South China Morning Post (SCMP) dẫn lời nhiều nguồn tin am hiểu đưa tin hôm 2/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) – bà Kaja Kallas, rằng Chính phủ Trung Quốc không thể chấp nhận việc Nga thất bại trên chiến trường Ukraine, chủ yếu vì Bắc Kinh lo ngại Mỹ sau đó sẽ chuyển toàn bộ sự chú ý sang Trung Quốc.

Vuong Nghi
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại UN New York năm 2022. (Ảnh: Lev radin/ Shutterstock)

Theo SCMP, tuyên bố của ông Vương Nghị với bà Kallas đã xác nhận lập trường của Chính phủ Trung Quốc mà nhiều người tại Brussels (Bỉ) từ lâu đã nhận định – lập trường này mâu thuẫn với những tuyên bố công khai của Bắc Kinh. Một số quan chức EU tham gia trong cuộc gặp tỏ ra rất bất ngờ trước sự thẳng thắn của ông Vương Nghị, bởi trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên khẳng định nước này không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga – Ukraine.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị đã phủ nhận những cáo buộc cho rằng Trung Quốc đang hỗ trợ vật chất cho Nga về mặt tài chính hoặc quân sự. Ông còn khẳng định nếu Trung Quốc thực sự làm như vậy, thì cuộc chiến đã kết thúc từ lâu.

Trong cuộc tranh luận kéo dài 4 giờ, được mô tả là “marathon” và bao trùm các vấn đề địa chính trị lẫn tranh chấp thương mại, một số quan chức EU nhận định đây là “bài học thực tế về chính trị” mà ông Vương Nghị đang dành cho bà Kallas, trong đó điểm then chốt là Bắc Kinh tin rằng Mỹ sẽ sớm chuyển toàn bộ sự chú ý sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một cách lý giải cho phát biểu của ông Vương Nghị tại Brussels là, dù Trung Quốc không mong muốn chiến tranh, song việc Mỹ tiếp tục can dự vào vấn đề Ukraine sẽ khiến cuộc chiến kéo dài – điều này lại phù hợp với toan tính chiến lược của Bắc Kinh.

Screenshot 2025 07 06 at 6.30.08 AM
(Ảnh chụp màn hình bài viết trên SCMP)

Chiến tranh Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ 3, vẫn là một trong những điểm mâu thuẫn lớn nhất giữa Trung Quốc và châu Âu. EU trong thời gian dài chỉ trích Trung Quốc cung cấp hàng hóa lưỡng dụng (dùng cho cả dân sự và quân sự) cho Nga, trong khi Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc và tự nhận là “người kiến tạo hòa bình”, coi cả Moscow và Kyiv là đối tác. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa từng lên án Nga xâm lược Ukraine và vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Moscow – điều khiến giới chức châu Âu hết sức thất vọng.

Nguồn tin cho biết, cuộc đối thoại hôm 2/7 diễn ra trong bầu không khí tôn trọng nhưng căng thẳng. Một số quan sát viên đánh giá thông điệp mạnh mẽ mà ông Vương Nghị đưa ra, chỉ 3 tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa EU và Trung Quốc, cho thấy mọi nỗ lực ngoại giao mềm mỏng dường như đã “tan thành mây khói”.

Trước đó theo AFP, ngay trước cuộc gặp chính thức với ông Vương Nghị, bà Kallas đã thẳng thắn chỉ ra sự mâu thuẫn trong chính sách của Bắc Kinh. Bà nói: “Trung Quốc vừa góp phần kéo dài chiến tranh ở châu Âu, vừa tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với EU. Trung Quốc cần giải quyết nghịch lý này.” Bà cũng cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang cung cấp “phao cứu sinh” cho cuộc xâm lược của Nga, và kêu gọi Bắc Kinh dùng vị thế ngày càng tăng của mình để bảo vệ luật pháp quốc tế trong một thế giới đầy biến động.

Bà Kallas nhấn mạnh: “Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng tôi. Tuy nhiên, quan hệ song phương đang chịu áp lực ngày càng lớn về mặt an ninh.” Bà cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các cuộc tấn công mạng, can thiệp vào nền dân chủ EU và có hành vi thương mại không công bằng – tất cả đều gây tổn hại đến an ninh và việc làm tại châu Âu. Bà yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi đe dọa an ninh châu Âu. Rõ ràng, việc Trung Quốc dừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga được EU xem là điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ song phương.

