Thế Giới

Reuters cập nhật thông tin về việc quân đội Triều Tiên tham gia cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Vào hôm thứ Hai (28/10), ông Mark Rutte, Tổng Thư Ký NATO, đã xác nhận rằng Triều Tiên đã điều động quân đội đến Nga và một số đơn vị đã được triển khai tại khu vực Kursk. Ông Rutte nhấn mạnh rằng đây là một động thái “leo thang đáng kể” của Bình Nhưỡng trong việc hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Duyệt binh của quân đội Triều Tiên. (Nguồn: Truyền thông Triều Tiên)

Hoa Kỳ, Ukraine và Hàn Quốc đã cáo buộc Triều Tiên điều động hàng ngàn binh lính hỗ trợ quân đội Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. 

Lúc đầu, cả Moskva và Bình Nhưỡng đều phủ nhận mạnh mẽ các báo cáo về việc quân đội Triều Tiên được huy động, cho rằng những thông tin này là “tin giả”. Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm (24/10), Tổng thống Nga Vladimir Putin không còn lên tiếng phủ nhận sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại Nga nữa, trong khi đó một quan chức Triều Tiên còn không ngần ngại khẳng định rằng bất kỳ động thái triển khai quân đội nào cũng đều là hợp pháp.

Dưới đây là một số thông tin về vấn đề này do Reuters loan báo: 

Các tin tức về quân đội Triều Tiên tới Nga?

Vào tuần trước, Cơ quan Tình báo Quân sự của Ukraine tuyên bố với ngoại giới rằng đơn vị quân đội Triều Tiên đầu tiên được quân đội Nga huấn luyện trên lãnh thổ Nga đã được triển khai tại khu vực Kursk, một vùng biên giới của Nga, nơi các lực lượng Ukraine đã tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn vào tháng Tám.

Tổng cộng khoảng 12.000 binh sĩ Triều Tiên, bao gồm 500 sĩ quan cùng ba tướng lĩnh, đã được điều động đến Nga. Các khóa huấn luyện binh lính Triều Tiên cũng đang diễn ra tại năm căn cứ quân sự của Nga, theo Cơ quan Tình báo Quân sự của Ukraine. 

Tổng thống Ukraine Zelensky tiết lộ rằng Triều Tiên đã từng cử sĩ quan đến các vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga chiếm đóng để khảo sát tình hình trước khi tiến hành triển khai quân đội.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết họ đã theo dõi khoảng 3.000 binh sĩ Triều Tiên, bao gồm lực lượng đặc biệt, được vận chuyển tới vùng Viễn Đông của Nga bằng tàu hải quân Nga để huấn luyện và thích nghi với điều kiện tại các căn cứ quân sự, giúp dễ dàng triển khai quân đội Triều Tiên chiến đấu trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Hàn Quốc cũng cho biết họ đã sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI để xác định một phái đoàn gồm hàng chục sĩ quan Triều Tiên ghé thăm các khu vực tiền tuyến ở Ukraine, nhằm hướng dẫn quân đội Nga sử dụng các tên lửa đạn đạo KN-23 do Triều Tiên sản xuất khai hỏa vào các mục tiêu tại đó. 

Ông Ri Song Jin, một nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực phát triển tên lửa của Triều Tiên cũng có mặt trong phái đoàn này, đã bị các nhà phân tích của NK PRO ở Seoul nhận diện. Ông Jin từng xuất hiện trong những bức ảnh vào năm ngoái khi tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un viếng thăm các nhà máy chế tạo tên lửa của Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên đã được trang bị quân phục, vũ khí và các giấy tờ tùy thân giả của Nga trước khi được triển khai cho các nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Ukraine, theo báo cáo của Hàn Quốc.

Tại sao Triều Tiên hỗ trợ Nga?

Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng ông và ông Kim Jong Un đã cùng ký kết một thỏa thuận song phương trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vào tháng Sáu, trong đó bao gồm điều khoản Moskva và Bình Nhưỡng giúp đỡ lẫn nhau nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. 

