Sáu thành viên châu Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần này đã ra tuyên bố chung ủng hộ kế hoạch Ukraine sẽ gia nhập khối liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo này và cam kết ủng hộ các điều khoản hòa bình mà Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra cho Nga.
Các ngoại trưởng của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý và Ba Lan đã ký một tuyên bố chung sau cuộc họp với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Berlin, Đức hôm thứ Năm (12/12).
“Mục tiêu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine và an ninh bền vững cho châu Âu là không thể tách rời. Ukraine phải thắng thế”, tuyên bố chung cho biết.
Các quốc gia nêu trên cam kết ủng hộ việc chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine theo “sự tôn trọng hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với Công thức Hòa bình của Tổng thống Zelensky, đó là con đường đáng tin cậy hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài”, tuyên bố chung khẳng định.
Những quốc gia ủng hộ Kiev đã cam kết sẽ “ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào châu Âu – Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”, cũng như “con đường hướng tới việc gia nhập Liên minh châu Âu”.
Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga cảm ơn sáu quốc gia và EU vì “cuộc thảo luận thẳng thắn và sẵn sàng thực hiện các bước đi cụ thể”. Ông kêu gọi các nước ban hành lệnh trừng phạt bổ sung, nhắm vào ngành kim loại, vận chuyển và ngân hàng của Nga.
Ngoại trưởng Sibiga cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng hoạt động thương mại với các quốc gia không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga”.
Cuộc họp tại Berlin diễn ra trong bối cảnh không chắc chắn liệu Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump có tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính vô điều kiện của chính quyền Biden cho Kiev hay không.
Tổng thống đắc cử Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1, đã từng gọi ông Zelensky là “người bán hàng vĩ đại nhất Quả đất” và hứa sẽ làm hết sức mình để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh Nga-Ukraine thông qua ngoại giao. Mặc dù ông Trump vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể, nhưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông dường như sẵn sàng gây sức ép buộc Kiev bắt đầu đàm phán với Moskva.
Ông Trump cũng chỉ trích Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden vì đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga. “Tôi nghĩ đó là một sai lầm rất lớn”, ông Trump nói với Tạp chí Time trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm (12/12).
Nga đã thẳng thừng bác bỏ “công thức hòa bình” của ông Zelensky, nhấn mạnh rằng một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể đạt được theo các điều khoản của Nga. Moskva đã nhấn mạnh rằng Ukraine phải từ bỏ các yêu sách lãnh thổ đối với Crimea và bốn khu vực khác, những nơi đã bỏ phiếu gia nhập Nga vào năm 2014 và 2022.
Điện Kremlin cũng cho biết Ukraine nên từ bỏ kế hoạch gia nhập khối quân sự do Hoa Kỳ đứng đầu để trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trích dẫn sự mở rộng của NATO về phía đông và hợp tác quân sự của khối này với Ukraine là một trong những nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh Nga-Ukraine dai dẳng hiện tại.
Từ một người vô gia cư trở thành cảnh sát - câu chuyện nghe như…
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích các quốc gia phương Tây tiếp tục hành động…
Ông Tom Cotton đã cảnh báo các nhà vận động hành lang không nên phản…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “nắm giữ…
“Hãy nhìn các con số thống kê đi! [Ukraine] chúng ta có bao nhiêu lính…
Liên quan đến vụ án sát hại CEO Brian Thompson của UnitedHealthcare tại Mỹ, hôm…