Vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn đang leo thang nghiêm trọng và không loại trừ khả năng sẽ có chiến tranh Triều Tiên lần hai. Trung Quốc đã thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ để gây sức ép buộc chế độ Kim Jong Un từ bỏ tham vọng hạt nhân. Nhưng các biện pháp kinh tế mà Bắc Kinh đang áp dụng khá nhỏ giọt và cầm chừng, không khác nhiều so với các lần căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trước đây. Vậy Bắc Triều Tiên có ý nghĩa thế nào với Trung Quốc? Tại sao trong suốt hơn nửa thế kỷ qua Bắc Kinh vẫn luôn đứng sau hậu thuẫn chế độ Bình Nhưỡng?
Xét trên bình diện cá nhân hay quốc gia, con người vẫn đang cư xử với nhau bằng lợi ích. Một người hay một quốc gia khi đặt mối quan hệ với người khác, quốc gia khác đều phải xét đến các lợi ích của mình trước tiên. Lợi ích tự thân là động cơ để các bên duy trì mối lương duyên với nhau. Khi lợi ích còn, mối quan hệ đó sẽ còn được duy trì.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc nổi lên là đối tác quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên. Từ thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, đến Hồ Cẩm Đào và bây giờ là Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn duy trì lợi ích chiến lược tại Bắc Hàn bằng cách hiện thực hóa các mục tiêu sau: Bảo vệ chế độ Bắc Hàn; Tránh chiến tranh và duy trì chia cắt hai miền Triều Tiên; Đánh lạc hướng các đối thủ trong chuyển động địa chính trị quốc tế; Duy trì “lá bài” Bắc Hàn giúp Trung Quốc tạo lợi thế trong quan hệ thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bắc Triều Tiên từ lâu đã duy trì chế độ độc tài, độc đảng và gia đình trị. Xét về vỏ bọc bề ngoài Trung Quốc và Bắc Hàn vẫn đang mang danh những nước cùng hệ tư tưởng Xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trung Quốc bảo vệ chế độ tại Bắc Hàn cũng là gián tiếp bảo vệ mình, bảo vệ tính chính danh cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là ưu tiên xuyên suốt qua các thế hệ lãnh đạo Bắc Kinh.
Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, viện trợ kinh tế của Trung Quốc – đặc biệt là lương thực và năng lượng – là điều sống còn đối với Bắc Hàn, thay thế cho các trợ cấp đã chấm dứt của Liên Xô. Điều này đã ngăn chặn một sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Bắc Triều Tiên, và cho phép Bình Nhưỡng vượt qua giai đoạn đói kém và khôi phục trở lại một mức sinh kế cơ bản.
Hiện tại, các số liệu thống kê kinh tế trong những năm gần đây cho thấy kinh tế Bắc Hàn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp 90% nhiên liệu, 80% hàng tiêu dùng và 45% thực phẩm cho Bắc Triều Tiên.
Kém rõ ràng hơn là việc hợp tác và viện trợ quân sự tiếp tục của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cho Bình Nhưỡng. Tuy vậy, sự hợp tác này giúp củng cố năng lực của các lực lượng an ninh Bắc Triều Tiên, vừa đủ lực chống lại Hàn Quốc và bất kỳ cuộc nổi loạn tiềm tàng nào trong nước, vừa tiếp tục đảm bảo thỏa thuận quốc phòng chung năm 1961 giữa hai nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn lan tỏa các chính sách cải cách của Bắc Kinh sang Bình Nhưỡng ngay từ đầu những năm 1990s để giúp Bắc Hàn thực sự mạnh về nội lực, giảm thiểu đói nghèo, ổn định kinh tế kéo theo ổn định chính trị. Nhưng điều này không được sự chấp nhận của chế độ nhà họ Kim, bởi những cải cách này có nguy cơ đẩy quyền lực chính trị độc tôn của họ vào nguy hiểm. .
Không thể ép được người hàng xóm ‘bướng bỉnh’ của mình, Bắc Kinh buộc phải lựa theo quyết sách của Bình Nhưỡng hài hòa với mục tiêu chung của Trung Quốc, miễn sao chế độ nhà Kim phải duy trì lâu dài, tức là cho phép Bắc Hàn độc lập tương đối, chủ động trong chiếc lược bên “miệng hố chiến tranh” của mình, nhưng không được đi quá giới hạn có thể dẫn tới xung đột thực sự trên bán đảo Triều Tiên và có thể gây ra hệ quả cuối cùng là sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.
Nếu chiến tranh Triều Tiên nổ ra Trung Quốc sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro về cả mặt xã hội, kinh tế và chính trị.
Nếu xảy ra xung đột vũ trang tại Triều Tiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một làn sóng hàng trăm nghìn dân tị nạn Bắc Hàn. Đây là cuộc khủng hoảng di dân không nhỏ và sẽ có nhiều hậu quả xã hội kéo theo rất khó lường trước.
Chiến tranh cũng sẽ khiến kinh tế Trung Quốc bất ổn, điều mà giới lãnh đạo Bắc Kinh không mong đợi vì họ vẫn đang đặt mục tiêu phát triển kinh tế là trọng tâm trong giai đoạn này.
