Đơn xin visa du học I-20, loại visa F1. (Ảnh: Shutterstock)
Sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đang giảm hoạt động trên mạng xã hội, tránh theo dõi người nổi tiếng và chính trị gia, xóa các bài đăng liên quan, yêu cầu bạn bè và người thân ngừng gửi liên kết tin tức, và hạn chế đăng bài liên quan đến các chủ đề chính trị nóng trên tài khoản mạng xã hội của mình.
Ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo sẽ tái khởi động quy trình xin thị thực du học đã bị tạm dừng vào tháng Năm, nhưng hiện nay tất cả các đương đơn phải mở khóa tài khoản mạng xã hội của mình để Chính phủ Hoa Kỳ kiểm tra. Chính sách này yêu cầu tất cả người xin thị thực du học, đào tạo kỹ thuật hoặc chương trình trao đổi tiết lộ các tài khoản mạng xã hội đã sử dụng trong 5 năm qua.
Bộ Ngoại giao cho biết, các viên chức lãnh sự sẽ đặc biệt chú ý đến các bài viết và thông tin có thể bị coi là thù địch với Hoa Kỳ, cũng như với chính phủ, văn hóa, chế độ hoặc nguyên tắc sáng lập của Hoa Kỳ.
Mặc dù yêu cầu mới này áp dụng cho cả đương đơn xin visa mới và cũ, bao gồm những người chưa phỏng vấn, được miễn phỏng vấn, và đã phỏng vấn nhưng chưa được “phê duyệt”, nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ, bất kỳ yếu tố nào trong số đó đều không tự động dẫn đến việc mất tư cách xin visa.
Tuy nhiên, bất kỳ nội dung “đáng nghi” nào trên mạng đều có thể dẫn đến việc bị xem xét bổ sung để đánh giá xem liệu đương đơn có thực sự “chỉ tham gia các hoạt động phù hợp với thân phận thị thực không định cư” hay không.
Các đương đơn xin visa du học nói với The Washington Post rằng việc xử lý trước tài khoản mạng xã hội của họ là vì lo sợ: một nút “like” hay một meme nếu bị hiểu sai, có thể mâu thuẫn với yêu cầu kiểm tra visa mới của Hoa Kỳ và phá hủy toàn bộ nỗ lực học tập suốt nhiều năm. Một số công ty công nghệ đang tiếp thị các dịch vụ và ứng dụng giúp làm sạch và sàng lọc thông tin nhạy cảm trên tài khoản mạng xã hội cho người nước ngoài (bao gồm sinh viên quốc tế).
“Bất kỳ nội dung nào có thể bị xem là thiên kiến, tôi đều bỏ theo dõi. Tôi bỏ theo dõi tất cả mọi người” – đương đơn xin visa tên Madeline, không muốn tiết lộ đầy đủ danh tính, nói với Washington Post.
Năm ngoái, có hơn 1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại Hoa Kỳ.
“Đây là một chính sách hợp lý,” một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói khi được Washington Post hỏi thêm chi tiết về cơ chế kiểm tra.
Viên chức này cho biết, các nhân viên đang tìm kiếm bằng chứng về “các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của chúng ta,” ví dụ như bày tỏ sự ủng hộ khủng bố, cũng như “thái độ thù địch với người Mỹ và lối sống của chúng ta.”
Bộ Ngoại giao nói: “Việc xin visa là hoàn toàn tự nguyện, cá nhân có quyền tự do lựa chọn có đến Hoa Kỳ hay không.”
Trên Reddit, những người sắp xin visa thận trọng tụ tập để trao đổi ý kiến, có người hỏi: “Có phải tốt hơn là đóng toàn bộ hoạt động mạng xã hội không?” Một số người khuyên nên làm vậy, trong khi người khác cảnh báo không nên vì hành động này có thể khiến nghi ngờ gia tăng thay vì giảm bớt.
Thông báo ngày 18/6 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng đương đơn mới nếu từ chối đặt tài khoản mạng xã hội ở chế độ “công khai” và cho phép kiểm tra, có thể bị từ chối visa. Cơ quan này cho rằng việc từ chối như vậy có thể cho thấy đương đơn đang cố tình né tránh yêu cầu hoặc che giấu hành vi trực tuyến.
“Các đại sứ quán Hoa Kỳ (ở nước ngoài) có quyền tự quyết rất lớn để chấp nhận hay từ chối (visa),” luật sư di trú Hoa Kỳ Richard Herman nói với Washington Post. “Họ sẽ không nói hết lý do từ chối bạn, và không có quy trình kháng cáo, giám sát cũng rất yếu.”
