Tại sao Kim Jong-un lại gặp ông Tập trước khi đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ?

Ngày cuối cùng ông Kim Jong-un và phu nhân cùng phái đoàn cấp cao Bắc Hàn lưu trú tại Bắc Kinh, Tân Hoa Xã đã chính thức đăng thông tin về chuyến thăm ‘không chính thức” của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn tới Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Kim Jong-un lại phải gặp ông Tập Cận Bình vào thời điểm này?

Ông Tập Cận Bình và phu nhân chụp ảnh kỷ niệm với ông Kim Jong-un và phu nhân. (Ảnh qua Tân Hoa Xã)

Trung Quốc trước nay vẫn là đồng minh lớn nhất và đối tác thương mại số một của Bắc Hàn. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un tiếp quản Bắc Hàn từ người cha quá cố Kim Jong-il vào cuối năm 2011 và ở Trung Quốc ông Tập Cận Bình lên thay ông Hồ Cẩm Đào năm 2012, mối quan hệ Trung – Triều có dấu hiệu nguội lạnh. Trong nhiều năm qua, chỉ mới có hai lần có đoàn quan chức cấp cao Bắc Hàn tới thăm Trung Quốc và ngược lại. Tháng 5/2013, ông Kim Jong-un cử đặc phái viên Choe Ryong-hae tới thăm Trung Quốc, tiếp kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng 10/2015, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Văn Sơn tới thăm Bình Nhưỡng và dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Trong thời gian này, Bắc Hàn liên tục thử hạt nhân và tên lửa, trong khi Trung Quốc kiên định mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chế độ Bắc Kinh trong vài năm qua cũng ủng hộ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc chế tài Bình Nhưỡng ngày càng nghiêm ngặt hơn để buộc ông Kim Jong-un phải từ bỏ tham vọng hạt nhân, tên lửa.

Vậy vì sao ông Tập lại mời và ông Kim chấp nhận tới Bắc Kinh vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt và cơ hội đàm phán ngoại giao Hàn Quốc – Bắc Hàn – Hoa Kỳ đang dần hé mở? Câu trả lời nằm trong chính mối tương quan giữa Mỹ – Trung – Triều.

Thứ nhất, ông Kim Jong-un không muốn qua mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Từ hơn một tháng qua, khi có thông tin ông Kim Jong-un sẽ nối lại hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vào tháng Tư và có thể hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng Năm, ngoại giới đã nhận định rằng sẽ là rất bất thường nếu ông Kim gặp ông Moon và ông Trump mà lại chưa từng tiếp kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dù quan hệ ngoại giao Trung – Triều có đi xuống trong vài năm qua, nhưng Trung Quốc vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Hàn, chiếm tới hơn 90% ngoại thương của chế độ Bình Nhưỡng. Bắc Kinh ủng hộ chế tài của Liên Hiệp Quốc áp đặt lên chế độ nhà họ Kim, nhưng vẫn kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt có thể bóp nghẹt nền kinh tế Bình Nhưỡng, ví như luôn phản đối cấm xuất khẩu dầu mỏ hoàn toàn sang Bắc Hàn.

Ông Zhang Jiadun, chuyên gia về Bắc Hàn sống tại bang New Jersey, Hoa Kỳ, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Đối sách hạt nhân: Bắc Hàn thách thức thế giới”, trong cuộc trả lời phỏng vấn VOA hôm thứ Hai (26/3), đã nhận định rằng: “Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn đến Bình Nhưỡng, nhưng không phải khi nào họ cũng muốn kiểm soát. Khi họ thực sự muốn khống chế, chỉ cần xiết sợi dây thừng chặt hơn chút. Xin nói luôn, họ vừa xiết sợi dây thừng lại. Chúng ta cần nhớ rằng Kim Jong-un mới trực tiếp liên lạc với Tổng thống Mỹ, muốn cô lập Trung Quốc, do đó để can thiệp vào quá trình này Bắc Kinh đã nói với Kim Jong-un, trước khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump thì phải gặp người cai trị Trung Quốc Tập Cận Bình”.

