Hôm thứ Ba (27/6), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thay mặt Chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản báo cáo về nạn buôn người trên thế giới 2017. Trong bản bảo cáo dày hơn 454 trang, Hoa Kỳ đưa ra bức tranh toàn cảnh về vấn nạn buôn người và lao động cưỡng bức tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc lần đầu tiên trong nhiều năm bị liệt vào nhóm nước tồi tệ nhất về vấn nạn này cùng 22 quốc gia khác. Chính quyền Bắc Kinh bị xếp ngang hàng với các nước như Nga, Syria, Venezuela, Bắc Triều Tiên, Iran và một số nước châu Phi khác.
Báo cáo buôn người 2017 là tài liệu thường niên được phát hành bởi Văn phòng Giám sát và Đấu tranh với Tội phạm buôn người (OMCT) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cơ quan này cho rằng báo cáo của mình là nguồn thông tin toàn diện nhất thế giới về các nỗ lực chống lại nạn buôn người của chính phủ các nước.
Báo cáo này sắp xếp các quốc gia ở các cấp độ khác nhau dựa trên các dữ liệu về buôn người và lao động cưỡng bức:
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson công bố bản báo cáo về nạn buôn người trên thế giới hôm 27/6
Trong bài phát biểu khi công báo báo cáo, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng: “Trung Quốc bị hạ cấp xuống cấp độ 3 trong báo cáo năm nay bởi vì họ không thực hiện các hành động nghiêm túc để chấm dứt hành vi đồng loã với nạn buôn người, trong đó có cả các lao động cưỡng ép từ Bắc Hàn đang ở Trung Quốc”.
Cũng tại buổi tuyên bố báo cáo, dân biểu Cộng hoà Chris Smith, người đã đề xướng luật chống buôn người dẫn đến việc thành lập báo cáo OMCT của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, kêu gọi Nhà Trắng áp dụng các chế tài trừng phạt Bắc Kinh vì hồ sơ vi phạm buôn người của họ.
Vậy vấn nạn buôn người và cưỡng bức lao động là gì? Và thực trạng này đang diễn ra tại Trung Quốc ra sao?
Theo định nghĩa của Văn phòng Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc: buôn bán người là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người bằng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa dối, lạm dụng quyền lực hoặc lạm dụng người dễ bị tổn thương, hoặc trả các khoản thanh toán hoặc lợi ích cho một người để kiểm soát các nạn nhân cho mục đích khai thác, trong đó bao gồm khai thác mại dâm người khác, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, nô lệ, hay tương tự, và lấy nội tạng.
Theo các báo cáo của Mỹ và một số tổ chức theo dõi nạn buôn người, Trung Quốc là nguồn cung, là nơi trung chuyển, và là điểm đến của nạn buôn người, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, nhất là những nạn nhân của lao động cưỡng bức và mại dâm cưỡng bức. Phụ nữ và trẻ em tại Trung Quốc bị buôn tới châu Phi, châu Âu, Mỹ La Tinh, Trung Đông và Bắc Mỹ, và đặc biệt là tới Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản để cho việc khiêu dâm và lao động cưỡng bức. Ngược lại, phụ nữ và trẻ em tại Myanmar, Việt Nam, Mông Cổ, Nga, Bắc Triều Tiên, Rumani và Ghana bị buôn tới Trung Quốc.
Xem thêm: Nạn buôn người ở Sapa, hãy giúp các cô gái vùng cao lên tiếng
Lạm dụng lao động trẻ em
Các phương tiện truyền thông quốc tế và báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết trẻ em Trung Quốc tham gia vào các chương trình vừa học vừa làm được bảo trợ bởi các chính quyền địa phương và trường học đã bị buộc phải làm việc tại các nhà máy. Chẳng hạn như trẻ em ở khu tự trị Tân Cương bị ép làm việc trong các nhà máy sản xuất bông trong nhiều giờ. Trẻ em không có tiếng nói và không được đảm bảo điều kiện an toàn lao động tối thiểu.
Trong báo cáo OMCT cũng chỉ ra rằng trẻ em bị bắt buộc lao động trong các lò gạch, các mỏ than và các nhà máy, một số đơn vị hoạt động bất hợp pháp và lợi dụng sự thực thi luật pháp lỏng lẻo của chính phủ. Báo cáo cho thấy trẻ em bị cưỡng bức lao động thường ở độ tuổi từ 13 đến 15 tuổi, cũng có những đứa trẻ chỉ hơn 10 tuổi.
Một trường hợp trẻ bị bố mẹ bán tại Trung Quốc vào năm 2012.
Cũng theo OMCT, trẻ em Trung Quốc bị cưỡng bức lao động và lạm dụng tình dục ở ít nhất 19 nước khác. Những đứa trẻ này bị lừa ra nước ngoài làm việc trong các quán ăn, cửa hàng, nông nghiệp hoặc các nhà máy của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại. Một số trẻ em bị giam giữ tại nhà riêng khi đến nước ngoài, bị tổ chức lao động cưỡng bức, và lạm dụng tình dục.