Chiến tranh sẽ kéo theo bất ổn chính trị, không chỉ ở Triều Tiên mà có thể lan sang cả Trung Quốc. Áp lực nhân quyền, dân chủ từ nội bộ đã đủ làm giới chức Bắc Kinh đau đầu, nếu có thêm tác động sụp đổ của chế độ XHCN ở Bắc Hàn, không ai dám chắc tương lai Trung Quốc sẽ đi về đâu.
Duy trì nguyên trạng bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Dù thống nhất Triều Tiên theo hướng nào, giới chức Trung Quốc cũng không thấy có lợi cho mình. Bắc Triều Tiên sáp nhập vào Hàn Quốc là kịch bản tồi tệ với Bắc Kinh, khi đó quân đội Mỹ (đang đồn trú tại Hàn Quốc) sẽ có khả năng áp sát biên giới Trung Quốc. Nhưng một Triều Tiên thống nhất bằng sức mạnh của miền Bắc cũng là điều Bắc Kinh không mong muốn vì điều đó có thể sẽ biến nước này thành “một Việt Nam khác”. Trung Quốc khi đó sẽ rất khó kiểm soát và gây ảnh hưởng lên Triều Tiên như hiện tại.
Để tránh xung đột, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều hướng các bên liên quan trong vấn đề Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, từ đàm phán 4 bên thời Giang Trạch Dân, đến đàm phán 6 bên trong giai đoạn Hồ Cẩm Đào đều không đem tới kết quả tích cực và các cuộc đàm phán này đã bị đình trệ từ năm 2009.
Hiện nay, ông Tập Cận Bình cũng mong muốn và kêu gọi các bên nối lại đàm phán nhưng dường như điều này không nhận được sự đồng thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thiên về hướng yêu cầu Bắc Kinh tăng áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng hoặc Hoa Kỳ sẽ đơn phương tự giải quyết vấn đề Bắc Hàn.
“Lá bài” Bắc Triều Tiên thực sự rất hữu ích cho Trung Quốc trong việc đánh lạc hướng sự chú ý, cũng như các nỗ lực của đối thủ trong các cạnh tranh khác trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Việc tập trung toàn lực vào giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ khiến Hoa Kỳ và các nước đồng minh rất khó kiểm soát sự leo thang của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hay vấn đề Đài Loan, cùng nhiều điểm nóng chiến lược khác.
Đồng thời, để Trung Quốc hợp tác giải quyết vấn đề Triều Tiên, Hoa Kỳ có thể sẽ phải nhượng bộ một số phương diện khác. Minh chứng là hiện nay chính quyền Trump đã không còn gắn nhãn “kẻ thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc như những tuyên bố của ông này trước cử tri trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. Tân Tổng thống Mỹ cũng đã chấp nhận với chính sách “một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan và duy trì ở mức “kiên nhẫn chiến lược” trong các tranh chấp biển Đông.
Tại sao Bắc Kinh lại có thể tăng cường hợp tác thương mại với các đối thủ của Bắc Hàn? Đó một phần là vì Hoa Kỳ và các đồng minh cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc kiềm tỏa Bình Nhưỡng.
Trung Quốc hậu thuẫn Bắc Hàn cả công khai và bí mật, nhưng trên diễn đàn quốc tế và khu vực hay các cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác họ vẫn bày tỏ rõ ràng quan điểm phản đối Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Ở một chừng mực vừa phải, Bắc Kinh luôn ủng hộ LHQ ra các nghị quyết lên án hay trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan đến vấn đề hạt nhân. Nghị quyết mới đây của LHQ lên án vụ thử tên lửa gần nhất của Bình Nhưỡng cũng được Trung Quốc ủng hộ.
Bắc Kinh dùng chính những nhượng bộ trong giới hạn của họ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên để tạo lợi thế trong các đàm phán thương mại và quan hệ thương mại với Mỹ, Nhật, Hàn. Trung Quốc vẫn đang cùng Hàn Quốc tích cực xúc tiến các bước đàm phán cuối cùng Hiệp định thương mại song phương Trung – Hàn. Hiện tại, ông Tập cũng đang xúc tiến đàn phán Hiệp định đầu tư song phương Trung – Mỹ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn trên đất Mỹ. Những áp lực kinh tế mà Trung Quốc đặt lên Bình Nhưỡng gần đây có thể là một phần trong những “mặc cả” Trump – Tập về vấn đề thương mại mà hai bên đã đạt được sơ bộ trong cuộc hội nghị thượng đỉnh không chính thức của hai nhà lãnh đạo này tại Floria, Hoa Kỳ hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Với những lợi ích chiến lược như vậy, nên rất khó để Trung Quốc buông Bắc Hàn. Kể cả dùng biện pháp kinh tế để ép Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, chính quyền Bắc Kinh cũng hành động rất chừng mực và không bao giờ làm quá căng khiến có thể gây bất ổn cho đồng minh của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi các động thái mạnh tay hơn từ Trung Quốc, nhưng dường như triển vọng của phương án thỏa hiệp với Trung Quốc để gây áp lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là không mấy khả quan.
Tân Bình
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…