Ông Aidan Foster-Carter, học giả nghiên cứu cao cấp của Đại học Leeds nói với CNN rằng sẽ gần như không thể tưởng tượng nổi nếu ông Kim gặp ông Moon và ông Trump mà trước đó chưa bao giờ gặp ông Tập. Liên minh Trung – Triều là rất quan trọng.

Thứ hai, ông Tập Cận Bình lo ngại trở thành kẻ ngoài cuộc trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.  

Từ khi hai nước Bắc Hàn và Hàn Quốc mở lại quan hệ ngoại giao cấp cao vào tháng Hai, Bình Nhưỡng đã tích cực thực thi giải pháp người Triều Tiên tự giải quyết vấn đề Triều Tiên. Các nhà phân tích quốc tế đánh giá rằng đây là cách mà chế độ Kim Jong-un muốn tạo ra “vật cản” trong mối quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.

Tuy nhiên, động thái đó của Bắc Hàn cũng đã đẩy Trung Quốc – đồng minh quan trọng nhất của chế độ nhà họ Kim, ra ngoài lề tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Hơn nữa, việc ông Kim ngỏ lời mời và ông Trump bất ngờ chấp nhận sẽ gặp lãnh đạo tối cao Bắc Hàn là bước phát triển ngoại giao mới mà Trung Quốc không thể làm ngơ.

Ông Tập Cận Bình, người vừa có những củng cố quyền lực cá nhân và vây cánh vững chắc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 và họp “lưỡng hội”, thừa hiểu hậu quả sẽ tệ hại ra sao với Bắc Kinh nếu ông Kim gặp ông Trump và xúc tiến tiến trình tái thống nhất Triều Tiên.

Bà Sun Yun, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và Bắc Hàn thuộc Trung tâm Cố vấn Stimson Washington, Hoa Kỳ, gần đây đã trao đổi với tờ Business Insider rằng Trung Quốc lo ngại bị loại khỏi cuộc đàm phán Mỹ – Bắc Hàn, bởi vì kết quả của các cuộc đàm phán có thể dẫn đến thống nhất bắc và nam Triều Tiên, hoặc sự hiện diện của Mỹ tại lãnh thổ miền Bắc, cả hai trường hợp đều bất lợi đối với Trung Quốc.

Ông Tập triệu tập ông Kim tới Bắc Kinh vừa để khẳng định lại sự đoàn kết, liên minh chặt chẽ với Bình Nhưỡng vừa đưa ra những đối sách và sự đảm bảo của Trung Quốc trước khi ông Kim gặp các vị tổng thống của Hàn Quốc và Mỹ, tránh những tình huống bất lợi cho Bắc Kinh trong tương lai.

Thứ ba, Trung – Triều là đồng minh không thể tách rời dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bình Nhưỡng muốn nhận được sự đảm bảo từ Bắc Kinh. Trong khi, Trung Quốc luôn thích làm “người múa rối”.

Trong cuộc hội đàm với ông Kim Jong-un tại Đại Lễ Đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và Triều Tiên “là lựa chọn chiến lược và lựa chọn đúng đắn duy nhất mà hai nước đã đưa ra dựa trên lịch sử và thực tế cấu trúc khu vực và quốc tế và tình hình chung về quan hệ Trung – Triều”.

Trong khi đó, ông Kim Jong-un cho rằng Bắc Hàn sẽ duy trì phát triển tình hữu nghị với Trung Quốc trong tình hình mới và mối quan hệ  này sẽ không bao giờ thay đổi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hiện tại, Trung Quốc và Bắc Hàn vẫn duy trì hiệp định phòng thủ song phương, trong đó Bắc Kinh cam kết “ngay lập tức viện trợ quân sự và các khoản viện trợ khác bằng mọi phương tiện” trong trường hợp có chiến tranh hoặc cuộc tấn công của nước ngoài vào Bắc Hàn.