Các nhà phân tích cho rằng thông qua cuộc chiến Nga-Ukraine, Triều Tiên có thể gặt hái nhiều lợi ích từ động thái cung cấp vũ khí và quân đội thông qua việc tích lũy kiến thức cùng kinh nghiệm thực chiến trên chiến trường. 

Bình Dưỡng, vẫn đang bị các quốc gia trên thế giới trừng phạt nặng nề vì phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, dường như cũng đang được Nga viện trợ lượng dầu mỏ cùng các sản phẩm khác từ Nga, theo các cơ quan tình báo nước ngoài và các hình ảnh vệ tinh thương mại được các nhà phân tích xác minh.

Một báo cáo từ một tổ chức nghiên cứu thuộc NIS của Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên, vốn vẫn luôn thiếu thốn tiền mặt, đã kiếm được khoảng 540 triệu USD chỉ từ việc buôn bán vũ khí cho Nga vào năm ngoái.

Các quốc gia trên thế giới phản ứng thế nào?

Vào tuần trước, Hàn Quốc cho biết đã gửi đi công hàm đến đại sứ Nga, phản đối mạnh mẽ động thái quân đội Triều Tiên triển khai trên chiến trường Nga-Ukraine. Hàn Quốc cũng đã cử một đoàn đại biểu cấp cao thông báo cho NATO về vấn đề này vào hôm thứ Hai (28/10).

Seoul cũng đang xem xét các biện pháp đối phó theo từng giai đoạn, bao gồm cả khả năng thay đổi lập trường đối ngoại của mình trong việc cung cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine.

Vào hôm thứ Hai (28/10), một quan chức cấp cao của Tổng thống Ukraine Zelensky nhận xét rằng các lệnh trừng phạt sẽ không răn đe Triều Tiên đủ mạnh để đối phó với động thái triển khai quân đội, đồng thời kêu gọi các quốc gia phương Tây đồng minh cung cấp “các loại vũ khí và một kế hoạch rõ ràng để ngăn chặn quân đội Triều Tiên can dự sâu rộng [vào cuộc chiến Nga-Ukraine]”.

Vào hôm thứ Tư (23/10), Đức và Áo đã triệu tập các đặc phái viên cấp cao của Triều Tiên tại nước họ để bày tỏ quan ngại. 

Các nhà lãnh đạo của Anh và Phần Lan nhận xét rằng việc Nga sử dụng quân đội Triều Tiên trên chiến trường Ukraine là một chỉ dấu cho thấy Nga đang tuyệt vọng.

Vào hôm thứ Năm (24/10), Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không nắm được thông tin Triều Tiên gửi quân đội đến Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng “tất cả các bên sẽ cùng nhau hướng tới việc hạ nhiệt tình hình [ở Ukraine], và cam kết giải quyết vấn đề thông qua các giải pháp chính trị”.

Ukraine đối mặt với những thách thức gì khi quân đội Triều Tiên tham chiến?

Nga đã khai hỏa hàng chục tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất đồng thời tiếp nhận một lượng lớn đạn pháo và tên lửa chống tăng từ Triều Tiên, theo thông tin từ Hàn Quốc, Ukraine, Hoa Kỳ và các nhà nghiên cứu độc lập.

Các nhà phân tích quân sự đang đặt câu hỏi quân đội Nga có thể tích hợp quân đội Triều Tiên trên chiến trường như thế nào. Tuy nhiên, giống như cung cấp thêm vũ khí, động thái tích hợp quân đội Triều Tiên có thể không phải là yếu tố quyết định nhưng có thể giúp kéo dài cuộc chiến Nga-Ukraine.

Khu vực chiến sự của Nga đã mở rộng đáng kể, và với việc quân đội Ukraine đang tiến bước vào cả lãnh thổ Nga, quân đội Triều Tiên có thể đóng vai trò phòng thủ chống lại những cuộc tấn công như vậy. Mặc dù quân đội Triều Tiên có thể không đóng vai trò quyết định đối với Nga [trong cuộc chiến Nga-Ukraine], nhưng vẫn có thể đem lại hỗ trợ đáng kể”, ông Kim Yong-hyun, từ Đại học Dongguk của Hàn Quốc, nhận định. 

Thiên Vân

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Thiên Vân

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

6 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

7 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

10 giờ ago