc trong một số nghị quyết lên án chế độ Bắc Hàn. Nhưng Bắc Kinh cũng lo ngại bất cứ biện pháp nào quá mức khiến Bắc Hàn sụp đổ sẽ dẫn đến nhiều thảm họa chiến lược cho họ trong khu vực.
Đức Trí (t/h)
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…