Ông Zain Rizvi, giám đốc nghiên cứu thuộc tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen của Mỹ, đã kiểm tra các hợp đồng vắc-xin toàn cầu của Pfizer và nói rằng:“Có một bức màn bí mật xung quanh các hợp đồng này và điều đó là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”. Ông Zain Rizvi cho biết thêm rằng chính phủ Vương Quốc Anh cần giải thích lý do họ đồng ý giữ bí mật quá trình trọng tài. “Đây là quốc gia thu nhập cao duy nhất mà chúng tôi biết đã đồng ý với điều khoản này, trong đó cho phép các hãng dược phẩm vượt qua các quy trình pháp lý trong nước”.
Chính phủ Vương Quốc Anh cho biết các hợp đồng cung cấp vắc-xin của họ rất nhạy cảm về mặt thương mại và không thể tiết lộ thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào. Hãng BioNTech không đưa ra bình luận gì về sự việc này.
Ông Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho hay: “Nếu một nhà sản xuất vắc-xin chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận của mình, thì họ đang thực hiện hành vi ‘trục lợi chiến tranh'”.
Pfizer hiện đang phải đối mặt với sự tăng cường giám sát về quy mô lợi nhuận và tỷ lệ vắc-xin mà họ phân phối cho các quốc gia có thu nhập thấp. Trong khi AstraZeneca đồng ý bán vắc-xin của mình với giá thấp trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Pfizer muốn đảm bảo lợi nhuận của mình. Vắc-xin Pfizer/BioNTech (có tên Comirnaty) sẽ là một trong những loại thuốc sinh lời nhất trong lịch sử ngành dược phẩm.
Một cuộc điều tra được tiến hành trước đó của kênh truyền hình Channel 4 (Vương Quốc Anh) đã tiết lộ phân tích của một chuyên gia kỹ thuật sinh học, trong đó nói rằng việc sản xuất mỗi mũi vắc-xin Pfizer chỉ tốn hơn 1 USD nhưng đang được bán cho chính phủ Anh với giá hơn 29 USD/liều.
Pfizer dự kiến cung cấp khoảng 2,3 tỷ vắc-xin trong năm 2021 với doanh thu ước tính khoảng 36 tỷ USD. Một báo cáo vào tháng trước của Liên minh vắc-xin cho Người dân chỉ ra rằng Pfizer và các hãng dược phẩm khác đã bán phần lớn vắc-xin của mình cho các quốc gia giàu có. Hiện mới chỉ có 2% người dân thuộc những nước thu nhập thấp tiêm chủng đầy đủ.
Bà Anna Marriott, Giám đốc chính sách y tế của tổ chức phi chính phủ Oxfam, cho hay rằng: “Thật đáng trách khi hàng tỷ người trên thế giới đang bị từ chối tiêm chủng để các hãng dược phẩm thu lợi bất chính”.
Theo The Guardian,
Phan Anh
Xem thêm: