Sau ba thập kỷ cầm quyền, Tổng thống Sudan Hassan Omar al-Bashir đã bị quân đội đảo chính, cùng sức ép từ các cuộc biểu tình lan rộng của người dân bắt đầu từ cuối năm 2018.
Ảnh chụp màn hình video ghi lại cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibn Auf tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp tại Khartoum, Sudan hôm 11/4/2019. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Sudan hôm 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf đã thông báo về hội đồng quân sự chuyển tiếp sẽ giám sát thời kỳ chuyển tiếp trong hai năm cho tới khi tổ chức được các cuộc bầu cử.
Theo truyền thông địa phương, các cuộc biểu tình tại Sudan bùng phát từ tháng 12/2018 và bắt đầu gia tăng áp lực buộc ông Bashir phải từ chức trong những tháng gần đây. Tính cho tới nay, đã có gần 50 người bị chết do đụng độ trong các cuộc biểu tình.
Reuters dẫn lời giáo sư khoa học chính trị của Đại học Khartoum, Sudan, ông Hassan Hajji Ali cho biết tình hình ở đất nước bắc Phi này vẫn căng thẳng với những phản ứng trái chiều đối với cuộc đảo chính của quân đội.
“Một số người biểu tình đã phản đối động thái của quân đội và đang kêu gọi thành lập một chính phủ dân sự,” ông Ali nói từ thủ đô Sudan trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Có những người đã nói rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình,” ông Ali nói và thêm rằng hội đồng quân sự đã áp đặt lệnh giới nghiêm sáng-tới-tối và đình chỉ hiến pháp.
Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo đã gọi các sự kiện hôm nay là “lịch sử cho Sudan.”
“Những sự kiện hôm nay cũng nên được coi là lời kêu gọi thức tỉnh tới các lãnh đạo trên toàn thế giới, những người nghĩ họ có thể thoát khỏi trừng phạt khi phủ định các quyền cơ bản của người dân. Tuy nhiên, trong khi nhiều người Sudan sẽ vui mừng với việc kết thúc sự cầm quyền tàn bạo 30 năm của ông Bashir, chúng tôi thấy lo lắng về hàng loạt các biện pháp khẩn cấp được thông báo hôm nay,” ông Naidoo nói trong một tuyên bố phát đi hôm 11/4.
Phản ứng với các tin tức mới nhất từ Sudan, giám đốc điều hành của Tổ chức Quan sát Nhân quyền có trụ sở tại New York Kenneth Roth nói rằng: “Việc Tổng thống Bashir đã bị lật đổ là chưa đủ.”
“Vô số nạn nhân của ông và sự cần thiết thiết lập pháp quyền và báo hiệu chấm dứt tàn bạo hàng loạt đòi hỏi ông ta phải bị đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế để đối mặt với các tội danh chống lại ông ta,” ông Kenneth Roth nói thêm.
Ông Bashir cầm quyền tại Sudan từ năm 1989 sau khi lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Tổng thống Jaafar Muhammad Nimeiry. Ông Bashir đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về các tội danh liên quan tới đàn áp dân thường tại khu vực Darfur.
Các nhóm nhân quyền đã thúc giục giới chức Sudan giao nộp ông Bashir và ba quan chức khác cho Tòa án Hình sự Quốc tế để họ phải đối mặt với công lý.
Ngoài bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế tại Sudan cũng đã leo thang từ sau khi Nam Sudan – khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ – đã ly khai vào năm 2011.
Xuân Thành
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…
Một vụ nổ xảy ra tại khu dân cư ở Tân Châu (tỉnh Sơn Đông,…