Tuy nhiên, ông Herman cho biết, ông khuyên các sinh viên: “Hãy hít thở sâu. Đừng bắt đầu xóa tài khoản.”
Hiện nay, các công ty công nghệ chuyên về xóa dữ liệu và sàng lọc trực tuyến đang bắt đầu quảng bá dịch vụ cho sinh viên quốc tế.
Khẩu hiệu của công ty Phyllo là: “Hành trình đến Mỹ của bạn không nên kết thúc chỉ vì một bài đăng cũ.” Công ty này sẽ quét tài khoản của khách hàng, dùng biểu đồ để xác định “rủi ro nội dung”, đánh giá xem có các yếu tố như “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”, “nội dung chính trị”, hay “ủng hộ nhập cư bất hợp pháp” không.
Redact.dev là một công ty giúp người dùng xóa hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội. Ngay ngày hôm sau khi hướng dẫn mới của Chính phủ Hoa Kỳ được công bố, công ty này đã kêu gọi người xin visa: “Đã đến lúc xem lại những gì bạn nói và thể hiện trên mạng, hãy loại bỏ quan điểm lỗi thời và những ý kiến quá chính trị.”
Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Redact.dev – Dan Saltman – cho biết, tốc độ tăng trưởng hàng tháng của công ty năm nay là 15%, trong đó có cả người dùng từ khu vực Đông Á.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu viên chức “xem xét” các đương đơn có “lịch sử tham gia hoạt động chính trị”, đánh giá liệu họ có khả năng “tiếp tục các hoạt động như vậy” và liệu hành vi đó có cản trở hoạt động học tập bình thường không. Bộ cũng nói cần đặc biệt lưu ý đến các hoạt động liên quan đến bạo lực hoặc quan điểm cực đoan, bao gồm hành vi quấy rối mang tính bài Do Thái và các hoạt động ủng hộ khủng bố.
Sinh viên Madeline nói: “Tôi thường chia sẻ nhiều nội dung về chiến tranh ở Dải Gaza. Trên Instagram, tôi đăng những bài đó suốt cả ngày.” Nhưng trong quá trình xin visa, cô nói với bạn bè: “Từ giờ trở đi, tôi sẽ không nói gì liên quan đến chính trị nữa.”
Theo The PIE News, ông Mark Kopenski – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn tuyển sinh toàn cầu – nói rằng mặc dù yêu cầu mới có thể làm chậm quy trình xử lý vì các lãnh sự quán cần thích nghi với tiêu chuẩn kiểm tra mạng xã hội mới nhất, nhưng điều đó ít khả năng ảnh hưởng đáng kể đến phần lớn sinh viên.
Ông Kopenski nói: “Một người hiểu rõ vấn đề này từng nói riêng với tôi rằng sẽ dùng công cụ trí tuệ nhân tạo để kiểm tra tài khoản mạng xã hội của sinh viên, những công cụ đó chủ yếu nhắm vào Mỹ và đồng minh của Mỹ để tìm kiếm quan điểm cực đoan (ngôn luận).”
“Các sinh viên không cần quá lo lắng về bước kiểm tra bổ sung này, vì nó sẽ được xử lý nhanh chóng, và với 99% sinh viên thì đây không phải là vấn đề,” – ông nói.
Ông Ankit Mehra – đồng sáng lập và Giám đốc điều hành nền tảng cho vay giáo dục Ấn Độ GyanDhan – cũng có ý kiến tương tự. Ông cho rằng: “Sinh viên không nên xóa bất kỳ nội dung nào – vì chính quyền rất có thể vẫn có thể truy cập dữ liệu cũ, và việc thay đổi đột ngột có thể gây nghi ngờ. Tốt nhất là giữ minh bạch và chuẩn bị sẵn sàng.”
Âm nhạc có tác dụng dưỡng sinh độc đáo, cho nên, cổ nhân dùng nó…
Mặc dù cuộc đàn áp vẫn kéo dài 26 năm, ngày càng có nhiều người…
Ngày 8/7, một nhà hàng tôm hùm nổi tiếng ở Nam Kinh gây chấn động…
Cục Điều tra Tội phạm Mạng Quốc gia Pakistan vào thứ Năm cho biết cảnh…
Trung Quốc có đến 700 triệu camera giám sát, đứng đầu thế giới, trong đó…
Hôm thứ Năm (10/7), Tổng thống Donald Trump loan báo Hoa Kỳ sẽ áp thuế…