Xem thêm: 3.000 trẻ em Việt Nam bị đưa sang Anh làm nô lệ
Bóc lột tình dục phụ nữ
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, luật pháp của Trung Quốc về buôn bán phụ nữ và trẻ em cho mục đích bóc lột tình dục rất lỏng lẻo. Điều 244 của Luật hình sự Trung Quốc có quy định tội lao động cưỡng bức, nhưng chỉ xử phạt hành chính bằng tiền hoặc phạt tù không quá ba năm tù và chỉ áp dụng với các tình huống được cho là “nghiêm trọng”. Hình phạt như vậy là không đủ nghiêm để ngăn chặn tội phạm.
Do đó, số phụ nữ bị bóc lột tình dục tại Trung Quốc đang tăng lên theo cấp số nhân. Những tên tội phạm buôn người thường thu hút nạn nhân thông qua những lời hứa hẹn về mức lương cao và thu nhập công việc ổn định. Nhiều phụ nữ bị lừa vì họ đang sống trong cảnh nghèo khó và không được học hành đầy đủ. Nạn nhân thường rơi vào những người dân tộc thiểu số cả tin vào lời hứa hẹn của những kẻ buôn người và họ hy vọng sẽ sớm được đổi đời, có một cuộc sống tốt đẹp hơn khi tới các vùng đô thị.
Vấn nạn buôn bán và bóc lột tình dục bắt nguồn từ sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc (tỉ lệ 117 bé trai/100 bé gái). Phụ nữ thường được bán sang các tỉnh như Hà Nam, nơi sự mất cân bằng nam nữ là đặc biệt nghiêm trọng. Thông thường, đàn ông bắt cóc phụ nữ sau khi dụ dỗ họ bằng hứa hẹn về việc làm và tiền bạc, nhưng sau đó lại bán trao tay họ cho các làng hoặc các tỉnh khác. Phụ nữ bị buôn bán thường bị ép buộc kết hôn và do đó bị bóc lột tình dục kéo dài. Theo cô Cindi Chu, một diễn viên và là nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Hoa viết trong bài báo “Buôn người ở Trung Quốc”, phụ nữ bị bóc lột tình dục trước đây thường ở độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi, nhưng gần đây hầu hết nạn nhân đều dưới 20 tuổi và đặc biệt có một số bé gái chỉ mới 12 tuổi.
Mua bán nội tạng
Việc mua bán nội tạng trên thị trường chợ đen tồn tại phổ biến ở Trung Quốc. Thông thường, theo văn hóa của nước này, nội tạng của người đã khuất không được phép động chạm đến, vì thế số lượng người tham gia hiến tạng là rất thấp. Bởi vậy, Trung Quốc công bố rằng nước này sử dụng nội tạng của tử tù để thay thế. Khi còn là phó bộ trưởng bộ Y tế, ông Hoàng Khiết Phu đã từng phát biểu trên đài truyền hình Trung ương CCTV rằng hầu hết nội tạng cấy ghép ở Trung Quốc tới từ tử tù. Tuy nhiên, vấn đề mua bán nội tạng ở Trung Quốc tồn tại một dấu hỏi lớn.
Theo tổ chức Chữ thập đỏ Bắc Kinh công bố vào năm 2011, trong suốt 20 năm qua, trên toàn quốc họ chỉ nhận được có 37 người tình nguyện hiến tạng. Trong khi đó, theo các báo cáo ghép tạng cả trong và ngoài Trung Quốc thì trong nhiều năm, con số ghép tạng ở nước này là hơn 10.000 ca. Đơn cử như theo báo cáo về nạn du lịch ghép tạng trên thế giới của Budiani-Saberi và Delmonico vào năm 2008, thì con số ghép tạng ở Trung Quốc năm 2006 là 11.000 ca.
Hơn nữa, ghép tạng không phải là một điều đơn giản, để có được tạng phù hợp thì phải có nhóm máu phù hợp, và mô phù hợp, chưa tính đến tỉ lệ tạng bị đào thải sau khi cấy ghép. Đối với anh chị em, tỉ lệ trùng khớp chỉ là 25%, đối với những trường hợp khác, tỉ lệ chỉ vào khoảng 1,2% theo nghiên cứu tại khu vực địa lý Trung Quốc. Như vậy, để có hơn 10.000 ca ghép tạng, thì phải có gấp nhiều lần con số đó – tức là phải có hàng chục ngàn người hiến tạng hoặc tử tù.