Chuyên gia Aidan Foster-Carter của Đại học Leeds cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang đặt hy vọng Bắc Kinh sẽ yêu cầu quốc tế giảm nhẹ chế tài với Bắc Hàn sau khi diễn ra các cuộc họp thượng đỉnh Bắc Hàn – Hàn Quốc và Bắc Hàn – Mỹ.

Ông Tong Zhao, chuyên gia Bắc Hàn tại Trung tâm Carnegie Tsinghua vì Chính sách Toàn cầu có trụ sở tại Bắc Kinh nói với CNN rằng Bình Nhưỡng “muốn có một số đảm bảo từ [Bắc Kinh] trước cuộc gặp Tổng thống Trump”.

Họ [Bắc Hàn] biết cuộc gặp đó là rất quan trọng nhưng cũng rất rủi ro, có rất nhiều điều không chắc chắn. Nếu cuộc gặp thất bại, Mỹ có thể tuyên bố rằng [biện pháp] ngoại giao đã không thành công và chuyển sang một cách tiếp cận cứng rắn hơn hoặc thậm chí là tấn công quân sự”, ông Tong Zhao nói.

Chuyên gia của Trung tâm Carnegie Tsinghua nhận định rằng nếu Bắc Hàn có được “một mối quan hệ ổn định và tích cực với Trung Quốc sẽ ngăn chặn Mỹ phát động cuộc tấn công quân sự [vào Bình Nhưỡng]”.

Trung Quốc muốn Bắc Hàn thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa theo lộ trình mà Bắc Kinh đặt ra. Trước nay, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng họ ủng hộ phi hạt nhân hóa nhưng phải bằng biện pháp đối thoại và tham vấn. Bắc Kinh đề xuất biện pháp “cùng đóng băng” để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại, tức là phía Bắc Hàn sẽ dừng thử hạt nhân, tên lửa, đồng thời liên minh Mỹ – Hàn Quốc cũng phải hủy bỏ các cuộc tập trận chung.

Ngoại giới đánh giá rằng, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận phương án của Trung Quốc và nếu ông Kim làm theo cách của ông Tập đề xuất thì tiến trình hòa bình tại Đông Á sắp tới sẽ gặp bất lợi.

Trung Quốc vẫn luôn điều khiển được Bắc Hàn nếu họ muốn và họ thường chỉ sử dụng sức ảnh hưởng của họ khi họ thấy cần thiết nhất. Hiện tại, có thể là thời điểm Bắc Kinh cần giật dây Bình Nhưỡng hành xử theo ý họ.

Về việc Bắc Kinh giật dây Bình Nhưỡng tùy thời điểm, ông Zhang Jiadun trong cuộc trao đổi với VOA có chỉ ra rằng: “Ví dụ, trong thời gian Đại hội 19 của Trung Quốc vào tháng Mười năm ngoái, Kim Jong-un không phóng tên lửa. Tôi chắc chắn ông Tập Cận Bình đã cảnh cáo Kim Jong-un rằng không được gây bất cứ hành động nào trong dịp sự kiện lớn này. Kết thúc Đại hội 19, Kim Jong-un ngay lập tức gửi thiệp chúc mừng nồng nhiệt. Đây là vì ông Tập Cận Bình yêu cầu”.

Ông Zhang Jiadun cho rằng cần tìm hiểu bản chất của quan hệ Trung – Triều. “Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến Bắc Hàn, Trung Quốc có thể nhanh chóng giải quyết được các loại vũ khí hạt nhân hoặc các vấn đề khác của Bình Nhưỡng nếu Bắc Kinh đã chọn hành động như vậy. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không chọn làm như vậy bởi vì Bắc Kinh muốn Bắc Hàn gây bất ổn cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Phải nhớ rằng đây là mối quan hệ giữa những con rối và những con rối, còn Trung Quốc là kẻ đang chơi rối”.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm:

Tân Bình

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Tân Bình

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

53 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

4 giờ ago