Quy mô của thảm họa COVID-19 có thể được ngăn chặn nếu WHO đưa ra báo động sớm hơn và các nhà lãnh đạo thế giới không ‘đồng lõa’ với phản ứng của họ, một ủy ban hội thẩm đại dịch kết luận.
Nếu WHO gióng lên hồi chuông báo động sớm hơn và các nhà lãnh đạo thế giới đã xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc hơn, thì khi đó “chúng ta đã không phải nhìn vào một đại dịch đang gia tăng như vậy”, Ủy ban Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch (IPPPR) (dưới đây gọi tắt là UB) cho biết trong báo cáo “COVID-19: Hãy biến nó thành Đại dịch cuối cùng”, phát hành ngày 12/5.
Ủy ban do cựu thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2011, đồng chủ tọa.
COVID-19 đã lây nhiễm cho ít nhất 160 triệu người ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới kể từ khi chủng loại virus này xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 và giết chết 3,3 triệu người – mặc dù những con số đó gần như chắc chắn thấp hơn thực tế.
Ông Sirleaf nói với các phóng viên: “Tình huống mà chúng ta thấy ngày nay hoàn toàn có thể được ngăn chặn. Nó bùng lên là do vô số thất bại, lỗ hổng và sự chậm trễ trong việc chuẩn bị và phản ứng.”
“Các lựa chọn chiến lược kém cỏi, không sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng và một hệ thống không phối hợp đã tạo ra một loại cocktail độc hại khiến đại dịch biến thành một cuộc khủng hoảng nhân loại thảm khốc.”
Báo cáo cho thấy mối đe dọa của một đại dịch đã bị bỏ qua và các quốc gia đã không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với một đại dịch.
Ủy ban đã chỉ trích WHO, nói rằng họ có thể tuyên bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm quốc tế (PHEIC) – mức báo động cao nhất – vào ngày 22 tháng 1 năm 2020. Thay vào đó, WHO đã phải đợi thêm tám ngày sau mới công bố.
Mãi tới tận tháng 3 sau khi WHO mô tả nó là một đại dịch – một thuật ngữ không chính thức nằm trong hệ thống cảnh báo – thì các quốc gia mới bắt đầu hành động.
Báo cáo này không phải là lần duy nhất WHO bị cáo buộc đã hành động quá chậm trong giai đoạn đầu của đại dịch. Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích cơ quan LHQ này khi ông quyết định rút tiền tài trợ của Mỹ đối với WHO.
Ông Trump cáo buộc WHO và Giám đốc của tổ chức này là Tiến sĩ Tedros đã quá dễ dàng chấp nhận dữ liệu do chính phủ Trung Quốc đưa ra nhằm tô vẽ, biện minh cho tình huống khi đó, khiến các nhà lãnh đạo thế giới như bị bịt mắt trước mối đe dọa mà họ đang phải đối mặt.
Những lời chỉ trích tương tự lại được đưa ra đối với WHO sau khi một nhóm chuyên gia được cử đến Vũ Hán để truy tìm nguồn gốc của virus đã công bố một báo cáo vào tháng 2 lặp lại luận điệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc về nguồn gốc của virus.
Báo cáo đã loại trừ khả năng virus đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm và thay vào đó cổ vũ hơn cho giả thuyết rằng nó có thể được nhập khẩu từ thịt đông lạnh – một giả thuyết được Bắc Kinh đưa ra khi họ đổ vấy nguyên nhân đại dịch ra bên ngoài biên giới của mình.
Giữa cơn bão chỉ trích, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Ghebreyesus – người bị cáo buộc có mối liên hệ thân thiết với ĐCSTQ – đã phản bác lại, nói rằng ‘tất cả các giả thuyết’ bao gồm cả vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm vẫn còn nguyên trên bàn.
Các quan chức Hoa Kỳ, đặc biệt là từ chính quyền Trump, đã đưa ra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm như là lời giải thích “hợp lý nhất” cho nguồn gốc của đại dịch.
Trong báo cáo mới được công bố hôm 12/5, IPPPR cho biết đã có một loạt các quyết định tồi tệ được đưa ra, khiến virus được tạo cơ hội để lan rộng ra thế giới và tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
IPPPR nói trong báo cáo: Các thể chế ‘không bảo vệ được người dân’ và các nhà lãnh đạo phủ nhận khoa học đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các can thiệp y tế.
Các phản ứng sớm đối với đợt bùng phát được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 là “thiếu khẩn cấp”, dẫn đến tháng 2/2020 “mất mát và tốn kém” do các quốc gia phớt lờ báo động, ủy ban cho biết.
Để đối phó với đại dịch hiện nay, tổ chức này đã kêu gọi các nước giàu nhất tặng một tỷ liều vắc-xin cho những người nghèo nhất; đồng thời tài trợ cho các tổ chức mới có nghĩa vụ chuẩn bị cho một đại dịch tiếp theo.
Ủy ban cũng kêu gọi thành lập Hội đồng Cảnh báo Sức khỏe Toàn cầu bao gồm các nhà lãnh đạo thế giới, cộng với một công ước về đại dịch.
Uỷ ban cũng đề xuất một cuộc thanh tra WHO để cho tổ chức này kiểm soát tốt hơn nguồn tài chính của mình và có nhiều quyền hơn.
“Hệ thống cảnh báo của WHO cần phải nhanh hơn và họ phải có thẩm quyền cử các phái đoàn chuyên gia đến các quốc gia ngay lập tức mà không cần chờ đèn xanh từ các nước này,” Ủy ban nói thêm.
Tiến Minh (theo Dailymail)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…