Thế Giới

Phân tích: Hội nghị Thượng đỉnh EU–Trung Quốc không có bước đột phá lớn

Trong bầu không khí quan hệ căng thẳng và không hoà hợp, Hội nghị Thượng đỉnh EU–Trung Quốc hôm 24/7 đã được tổ chức tại Bắc Kinh.

Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai bên chỉ cùng đưa ra một tuyên bố chung liên quan đến vấn đề khí hậu.

Các chuyên gia cho rằng quan hệ EU–Trung Quốc tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, khả năng đạt đột phá lớn là rất thấp, cam kết mở cửa thị trường từ phía Bắc Kinh có thể khó thực hiện, và tuyên bố hợp tác về khí hậu chỉ nhằm giữ thể diện cho cả hai bên.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa (hàng trên, bên phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trước cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 24/7/2025). (Ảnh chụp màn hình video)

Chuyên gia: Cam kết mở cửa thị trường từ Bắc Kinh có thể khó thực hiện

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa đã có cuộc gặp tại hội nghị với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Dù năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao EU–Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh, hội nghị bị rút ngắn thời gian chỉ còn 01 ngày. Theo Bloomberg, bà von der Leyen từng mong Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị, nhưng đề nghị này bị từ chối, và thay vào đó ông Lý Cường đã có mặt.

Theo Reuters, các chủ đề chính được thảo luận trong bối cảnh căng thẳng bao gồm thương mại, khí hậu và khoáng sản đất hiếm.

Bà Von der Leyen phát biểu tại hội nghị rằng thương mại giữa EU và Trung Quốc “cần cân bằng hơn”, và Trung Quốc nên tăng cơ hội vào thị trường cho doanh nghiệp châu Âu. Ông Costa cũng nói rằng cân bằng thương mại phù hợp với lợi ích chung của cả hai bên.

Ông Lý Cường khẳng định Bắc Kinh và EU không có xung đột lợi ích cơ bản. Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác trong thương mại, đầu tư và công nghệ xanh, và mong muốn giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán một cách phù hợp.

Sau hội nghị, ông Costa cho biết hai bên đã thảo luận cách thức tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu, cũng như các vấn đề bóp méo thương mại, mất cân bằng và tiếp cận thị trường. Bà Von der Leyen nói rằng cần thấy tiến triển rõ trong vấn đề giải quyết dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, ông Tô Tử Vân, phân tích với báo Epoch Times rằng Bắc Kinh đang tranh thủ thời điểm ông Trump chấn chỉnh lại địa kinh tế để lôi kéo các quốc gia khác, và EU dĩ nhiên là một trong những mục tiêu chính của ĐCSTQ. Châu Âu hy vọng Trung Quốc mở cửa thị trường nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh có thật sự mở cửa thị trường đối với các doanh nghiệp châu Âu hay không vẫn cần phải theo dõi, bởi vì ĐCSTQ hiện có mức thặng dư thương mại gần 300 tỷ USD với Mỹ và 360 tỷ USD với EU. Nếu họ mở cửa với châu Âu thì đồng nghĩa với việc mất đi một phần thặng dư đó, điều này sẽ càng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước của Trung Quốc và làm trầm trọng thêm tình trạng “nội quyển” (cạnh tranh nội bộ khốc liệt, phát triển tiêu cực).

Giáo sư Diệp Diệu Nguyên, Chủ tịch ngành nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas (Hoa Kỳ), nói với Epoch Times rằng điều mà EU cần giải quyết là việc ĐCSTQ cướp đoạt công nghệ và thị trường của châu Âu. Trong quá khứ, một lượng lớn công nghệ phát triển ở châu Âu đã bị chuyển sang Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu mất lợi thế cạnh tranh khi đối đầu với các công ty Trung Quốc. Việc Trung Quốc đầu tư vào EU cũng tiềm ẩn nguy cơ độc quyền, ví dụ như đầu tư theo sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” ở Ý của Trung Quốc trước đây không hề tạo ra cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Chính vì có quá nhiều điểm mâu thuẫn nên vài năm trước, hiệp định đầu tư toàn diện giữa Trung Quốc và EU đã hoàn toàn bị gác lại.

Bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu ngày càng gia tăng, từ việc Trung Quốc bán phá giá tấm pin năng lượng mặt trời trong giai đoạn trước, đến việc bán phá giá xe điện trong 2 năm gần đây. Năm ngoái, EU đã áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc, và năm nay tiếp tục khởi động cuộc điều tra đối với tua-bin gió của Trung Quốc. Phía Trung Quốc cũng trả đũa bằng cách áp chế nông sản châu Âu, khiến quan hệ thương mại giữa hai bên rơi xuống mức thấp nhất.

Phó giáo sư Trịnh Khâm Mô thuộc khoa ngoại giao Đại học Tam Giang (Đài Loan) nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ khi đối ngoại thường dùng lối biện hộ quanh co, ví dụ như khi EU tố cáo Trung Quốc bán phá giá xe điện, thì ĐCSTQ kiên quyết không thừa nhận đó là hành vi bán phá giá hay được trợ cấp, thậm chí còn viện cớ rằng phương Tây cũng trợ cấp cho công nghệ cao. Tuy nhiên, trợ cấp cho phần nghiên cứu phát triển khác hoàn toàn với việc trợ cấp cho doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Nga–Ukraine là điểm mâu thuẫn lớn, chưa có bước đột phá

Một mâu thuẫn khác giữa châu Âu và Trung Quốc là cuộc chiến Nga–Ukraine. Bà Ursula von der Leyen phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh rằng Trung Quốc nên tận dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để thúc đẩy đàm phán liên quan đến Ukraine. Còn ông Costa nói rằng EU yêu cầu Trung Quốc chú ý đến xuất khẩu sang Nga, nhằm tránh việc các hàng hóa lưỡng dụng có thể bị sử dụng cho mục đích quân sự.

Trước đó, EU đã thông qua vòng trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, trong đó có hai tổ chức tài chính của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc thì tuyên bố Trung Quốc “cực kỳ bất mãn và kiên quyết phản đối”.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm EU đầu tháng Bảy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận rằng Trung Quốc không thể chấp nhận việc Nga thất bại trong chiến tranh.

Ngay trong thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc, Reuters đưa tin mới nhất cho biết có bằng chứng cho thấy động cơ máy bay do Trung Quốc sản xuất đang được bí mật chuyển đến một công ty quốc doanh chế tạo máy bay không người lái (UAV) của Nga dưới danh nghĩa “thiết bị làm mát công nghiệp”, nhằm né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây và hỗ trợ quân đội Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng UAV vào Ukraine.

Ông Trịnh Khâm Mô nói với Epoch Times rằng những vấn đề then chốt ảnh hưởng đến quan hệ Trung–Âu bao gồm việc Trung Quốc ngày càng tăng cường hỗ trợ Nga trong chiến tranh Nga–Ukraine, cùng với đó là tình trạng mất cân bằng thương mại giữa EU và Trung Quốc.

Ông Trịnh chỉ rõ rằng UAV và tên lửa của Nga đều liên quan đến viện trợ từ Trung Quốc. Ukraine đã phát hiện rằng 60% linh kiện trong UAV của Nga có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, vào tháng Sáu, các linh kiện UAV còn được xác định là sản xuất tại Trung Quốc vào tháng Năm, chứng cứ rất rõ ràng. Cộng thêm việc vòng trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga cũng bao gồm 2 ngân hàng và 5 doanh nghiệp Trung Quốc. Từ những điều này có thể thấy, quan hệ Trung–Âu về cơ bản rất khó có tiến triển đột phá.

Ông Diệp Diệu Nguyên cũng cho rằng chừng nào ĐCSTQ còn tiếp tục ủng hộ Nga thì quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ không thể tốt đẹp. Bởi vì nếu Nga chiến thắng trong cuộc chiến này, điều đó sẽ trở thành mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với các quốc gia châu Âu.

