Tại sao Việt Nam khó thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng mới của TG?

Nay khi Việt Nam tỏ ra đã chiến thắng cuộc chiến y tế chống lại COVID-19 với thành tích không ca tử vong (tới thời điểm hiện tại) khiến thế giới thán phục, nhiều người cho rằng đất nước này cũng sẽ trở thành kẻ chiến thắng về phương diện kinh tế từ đại dịch này.

Ảnh: Chip Somodevilla/Getty

Theo các nguồn tin của Việt Nam, có nhiều đồn đoán rằng nước này cũng có thể giành lợi ích từ làn sóng “tách Trung” về mặt kinh tế của các công ty Hoa Kỳ, bằng việc di dời các dây chuyền sản xuất từ đại lục ra các nước nhân công giá rẻ khác tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hồi đầu tháng Năm, truyền thông Việt Nam đưa tin tập đoàn công nghệ khổng lồ Apple đã bắt đầu sản xuất từ 3-4 triệu tai nghe Airpod (30% sản lượng quý) tại Việt Nam từ tháng Tư, một dấu hiệu cho thấy công ty đang tái cấu trúc một phần chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà cung cấp của Apple như Foxconn, Pegatron và nhà sản xuất iPad Compal Electronics cũng đang mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Inventec, một công ly lắp ráp Airpod cũng được đưa tin là đang xây dựng một nhà máy ở Việt Nam.

Thảm họa do đại dịch COVID-19 gây ra lại kéo căng căng thẳng Mỹ-Trung đến cực điểm. Tổng thống Donald Trump mở ra cuộc khẩu chiến chống Trung Quốc mạnh hơn mức bình thường trong cuộc chiến thương mại, bao gồm đặt ra nghi vấn về nguồn gốc virus đến từ phòng thí nghiệm Vũ Hán chứ không phải từ chợ động vật hoang dã như phía Trung Quốc báo cáo.

Đầu tháng này, trong cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Trump dọa Mỹ có thể “cắt hẳn quan hệ với Trung Quốc”, một lời đe dọa gần đây đã được củng cố giá trị bởi việc Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua đạo luật cho phép chính phủ Mỹ gỡ bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Động thái này khiến giá cổ phiếu của các tập đoàn Trung Quốc lao dốc chóng mặt.

Hôm 18/5, truyền thông Mỹ đưa tin giới chức nước này đang lên một kế hoạch quy mô lớn để khích lệ các công ty Trung Quốc đưa dây chuyền sản xuất kinh doanh trở về Mỹ, trong đó có gói kích thích “trở về quê hương” trị giá 25 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố họ có kế hoạch trả tiền để khích lệ các công ty của mình rời Trung Quốc trở về Nhật.

Hơn nữa, ông Trump còn đưa ra chiêu bài quen thuộc của mình là dọa áp các khoản thuế mới lên mức 25% hiện đang áp dụng đối với 370 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gây áp lực đối với các tập đoàn đa quốc gia hiện vẫn còn sản xuất ở Trung Quốc.

Ông Trump cũng có các chỉ dấu cho thấy chính quyền của ông đang xây dựng một mạng lưới đồng minh mới bao gồm “các đối tác đáng tin cậy” được gọi là “Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế” để hỗ trợ nhau thực sự “rời bỏ” Trung Quốc về kinh tế.

Hồi cuối tháng Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói bóng gió rằng Việt Nam có thể trở thành một thành viên của liên minh này, khi cho biết ông đã nói chuyện với Hà Nội, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc về “cách chúng ta có thể tái cơ cấu các chuỗi cung ứng để tránh một chuyện như thế này có thể tái diễn một lần nữa”.

Cùng lúc đó, Việt Nam đang cực kỳ mong mỏi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mới. Do đại dịch COVID-19, đầu tư nước ngoài đã giảm 15% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Tư năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi đầu tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các ngành kinh tế tư nhân và nhà nước “cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ như chiếc lò xo bị nén lại và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra”, ông Phúc nói trong một hội nghị kinh tế online lớn nhất Việt Nam mà tờ Tuổi Trẻ gọi là “hội nghị Diên Hồng”.

Trong những năm gần đây, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã tái cơ cấu ít nhất một phần trong chuỗi sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc, tới những nơi như Việt Nam, nơi có giá nhân công rẻ và cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ.

Năm ngoái, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, đóng góp ít nhất 1/5 trong số tổng cộng 38 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sau Hàn Quốc là Hồng Kông, Nhật Bản và Trung Quốc.

Việt Nam cũng là một số ít quốc gia hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dai dẳng từ năm 2018, do hàng rào thuế qua mà Mỹ dựng lên khiến nhiều công ty chọn cách rời nhà máy ra ngoài Trung Quốc. Và cũng vì lý do này, Việt Nam có tiềm năng giành được nhiều lợi ích hơn nữa do làn sóng tách Trung hậu đại dịch.

Mức lương tối thiểu ở Việt Nam hiện còn thấp hơn các nước nghèo hơn như Campuchia, giao động ở mức 132-190 USD/tháng, tùy tỉnh thành.

