Hôm thứ Năm (8/7), nhà khoa học hàng đầu của Pfizer thông báo, hãng dược phẩm này đang lên kế hoạch yêu cầu các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cấp phép cho liều tiêm tăng cường (liều tiêm nhắc lại) vắc-xin COVID-19 của mình, dựa trên bằng chứng về nguy cơ tái nhiễm cao hơn sau 6 tháng tiêm chủng cũng như do sự lây lan khó kiểm soát của biến chủng Delta (Ấn Độ).
Tuy nhiên, trong một thông báo chung, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tuyên bố rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ không cần phải tiêm liều vắc-xin COVID-19 tăng cường vào thời điểm này.
Một số nhà khoa học cũng đặt nghi vấn về sự cần thiết của các liều tiêm tăng cường.
Ông Mikael Dolsten, giám đốc khoa học của Pfizer cho rằng sự sụt giảm hiệu quả của vắc-xin được báo cáo gần đây tại Israel chủ yếu là do sự nhiễm bệnh ở những người đã được tiêm chủng vào tháng 1 hoặc tháng 2.
Theo Bộ Y tế Israel, hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn chặn nhiễm bệnh và nhiễm bệnh có triệu chứng đã giảm xuống còn 64% vào tháng 6.
Trả lời một một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Dolsten phát biểu: “Vắc-xin Pfizer có hiệu quả cao chống lại biến chủng Delta.” Tuy nhiên, sáu tháng sau, ông lại nói: “có khả năng bị tái nhiễm khi kháng thể suy yếu như dự đoán.”
Vắc-xin Pfizer, đã được phát triển cùng với đối tác BioNTech của Đức, ghi nhận hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm COVID-19 có triệu chứng trong một đợt thử nghiệm lâm sàng mà các công ty này tiến hành vào năm ngoái.
Theo ông Dolsten, dữ liệu ban đầu từ các nghiên cứu của chính công ty này chứng minh liều vắc-xin tăng cường thứ ba tạo ra mức kháng thể cao gấp 5 đến 10 lần so với liều thứ hai, điều đó cho thấy rằng liều tiêm thứ ba sẽ cung cấp khả năng bảo vệ đầy hứa hẹn.
Ông Dolsten tiết lộ, nhiều quốc gia tại châu Âu và những nơi khác đã liên lạc với Pfizer để thảo luận về các liều tiêm tăng cường, và một số quốc gia có thể sẽ bắt đầu tiêm các liều vắc-xin tăng cường trước khi được cho phép tại Hoa Kỳ.
Ông Dolsten tin rằng các liều vắc-xin tăng cường đặc biệt quan trọng đối với các nhóm người cao tuổi.
Tiến sĩ Eric Topol, một giáo sư về y học phân tử và là giám đốc Viện Dịch thuật Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, cũng nhìn nhận việc ra quyết định dựa trên khả năng bảo vệ kháng thể suy yếu đã bỏ qua các yếu tố quan trọng khác của phản ứng miễn dịch, bao gồm tế bào B bộ nhớ, vốn có thể tạo ra kháng thể theo yêu cầu khi bị virus thách thức.
Ông Topol cho hay: “Chúng ta cần có những nghiên cứu sâu hơn để có thể khẳng định điều đó. Nó không chỉ là vấn đề trung hòa kháng thể.”
Trước đây Pfizer đã từng nhận định, nhiều khả năng mọi người sẽ cần phải tiêm thêm một liều tăng cường, mặc dù một số nhà khoa học đã đặt câu hỏi khi nào hoặc liệu các liều tiêm tăng cường có cần thiết hay không.
Pfizer đã lên kế hoạch sẽ sớm tiến hành một đợt thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát giả dược của liều tiêm tăng cường với sự tham gia của 10.000 người. Theo ông Dolsten, nghiên cứu đó sẽ tiến hành trong suốt mùa thu, có nghĩa là nó sẽ không được hoàn thành trước khi công ty nộp hồ sơ xin phép lên FDA.
Tiến sĩ William Schaffner, một chuyên gia về vắc-xin tại Trung tâm y tế thuộc Đại học Vanderbilt tin rằng, ngay cả khi liều vắc-xin tăng cường của Pfizer được FDA phê duyệt để sử dụng, đó mới chỉ là bước đầu tiên. Liều vắc-xin tăng cường này vẫn cần phải được các cố vấn của CDC xem xét và khuyến nghị.
Bởi vì liều vắc-xin tăng cường sẽ khiến nhu cầu về vắc-xin ngày càng tăng trong khi phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng, do đó ông Dolsten cho biết Pfizer đang tìm cách để thúc đẩy sản xuất.
Pfizer đã đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay và 4 tỷ liều vào năm sau. Ông Dolsten từ chối đưa ra dự đoán chính xác Pfizer có thể tăng thêm bao nhiêu liều nữa, nhưng khẳng định: “Chúng tôi có thể tăng thêm hàng tỷ liều vào năm 2022.”
Ông Dolsten cũng tiết lộ Pfizer và BioNTech đang nghiên cứu một phiên bản mới của vắc-xin nhắm vào biến chủng Delta. Tuy nhiên, các công ty này không cho rằng phiên bản hiện tại của vắc-xin Pfizer sẽ cần phải được thay thế để chống lại biến chủng này
Pfizer kỳ vọng vắc-xin COVID-19 sẽ là nguồn doanh thu lớn trong nhiều năm và đã dự đoán doanh số của vắc-xin trong năm 2021 là 26 tỷ đô la. Theo IQVIA Holdings, một doanh nghiệp dữ liệu y tế của Hoa Kỳ, chi tiêu toàn cầu cho vắc-xin COVID-19 và các liều tiêm nhắc lại có thể đạt tổng cộng 157 tỷ đô la cho đến năm 2025.
Gia Huy (Theo Reuters)
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…