Số lượng người hiến tạng ở Trung Quốc là quá nhỏ, còn số lượng tử tù bị thi hành án tại Trung Quốc hàng năm ước tính chỉ là từ 2.000 tới 8.000 người, theo các tổ chức về nhân quyền, do nước này không công bố số liệu chính thức.
Vậy thì nguồn nội tạng khổng lồ đó từ đâu ra? Làm thế nào mà Trung Quốc trở thành cái gọi là “cường quốc ghép tạng” đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ? Đây cũng là điều khiến các nhà nghiên cứu tập trung vào cuộc đàn áp hàng triệu người theo Pháp Luân Công đang diễn ra tại đất nước này. Nhiều báo cáo điều tra đã được công bố từ năm 2006 tới nay, cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thực hiện hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn đối với những tù nhân lương tâm, đặc biệt là đối với Pháp Luân Công.
Ngày 13/6/2016, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm. Ngày 12/9/2016, Nghị viện châu Âu cũng thông qua Bản tuyên bố số 48 được 414 nghị viên ký thông qua, kêu gọi dừng hành vi mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm đang diễn ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên cho tới hiện tại, vấn đề này vẫn chưa nhận được phản hồi thích đáng từ phía Trung Quốc.
Xem thêm: Điều tra mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa Bình 2017
Đẻ mướn
Đẻ mướn cũng được xếp vào một hình thức buôn người. Mặc dù điều này là phạm pháp tại Trung Quốc, nó vẫn thường xuyên diễn ra. Thực tế, trong vòng 30 năm qua, ước tính đã có hơn 25.000 trẻ em được sinh ra do đẻ mướn tại Trung Quốc. Hầu hết những người phụ nữ đẻ mướn tới từ vùng nông thôn, và được trả khoảng 140.000 nhân dân tệ cho mỗi ca đẻ mướn. Những cặp vợ chồng giàu có hiếm muộn ở Trung Quốc thường đi qua những cò trung gian để liên lạc với các phụ nữ đẻ mướn. Một trong những nguyên nhân của nạn đẻ mướn là việc thụ tinh ống nghiệm có nguy cơ sinh đôi và sinh ba cao, vi phạm chính sách một con tại Trung Quốc.
Hệ thống các trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc mà nước này gọi là hệ thống lao cải (cải tạo thông qua lao động) phát triển rộng khắp trên toàn Trung Quốc. Đây là một hệ thống giam giữ hành chính đối với những người không phải là tội phạm bị kết án chính thức nhưng đã phạm tội nhỏ hoặc bị bắt theo một chỉ lệnh nào đó của nhà cầm quyền. Rất nhiều các sản phẩm hàng tiêu dùng mà Trung Quốc xuất sang châu Âu hay Hoa Kỳ xuất xứ từ các trại lao động cưỡng bức này.
Trong năm 2008, Tổ chức Nghiên cứu Lao cải, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền ở Washington (Hoa Kỳ) ước tính có khoảng 1.045 cơ sở lao cải đang hoạt động ở Trung Quốc, và có khoảng 500.000 đến 2 triệu người bị giam giữ tại đây.
Hệ thống lao cải ở Trung Quốc đã có từ thời Mao Trạch Đông. Theo Jean-Louis Margolin, trong cuộc trấn áp phản cách mạng thời Mao Trạch Đông, sự khắc nghiệt của hệ thống lao cải và nhà tù chính thức đã đạt đến mức chưa từng có, và tỷ lệ tử vong cho đến năm 1952 là “chắc chắn vượt quá” 5% dân số mỗi năm. Cũng theo đó, tra tấn là chuyện bình thường và việc trấn áp các cuộc nổi dậy, vốn là rất nhiều, dẫn tới “những cuộc thảm sát thật sự”. Ví dụ như trong số 20.000 tù nhân làm việc trong các mỏ dầu ở Diêm Thành, đã có vài nghìn người bị hành quyết.
Nhà viết tiểu sử Mao là Jung Chang và nhà sử học Jon Halliday ước tính rằng có khoảng 27 triệu người đã chết trong các trại giam và trại lao động cưỡng bức trong thời kỳ của Mao Trạch Đông cầm quyền tại Trung Quốc. Tuy nhiên cho tới hiện tại, hệ thống này vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau dù đã được thay đổi tên gọi.
Hệ thống lao cải và nhà tù tại Trung Quốc cũng bị cáo buộc là nơi cưỡng chế tẩy não những người có tín ngưỡng tại Trung Quốc như người Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, Thiên chúa giáo gia đình, và Pháp Luân Công. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để tẩy não tù nhân chính trị và các nhà hoạt động. Đơn cử như trường hợp của luật sư nhân quyền nổi tiếng thế giới Cao Trí Thịnh, người đã bị bắt giữ và tra tấn bức cung nhiều lần trong hệ thống này. (Xem thêm: Chuyên đề Cao Trí Thịnh – Dũng khí vượt qua sợ hãi)
Bình Minh
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…