Đất hiếm chưa có tiếng nói chung

Sau hội nghị, bà Ursula von der Leyen cho biết EU cần có nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng từ Trung Quốc một cách đáng tin cậy và an toàn. Hai bên đã đồng ý thiết lập một cơ chế cung ứng xuất khẩu nâng cấp.

Vào tháng Tư, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu áp đặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến các dây chuyền sản xuất ô tô tại châu Âu phải tạm ngừng hoạt động trong tháng kế tiếp. Tuy nhiên, dữ liệu hải quan cho thấy lượng đất hiếm dạng nam châm Trung Quốc xuất khẩu sang EU trong tháng Sáu đã tăng vọt 245% so với tháng Năm, đạt 1.364 tấn, dù vẫn thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tháng Bảy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm EU. Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU – bà Kaja Kallas – đã gặp ông Vương Nghị tại Brussels và yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Ông Trịnh Khâm Mô cho biết Trung Quốc không chỉ “bóp cổ” Mỹ bằng đất hiếm mà còn “bóp cổ” cả EU, và Bắc Kinh muốn dùng biện pháp này để ép EU nhượng bộ.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Reinhard Bütikofer – cựu Nghị sĩ Nghị viện châu Âu người Đức, người từng chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc – được xem là động thái nhằm hàn gắn quan hệ với EU. Tuy nhiên, EU không “mua” hành động này. Sau khi được gỡ trừng phạt, ông Bütikofer – hiện là Chủ tịch Diễn đàn Dân sự Đài Loan–Đức – đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ trên nền tảng mạng xã hội X, cho rằng hành động đó “hoàn toàn không đủ”.

Ông Trịnh Khâm Mô nhận định rằng toàn bộ châu Âu đang dần nhận ra bản chất độc tài tàn bạo của chính quyền Trung Quốc và sự phá hoại mà nó gây ra đối với trật tự quốc tế. Dư luận châu Âu sẽ ảnh hưởng đến cách chính phủ các nước EU đối xử với Trung Quốc. “Do đó, hiện tại, từ địa chính trị, kinh tế thương mại, cho đến kiểm soát đất hiếm và vấn đề nhân quyền – tất cả đều khiến quan hệ EU–Trung Quốc rất khó có thể đột phá.”

Tuyên bố chung chỉ giới hạn trong vấn đề khí hậu – Chuyên gia: Để giữ thể diện cho Trung Quốc

Vào khoảng 17h (giờ Bắc Kinh), bà Ursula von der Leyen đã chia sẻ tuyên bố báo chí chung của hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc trên nền tảng X. Tuyên bố cho biết hai bên tăng cường “hợp tác về biến đổi khí hậu” và sẽ “biến các mục tiêu khí hậu của mỗi bên thành kết quả thực tế”.

Thông cáo báo chí từ phía Trung Quốc cho thấy, sau cuộc hội đàm, hai bên đã cùng công bố “Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo EU–Trung Quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà ngoại giao EU từng nói với Reuters rằng họ không kỳ vọng hội nghị sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận hoặc tuyên bố lớn nào.

Ông Tô Tử Vân nhận định rằng khí hậu là lĩnh vực nhạy cảm thấp hơn, vì vậy việc có tuyên bố chung này giúp Bắc Kinh vừa giữ được hình ảnh quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi trong nước, như giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu, do đó hai bên có thể đạt được sự đồng thuận. Ngoài vấn đề khí hậu, các lĩnh vực như Ukraine, đất hiếm và thương mại lại bị hạn chế nhiều hơn. Do đó, hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc lần này tuy có coi trọng nhau ở cấp độ chiến lược, nhưng mức độ hợp tác trên phương diện chiến thuật là rất hạn chế.

Tập Cận Bình lợi dụng cơ hội để chia rẽ Mỹ – Âu?