Sau cuộc gặp tại Brussels, ông Vương Nghị đã đến Berlin, nơi ông có cuộc gặp đầu tiên với Tân Bộ trưởng Ngoại giao Đức – ông Johann Wadephul. Theo Handelsblatt, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng dự kiến sẽ có cuộc gặp “mang tính nghi thức” ngắn với ông Vương. Cuối tuần này, ông Vương Nghị sẽ đến Paris để hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot.

Ông Zelensky lần đầu công khai cáo buộc Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Nga

Hôm 17/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên công khai cáo buộc Trung Quốc cung cấp vũ khí và thuốc nổ cho Nga. Tại một cuộc họp báo, ông cho biết Chính phủ Ukraine đã thu thập được thông tin tình báo cho thấy Bắc Kinh đang sản xuất vũ khí trên lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại Kyiv, ông Zelensky nói: “Chúng tôi cuối cùng đã có thông tin xác thực cho thấy Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Liên bang Nga.” Ông đặc biệt nhắc đến “pháo binh”, tuy không nêu rõ là đạn pháo, hệ thống pháo binh, hay cả hai. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh đang tham gia sản xuất một số loại vũ khí trên lãnh thổ Nga”, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm. Trong thời gian này, Trung Quốc và Nga vẫn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn tìm cách thể hiện mình là bên trung lập. Cáo buộc trực tiếp từ ông Zelensky cho thấy Bắc Kinh có thể đã đi ngược lại với lập trường mà họ từng tuyên bố.

Theo Reuters, hai quan chức Mỹ quen thuộc với tình báo Hoa Kỳ cùng một cựu quan chức tình báo phương Tây cho biết, hơn 100 công dân Trung Quốc đang chiến đấu cho quân đội Nga tại Ukraine là lính đánh thuê và dường như không có quan hệ trực tiếp với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cựu quan chức tình báo này tiết lộ rằng một số sĩ quan quân đội Trung Quốc, dưới sự cho phép của Bắc Kinh, đã có mặt tại hậu phương chiến tuyến Nga để rút ra các bài học chiến thuật từ thực chiến.

EU lần đầu tiên áp trừng phạt toàn diện với các thực thể và cá nhân Trung Quốc liên quan đến chiến tranh Ukraine

Hôm 16/12/2024, Liên minh châu Âu đã thông qua vòng trừng phạt thứ 15 đối với Nga. Trong danh sách mới, có 84 thực thể và cá nhân (gồm 30 thực thể và 54 cá nhân), trong đó có 7 thực thể và cá nhân từ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, EU áp lệnh trừng phạt toàn diện lên các thực thể và cá nhân Trung Quốc.

Bà Kaja Kallas, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU cho biết: “Chúng tôi đã thông qua vòng trừng phạt thứ 15 đối với Nga. Lần này, các biện pháp nhắm vào ‘đội tàu bóng tối’ và các quan chức Triều Tiên, đồng thời lần đầu đưa các công ty Trung Quốc sản xuất máy bay không người lái (UAV) cho Moscow vào danh sách trừng phạt. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Không thể tiếp tay cho chiến tranh tại châu Âu mà không chịu hậu quả.”

Danh sách mới bổ sung 84 thực thể và cá nhân bị trừng phạt vì hỗ trợ Nga sản xuất linh kiện máy bay, UAV, động cơ, thiết bị điện tử và các bộ phận công nghệ cao cho vũ khí.

Trong số này có 7 thực thể và cá nhân Trung Quốc: 1 cá nhân và 2 thực thể bị cáo buộc hỗ trợ Nga né tránh trừng phạt EU; 4 thực thể còn lại bị cho là cung cấp linh kiện UAV nhạy cảm và vi điện tử cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, góp phần vào cuộc tấn công Ukraine.

Ông David O’Sullivan, người phụ trách điều phối các biện pháp trừng phạt của EU, cùng các quan chức Ukraine cho rằng Trung Quốc hiện là nguồn cung công nghệ nước ngoài chính cho Nga.

Ủy ban châu Âu tuyên bố, những thực thể và cá nhân này phải chịu trách nhiệm cho hành động xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.