Bộ Thông tin Sudan hôm thứ Hai (25/10) cho biết sáng cùng ngày lực lượng quân đội đã tiến hành bắt giữ thủ tướng tạm quyền và nhiều thành viên cấp cao trong chính phủ, hạn chế tiếp cận internet và phong tỏa các cây cầu tại thủ đô Khartoum. Bộ Thông tin gọi những hành động mới nhất của quân đội Sudan là đảo chính quân sự.
Những tin tức đầu tiên về việc quân đội tiếp quản quyền lực điều hành đất nước Sudan nổi lên từ sáng sớm 25/10. Đến giữa buổi sáng, Bộ Thông tin Sudan đã xác nhận Thủ tướng tạm quyền Abdalla Hamdok đã bị bắt giữ và được đưa tới một nơi bí mật. Loan báo trên Facebook, Bộ Thông tin cũng cho biết nhiều quan chức cấp cao trong nội các của ông Hamdok đã bị bắt và không rõ họ bị giam ở đâu.
Theo 2 quan chức Sudan giấu tên, các thành viên nội các của Thủ tướng Hamdok bị bắt giữ có: Bộ trưởng Công nghiệp Ibrahim al-Sheikh, Bộ trưởng Thông tin Hamza Baloul, lãnh đạo Hội đồng Chủ quyền Mohammed al-Fiky Suliman, cố vấn truyền thông của Thủ tướng, ông Faisal Mohammed. Ngoài ra, Thống đốc thủ đô Khartoum, ông Ayman Khalid cũng đã bị bắt.
Bộ Thông tin Sudan cho biết thêm rằng mạng internet trên toàn quốc đã bị hạn chế tiếp cận, trong khi kênh tin tức nhà nước phát bản nhạc truyền thống yêu nước. Lực lượng quân đội cũng kéo vào các văn phòng của đài truyền hình quốc gia tại Omdurman và bắt giữ nhiều nhân viên.
Sau khi nổi lên các tin tức về việc quân đội bắt giữ các quan chức dân sự, nhóm ủng hộ dân chủ chính và Đảng Cộng sản Sudan đã phát đi các tuyên bố riêng rẽ kêu gọi người ủng hộ mỗi bên xuống đường biểu tình.
Hàng nghìn người dân đã tràn xuống các tuyến phố tại thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman để bày tỏ phản đối quân đội bắt giữ các quan chức dân sự. Các đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy người dân đã đốt lửa và phong tỏa các tuyến đường, trong khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Sự vụ hôm 25/10 là bước lùi lớn tại Sudan trong bối cảnh quốc gia châu Phi này đã đang nỗ lực chuyển tiếp sang nền dân chủ từ khi lật đổ được ông Omar al-Bashir bằng các cuộc biểu tình quần chúng từ 2 năm trước.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lập tức lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến bất ổn tại Sudan.
Đặc phái viên Mỹ tại đông bắc châu Phi, ông Jeffrey Feltman phát đi tuyên bố nói rằng Washington “cực kỳ quan ngại” về những tin tức mới nổi lên tại Sudan. Cuối tuần qua, ông Jeffrey Feltman đã gặp các quan chức Sudan để bàn giải pháp xử lý những tranh cãi đang gia tăng giữa các lãnh đạo quân đội và dân sự tại quốc gia châu Phi nghèo khó này.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao EU, ông Joseph Borrell đã viết trên Twitter nói rằng ông đã theo sát những diễn tiến tại Sudan với tâm lý “cực kỳ lo lắng”.
Từ khi giành độc lập từ Anh Quốc và Ai Cập năm 1956, Sudan đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính quân sự. Ông Al-Bashir cũng đã lên cầm quyền vào năm 1989 nhờ vào việc quân đội lật đổ chính phủ dân cử trước đó.
Như Ngọc (Theo AP)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…