Trước hội nghị thượng đỉnh, bà Ursula von der Leyen và ông Costa đã có cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.

Theo Reuters, bà von der Leyen phát biểu: “Cùng với sự hợp tác ngày càng sâu sắc, hiện tượng mất cân đối cũng đang giảm bớt. Chúng ta đã đến một bước ngoặt quan trọng.”

Thâm hụt thương mại của EU đối với Trung Quốc năm ngoái đã tăng lên mức kỷ lục 305,8 tỷ euro (360 tỷ USD). Bà von der Leyen nhấn mạnh: “Việc cân bằng lại quan hệ song phương của chúng ta là rất quan trọng… Trung Quốc và châu Âu phải thừa nhận những quan ngại của nhau và đưa ra những giải pháp thực sự.”

Theo Tân Hoa Xã của Trung Quốc, trong cuộc gặp sáng cùng ngày với bà von der Leyen và ông Costa, ông Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải nắm chắc định hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ Trung – Âu,” đồng thời yêu cầu đối phương đưa ra “lựa chọn chiến lược đúng đắn.”

Nhà bình luận độc lập Hướng Dương đăng trên X cho biết, khi tiếp đón bà von der Leyen tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình yêu cầu bà “đưa ra lựa chọn chiến lược đúng đắn, phù hợp với mong đợi của nhân dân và có thể đứng vững trước thử thách của lịch sử.” Đây là cách ông tiếp tục thúc đẩy chiến lược “liên kết châu Âu để kiềm chế Mỹ,” nhằm chia rẽ quan hệ Mỹ – Âu.

Vai trò của Mỹ trong quan hệ Trung Quốc – EU cũng được chú ý, bởi trước đó Trung Quốc từng bị cáo buộc cố tình gây rạn nứt quan hệ giữa châu Âu và Mỹ.

Ngày 23/7, nhiều hãng truyền thông dẫn nguồn tin cho biết EU và Mỹ sắp đạt được thỏa thuận thương mại, theo đó Mỹ sẽ áp mức thuế quan 15% đối với phần lớn hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Ông Trịnh Châm Mô chia sẻ với Epoch Times rằng vấn đề thương mại giữa EU và Mỹ không mang tính mâu thuẫn bản chất, chỉ cần đạt được sự công bằng về kỹ thuật và thuế quan là được. Do Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ Nga và các cơ sở hạt nhân Iran, đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh toàn cầu. Khi quan hệ kinh tế và thương mại giữa Mỹ – EU trở lại bình thường, châu Âu và Mỹ sẽ cùng chung sức đối phó với đối thủ chính ở Tây Thái Bình Dương, đó là Trung Quốc.

Ninh Hải Chung và Lạc Á

Published by
Ninh Hải Chung và Lạc Á

Recent Posts

Thái Lan nã pháo vào tỉnh Pursat của Campuchia khiến 13 người chết, hơn 70 người bị thương – Khmer Times

13 công dân Campuchia đã thiệt mạng trong cuộc tấn công xuyên biên giới vào…

12 phút ago

Sự trỗi dậy của “Chủ nghĩa thực dân giám sát” của Trung Quốc ở Châu Phi

Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình “nhà nước giám sát” của mình sang các…

19 phút ago

Ngân hàng, bất động sản vay 214 ngàn tỷ đồng qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Quý 2/2025 có 188 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị hơn 233 nghìn…

25 phút ago

Campuchia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức; Thái Lan kêu gọi sự ủng hộ từ LHQ

Đại sứ Campuchia tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết nước này đang kêu gọi…

43 phút ago

Chiến tuyến Ukraine bị tê liệt do mất kết nối Starlink

Sự cố kết nối internet của hệ thống Starlink trên toàn cầu đã gây ra…

1 giờ ago

Dịch sốt Chikungunya bùng phát ở Quảng Đông, hơn 4.000 ca trong chưa đầy 10 ngày

Gần đây, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã bùng phát dịch…

1 giờ ago