Việt Nam cũng là thành viên của hơn chục thỏa thuận thương mại quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương 11 thành viên, mà một thỏa thuận tự do thương mại với Châu Âu ký năm ngoái.

Một số nhà phân tích gọi các thỏa thuận này là “Trung Quốc cộng một” hoặc “Trung Quốc cộng hai”, với bản chất là việc các hãng quốc tế vẫn duy trì một bộ phần chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và đa dạng hóa một bộ phận ở các nước khác, đặc biệt là những nơi có địa lý gần Trung Quốc như Việt Nam.

Trong khi làn sóng đầu tư mới sẽ xuất hiện từ các tập đoàn rời bỏ Trung Quốc có thể làm dịu đi phần nào hậu quả kinh tế do đại dịch mà bất kỳ nước nào cũng đều phải đối mặt, “Sản xuất tại Việt Nam” chưa thể thay thế “Sản xuất tại Trung Quốc” trong tương lai gần, hay thậm chí là không bao giờ có thể.

David Dodwell, giám đốc điều hành Nhóm nghiên cứu Chính sách kinh tế Hồng Kông – APEC, một think tank, đã lý giải điều này bằng cách liệt kê điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong một bài xã luận gần đây đăng trên tờ Hoa Nam Tảo Báo (SCMP).

Một là quy mô. GDP của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 1/55 lần của Trung Quốc, trong khi đó 15 tỉnh thành ở Trung Quốc có GDP cao hơn toàn bộ đất nước Việt Nam.

Trung Quốc có 800 triệu nhân công có thể sản xuất, còn Việt Nam chỉ có 55 triệu. Năm 2015, tác giả Dodwell lưu ý rằng đóng góp của Trung Quốc vào sản lượng sản xuất công nghiệp toàn cầu là tới 28% trong khi Việt Nam chỉ có 0,27%.

Còn nhiều khía cạnh kỹ thuật phải kể đến như sau. Cảng container Thượng Hải, một trong những cảng đông đúc nhất thế giới, có thể xử lý 40 triệu thùng container một năm, trong khi cảng Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam chỉ có thể xử lý 6,15 triệu thùng.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam còn gặp khó khăn khi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước ngày càng tăng. Trong tháng 5 này, Thủ tướng Phúc thậm chí phải lên tiếng đề nghị các gia đình và doanh nghiệp giảm tiêu dùng điện và tắt bớt bóng đèn quảng cáo vào ban đêm.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có một thị trường tiêu thụ nội địa ngày càng lớn mạnh với sức mua ngày càng hấp dẫn để níu chân các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tức là các hãng sản xuất tại Trung Quốc có thể giành được lợi nhuận lớn hơn khi không mất chi phí xuất khẩu.

Ở Việt Nam, đây là một bất lợi, tính trên GDP/đầu người, Việt Nam còn thấp hơn các nước nghèo như Libya, Guatemala và Belize.

Hơn thế nữa, nhiều tiền đầu tư cũng mang lại nhiều vấn đề hơn cho Hà Nội. Kể từ khi Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, ông ta liên tục thể hiện thái độ lên xuống liên tục với Việt Nam. Thủ tướng Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên mà ông Trump nói chuyện và mời đến gặp tại Tòa Bạch Ốc. Nhưng ông Trump cũng không quên “nạt” rằng Việt Nam còn là nước lợi dụng Mỹ ghê gớm nhất thế giới, thậm chí hơn cả Trung Quốc. Chính sách “nước Mỹ trên hết” và tham vọng đưa việc làm trở lại Mỹ khiến ông Trump nhìn nhận bất kỳ nơi đâu “cướp đi việc làm của người Mỹ” đều là kẻ thù tiềm năng.

Thủ tướng Việt Nam đã phải cố gắng “chiều lòng” ông Trump, ký kết một số thỏa thuận nhập khẩu lớn với Mỹ trị giá hàng tỷ USD, trong đó có một hợp đồng mua máy bay, nhằm giảm bớt thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ. Tuy nhiên, đi kèm với làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang là các con số thặng dư sẽ tăng chóng mặt, một điều nguy cơ khiến Việt Nam thành mục tiêu mới của Mỹ.

Năm 2019, thặng dư thương mại song phương Việt-Mỹ là 47 tỷ USD, tăng mạnh từ con số 34,9 tỷ đô năm 2018, theo số liệu của Tổng cục thống kê.

Nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 này, và gần như chắc chắn ông này sẽ tiếp tục chính sách dân túy “ám ảnh” về việc phải giảm bớt thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ trong khi căng thẳng Mỹ-Trung khiến các chuỗi cung ứng đổ về Việt Nam, Hà Nội chắc chắn sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực từ các cơn thịnh nộ bất chợt của ông Trump.

Trọng Đức (theo Asiatimes)

Xem thêm:

Trọng Đức

Published by
Trọng Đức

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

12 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

38 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

1 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago